Thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 19/04/2024, 11:11

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên: “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên”. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Y Linh - nhà nghiên cứu âm nhạc, hiện đang định cư tại Pháp về kịch bản của chương trình này.

- Xin chào Tiến sĩ Lê Y Linh! Là người hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, cơ duyên nào đã khiến chị nảy ra ý tưởng, đề xuất nội dung kịch bản cho dự án nghệ thuật về Điện Biên Phủ vào tháng 5 có ý nghĩa lịch sử này?

Thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ -1
Tiến sĩ Lê Y Linh.

+ Người làm nghiên cứu chúng tôi luôn phải tự đặt câu hỏi cho mình và những điều mình làm, nói, tổng kết, biểu cảm hay thực hiện... liệu đã có đủ cơ sở khoa học chuẩn xác chưa? Đã được đặt vào các tình huống khách quan nhất có thể chưa? Có đủ luận chứng để biện minh cho sự lựa chọn của mình chưa?... cùng rất nhiều câu hỏi khác. Và, khi đưa ra một ý tưởng nào đó, thì cần đối chứng và cân nhắc để đảm bảo sự nghiêm cẩn nhất có thể. Điện Biên Phủ với tôi chính là biểu tượng của một đất nước Việt Nam độc lập, làm chủ vận mệnh của mình đi ra thế giới. Và, nếu nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại, biểu tượng này cũng có thể áp dụng cho những thành tựu của nền âm nhạc Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, ngôn ngữ đỉnh cao của âm nhạc thế giới.

Từ hai mệnh đề trên, tôi đã xây dựng nên ý tưởng đầu tiên của chương trình cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi. Và, cơ duyên đã cho chúng tôi gặp được mong muốn xây dựng một chương trình kỷ niệm với tiêu chí cao nhất là nghệ thuật của Nhà hát Hồ Gươm. Chúng tôi kỳ vọng “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên” mang thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật.

- Chị có thể cho biết ý tưởng kịch bản và điểm nhấn của chương trình là gì?

+ Ý nghĩa đầu tiên là Điện Biên Phủ, nhưng chương trình còn mang ý nghĩa thứ hai là cùng khán giả lần giở lại một trang trong lịch sử âm nhạc Việt Nam và ý nghĩa thứ ba là mang một thông điệp nghệ thuật của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam tới công chúng ngày hôm nay. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng. Điều đặc biệt là, ngay từ khi ý tưởng của chương trình “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên” được tôi trình bày với Nhà hát Hồ Gươm, đã nhận được sự nhất trí cao. Bởi, ý nghĩa to lớn của chương trình là thông qua âm nhạc để khẳng định lại thành tựu to lớn của một phần lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đồng thời cũng cho thấy thành tựu phát triển của âm nhạc Việt Nam - đồng hành cùng dân tộc.

Một chút áp lực với chúng tôi là phải đảm bảo tính nghệ thuật có quy mô lớn về biên chế của dàn nhạc với hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên của cả Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Dàn nhạc kèn CAND và Dàn hợp xướng. Cùng với đó là việc đặt hàng các nhạc sĩ phối khí làm để giữ được hồn cốt tác phẩm nhưng cũng vẫn phải mang được hơi thở thời đại. Chương trình còn phải mang sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc và thăng hoa cùng khán giả để tránh rơi vào những công thức sáo mòn. Đây là thử thách rất lớn nhưng cũng sẽ là nguồn động lực cho ê-kíp khi thực hiện chương trình. Tất cả diễn ra trong khoảng thời gian ngắn cũng là một thử thách đối với ê-kíp thực hiện.

Thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ -0
Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên” được Bộ Công an chỉ đạo thực hiện.

- Việc lựa chọn tác phẩm hẳn cũng có lý do riêng?

+ Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ đã vang lên động viên toàn quân toàn dân dồn sức đi đến chiến thắng. Khi Điện Biên Phủ của những người lính khép lại, ý nghĩa đặc biệt của chiến dịch hào hùng ấy đã là nguồn cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm nghệ thuật ở tất cả các ngành văn, thơ, nhạc, họa ở Việt Nam và trên thế giới từ 70 năm nay.

Việc lựa chọn tác phẩm cho một chương trình với những yêu cầu nghệ thuật đòi hỏi khắt khe là một bài toán khó. Đáp án lựa chọn của chương trình kỷ niệm 70 năm có mẫu số chung là tập hợp các tác phẩm ra đời trong khoảnh khắc đặc biệt - một trang sử còn ít người biết đến của nền âm nhạc Việt Nam.

Theo đó, sáng 16/12/1954, các Đoàn Văn công trong kháng chiến đã về dự khai mạc Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ Nhất, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, Đại hội được tiến hành trong hai tuần tại nhiều địa điểm với hơn một ngàn văn nghệ sĩ tham gia. Địa điểm chính là ở Nhà hát Nhân dân (tức Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô ngày nay). Trước đó là khu Đấu xảo thời Pháp đã bị ném bom trong chiến tranh. Khán đài ngoài trời có sức chứa hơn một vạn khán giả của Nhà hát đã được xây dựng trong vòng 23 ngày để phục vụ Đại hội.

Vì vậy, ý tưởng đầu tiên khởi phát cho chương trình nghệ thuật được xuất phát từ một cuốn sách xuất bản năm 1955 với tiêu đề “Tập nhạc được Giải thưởng Đại hội văn công toàn quốc”, năm 1954. Trong đó, Giải Nhất là tác phẩm "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân và 4 Giải Nhì gồm các tác phẩm: "Quê tôi giải phóng" của Văn Chung; "Mừng chiến thắng Tây Bắc" - nhạc Đặng Đình Hưng, lời Đào Vũ và Thái Ly; "Hát mừng chiến thắng Điện Biên" của Đỗ Nhuận; "Mùa lúa chín" của Hoàng Việt.

- Điểm nhấn và thông điệp mà ê-kíp muốn chuyển tải trong chương trình là gì, thưa tiến sĩ!

+ Cùng với thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật thì ê-kíp thực hiện kỳ vọng mang tới công chúng những cảm nhận sâu sắc thông qua sức mạnh biểu đạt của Dàn nhạc Giao hưởng và cả Dàn hợp xướng. Đáng chú ý là hai tác phẩm biểu tượng của Điện Biên Phủ trong danh sách được giải tại Đại hội sẽ được phối khí theo phong cách hoàn toàn mới. Tác phẩm "Giải phóng Điện Biên" sẽ do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết lại cho Dàn nhạc kèn của Bộ Công an thể hiện; "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ do nhạc sĩ Trọng Đài phối cho dàn hợp xướng không nhạc đệm Acapella.

Đây cũng là một trong những tiêu chí nghệ thuật của chương trình là mang đến công chúng một chương trình nghệ thuật phong phú và đa dạng bởi ngôn ngữ âm nhạc và hình thức thể hiện. Giao hưởng "Điện Biên Phủ" - tác phẩm đồ sộ 4 chương viết cho hợp xướng, lĩnh xướng và dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân là một tác phẩm viết về người lính Điện Biên năm xưa. Và, chính ông cũng đã từng là một nhà soạn nhạc trưởng thành từ chiến dịch Điện Biên. Tổng phổ và phân phổ đã được nhạc trưởng Lê Phi Phi phục hồi, số hóa và hiệu đính.

Bản giao hưởng hợp xướng Điện Biên Phủ cũng đã được dựng nhiều lần, nhưng chúng tôi nghĩ để tác phẩm vang lên trong dịp kỷ niệm 70 năm thật sự có ý nghĩa sâu sắc. Tác phẩm nhằm tri ân các chiến sĩ đã hy sinh để giành độc lập cho dân tộc. Chiến tranh không chỉ là đau thương mà qua âm nhạc còn tràn đầy tình yêu Tổ quốc. Chương trình cũng dành một vị trí trân trọng cho 4 tác phẩm đầy tính lạc quan, trữ tình và bi tráng là: "Du kích sông Thao" (Đỗ Nhuận), "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" (Huy Thục), "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (Nguyễn Đức Toàn), "Người chiến sĩ ấy" (Hoàng Vân).

3 trong số 5 ca khúc được giải sẽ lần đầu tiên được phục dựng và phối khí cho Dàn nhạc giao hưởng là: "Quê tôi giải phóng", "Mùa lúa chín" được phối khí cho hợp xướng và dàn nhạc, còn "Mừng chiến thắng Tây Bắc" thật sự có chất liệu để trở thành chủ đề của một tác phẩm khí nhạc. Ý tưởng này cũng nảy ra như một sự xuất thần và đồng điệu, tôi đặt câu hỏi nên làm gì với chủ đề này và nhạc trưởng Lê Phi Phi đã đưa đáp án là một bản Fantaisie cho piano và dàn nhạc. Việc lựa chọn nhạc sĩ thực hiện tác phẩm này cũng khá kỳ công, chúng tôi mong rằng tác phẩm mà ê-kíp đặt hàng các nhạc sĩ phục dựng lại sẽ đạt được kỳ vọng.

Ca khúc của những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” (Tố Hữu) cũng như bức tranh của tất cả các dân tộc Việt Nam đứng bên nhau trong cuộc kháng chiến giành độc lập trong bản giao hưởng - đại hợp xướng Điện Biên Phủ sẽ được vang lên tại Nhà hát Hồ Gươm, với ngôn ngữ biểu hiện của âm nhạc hàn lâm trong dịp kỷ niệm trọng đại này có một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Bởi, chính từ địa điểm nơi Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc ngày nay, có tên là Trại bảo an binh (Garde Indigène) trong thời Pháp thuộc, đã có một dàn kèn đồng đi theo cách mạng cùng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - những nhạc sĩ, nghệ sĩ nòng cốt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam những ngày đầu.

Những chương trình biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm là tín hiệu mừng và khích lệ cho việc tiếp tục phát triển nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam trong tương lai.

-  Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Y Linh. 

Tiến sĩ Lê Y Linh là nhà nghiên cứu âm nhạc, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu lịch sử cận đại và hiện đại, Trường Cao đẳng sư phạm Pháp (IHMC-ENS) và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CASE-CNRS), là thành viên Hội Âm nhạc dân tộc học Pháp (SFE). Chị cũng là thành viên biên soạn mục từ Quyển 33a chuyên ngành Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Trần Lệ Chiến
.
.
.