Những chuyện vui vui về phim "Cảnh sát hình sự"
Đằng sau quá trình hình thành kịch bản, sản xuất và phát sóng bộ phim này có nhiều chuyện lý thú, vui vui. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, từng công tác trong ngành Công an (1984-1998), là một trong năm tác giả tham gia viết kịch bản bộ phim, kể lại những câu chuyện lý thú và vui vui ấy.
Đã có nhiều bình luận về bộ phim dài tập "Cảnh sát hình sự" do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên (40 tập) của Việt Nam khắc họa hình ảnh và chiến công của người chiến sĩ CAND, thu hút được sự theo dõi rất lớn của khán giả thời đấy. Sau bộ phim này, đã mở ra một dòng phim truyền hình mới là phim hình sự, với nhiều tên gọi khác nhau...
Đằng sau quá trình hình thành kịch bản, sản xuất và phát sóng bộ phim này có nhiều chuyện lý thú, vui vui. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, từng công tác trong ngành Công an (1984-1998), là một trong năm tác giả tham gia viết kịch bản bộ phim, kể lại những câu chuyện lý thú và vui vui ấy.
Cuối năm 1995, nhóm ba cây bút trẻ bọn tôi, gồm Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều và tôi, rất say sưa với tờ báo mới, là tờ "Văn nghệ Trẻ" chuyên dành cho sáng tác văn học trẻ, vừa mới ra đời. Hào hứng, say mê lắm, nhưng tiền lương mà Báo Văn nghệ trả cho bọn tôi thì chả bõ bèn gì. Cái thời ấy nói chung là như thế. Bọn tôi không thể nào có đủ tiền để mời rượu trưa các cây bút trẻ, mà ngày nào họ cũng rầm rập kéo đến chơi tòa soạn. Buổi trưa, họ chả chịu rời đi, bọn tôi nháy nhau đi riêng mãi không được, đành phải mời họ đi cùng. Khổ, cây bút trẻ nào chả đầy triển vọng, cũng muốn ngồi đàm đạo mãi với nhau và cùng đều... không có tiền. Bọn tôi "oai" thế mà cũng chả có tiền mấy nữa, thì kể gì những cây bút trẻ...
Báo "Văn nghệ Trẻ" ban đầu ra một tháng 2 số, rồi lên 10 ngày số, hình như một năm sau mới ra tuần báo. Mà có ra hàng tuần, thì ba thằng tôi cũng làm nhoáng cái là xong một số, chứ khó khăn gì đâu. Thời gian còn lại chỉ để ngồi tiếp cộng tác viên, pha trà, hút thuốc, nghe các cây bút trẻ đọc thơ và tính kế tạm ứng, vay tiền uống rượu, tiếp khách...!
Một hôm, ông Lập kêu to lên với ông Thiều và tôi: "Thế này mãi là không được. Phải nghĩ cách kiếm ra tiền thôi, không thì nhục lắm". Ông Lập khi ấy mới được nhà văn Thùy Linh, tác giả truyện ngắn nổi danh "Mặt trời bé con", mời tham gia vào dự án của tổ chức CARE tài trợ cho Truyền hình Việt Nam làm bộ phim truyện giải trí giáo dục dài tập "Gió qua miền tối sáng", 30 tập. Gọi phim giải trí giáo dục, tức là nội dung phim truyện nhưng có cài cho khéo các thông điệp tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Vì thế, ông Lập học được cách làm việc nhóm kiểu của Tây, và thấy nhuận bút viết kịch bản phim cũng khá Khá, nhưng Lập tiêu bay ngay vì phải trả nợ nóng vay để mua nhà, mua xe máy mới do vừa chuyển cả "đoàn tàu há mồm" từ thành cổ Quảng Trị ra định cư ở phố Lò Sũ, ngay bên Hồ Hoàn Kiếm, Thủ đô yêu dấu của ta.
Nghe Lập hô, Thiều và tôi nhất trí ngay. Và bàn việc, cũng thống nhất ngay, là phải viết kịch bản phim truyền hình dài tập. Dài thì phải 40 tập, để hơn bộ phim 30 tập vừa có, mỗi tập cũng dài hơn để xem cho đã. Thế là ngay lập tức chuyển sang bàn về chọn đề tài, thì cũng thống nhất tiếp là phải chọn cái gì ăn khách nhất, được người xem dễ chú ý nhất.
Ông Thiều đề nghị chọn đề tài phản gián. Tôi vẫn đang kiêm là biên tập Nhà xuất bản CAND, báo, sách vụ án viết lại đang bán tốt. Tôi cũng hay viết truyện vụ án, ký đủ các bút danh in báo, viết truyện tranh vụ án, kiếm tiền vặt cũng tạm được. Đấy như cái truyện "Canh bạc gán vợ" in trên Tiền Phong chủ nhật, bà Hồng Ngát với ông Lưu Trọng Ninh làm thành phim nhựa "Canh bạc" oai hùng đấy thôi. Kịch bản chả ghi gì liên quan, tôi vì biên kịch tưởng đó là vụ án thật (Phim "Canh bạc" chiếu họp báo, rồi được trao giải cao, có người nói, tôi mới biết. Sau này, khi in lại kịch bản trong bộ sách được Giải thưởng Nhà nước, chị Ngát đã ghi tên tôi - Cảm ơn chị). Vì thế, tôi đề nghị hai ông nên viết kịch bản phim về các vụ án hình sự.
Ông Lập nghe xong, quyết định luôn tên phim là "Cảnh sát hình sự". Phim sẽ viết về các vụ án hình sự. Thế là nhất trí. Rồi sau này thì tên phim "Cảnh sát hình sự" mới trở thành tên của thể loại phim, với nhiều biên kịch khác nhau. Ông Lập nói sẽ kéo thêm hai nhà văn bạn chơi thân thiết, là anh Trung Trung Đỉnh và Phạm Ngọc Tiến cùng tham gia nhóm. Chúng tôi nhất nhất nghe theo, vì cũng đã chơi với nhau trước đó, lại có vẻ "hợp cạ" với nhau nữa.
Việc đầu tiên là Nguyễn Quang Lập mang hết vốn liếng về làm việc nhóm học mót được sau dự án CARE truyền đạt cho chúng tôi. Rồi Lập giao tôi, vì "đang công tác trong ngành" là phải tìm cách tiếp cận hồ sơ các vụ án lớn để "báo cáo" với nhóm làm "tư liệu sáng tác". Tôi biết nhiệm vụ này quá sức, nhưng vẫn cứ vui vẻ nhận lời...
Từ hôm đó, vào các buổi chiều, khi các cây bút trẻ và mọi người cơ quan về hết rồi, năm chúng tôi ở lại phòng "Văn nghệ Trẻ" họp với nhau làm kịch bản. Để có hứng, chúng tôi vay tiền mua rượu Tây, thịt lợn quay vừa ăn tối vừa cùng bàn định. Tất nhiên, việc nhớn thế thì không nói với ai.
Nhà văn Bảo Ninh rất thích uống rượu Tây, mấy lần đến chơi muộn, thấy chúng tôi cứ rượu Tây thịt quay thế, có người đến thì chúng tôi không nói chuyện phim mà chuyển sang nói chuyện làm báo, vì thế Bảo Ninh nghĩ làm báo sướng lắm, nên nằn nì xin với Tổng biên tập Hữu Thỉnh cho vào làm "Văn nghệ Trẻ" bằng được. Vào rồi, buổi chiều không thấy chúng tôi mời lại, đã cằn nhằn là năm chúng tôi phân biệt đối xử. Khổ thế!
Rồi các ông bảo vệ tòa soạn cũng phản ánh và nhiều người biết chúng tôi chiều nào cũng ở lại cơ quan, rượu Tây tràn trề, thịt quay ê hề, đâm thắc mắc, bảo đám này làm báo trẻ mà giàu hơn báo "Văn nghệ" già, sống như Hồng Kông ở ngay tại Việt Nam. Chúng tôi cứ im lặng, giục nhau làm cho nhanh xong...
Cách làm như sau: Trước hết, vào buổi họp, tôi báo cáo "tư liệu đã tiếp cận được". Khổ, có tiếp cận được đâu, thời gian thì gấp gáp. Thế là tôi tìm đọc qua các tờ báo Công an, từ của Bộ đến của các tỉnh thành, để tổng hợp lại, rồi bịa thêm ra. Tôi nói thác là không mang được hồ sơ về nhà, lại đọc vội, rồi nhiều chỗ phải "bí mật nghiệp vụ". Ông Thiều bênh tôi, bảo thế là cố gắng lắm rồi. Ông Tiến nói, nếu mọi người thấy chuyện nào ổn ổn thì ta hư cấu thêm vào. Anh Đỉnh thì vui vẻ, hồ hởi, nghe tôi kể vụ nào, cũng bảo là hay, hay đấy. Ông Lập ngồi hút thuốc, nghe hết, rồi phán nên chọn vụ nào và yêu cầu mọi người góp thêm hư cấu, xong cuối cùng ông chốt lại...
Mỗi cuộc họp đều ghi chép, sau đó thuê người đánh máy lại, hôm sau phát cho mọi người bàn tiếp... Cứ thế mà thành cốt truyện cả 40 tập phim với 8 phần lớn và dàn nhân vật xuyên suốt. Sau đó lại bàn về tính cách, hành vi, ngôn ngữ, đặc điểm riêng từng nhân vật để cả nhóm cùng hình dung, đến khi viết khỏi vênh với nhau.
Chuyện chọn đặt tên nhân vật thì thế này: Ông Lập bảo tên "sếp" Cảnh sát thì là Khắc Trường, theo tên ông nhà văn Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ ở lại ngay phòng làm việc cơ quan, chiều chiều hay cười khà khà thoải mái mà bọn tôi rất yêu quý. Tôi bảo anh Cảnh sát điềm đạm tên là Minh, cho nó trong sáng, minh bạch. Ông Tiến bảo tay Cảnh sát trẻ lấy tên Chiến cho nó máu lửa, cái tên ấy lại quen thuộc với mọi người. Ông Thiều hồi ấy đang mê tít cô bé vàng ủ su Thúy Hiền của thể thao Việt Nam thì dứt khoát bảo, nhân vật nữ Cảnh sát trẻ phải là Thúy Hiền. Anh Đỉnh nói: Các nhân vật tội phạm để tôi. Tôi ghét ai là lấy tên đứa ấy đặt cho nó sướng.
Xong đề cương chi tiết, phác họa các nhân vật, ông Lập thông tin: Đã nói chuyện với Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam, họ hứa nhận kịch bản phim này, hứa trả nhuận bút 3 triệu một tập, cao nhất bây giờ, các phim khác chỉ kịch mức là 2 triệu rưỡi thôi. Ôi giời, vui phết nhé, tiền sắp về tay rồi.
Cả bọn lại bàn tiếp các cảnh của từng tập. Cái này bọn tôi gọi là "căng list". Xong xuôi, ông Lập phân 40 tập cho mỗi ông viết 10 tập, không họp hành, không rượu Tây, thịt quay nữa. Viết xong, ông Lập là người đọc lại, biên tập, sửa chữa, ráp nối cho thống nhất cả 40 tập.
Ông Lập đọc xong phần tôi viết, vỗ vai tôi thân ái: "Tôi là cứ lo ông nhất, hóa ra ông lại viết chuẩn nhất, tôi phải chữa ít nhất. Giỏi đấy!".
(Còn nữa)