Họa sĩ Đỗ Đức - “Gia tài” chỉ có núi và đá

Thứ Ba, 31/12/2024, 20:27

Đầu tháng 9 năm 2024, nhận lời mời của họa sĩ Đỗ Đức dự Triển lãm Non nước biên thùy và có bán đấu giá tranh góp tiền xây trường tại bản cho trẻ mẫu giáo ở Đồng Văn, Hà Giang. Vừa trên đó về, tôi đến ngay. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của ông ở Hà Nội.

Nghe tên “Non nước biên thùy” tôi đã thoáng hiểu ông định nói gì ở triển lãm này. Tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gian trưng bày bên trái cổng chính. Tại đó 50 bức tranh sơn dầu Đỗ Đức đã được treo gọn ghẽ trên tường.

Ông cho biết, tranh triển lãm lần này được chọn trong số hơn 200 bức vẽ gần 20 năm qua, chủ yếu khắc họa phong cảnh, nếp sinh hoạt của con người vùng cao. Xem tranh ông như một cuộc dạo chơi miền biên viễn, tôi cảm nhận dần ra vẻ đẹp bí ẩn của đá và tình yêu sâu đậm của ông dành cho vùng đất biên cương phên dậu của Tổ quốc. Tôi thấy ông hiểu được niềm vui, nỗi buồn của đá.

chân dung h%3fa s%3f ð%3f ð%3fc.jpg -0
Họa sĩ Đỗ Đức.

Ông quê gốc ở làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nhưng bố mẹ rời quê lên vùng trung du mưu sinh từ trước Cách mạng tháng Tám, nên ông được sinh ra ở Thái Nguyên, dưới chân Tam Đảo. Ông tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970; Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1980 (tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thuộc Viện Đại học Đông Dương). Ra trường ông công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho đến khi về hưu. Ông gắn bó với núi rừng chính là vì công việc.

Ông tâm sự: “Tây Bắc và Việt Bắc cùng cao nguyên đá Đồng Văn là nhịp đập trái tim nghệ thuật của tôi. Tôi đến với nơi đây như một thứ duyên phận, đi lại vùng đất này bao lần nhưng chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi”.

Tháng 5 năm 2024, nhân sự kiện tỉnh Kiên Giang khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Phú Quốc, lần đầu tiên tôi gặp họa sĩ, NSND Vương Duy Biên giới thiệu: “Bác Đức là họa sĩ của đá”. Lúc ấy, tôi chưa hiểu. Hóa ra Đỗ Đức gắn liền rừng thẳm, sông núi, cao nguyên đá cực Bắc của Tổ quốc, đã bao mùa nắng mưa. Ông tâm sự: “Tôi vẽ núi như vẽ ngôi nhà nơi tôi được sinh ra. Gần 40 năm làm việc, tôi chỉ quanh quẩn ở rừng núi. Tôi chỉ vẽ những gì mình hiểu. Đấy là lý do phòng tranh chuyên đề của tôi chỉ có núi và đá”. Với Đỗ Đức, rừng núi không chỉ cho khí trời trong lành mà còn là kho thực phẩm nhiều hoa thơm, trái ngọt, cỏ cây lá thuốc và muôn loài muông thú giá trị vô cùng.

Sinh thời, họa sĩ đàn anh Anh Thường, bạn vong niên của ông từng nhận xét: “Một số tranh cậu vẽ đã vượt qua khái niệm phong cảnh thuần túy, đã thành “gương mặt” đất nước. Nhìn vào đó người ta thấy nhịp sống con người và thiên nhiên đang hòa vào nhau vận động”. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định: “Họa sĩ Đỗ Đức có góc độ tiếp cận, trải nghiệm đa dạng nhờ nhiều năm lăn lộn. Ông đã sáng tác bằng sự hiểu biết và rung cảm với cỏ cây và đá cao nguyên. Qua các bức vẽ, công chúng có thể thấy được nhịp sống, văn hóa của người dân trên núi”.

Triển lãm Non nước biên thùy khai mạc vào ngày 13/9. Tối đó ông viết trên trang cá nhân: “Sáng 14/9/2024, sau 9 giờ sẽ có cuộc đấu giá bức tranh sơn dầu “Trên nương” để lấy tiền làm một lớp học thứ 20, trong núi của huyện Đồng Văn, công trình tầm 150 triệu”. Đó là bức tranh khổ 60x80cm, được vẽ vào năm 2017. Thì ra, Đỗ Đức là người có trái tim trùng nhịp đập với rẻo cao, thông qua Nhóm Hoa của đá mà ông là người đại diện tinh thần đã mấy lần bán tranh của mình để làm thiện nguyện.

Hoa của đá chắc là Tam giác mạch. Đó là loài hoa thường nở cuối năm, tím ngắt cả vùng cao nguyên. Hoa của đá được đặt tên cho nhóm thiện nguyện, hẳn mang thông điệp cương cường, thủy chung, đùm bọc? Buổi tối hôm đó, họa sĩ báo tin vui: “Bức tranh đấu giá được hơn trăm triệu, cộng với 50 triệu của nhiều cá nhân và mấy nhóm ủng hộ. Vị chi là được 150 triệu đủ làm một lớp học. Cảm ơn các tấm lòng vàng hỉ xả cho thế hệ tương lai của miền núi”.

Hà Giang là tỉnh cực Bắc, Đồng Văn là huyện địa đầu. Mảnh đất này đúng là “quê hương nghệ thuật” của họa sĩ Đỗ Đức. Ông kể rằng, Hà Giang còn rất nhiều điểm để khám phá. Riêng ở Đồng Văn, ngoài Dinh thự Vua Mèo, còn có phố cổ, chợ xây bằng cột đá đẽo theo hình chữ “Môn”, tuổi đã trăm năm, nay vẫn vững chãi; khu đồn Pháp trên đỉnh núi vẫn còn đó.

tranh ch%3f phiên trên núi nam 2007 c%3fa h%3fa s%3f ð%3f ð%3fc.jpg -1
Tranh “Chợ phiên trên núi” năm 2007 của họa sĩ Đỗ Đức.

Trước chuyến đi Hà Giang, tháng 5/2024, tôi trò chuyện với ông khi đang trên đảo Phú Quốc, ông kể cho nghe nhiều chuyện về đời sống của người Mông. “Anh có biết vì sao bây giờ vải vóc, quần áo của Trung Quốc rất rẻ, nhưng người Mông vẫn làm vải lanh không?”. “Phong tục của họ, người con gái về nhà chồng mẹ vẫn gửi cho bộ váy áo dệt bằng sợi lanh, để khi khuất núi, thì bộ váy áo mang theo được mang ra khâm liệm. Đó là nghĩa cử gia đình đùm bọc con cái đến khi nằm xuống…”, ông hỏi và tự trả lời. Nhiều năm đi núi tìm hiểu, ông nắm bắt khá nhiều tâm lý, tập quán của một số cộng đồng dân tộc. Ông bảo, ở rẻo cao chuyện trẻ con đi học chưa bao giờ quan trọng như ở xuôi. Vận động hiến đất làm trường có khi rất dễ, có khi rất khó, không biết thế nào đâu.

Đỗ Đức còn là một người làm báo nhạy bén. Là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, đến nay ông đã in được hơn 20 tác phẩm các thể loại, về văn xuôi, tản văn và tạp văn, sách tranh và biên soạn một số về nghệ thuật dân gian.

Tại Triển lãm Non nước biên thùy, ông giới thiệu cuốn sách ảnh "Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam". Sách do ông viết đã được nhận Giải thưởng Sách quốc gia năm 2023. Ông quan sát kỹ đời sống, và cũng khá thấu hiểu đời sống các dân tộc thiểu số, đặc biệt ở Hà Giang, nơi ông qua lại sớm nhất và nhiều nhất. Chính vì thế mới có các tác phẩm "Mười năm ngẫm ngợi", gồm 2 tập; "Gã thợ xăm" viết về chủ đề chim muông và môi trường miền núi.

Gần như với họa sĩ Đỗ Đức, máy ảnh là vật bất ly thân. Quan sát, suy nghĩ và bấm máy. Đọc tác phẩm của Đỗ Đức viết về dân tộc, miền núi mới biết, trang phục đều mang thông điệp. Các hoa văn trang trí, ô đường diềm, hình que, hình xoắn… đều chứa đựng ý nghĩa về đời sống tâm linh. Người Mông tự hào về các trang phục làm bằng tay của mình. Những chiếc váy lanh xếp nhiều ly của phụ nữ luôn có vẻ đẹp đặc biệt. Tết đến hay lễ hội, chợ phiên, đám cưới mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất. Đây cũng là cơ hội thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ. “Tôi chỉ vẽ khi tìm hiểu kỹ văn hóa vùng đất đó” - họa sĩ Đỗ Đức tâm sự.

Quốc lộ 4C, còn được gọi là Con đường hạnh phúc từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc bây giờ trở thành con đường quen thuộc của khách du lịch, nhất là dân phượt ngoại quốc. Nhưng thử hình dung vài chục năm về trước? Không chỉ con đường hiểm trở mà phương tiện hiếm hoi. Hà Giang khi ấy vẫn còn ít người đặt chân tới lắm. Vậy mà họa sĩ đã có mặt ở đó lần đầu tiên cách đây hơn 50 năm, từ khi con đường nhiều khúc chỉ là đường ngựa đi. Ông đã đi và về không nhớ bao nhiêu lần. Càng đi ông càng gắn bó với vùng đất này. “Lúc đó con tôi mới 6 tháng tuổi. Núi lúc đó hùng vĩ. Đèo hiểm trở, không như bây giờ. Tôi thầm cảm ơn vùng đất đã nuôi dưỡng nghệ thuật của mình”.

Căn hộ của ông ở một chung cư của Nhà Xuất bản văn hóa dân tộc trên phố Ngọc Khánh giờ là xưởng vẽ. Tôi ngắm mãi bức tranh "Tiếng gọi của rừng xanh", khổ 100x160cm, nhân vật là người đàn bà Mông đứng trên mỏm đá cheo leo, hai tay giơ lên khoảng không trông thật huyền bí, như muốn gửi một thông điệp cho đất trời khát vọng sống của những người trên đá. Đỗ Đức từng có thời cơ hàn, như bao nhiêu người, thời bao cấp. “Những năm 1980 - 1986, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Thời đó tôi đã làm đủ việc kể cả vẽ bưu thiếp kiếm sống”, ông tâm sự. Thời cuộc đổi thay, ông cũng ngày một vững vàng rắn rỏi.

Sau triển lãm Non nước biên thùy của họa sĩ Đỗ Đức, tôi trở lại Hà Giang. Đi qua Đồng Văn, trong tôi văng vẳng câu thơ của Y Phương, nhà thơ dân tộc Tày “Sống trên đá, không chê đá gập ghềnh”, và nhớ đến những gam màu trong tranh Đỗ Đức. Đá đâu vô tri, rắn rỏi và cường. Ở vùng cao, đá có linh hồn!

Ngày 15/12/2024

Ngô Đức Hành
.
.
.