PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh

Đọc ngôn tình, công chúng trẻ cần sự định hướng

Thứ Ba, 26/05/2015, 08:31
Ở Việt Nam, trong tâm "bão" ngôn tình, khỏi phải nói công chúng (đặc biệt là giới trẻ) mong ngóng những bộ phim chuyển thể như thế nào. Giới phê bình lo ngại trào lưu phim chuyển thể sẽ tiếp tay cho ngôn tình bùng phát dữ dội, làm hỏng văn hóa đọc của một bộ phận công chúng. Lo ngại ấy có thích đáng? 

Trào lưu chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc sang phim điện ảnh, truyền hình không chỉ nở rộ trên màn ảnh Hoa ngữ mà còn có sức hút mãnh liệt với các nước Châu Á thời gian gần đây.

Ở Việt Nam, trong tâm "bão" ngôn tình, khỏi phải nói công chúng (đặc biệt là giới trẻ) mong ngóng những bộ phim chuyển thể như thế nào. Giới phê bình lo ngại trào lưu phim chuyển thể sẽ tiếp tay cho ngôn tình bùng phát dữ dội, làm hỏng văn hóa đọc của một bộ phận công chúng. Lo ngại ấy có thích đáng?

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh.

- Hiện nay, tiểu thuyết ngôn tình đang gây "bão" trong giới trẻ. Mới đây, cuộc giao lưu của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm (tác giả của không ít tiểu thuyết ngôn tình có cảnh nóng như "Ngủ cùng sói", "Chờ em lớn nhé được không", "Động phòng hoa chúc cách vách"…) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đông nghẹt khán giả, đa phần là các em học sinh, sinh viên. Các diễn đàn về ngôn tình, hội những người phát cuồng vì ngôn tình cũng xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Trong khi đó cách đây vài năm, ngôn tình bị dự đoán sẽ nhanh chóng bão hòa và thụt lùi vì không có gì mới ngoài chuyện tình yêu ủy mị, lâm li. Nghiên cứu về văn học Trung Quốc, quan điểm của TS về vấn đề này như thế nào?

+ Lý do vì sao tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc được xuất bản và đón nhận nhiệt tình như vậy? Ngôn tình là một khuynh hướng văn học thuộc trào lưu văn học đại chúng, do đó, có số lượng độc giả đông đảo là chuyện đương nhiên. So với sách ngôn tình phương Tây như "Kiếp sau", "Em ở đâu"… của Marc Levy hay "50 sắc thái" của E.L James... thì ngôn tình Trung Quốc có giá mua bản quyền rẻ, chỉ khoảng vài trăm USD một cuốn.

Văn hóa, bối cảnh xã hội... của chúng ta và Trung Quốc cũng có nhiều điểm gần gũi. Do đó, bạn đọc dễ dàng tiếp nhận. Hơn nữa, hiện nay tác phẩm ngôn tình phương Tây ở nước ta dù được đón nhận nồng nhiệt nhưng số lượng khá ít trong khi tác phẩm, tác giả của Trung Quốc rất nhiều, đa dạng hình thức nội dung. Ngôn tình bây giờ không dừng lại ở tình yêu ướt át mà nó còn được chia làm nhiều thể loại như: xuyên không (nhân vật vượt thời gian, không gian hiện tại để đến một thời gian, không gian khác), cổ đại (mang không khí cổ xưa), huyền huyễn (có yếu tố kỳ ảo), hắc đạo (xã hội đen), đam mỹ (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ)... Tất cả phản ánh sự đa diện của xã hội hiện đại. Chúng ta khó dự đoán được ngày nào nó sẽ tàn.

- Đi kèm với cơn bão ngôn tình trong giới trẻ là sự chỉ trích của giới phê bình và truyền thông. Họ cho rằng ngôn tình Trung Quốc là loại rác vô cùng độc hại, là con sâu làm mối mọt tâm hồn, tạo tư tưởng lệch lạc và mơ mộng tình yêu viển vông, phi lý cho người đọc. Ngôn tình có thực sự đáng sợ như thế không, thưa TS?

+ Món ăn thì có nhiều loại, có món bình dân, có món cao cấp. Cái nào nó cũng có cái ngon riêng. Có thể ví ngôn tình như món ăn bình dân vì nó rất dễ đọc, văn phong đơn giản, mạch truyện dễ theo dõi. Nó vẽ ra một tình yêu đẹp, một thế giới lý tưởng, phù hợp tâm lý của thanh niên. Thông thường truyện ngôn tình hướng người ta đến những tình yêu trong sáng, lý tưởng cao đẹp. Đó là  tình yêu không quan tâm tới đẳng cấp, danh lợi, tiền bạc. Nó hướng đến cái thiện. Do vậy, tình yêu trong ngôn tình thường bị cho là viển vông, hoàn hảo đến mức phi lý. Độc giả cần hiểu đâu là tiểu thuyết, đâu là đời thực.

Văn hóa đại chúng thiên về tính giải trí nên không có nhiều tác phẩm đỉnh cao. Về nghệ thuật của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc có lẽ chỉ được đánh giá cao ở một số tác giả. Giai đoạn đầu có các tác giả như nhà văn Trương Duyệt Nhiên rồi đến Tân Di Ổ, Cố Mạn, Tào Đình, Đồng Hoa... Trương Duyệt Nhiên là một trong số nhà văn rất có tài, cô vào Hội Nhà văn Trung Quốc lúc mới 23 tuổi. Cách viết của cô khá giống Quỳnh Dao tuy phức tạp hơn. Cô viết chắc tay, kỹ lưỡng, văn phong biến hóa, kỳ ảo, không dễ dãi.  Buổi đầu, với các tác giả này, tiểu thuyết ngôn tình được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng của ngôn tình ngày càng đi xuống và biến tướng cùng với thế hệ tác giả xuất hiện tràn lan về sau.

- Do đâu có sự dễ dãi, hời hợt và biến tướng này? Phải chăng các tác giả xem ngôn tình là thể loại dễ viết và chỉ cốt chạy theo doanh thu, câu khách?

+ Đúng vậy. Họ chạy theo doanh thu, câu khách nên các tác phẩm mang tính chất khiêu dâm, đầy rẫy cảnh nóng (thường gọi là "H văn" - PV) hoặc giật gân, cổ súy cho việc cưỡng hiếp, loạn luân, ấu dâm, ngoại tình... xuất hiện nhiều. Cái gì mới lạ, cái gì người ta cấm thì thanh thiếu niên càng tò mò, tìm hiểu. Cho nên các tác giả như vậy có đông đảo độc giả cũng là dễ hiểu. Thêm nữa, con đường phổ biến sách ở Trung Quốc có nhiều cách nên không ít tác giả dễ dãi. Đầu tiên, tác phẩm được đưa lên mạng cho người đọc miễn phí. Sau đó, độc giả phải bỏ tiền mới đọc được. Số tiền đó là nhuận bút của tác giả. Nếu tác phẩm nào có nhiều người đọc và mua, thì tác phẩm đó sẽ được in thành sách.

Một số đầu sách ngôn tình đang bán chạy trên thị trường. 

- Thời gian gần đây, trào lưu làm phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình của màn ảnh Hoa ngữ đang lên ngôi kéo theo sự xông xáo tham gia của các nhà làm phim Hàn Quốc, Nhật Bản... Góp mặt còn có những tài tử, giai nhân rất nổi tiếng của các nước này. Dù nhiều phim chưa bấm máy nhưng đã nhanh chóng gây "sốt" và được các fan của ngôn tình đón đợi nồng nhiệt. Ngôn tình lên phim làm xuất hiện cảm giác e ngại về sự lan rộng tính độc hại của nó khi ngôn ngữ điện ảnh bao giờ cũng mang tính trực quan cao với người xem.

+ Chuyển thể tác phẩm văn học lên phim là công nghệ của các nước trên thế giới. Kho tàng văn học là nguồn kịch bản rất hay và phong phú. Trước đây, tiểu thuyết của Quỳnh Dao được chuyển thể rất nhiều vì nó ăn khách, lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Bây giờ, các nhà làm phim nhận thấy ngôn tình đang là cơn sốt trong thanh niên Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực nên họ chuyển thể nó lên phim. Hiển nhiên, họ chỉ chọn những tác phẩm ăn khách, giàu chất liệu điện ảnh, có cốt truyện phù hợp với tiêu chí của nhà làm phim chứ không nhất thiết chỉ chọn tác phẩm đỉnh cao của khuynh hướng văn học này.

Tôi nghĩ khi ngôn tình được đưa lên màn ảnh thì nó sẽ đỡ độc hại hơn vì nhờ lưỡi kéo kiểm duyệt phim khá gắt gao của Trung Quốc. Cảnh nóng hay những yếu tố không phù hợp với số đông công chúng sẽ bị cắt. Các tác phẩm có nội dung biến thái, bệnh hoạn chắc chắn khó có cơ hội lên phim. 

- Công chúng của ngôn tình hiện nay chủ yếu là bạn đọc trẻ, học sinh, sinh viên. Những tác phẩm ngôn tình tốt bên cạnh chức năng giải trí sẽ giúp người đọc khám phá nội tâm, cảm xúc, học được nhiều bài học ý nghĩa trong tình yêu lẫn cuộc sống. Nhưng vấn nạn ngôn tình biến tướng đang thực sự là cạm bẫy nguy hiểm với lứa tuổi đang phát triển, hoàn thiện tâm sinh lý, nhân cách.

+ Để ngôn tình tràn lan, xô bồ như bây giờ không phải là lỗi của người đọc mà là lỗi của người làm sách, kiểm duyệt. Vì lợi nhuận, nhiều nhà làm sách bày bán rất nhiều sách ngôn tình bất chấp nội dung của nó là gì. Khâu kiểm duyệt cũng bị buông lỏng. Tuy ngôn tình ở trên mạng khó quản lý và ngăn chặn nhưng độc giả vẫn chủ yếu đọc sách, kiểm duyệt nguồn này rất quan trọng.  Ranh giới để biết đâu là sách ngôn tình hay và cạm bẫy độc hại rất mong manh và đa số người đọc trẻ không có khả năng và trình độ để phân biệt được. Họ cần được định hướng kỹ càng và xem xét các mặt của tác phẩm như tính giải trí, tính giáo dục, tính nghệ thuật... Và như vậy, cũng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, định hướng bằng cách có những mục điểm sách, điểm phim một cách nghiêm túc và chất lượng.

- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.
.