Kia
Mobifone

Ca khúc bolero mới chật vật tìm đường

Thứ Ba, 03/09/2024, 13:52

Nhắc đến dòng nhạc bolero, ai cũng nghĩ ngay đến những ca khúc cũ lưu dấu đến tận ngày nay. Nói không ngoa khi bolero đang “già hóa”, trong khi những sáng tác bolero mới của nhạc sĩ trẻ khá dồi dào nhưng khó đến được với công chúng.

Dòng nhạc bolero tuy đã thoái trào trên sóng truyền hình nhưng sức sống của nó vẫn âm ỉ trên các trang nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội. Trên YouTube, các chương trình ca nhạc bolero vẫn diễn ra sôi nổi với đủ tên tuổi từ danh ca đến giọng hát nghiệp dư. Nhưng phủ sóng hầu hết chương trình vẫn là ca khúc cũ. Nếu có yếu tố mới để chinh phục khán giả trẻ, thì chỉ mới ở khâu hòa âm phối khí, hay cách thể hiện lạ lẫm của ca sĩ.

1 thuong con chot sang song.jpg -0
Ca sĩ Xuân Hòa và Tố My thể hiện ca khúc “Thương con chốt sang sông” của nhạc sĩ Phạm Hồng Biển.

Hồi cuối năm ngoái, ca sĩ Tố My ra mắt chương trình nhạc bolero với cách hát hiện đại, trẻ trung, thổi làn gió mới cho ca khúc nổi tiếng như “Phố đêm”, “Duyên kiếp”… Trước đây, ca sĩ Quách Tuấn Du cũng từng phối trộn bolero với nhạc EDM sôi động, hay Đức Tuấn đưa jazz, nhạc giao hưởng để “sang trọng hóa” bolero. Tất cả những cách làm mới trên vẫn chỉ là chiếc áo, là nước sơn phủ bên ngoài ca khúc. Còn lời ca, giai điệu thì vẫn là ca khúc cũ.

Vậy ca khúc bolero mới đang ở đâu? Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho biết thực tế, không hiếm nhạc sĩ trẻ vẫn tâm huyết cho ra mắt sáng tác mới theo dòng bolero. Quả vậy, lên YouTube thử gõ cụm từ “nhạc bolero mới” sẽ xuất hiện hàng loạt MV đến album các bài hát có tên lạ hoắc. Tên nhạc sĩ đa phần cũng xa lạ với thị trường giải trí như Đông Quốc Hùng, Hà Sơn, Cao Hoàng Nghi, Lê Thiên Nhã… Giới nhạc sĩ trẻ quen thuộc với người mộ điệu bolero chỉ có lác đác vài cái tên nổi bật như Hamlet Trương, Phạm Hồng Biển, Phan Thanh Hoàng,…

Nhưng chính bản thân những nhạc sĩ này cũng thừa nhận số ca khúc được phổ biến rộng rãi đến công chúng còn khá hạn chế, huống hồ trở thành bài hit (bài hát ăn khách) như tác phẩm của các vị nhạc sĩ tiền bối. Vài năm trở lại đây, tác phẩm tân binh nổi danh chỉ đếm trên đầu ngón tay như “Lan và Điệp 4”, “Bậu ơi đừng khóc”, “Anh ngủ thêm đi” (Hamlet Trương), “Sao trời làm gió” (Hồ Phi Nal), “Thương con chốt sang sông” (Phạm Hồng Biển), “Cát bụi cuộc đời” (Hà Sơn), “Bằng lăng nhỏ vô tình” (Phan Thanh Hoàng)…

Sở dĩ những ca khúc này đi được vào lòng khán giả bởi ngoài chất thơ và giai điệu da diết, mới mẻ, nó may mắn được ca sĩ nổi danh trình bày. “Lan và Điệp 4” nổi lên nhờ sự thể hiện của ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh. “Bậu ơi đừng khóc” trở thành ca khúc đầy nỗi niềm và tiếc thương cho danh ca Phi Nhung khi đây được coi là ca khúc cuối cùng chị thể hiện trước khi dịch COVID đưa chị đi xa mãi mãi. Riêng “Thương con chốt sang sông” làm mưa làm gió và gặt hái nhiều giải thưởng danh giá nhờ giọng hát ngọt ngào của chàng ca sĩ khiếm thị Xuân Hòa và “ngọc nữ bolero” Tố My.

Phân tích nguyên nhân khiến số sáng tác bolero mới tuy nhiều nhưng nổi chẳng bao nhiêu, NSƯT Thành Vinh, người từng hỗ trợ sản xuất nhiều chương trình truyền hình về bolero, cho rằng xã hội đương thời đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển bolero. Sự thoái trào của bolero trên truyền hình khiến dòng nhạc này trở nên yên ắng hơn. Không ít nhạc sĩ trẻ bảo họ viết khá nhiều, nhưng đầu ra vô cùng chật vật nên dễ buông tay. Trước hết, với ca sĩ thành danh, họ ít có nhu cầu hát bài hát mới vì tên tuổi đã gắn liền với nhiều bản hit. Bolero mới chỉ được chọn khi nó quá đặc biệt.

Ngay như ca sĩ Cẩm Ly vốn khá chuộng ca khúc mới, nhưng chị cũng thừa nhận mình khá lo lắng khi lựa chọn nhiều tình khúc bolero mới toanh trong liveshow “Tự tình quê hương 6”. “Ca khúc mới dù có sâu sắc nhưng khán giả phải nghe nhiều lần mới thấm” - ca sĩ Cẩm Ly phân tích. Với ca sĩ trẻ mới nổi, họ càng không muốn mạo hiểm với nhạc phẩm lạ hoắc mà chọn nhạc phẩm kinh điển rồi phối mới để an toàn. Một ca sĩ giấu tên cho hay anh nhận được khá nhiều ca khúc mới nhưng số bài được chọn chỉ chiếm một phần nhỏ.

Do bị ca sĩ kén chọn như thế nên phần lớn sáng tác bolero mới đều do chính nhạc sĩ tự thể hiện để giới thiệu đến người yêu nhạc. Loạt ca khúc bolero của Hamlet Trương được các danh ca chú ý, khán giả đón nhận cũng nhờ những màn tự biên tự diễn của anh tại gameshow truyền hình “Tình bolero” năm 2019. Anh từng tâm sự: “Tôi rất may mắn khi góp mặt ở “Tình bolero”. Cuộc thi này cho tôi một "cái cớ" hoàn hảo để có thể lấn sân sang dòng nhạc bolero, là sân chơi cho phép tôi được mang những đứa con tinh thần mới của mình giới thiệu với khán giả cũng như giới thiệu hình ảnh bản thân mình là một ca, nhạc sĩ mới đến với bolero”.

2 ca khuc bolero moi.jpg -1
Nhiều ca khúc bolero mới do chính nhạc sĩ thể hiện, quảng bá trên mạng.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì chất lượng nội tại của chính tác phẩm là vấn đề mấu chốt khiến các sáng tác bolero mới mãi ẩn trong bóng tối. Ca sĩ Phương Dung phân tích: "Thứ nhất vì bài hát của họ không có câu chuyện. Những bài hát cũ có thể đi vào lòng người đến tận mấy chục năm vì nó có câu chuyện phía sau được tác giả gửi vào, chỉ cần nghe lại là người ta liên tưởng đến ngay. Thứ hai chính là trình độ viết của những nhạc sĩ trẻ hiện nay. Mấy nhạc sĩ trẻ dường như chưa nắm rõ tiếng Việt nên họ chỉ dùng văn nói chứ không phải văn thơ như người xưa”.

Đồng quan điểm, NSƯT Thành Vinh cho rằng có thể do thời cuộc, hoàn cảnh sống thay đổi nên thế hệ nhạc sĩ đi sau ít có sự nên thơ, lãng mạn, ca từ chưa thực sự ý nhị, giai điệu chưa sâu lắng như loạt nhạc phẩm của thế hệ đi trước. Cá biệt, có nhiều bài câu ca khá sến sẩm, sáo rỗng khiến bài hát vô hồn.

Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ vẫn tưởng nhầm nhạc bolero dễ sáng tác nên ca khúc của họ không có sự đầu tư, không cảm xúc. Hiện tượng này cũng dẫn đến số bài hát có guồng giai điệu na ná tác phẩm cũ này một chút, tác phẩm cũ kia một chút nhiều vô kể. Nó không có sự mới lạ, riêng biệt mà bị cái bóng của nhạc phẩm quen thuộc bao trùm. Điều này khiến khán giả vừa mới nghe qua đã thấy nhàm chán, không có hứng thú nghe hết bài. Dòng bolero lâu nay lại bị mặc định là dòng nhạc của người trung niên và lớn tuổi. Lớp trẻ không mấy mặn mà. Sự cạnh tranh của những dòng nhạc hấp dẫn khác như pop, rap, rock, RnB… khiến lượng khán giả trẻ của bolero mới càng mỏng.

Theo nhạc sĩ Hamlet Trương, muốn níu khán giả trẻ trở lại với bolero mới thì không còn cách nào khác người nhạc sĩ phải cho ra đời những ca khúc chất lượng, phù hợp với xu thế thời đại. Những yếu tố như mạng xã hội, gameshow truyền hình… chỉ mang tính chất bổ trợ, quảng bá ca khúc rộng rãi hơn. Còn nếu muốn ca khúc có sức sống bền bỉ, chinh phục được công chúng thì chất lượng là điều tiên quyết. Theo anh, bolero rất khó sáng tác vì đòi hỏi ca từ giàu chất thơ, giai điệu da diết nên số sản phẩm anh viết không nhiều. Anh tâm niệm tuy ít mà chất. Để chinh phục công chúng trẻ, anh dùng ca từ trẻ trung, cách kể chuyện gãy gọn hơn. Ra mắt ca khúc rồi, anh lại chịu khó lắng nghe ý kiến và thăm dò phản hồi của khán giả để tiếp thu cho những sản phẩm sau được tốt hơn.

Riêng về phương cách để thoát ra khỏi cái bóng của lứa nhạc sĩ tiền bối, giới nhạc sĩ trẻ như Phạm Hồng Biển, Phan Thanh Hoàng, Nam Quốc… cho rằng cần phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nhạc lý, mở rộng tầm nhìn để cho ra những giai điệu mới. Nếu không may phát hiện ca khúc có nhiều điểm giống với ca khúc cũ, cách tốt nhất là nên sửa lại hoặc bỏ bài. Bởi cứ “cố đấm ăn xôi” thì khéo chừng xôi cũng hỏng mà bỏng không. Nếu chịu khó tìm tòi, phát triển cảm hứng sáng tác thì số ca khúc bolero mới vẫn có đất sống. Bằng chứng là loạt nhạc phẩm bolero mới đã nổi lên thì sức sống rất bền bỉ và sự khuấy đảo không kém gì dòng nhạc trẻ thịnh hành.

Phan Thi Uyên

.
.