Nữ hoạ sĩ Chế Kim Chung: Không chỉ là kỷ lục..
Họa sĩ người Chăm thật hiếm. Tài danh điêu khắc Đàng Năng Thọ đã lui về quá khứ, còn họa sĩ Thành Văn Sưởng lại sớm đi xa. Giờ chỉ còn Chế Kim Trung (sinh năm 1971) hiện đang trở thành một "hiện tượng Chăm" về hội họa. Mới đây có dịp về Ninh Thuận, tôi đến phòng tranh đồng thời cũng là Galerry của gia đình Chế Kim Trung để xem tranh và gốm của chị. Nghe nói Chế Kim Trung còn thạo cả dệt thổ cẩm và thiết kế thời trang Chăm. Cũng lại hay tin chị vừa bảo vệ luận văn cao học ở Thái Lan trở về. Âu cũng thêm một sự lạ về nữ họa sĩ người Chăm này...
1.Có thể nói, Chế Kim Trung là con người của hội họa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo học ở Ninh Hiệp, Ninh Thuận, ngay từ tấm bé, mỗi lần tha thẩn chăn trâu trên đồng cỏ, hay lang thang trên cồn cát là cô bé lại vẽ, vẽ và vẽ...Đó là những hình ảnh cánh chim hay bông hoa, hoặc các cô gái Chăm đi lấy nước trên đường về. Có những trận gió đã cuốn các hình vẽ ấy đi trong hư vô. Mặc, cô bé vẫn lại vẽ tiếp những hình ảnh thân thuộc về quê hương nghèo khó của mình...
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, năm 1994, Chế Kim Trung xin về Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề ở Ninh Thuận, bởi lẽ tại đây, chị sẽ được dạy những môn gần với hội họa như thiết kế thời trang, thêu ren và cắt may...Hơn nữa, đây cũng là môi trường mà cô giáo Kim Trung có điều kiện thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ của mình. Thế là từ đó, ngày thì lên lớp, còn tối đến Kim Trung lại tất bật với cây cọ. Riêng hai ngày thứ bảy và chủ nhật, Kim Trung luôn coi đó là khoảng thời gian "bất khả xâm phạm" mà cô dành cho thế giới màu sắc và sự đam mê của mình. Nhiều đêm, cô mơ về những vũ điệu Chăm dịu dàng uyển chuyển, trong tiếng trống, tiếng kèn say đắm của ngày lễ hội Ka Tê....Đâu đó vang lên lời ca của các cô gái về những bông hoa trong chiếc khăn thổ cẩm. Con đường làng dệt Mỹ Nghiệp cứ hun hút, vàng ươm trong ánh nắng ban mai... Thế là Chế Kim Trung vùng dậy vẽ. Màu sắc tràn về. Những vũ điệu Chăm cuồn cuộn dâng lên mặt toan.
Thời gian trôi đi đã 8 năm. Nào việc trường lớp, việc lấy chồng sinh con, quá nhiều bận bịu nhưng Chế Kim Trung vẫn không nguôi niềm mơ ước được trở thành họa sĩ. Nhiều đêm vừa ru con ngủ xong là Chế Kim Trung lại vớ lấy cây cọ để hoàn thành nốt bức sơn dầu đang vẽ dở. Kim Trung muốn chạy đua với thời gian, cùng những hình tượng luôn luôn trào dâng trong cảm xúc. Khi cậu con trai thứ hai mới được 10 tháng tuổi, Kim Trung tâm sự với chồng nguyện vọng muốn thi vào Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Không ngờ, anh Thành Chiểu - chồng chị - đã đồng ý để người vợ xinh đẹp được toàn quyền làm theo ước nguyện của mình. Ấy là câu chuyện của năm 2002, khi Chế Kim Trung bất ngờ đỗ thủ khoa và bắt đầu cuộc đời của một sinh viên hội họa.
"Tục cưới Chăm" (trái) và "Nghệ sĩ Chăm" - Tranh của Chế Kim Trung. |
2. Chắc ít người biết, tác phẩm đầu tiên được Chế Kim Trung thực hiện trên ghế nhà trường lại bắt đầu từ hình ảnh "Lễ trưởng thành" của con trai chị. Tác phẩm này cũng được coi là cái lễ trưởng thành cho chính chị, một chân dung nữ họa sĩ đầu tiên của người Chăm. Nó đã đem về giải thưởng đầu tiên cho Chế Kim Trung vào năm 2003.
Từ đó, mỗi năm là một lễ hội của nữ họa sĩ họ Chế, với nguồn sáng tạo dào dạt. Nào là "Tục cưới Chăm", hay "Lễ hội đầu năm", hoặc "Lễ hội cầu mưa"...; tiếp đó là "Lễ hội Ka Tê", bên cạnh "Làng Chăm ơn Bác" cùng những "Vũ điệu Chăm" say đắm...Dường như không năm nào Chế Kim Trung không được giải thưởng ở các triển lãm khu vực hay toàn quốc. Thậm chí có người nói, nữ họa sĩ họ Chế này sinh ra để lĩnh giải thưởng cho đồng bào Chăm, bởi lẽ chị sống và sáng tạo từ nguồn sữa mẹ, đó là nền tảng văn hóa dân tộc Chăm. Năm 2005, Chế Kim Trung được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam khi chị vẫn còn đang theo học tại trường mỹ thuật. Nếu như lúc thi vào trường, Chế Kim Trung là thủ khoa, thì khi tốt nghiệp, chị cũng lại giành được điểm cao nhất khóa. Thật hiếm gặp trường hợp nào như Chế Kim Trung. Ấy là chưa kể chị còn là một nữ họa sĩ thành danh với nhiều giải thưởng nhận được ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sau khi ra trường (năm 2007) trở về, Chế Kim Trung gần như dành hết tâm trí và thời gian cho hội họa cũng như tập trung nghiên cứu sâu về văn hóa Chăm. Không những thế, Chế Kim Trung còn tham gia nhiều vào lĩnh vực thời trang cũng như việc làm gốm nghệ thuật. Mỗi bình gốm của Chế Kim Trung là một tác phẩm được nâng cấp từ chính những hoa văn và chất liệu của dân tộc Chăm. Men gốm mà chị tìm tòi và sáng tạo chính là từ chất liệu thiên nhiên mà ông cha để lại. Một chiếc khăn choàng hay một đôi mắt Chăm hiện trên bình gốm như thể để minh họa cho những bài thơ Chăm nổi tiếng viết về tình yêu mà chị đã thuộc ngày nào…
Xem tranh Chế Kim Trung, ta có cảm giác luôn bị cuốn hút trong sự nồng nhiệt của những lễ hội. Có những bức, như bức sơn dầu như "Sắc mầu lễ hội Ka Tê Chăm" có tới hàng trăm nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng có niềm vui của riêng mình trong cộng đồng sinh thành trước đấy cả ngàn năm. Mỗi niềm vui đều được nhân lên trong cảm xúc của người nghệ sĩ thể hiện qua sắc màu thật huyền diệu. Chế Kim Trung nói, mỗi bức vẽ của chị như thể một lời tạ ơn cội nguồn.
Năm 2011, Chế Kim Trung có một quyết định hết sức táo bạo: Nộp đơn thi làm luận văn cao học tại Thái Lan về hội họa. Và Chế Kim Trung đã tạo nên một dấu ấn khác biệt qua sắc màu Chăm của mình với 50 tác phẩm và 50 tín chỉ viết bằng tiếng Anh của luận văn. Chị kể, có tháng chị phải vẽ tới 4 tác phẩm kèm theo những luận điểm bảo vệ qua mỗi tín chỉ. Bộ tranh của chị miêu tả tới 80 lễ hội trong chủ đề chính của luận văn: "Sắc mầu lễ hội Ka Tê Chăm". Tháng 3 năm 2013, Chế Kim Trung đã bảo vệ thành công luận văn cao học với số điểm tối ưu.
Tại galery của Chế Kim Trung, tôi đã được chị giới thiệu cho xem tác phẩm mới nhất được sáng tác từ chủ đề "Sắc mầu lễ hội Ka Tê Chăm". Tác phẩm này đã được Hội VHNT tỉnh Ninh Thuận trao tặng giải A vào tháng 12-2012. Đây là giải thưởng thứ 18 trong sự nghiệp hội họa của Chế Kim Trung.
Nhắc đến học vị thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm hiện nay, Chế Kim Trung khiêm nhường chỉ tay về phía chồng mình, nói:"Mười năm qua, tôi gặt hái được nhiều niềm vui và tạo dựng sự nghiệp cũng là nhờ anh phần lớn. Không những vất vả trong chuyện gia đình, nuôi dạy con cái khi tôi vắng nhà, mà ngay cả khi tôi chuẩn bị luận văn, hay tìm chủ đề cho tác phẩm đều có sự đóng góp ý tưởng của anh. Tôi chịu ơn chồng nhiều lắm".
Nói về người vợ thành đạt của mình, anh Thành Chiểu khiêm tốn: "Mình chỉ được mỗi việc căng toan giúp vợ mà thôi". Trong đôi mắt ấm áp rất… Chăm của anh, tôi bỗng thấy những sắc màu trong tranh Chế Kim Trung hiện lên, luôn luôn say đắm và ẩn chứa sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn...