Nhạc sĩ Lê Anh Dũng: Người đam mê viết tình ca
- Nhạc sĩ Phạm Hải Âu: Muốn tạo nên “phản ứng hóa học” trong âm nhạc
- Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: Về nơi vắng vẻ mà vẫn lao xao
- Nhạc sĩ Dân Huyền và kỷ niệm về những bài báo được Bác Hồ đọc
- Nhạc sĩ Việt Anh: Trong thế giới của riêng mình
Trò chuyện với nhạc sĩ Lê Anh Dũng sẽ thấy anh là một người thẳng thắn và nhiệt thành. Nếu ai đó trót nghĩ rằng, các nhạc sĩ thường lãng đãng, hay quên, hay sai hẹn thì sẽ thay đổi hẳn suy nghĩ khi tiếp xúc với anh.
Anh chuyên nghiệp, khoa học và luôn rành mạch mọi việc: "Tôi chỉ dành cảm xúc bay bổng, thăng hoa nhất khi ngồi viết ca khúc hay trong phòng thu. Ngoài đời, tôi phân bổ thời gian làm việc khá khoa học để làm được nhiều việc. Đặc biệt, không bao giờ sai hẹn khi đã hứa".
Có lẽ vì thế mà một số lượng khá lớn các ca khúc anh viết cho phim phát sóng vào khung giờ vàng đều được khán giả yêu mến. Từ "Đến nơi bình yên" (phim "Cảnh sát hình sự"), "Đường xa tuyết trắng" (phim "Hai phía chân trời"), "Giấc mơ của con" (phim "Khép mắt chờ ngày mai"), "Mảnh đời đen trắng" (Phim "Mạch ngầm vùng biên ải"), "Tìm lại lời ru" (Phim "Lời ru mùa đông"), "Nơi xa cuối trời" (Phim "Yêu đến tận cùng")... cùng nhiều nhạc phim truyền hình khác.
Chúng tôi đùa rằng, hình như so với những ca khúc của mình thì cái tên Lê Anh Dũng kém nổi tiếng hơn trên truyền thông? Anh thẳng thắn: "Tôi không đánh giá việc các nhạc sĩ xây dựng hình ảnh mình trên các phương tiện truyền thông bởi mỗi người một quan niệm. Bản thân tôi luôn xác định mình làm nhạc cho phim. Đấy là đam mê của tôi. Hạnh phúc nhất của tôi khi tác phẩm được công chúng đón nhận, yêu thích. Tôi thấy thoải mái khi đứng phía sau mỗi tác phẩm của mình".
Trong thời điểm có quá nhiều ca sĩ; ca khúc hay ngày càng khan hiếm thì việc nhạc sĩ Lê Anh Dũng lựa chọn chuyên sáng tác cho phim truyền hình là một điều lạ. Bởi, so với công việc viết ca khúc cho phim, viết cho các ca sĩ biểu diễn trên các sân khấu lớn mang lại lợi nhuận và danh tiếng cao hơn rất nhiều. Với một số người, việc viết nhạc cho phim chỉ là tay trái thì Lê Anh Dũng lại dành trọn đam mê cho lĩnh vực này. Đến nay, với 99% ca khúc đều dành cho phim, anh trở thành một trong số tác giả được các đạo diễn đặt hàng liên tục từ trong Nam tới ngoài Bắc.
Với nhạc sĩ Lê Anh Dũng, ca khúc nhạc đầu tiên đánh dấu anh bước vào con đường viết nhạc cho phim là bài hát "Lầm lỡ" (ca sĩ Lệ Quyên trình bày) trong bộ phim "13 nữ tù" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Nhưng thực ra, anh đã từng tham gia cùng nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi làm nhạc cho bộ phim "Bỉ vỏ" từ ngày đang là sinh viên.
Không giống như những người bạn cùng lứa Nhạc viện như nhạc sĩ Xuân Phương, Lưu Hà An, Thanh Phương... tốt nghiệp ở cả hai chuyên ngành Piano và sáng tác nhưng Lê Anh Dũng chỉ hoạt động âm nhạc ở trong nước một thời gian ngắn rồi sang Ba Lan sinh sống. Anh chia sẻ, thời điểm đó, ngoài lý do có người thân sinh sống ở nước ngoài thì thực tế, cuộc sống của những nghệ sĩ mới ra trường như anh khá vất vả.
Lăn lộn, bươn chải đủ việc để theo nghề nhưng ít thấy tương lai. Khác với nhiều người xa xứ khác, sang Ba Lan nhưng Lê Anh Dũng vẫn được sống với niềm đam mê của mình. Anh là người Việt Nam đầu tiên được dạy nhạc cho một trường âm nhạc tại Ba Lan. Thời điểm đó, khi kênh truyền hình Quốc gia Ba Lan TVP1 sản xuất một bộ phim nói về cộng đồng người Việt tại Ba Lan có tên gọi "Giọt máu của tôi" thì một sáng tác của anh đã được chọn làm ca khúc chủ đề cho phim.
Năm 2005, trở về Việt Nam vì chuyện gia đình, Lê Anh Dũng thực sự bất ngờ trước sự thay đổi của đất nước. Đặc biệt, điều anh cảm nhận rõ nhất là sự thay đổi tích cực của đời sống nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã có thể sống tốt bằng nghề của mình. Không do dự, anh quyết định ở lại quê hương. Chỉ sau 5 ngày về nước, anh nhận lời làm nhạc công tại các quán bar, vũ trường.
Lê Anh Dũng chia sẻ, thời điểm anh quyết định sinh sống tại quê hương cũng là lúc phim ảnh có một sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, theo như anh quan sát thì nhạc phim, đặc biệt các ca khúc trong phim dường như chưa có được sự quan tâm đúng mức.
"Tôi nhận thấy bài hát trong một số phim truyền hình chất lượng chưa được tốt lắm từ kỹ thuật hòa âm, phối khí đến nội dung. Ngoài một số bộ phim được đạo diễn chú trọng mời những nhạc sĩ có tiếng viết ca khúc thì không thể phủ nhận có một số bộ phim cảm giá bài hát chỉ để cho có. Ca khúc và phim dường như không có sự kết nối, không liên quan đến nhau. Tôi nửa đùa nửa thật với nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi: "Em về nước rồi, có lẽ anh em mình làm gì đó cho thị thường nhạc phim chứ em thấy thế này không ổn". Anh Khôi ủng hộ ngay: "Anh nghĩ là em làm được đấy. Tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và công sức" - nhạc sĩ Lê Anh Dũng tâm sự.
Thời điểm đấy, Lê Anh Dũng bảo anh cũng không nghĩ gì to tát, không nghĩ mình làm điều gì vĩ đại hay muốn chiếm thị phần của ai mà chỉ nghĩ đơn giản rằng mình có thể làm một sản phẩm hoàn chỉnh hơn, chuyên nghiệp hơn. Nó sẽ không chỉ là một bài hát cho phim mà hoàn toàn có thể đứng độc lập được: "Tôi nghĩ rằng một số bạn tôi như anh Xuân Phương có những sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng nhưng chỉ một mình Xuân Phương làm thì không đủ. Nếu nhiều người làm hơn nữa sẽ tạo hiệu ứng tích cực, các đạo diễn sẽ có nhiều sự so sánh và lựa chọn hơn. Và như thế, những người khác cũng sẽ không cho phép mình làm những sản phẩm sơ sài, qua loa nữa vì đứng bên cạnh những sản phẩm hoàn chỉnh sẽ bị so le ngay".
Nhạc sĩ Lê Anh Dũng thừa nhận mình là người kỹ lưỡng, cầu toàn trong công việc: "Mỗi khi nhận lời viết ca khúc cho phim, tôi thường yêu cầu đạo diễn gửi kịch bản tóm tắt, kịch bản phân cảnh. Và thực sự phim dài tới mấy tôi cũng sẽ đọc tất cả các tập. Nếu thu xếp được thời gian, tôi sẽ ra trường quay, ngồi xem diễn xuất, nhất là những cảnh quay có nhân vật chính. Tôi thường đặt mình vào một tuyến nhân vật nào đó trong bộ phim để có được cảm xúc trọn vẹn nhất.
Tuy nhiên, hoàn thành ca khúc trên giấy mới chỉ là công đoạn đầu tiên. Công đoạn sau, mất thời gian và công phu không kém là mời ca sĩ ưng ý - Thực ra, khi chắp bút viết ca khúc tôi đã hình dung ra sẽ dành cho giọng hát nào - rồi hòa âm phối khí và thu âm ở chất lượng cao nhất. Và thật may mắn là cho đến giờ phú này, chưa một đạo diễn nào khi nghe ca khúc của tôi mà không hài lòng cả".
Nhạc sĩ Lê Anh Dũng cũng thẳng thắn: Nếu nói kiếm tiền bằng ca khúc cho phim thì quá vất vả vì mọi chi phí lớn. Công sức, thời gian bỏ ra rất nhiều, thu về gần như bằng không. Cái "lãi" nhất là ca khúc được phát sóng thường xuyên trên giờ vàng, được nhiều khán giả yêu thích".
Trong số các ca khúc của nhạc sĩ Lê Anh Dũng không thể không nhắc tới "Đường xa tuyết trắng" (ca khúc của phim "Hai phía chân trời" do ca sĩ Tùng Dương thể hiện). Lê Anh Dũng kể, khi Đài Truyền hình Việt Nam bắt tay vào thực hiện bộ phim "Hai phía chân trời" hợp tác với nước ngoài, về cuộc sống của người Việt ở các nước Đông Âu, thực ra khi ấy, phía đơn vị sản xuất đã có sẵn một phương án là ca khúc của một nhạc sĩ khá nổi tiếng.
Tuy nhiên, họ vẫn muốn mời anh viết để có thêm lựa chọn. Một điều may mắn là những tháng ngày sinh sống ở xứ tuyết với đủ mọi cảm xúc đã giúp anh hoàn thành ca khúc rất nhanh. Giống như chỉ việc trải lòng mình lên từng khuông nhạc.
Ca khúc hoàn thành, Lê Anh Dũng gửi cho đoàn làm phim và ngay lập tức nhà sản xuất lựa chọn ca khúc của anh. Những giai điệu da diết, khắc khoải nỗi nhớ quê hương, xót xa những vất vả mưu sinh sau đó vẫn thường xuyên được vang lên trên các sân khấu lớn. Ca sĩ Tùng Dương có lần chia vui với Lê Anh Dũng rằng, mỗi lần đi biểu diễn nước ngoài, anh thường xuyên được các Việt kiều yêu cầu hát ca khúc "Đường xa tuyết trắng".
Trong khi ngày càng nhiều ca khúc với giai điệu quen thuộc, ca từ dễ dãi có phần nhảm nhí thì mỗi ca khúc của nhạc sĩ Lê Anh Dũng luôn là một bản tình ca đẹp từ ca từ tới giai điệu. Chỉ riêng phần lời trong bài hát của anh đã như một bài thơ ăm ắp hình ảnh lãng mạn. Chúng tôi thắc mắc với anh rằng hầu hết những ca khúc của anh đều nói về tình yêu.
Một tình yêu tinh tế, nồng nàn, có mất mát, chia ly nhưng không bi lụy, sướt mướt mà luôn để lại những dư vị đẹp? Lê Anh Dũng thừa nhận, tình yêu là một đề tài gợi cho anh nhiều cảm xúc nhất. Và có lẽ, một cuộc sống thăng trầm không bằng phẳng đủ cho anh những trải nghiệm để hiểu tình yêu ở mọi khía cạnh: "Suy cho đến cùng, điều con người cần nhất vẫn là tình yêu. Không chỉ tình yêu đôi lứa mà là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người. Tôi là người luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực nên thấy rằng tình yêu ngay cả trong đổ vỡ, mất mát vẫn luôn có cái để người ta nâng niu, trân trọng".