Người dân quê gọi ông là "Ông Phần nông thôn"
Đã khá lâu rồi khán giả truyền hình mới có dịp xem một bộ phim đậm đặc chất làng quê với những vấn đề nhức nhối như "Ma làng". Khán giả hồi hộp theo dõi từng tập phim, hồi hộp dự đoán hành động tiếp theo cũng như số phận của nhân vật thực sự đã tạo nên một cơn sốt "Ma làng".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận được điện thoại từ khắp nơi trong cả nước gọi về chia sẻ. Không những thế, một doanh nhân từ TP Hồ Chí Minh vì yêu thích bộ phim này đã lặn lội ra tận Hà Nội trao tặng đạo diễn và đoàn làm phim món quà... 250 triệu đồng. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hiện đang được gọi với cái tên hết sức đáng yêu là "ông Phần nông thôn"!
Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử phim truyền hình Việt Nam lại có một giải thưởng lớn đến vậy, mà lại là một giải thưởng đến từ... khán giả. Đứng trước món quà quá sức tưởng tượng trên, người đạo diễn già có gương mặt vừa nghiêm nghị vừa khắc khổ ấy hết sức lúng túng. Từ chối cũng không được (vì họ đâu có tặng cho riêng ông mà là cho cả đoàn làm phim đấy chứ!) mà nhận thì cũng thấy áy náy thế nào.
Vậy là "nhà hảo tâm" phải trấn an mãi "ông Phần nông thôn" mới dám nhận về để "chia" cho anh em. Cả đoàn ai cũng vui. Riêng ông cảm thấy mình có thêm "dũng khí" để tiếp tục với đề tài nông thôn gai góc mà theo ông là có hàng... núi chuyện để kể, để bàn và để suy ngẫm.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự rằng, ban đầu ông vốn không phải là người "nặng nợ" với đề tài nông thôn. Tác phẩm đầu tay của ông là "Chiếc bình tiền kiếp" một bộ phim nhựa về chính quê ông, song ông tự thấy những phim có chất "thơ thơ" một chút mới hợp với "tạng" mình.
Khán giả biết đến Nguyễn Hữu Phần qua những bộ phim như "Em còn nhớ hay em đã quên", "Bản tình ca trong đêm", "Mảnh đời của Huệ", "Ngọt ngào và man trá"... nhưng sau khi làm phim "Đất và người" (cùng với đạo diễn Phạm Thanh Phong) ông nhận ra đề tài nông thôn được nhiều khán giả quan tâm, đón nhận và nông thôn cũng là nơi có quá nhiều vấn đề mà phim ảnh vẫn chưa "chạm" đến.
Nhất là cho đến nay, quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra quá ồ ạt khiến người nông dân không kịp thích ứng với những thay đổi nhanh đến chóng mặt.
Trong "Đất và người", ông xây dựng nên một anh nông dân Chu Văn Quyềnh vừa khôn lại vừa dại mà hình như ở làng quê nào cũng có. Vai diễn được NSƯT Hán Văn Tình thể hiện đạt đến nỗi bây giờ nghệ sĩ này đi đâu người ta cũng gọi anh là "Quyềnh, Quyềnh!" mà quên mất cả tên "cúng cơm" của anh.
Ông cho biết, trong quá trình làm phim, ông đã học được nhiều điều từ những người nông dân mà ông đã gặp gỡ, đã trò chuyện hoặc đã giúp đỡ ông. Ông bắt đầu quan sát, ghi chép, chiêm nghiệm và nung nấu ý tưởng sẽ làm một chuỗi những bộ phim về nông thôn từ thời bao cấp đến thời kỳ đổi mới và bây giờ là hội nhập, mở cửa...
Nói về bộ phim "Ma làng" ông cho biết, thật tình cờ khi nhà văn Phạm Ngọc Tiến lên Tuyên Quang và mang về tiểu thuyết "Ma làng" của Trịnh Thanh Phong. Vậy là nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã cùng ông bàn bạc để chuyển thể tiểu thuyết hơn 100 trang thành một kịch bản văn học dày 700 trang cho 19 tập phim.
Kịch bản này về cơ bản trung thành với nguyên tác và mỗi khi chuyển thể xong một tập, nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đều gửi e-mail lên cho nhà văn Trịnh Thanh Phong, xem "cha đẻ" của "Ma làng" có sửa chữa hay thêm vào những phương ngữ cho sinh động.
Sau này, nhà văn Trịnh Thanh Phong có về thăm đoàn làm phim khi đó đang quay đến cảnh cô Mưa "vượt cạn" trong căn lều tồi tàn của cô Ló. Nhà văn hay xúc động này đã lặng lẽ bỏ ra ngoài… khóc vì vừa thương nhân vật mà mình đã viết ra, vừa thương sự khó nhọc của cô diễn viên trẻ khi phải diễn đi diễn lại một cảnh quá khó và... chưa có kinh nghiệm.
![]() |
Diễn viên Bùi Bài Bình và diễn viên Kim Oanh trong phim "Ma làng". |
Ban đầu, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần định đặt tên cho phim là "Đêm cuối cùng của mùa đông" với hàm ý tái hiện nông thôn trước đổi mới. Nhưng sau đó, ông lại quyết định giữ nguyên cái tên "Ma làng" bởi nghe nó vừa hấp dẫn lại có chút bí ẩn, gợi trí tò mò đối với người xem.
Với diễn xuất của các diễn viên: Bùi Bài Bình (vai Tòng), Hồng Sơn (vai Giỏ), Kim Oanh (vai Ló)... một lần nữa khẳng định sự kỹ lưỡng trong khâu chọn diễn viên của ông. Không những thế, ông còn tạo ra sự đột phá bởi diễn viên Bùi Bài Bình từ xưa đến nay toàn vào những vai diễn... nghiêm ngắn còn Hồng Sơn thì toàn làm... người tử tế.
Ấy vậy mà ông đã tìm mọi cách lôi kéo, dùng chiêu "khích tướng" đối với hai diễn viên này, rằng: "Khán giả đã quá chán các ông qua những vai chính diện rồi, giờ các ông thử thay đổi xem sao. Có khi quen làm người tốt rồi chẳng diễn nổi một vai người xấu".
Thế là cuối cùng họ đã nhận lời: một anh thì vào vai chủ tịch xã nhiều mưu mô thâm độc, một anh thì vào vai tay "cùng đinh" suốt ngày chếnh choáng hơi men. Còn diễn viên Kim Oanh sau khi "xin" được vai diễn này của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã suy nghĩ rất nhiều và có những sáng tạo bất ngờ. Có những câu thoại do Kim Oanh nghĩ ra chứ không có trong kịch bản.
Quả thật, "Ma làng" đã tạo ra một sự lôi cuốn lạ thường đối với khán giả truyền hình khiến chính đạo diễn cũng bất ngờ. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: "Ngay sau khi làm xong hậu kỳ phim "Ma làng" tôi lại bắt tay ngay vào làm bộ phim 24 tập "Gió làng Kình" - một bộ phim phản ánh về nông thôn khi làn gió đổi mới vừa ùa về.
Vậy là trong thời gian "Ma làng" chiếu trên VTV1, tôi rong ruổi trên các nẻo đường tìm bối cảnh cho bộ phim mới nên vắng nhà. Thế nên, vợ con tôi phải "chịu trận" thay với hàng trăm cuộc điện thoại khắp nơi gọi đến chia sẻ, hỏi han về diễn biến tiếp theo, hỏi xem kết thúc phim thế nào?
Có lẽ vì nhiều người nhìn thấy một phần mình, người thân của mình, thấy quê mình trong đó. Đến khi hết phim rồi thì họ lại truy hỏi xem có "Ma làng" phần hai hay không? Thậm chí, tổng đài 1080 của Hà Nội đã tìm ra số điện thoại của tôi để giải đáp cho khán giả cơ đấy".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết thêm, có những ý kiến độc đáo khiến đạo diễn cũng phải suy nghĩ. Cũng chính vì được dư luận quan tâm, nên khi con trai ông mua ôtô, người ta liền bảo: "Đấy, ông Phần làm có cái "Ma làng" mà tậu được hẳn xe hơi cho con!". "Kỳ thực, tiền đạo diễn tôi mua cái bánh xe còn chưa xong vì tính ra tôi chỉ còn nhận về 2,5 triệu/tập phim mà thôi" - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói như thanh minh.
Hiện đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đang đặt hàng nhà văn Trịnh Thanh Phong viết tiếp phần hai và có những gợi ý cho nhà văn. Song ông cũng cân nhắc nếu không được như mong muốn hoặc không vượt qua "Ma làng" phần một thì ông cũng không "cố đấm ăn xôi" làm gì. Bởi vì theo ông, đó cũng là tôn trọng mình và tôn trọng khán giả và cũng còn có nhiều đề tài nông thôn khác đang đón đợi ông.
Nhớ lại quá trình làm phim "Ma làng", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự: "Nỗi nhục của người làm phim không có trường quay là phải đi ăn nhờ ở đậu. Đáng lẽ chúng tôi làm phim này ngay trên đất Tuyên Quang, nhưng vì địa phương không giúp đỡ về nơi ăn chốn ở, đường về lại quá xa mà nếu đem kinh phí làm phim ra thuê khách sạn cho mấy chục người thì tôi chỉ có nước phải... bán nhà nên đành quay về.
May quá, chúng tôi mượn được một cái nhà bỏ hoang của một mỏ đá bị phá sản ở Lương Sơn (Hòa Bình), sửa sang mua chăn màn, giường chiếu, xoong nồi về anh em tự nấu nướng, sinh hoạt luôn ở đây. Cánh diễn viên nữ thì có xe đưa đón mỗi ngày, còn cánh nam giới thì ở lại. Tối đến, anh em mua gà về thịt, đốt lửa uống rượu hàn huyên đâm lại rất vui, rất đáng nhớ!
Kết quả là, sau khi bộ phim hoàn thành, chúng tôi tổng kết lại thì cả đoàn đã ăn hết hơn trăm con gà, hơn chục con chó và 4 con dê! Đây không phải là tiền làm phim đâu nhé, toàn là tiền anh em góp lại thôi, nhưng như thế thật thoải mái".
Trong những chuyến đi làm phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần có nhiều kỷ niệm vui với người nông dân vì nhiều người rất thích đi đóng phim, dù chỉ là những vai quần chúng mang tính chất... đám đông như đám cưới, đám ma, xem xử án...
Có lần, ông cần 30 người đóng vai quần chúng thì họ kéo đến những hơn 60 người. Khi đạo diễn nói chỉ cần 30 người, sau một hồi bàn luận thì không ai chịu về, họ nói rằng: "Thôi, ông vẫn giả tiền bằng của 30 người nhưng cứ cho tất cả chúng tôi đóng nhé!".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cười bảo: "Tôi đi đến nhiều làng quê, người quê biết tôi là đạo diễn "Ma làng", họ gọi tôi là "ông Phần nông thôn!"