NSƯT Thanh Thủy: Gừng càng già càng cay
1. Tôi gặp NSƯT Thanh Thủy khi bà vừa từ trường quay bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" tại Vĩnh Phúc về nhà. Đây là phim về ông Kim Ngọc, "tác giả” của chính sách khoán 10. Vừa rót nước, bà vừa hào hứng: "Phim này mình đóng vai một xã viên trước thời điểm khoán 10 ra đời. Vì đời sống khó khăn nên bà ta chỉ nhăm nhăm bòn rút của hợp tác về cho mình. Khi gặt lúa, bà cố tình bỏ sót thật nhiều để mấy đứa con đi sau mót về, chở lúa từ đồng về sân hợp tác, đi qua cổng nhà mình, thừa lúc không ai để ý, bà quăng ngay bó lúa vào sân... Nhân vật cũng có nhiều chi tiết thú vị lắm".
Khi tôi nhắc lại phim "Ngõ lỗ thủng" và những yêu mến khán giả dành cho nhân vật bà Điếc, NSƯT Thanh Thủy tâm sự: Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc kịch bản, bà đã thấy thích thú với nhân vật này. Đó là một người giúp việc đặc biệt, khi làm việc cho nhà ai, bà cũng đều coi mình như là một thành viên của gia đình ấy, sẵn sàng góp ý, tham gia mọi chuyện. Không ít khán giả gặp bà đều nói rằng rất ấn tượng với màn ăn bún ốc của bà Điếc, còn NSƯT Thanh Thủy lại cười rúc rích, nói cảnh quay ấy là nỗi "kinh hãi" của bà.
Chuyện là ngay trước khi quay, cả đoàn bị ngộ độc thức ăn, nhiều người, trong đó có bà mệt đến mức không về Hà Nội như mọi ngày mà phải ngủ lại trường quay. Để diễn sao cho ra một người giúp việc ăn uống tự nhiên, dân dã, đạo diễn yêu cầu bà húp sì soạp và... ăn nhiều rau sống. Dù trong bụng vẫn còn khiếp vía vì vụ hôm trước, nhưng bà vẫn phải húp ngon lành. Thực lòng lúc ấy, bà chỉ mong đạo diễn hô "thôi" để cho ra những thứ trong miệng. Đấy là cảnh duy nhất mà quay xong, bà chỉ lo nhất là phải... diễn lại.
Không sở hữu một vẻ đẹp lộng lẫy như nhiều đồng nghiệp cùng học khóa 1 của Trường Sân khấu - Điện ảnh, nhưng NSƯT Thanh Thủy lại có vóc dáng khỏe mạnh và gương mặt mặn mà, cá tính. Có lẽ vì thế mà các nhân vật bà thủ vai đều có tính cách đặc biệt, như ở các phim "Thị trấn yên tĩnh", "Vùng trời", "Chuyến xe bão táp", "Hoa hậu đêm trăng", "Sinh mệnh"...
![]() |
NSƯT Thanh Thủy (trái) trong phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”. |
Và năm 2007, khi đã vào tuổi 70, NSƯT Thanh Thủy được nhận giải thưởng Cánh diều vàng cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất một cách thuyết phục trong vai mẹ Linh "gấu" (phim "Sinh mệnh"). Đó là bà mẹ có 4 người con liệt sĩ, con trai út Linh "gấu" cũng vào làm lái xe Trường Sơn chỉ sau đám cưới một ngày. Khát khao lớn nhất của bà là có được đứa cháu ẵm bồng. Và bà làm đủ mọi cách để ước nguyện ấy trở thành sự thật. Nhưng rồi, những éo le của chiến tranh đã khiến mong ước ấy của bà trở thành vô vọng. Người con trai cuối cùng của bà cũng đã hy sinh trong một trận đánh lớn. Những dằn vặt, giằng xé trong lòng người mẹ ấy được NSƯT Thanh Thủy diễn xúc động, ám ảnh.
"Sinh mệnh" là phim về đề tài chiến tranh nên có khá nhiều cảnh bom đạn. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại cảnh quay mẹ Linh "gấu" và con dâu đang ăn cơm trong lán trại thì bị bom Mỹ tấn công, bà vẫn cười ra nước mắt.
Số là, một quả nổ với khối lượng khá lớn, đủ để làm nổ tung căn lán được đặt ngay dưới mâm cơm của các diễn viên. Khi đạo diễn hô "chạy" là các diễn viên phải chạy thật nhanh ra xa để anh em phụ trách giật quả nổ. Bà bảo: "Mình đã thống nhất trước với chúng nó là u già rồi, chạy chậm lắm. Khi nào u chạy ra khỏi vùng an toàn mới được giật đấy nhé. Chả hiểu thế nào, vừa chạy được một đoạn, nghe tiếng nổ giật bắn người, chân nọ díu vào chân kia, chả chạy được nữa khiến anh em diễn viên trẻ phải lao tới đỡ dậy". Quay xong cảnh ấy mà mấy cô cháu được dịp cười lăn lóc.
2. Có điều kiện trò chuyện với những nghệ sĩ thế hệ của bà, tôi nhận thấy gia tài lớn nhất mà họ có được là những kỷ niệm, trong đó, không thể thiếu những xót xa hoài niệm về một thời gian khổ.
NSƯT Thanh Thủy nhớ mãi lần vào vai vợ trưởng ga trong bộ phim "Ga" của đạo diễn Trần Khánh Dư. Bà nhận quyết định tham gia phim này khi vừa sinh cô con gái út được hơn một tháng. Cậu con trai lớn theo bố, cô con gái nhỏ thì cùng mẹ và bà ngoại lên tận ga Ngòi Hót heo hút của Yên Bái đóng phim.
Vừa lên tới nơi, không biết tại sao, cô con gái nhỏ cứ khóc ngằn ngặt, tím tái cả người, dỗ thế nào cũng không nín. May mà sau đó được bà con dân bản xúm vào hơ lá bóp chân, bóp tay, cô bé mới đỡ dần. Bây giờ nghĩ lại, bà vẫn còn hú vía.
Không chỉ có vậy, vai diễn này thường xuyên sử dụng bối cảnh trên tàu, thế là cả đoàn làm phim phải theo tàu từ Yên Bái lên Lào Cai, ngủ trên đó một đêm, sáng hôm sau mới lại về Yên Bái. Những đêm phải xa con, cứ nghĩ đến cảnh con khóc quấy bà ngoại vì thiếu sữa, trong khi 2 bầu sữa của mình căng tràn, nghệ sĩ Thanh Thủy không sao chợp được mắt. Hai bà cháu ở Yên Bái cũng chẳng sung sướng gì hơn, có khi nửa đêm phải bế nhau đi sơ tán vì nhà bị mưa gió làm tốc mái...
Khi NSƯT Thanh Thủy tham gia phim "Độ dốc" lại là những gian khó khác. Bối cảnh của phim là miền núi, có khi cả đoàn leo nửa ngày mới tới được địa điểm quay nhưng lại phải xuống vì không có... nắng. Cả đoàn sống trong cảnh thiếu rau xanh, thực đơn thường xuyên là quả vả xào và canh lá méo hái trong rừng. Ăn nhiều, ruột gan xót như xát muối. Có lần, nghệ sĩ Huy Công phải bắt rắn để cải thiện bữa ăn cho đỡ... nhớ thịt. Quay xong phim, da ai cũng xanh rớt như tàu lá, môi thâm xì vì thiếu chất.
Sau này, khi đóng phim "Những ngày không có mặt trời", bà phải dầm mình suốt ngày trong nước, đến khi phim hoàn thành cũng là lúc chân sưng vù lên vì bị đau khớp...
Đến bây giờ ngẫm lại, NSƯT Thanh Thủy cũng không hiểu tại sao bà và những đồng nghiệp lại vượt qua được những khó khăn, gian khổ ấy để làm nghề. Cả đời làm nghệ thuật, cái được lớn nhất mà họ nhận được là tình yêu của khán giả chứ chưa bao giờ là giá trị vật chất.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng bà trên đường Hoàng Hoa Thám được xây dựng nhờ tiền tích cóp của hai vợ chồng và những tháng năm bà làm việc cho công ty nước ngoài. Thời điểm ấy, ban ngày bà đi làm cho công ty, ban đêm lại theo đoàn làm phim. Gần sáng lại vội vàng về nhà đánh răng rửa mặt để kịp giờ làm việc.
Gặp NSƯT Thanh Thủy ngoài đời mới thấy bà trẻ hơn trên phim và với tuổi thực của mình. Bí quyết của bà chỉ là sống vui vẻ, hồn nhiên và lạc quan. Ngay từ khi còn học trong trường, bà đã được mệnh danh là cây tiếu lâm của lớp vì có khả năng nhớ dai và kể sinh động nhiều câu chuyện hài hước. Mỗi khi bạn bè đồng nghiệp gặp nhau đều yêu cầu bà kể chuyện.
Giờ đây, khi ngồi trò chuyện cùng tôi, nhưng kỷ niệm buồn vui của khóa sinh viên đầu tiên ấy như vẫn sống động trong bà. Bà vẫn hình dung được bạn bè mình, những nghệ sĩ như Thụy Vân, Thúy Vinh, Minh Đức, Trà Giang, Anh Thái, Lâm Tới... của 50 năm về trước. Cái thuở bà và bạn bè "ngây ngô", nhìn cái đàn piano lại bảo: "Cái bàn này bóng gớm nhỉ". Cũng ở đó, bà có được những bài học đơn giản nhưng quan trọng với nghề diễn.
Bà bảo, ngày ấy đang tuổi ăn tuổi ngủ, lại vô tư nên ai nấy cứ tăng cân vù vù. Một hôm, vào giờ giảng của một chuyên gia Liên Xô, ông gọi: "Thủy, em đứng dậy phân tích tư tưởng chủ đạo của bộ phim "Số phận một con người". Bà đứng lên, chưa kịp trả lời, ông thầy bèn mắng té tát: "Em học diễn viên mà để người béo quay thế kia à! Béo thế này thì ai dám đóng đôi với em nữa". Trong lúc Thanh Thủy bị thầy giáo mắng thì không ít những nữ sinh viên khác cũng giật mình thot thót vì nhìn lại, chả ai mảnh mai cả. Sau đó cả nhóm lại hì hục bước vào công đoạn giảm cân...
Mới đó mà những câu chuyện ấy đã qua hành trình 50 năm. Giờ đây, người còn, người mất. Người còn sống cũng đã lên ông, lên bà và đang rục rịch cho cuộc gặp mặt nhân 50 năm ngày nhập trường. Trong số ấy, ít người còn lăn lộn trường quay như bà. Bà bảo, đi đóng phim lại thấy mình khỏe hơn và lây cái hồn nhiên trẻ trung của bọn trẻ...