NSND Trà Giang: Hội họa đã cứu vớt đời tôi

Chủ Nhật, 07/02/2016, 08:03
Triển lãm "Mùa xuân" của NSND Trà Giang vừa khép lại tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của bà sau triển lãm "Hè về" năm 2006. 15 năm gắn bó với hội họa, sắc màu đã điểm cho đời bà thắm lại sau những héo hon sóng gió phận người...


- Sau điện ảnh, tại sao bà lại chọn hội họa chứ không phải là môn nghệ thuật nào khác để gắn bó?

+ Cuối thập niên 90, tôi thường đến thăm nhà cô Lê Thị Thoa, vợ Thượng tướng Trần Văn Trà. Điều làm tôi thích thú là trong nhà cô treo rất nhiều tranh. Hỏi ra thì mới biết đây là những bức tranh cô vẽ. Tôi cảm kích vô cùng. Tự hỏi tại sao mình không thử vẽ nhỉ. Cô Thoa giúp tôi đăng ký học vẽ ở Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Từ đó, một tuần ba buổi tối, tôi đến Hội học vẽ. Tay cọ cứng cáp dần thì tôi đăng ký tham gia nhóm "Hương cỏ". Được sự hướng dẫn của thầy Quang Luân và thầy Mai Trực, các thành viên trong nhóm tiến bộ nhanh chóng. Các hoạt động của nhóm rất vui, mọi người vừa tập vẽ vừa tâm sự chuyện trò với nhau khiến tôi cũng bớt buồn khi về già. Lúc đó, tôi vẽ chủ yếu để giết thời gian. Nhưng càng dấn sâu, vẽ nhiều, mình đắm chìm trong màu sắc, bố cục lúc nào không hay.

NSND Trà Giang (bìa phải) cùng bạn bè đồng nghiệp tại triển lãm tranh "Mùa xuân".

- Đa số các bức tranh sơn dầu trong triển lãm "Mùa xuân" của bà đều xoay quanh đề tài thiên nhiên, phong cảnh quê hương. Sắc màu của tranh không quá rực rỡ, kiêu sa mà dịu dàng, hồn hậu và trong vắt như chính con người bà?

+ Đứng trước thiên nhiên, trong tôi luôn dạt dào cảm xúc. Nhiều người bảo tôi là họa sĩ thực thụ nhưng tôi chưa dám nhận. Thật sự tôi không giỏi giang về sáng tác. Xúc cảm trước thiên nhiên ra sao thì nó thôi thúc mình phải cầm cọ họa lại như vậy. Tranh của tôi thường vẽ về hoa, lá, cỏ và phong cảnh những nơi tôi đi qua vì tôi rất yêu thiên nhiên, cảm thấy bình yên khi đối diện. Đó là cảnh ở Sa Pa, đồng lúa Mường Thanh, rừng núi Ba Tơ, phố cổ Hội An …

Cũng có tác phẩm gợi lại hồi ức ngày trẻ. Bức vẽ cổng làng Ngọc Tảo nhắc lại kỷ niệm nơi tôi ở lúc tập kết ra Bắc năm 12 tuổi. Năm 2005, quay lại thăm làng cùng con gái, người xưa đã không còn nhưng cổng làng, gốc đa, giếng nước vẫn còn đó khiến tôi bồi hồi. Gắn bó với đất Bắc, điều tôi nhớ nhất khi đi xa đó là đình chùa, cổng làng, lũy tre… Nên trong triển lãm này, tôi có đến 3 bức vẽ cổng làng. Cảnh biển trời, sông hồ gợi cho tôi sự mênh mông, vô định.

Hồi còn đóng phim, tôi rất thích những cảnh quay có biển và sông. Nên sau này có dịp đi qua những nơi ấy, tôi đều ký họa lại để gợi nhớ ngày tháng đẹp đẽ đó. Tác phẩm "Con sông quê hương" là thượng nguồn sông Trà Khúc, Quảng Ngãi quê tôi. Rồi cảnh dân chài kéo lưới, buổi chiều trên sông Trà núi Ấn… Trong tranh, tôi cũng gửi gắm hình ảnh người thân. Như bức vẽ giọt sương trên chiếc lá đỏ là lúc tôi tiễn biệt con gái và nhìn dáng con khuất sau cửa sổ có chiếc lá đỏ đẫm sương. Hay như bức tôi nhìn từ trên cao bao quát khu nhà con gái mình ở để đưa vào tranh.

- NSND Thế Anh nhận xét rằng NSND Trà Giang rất may mắn khi không còn đi diễn nữa nhưng vẫn có cây cọ để diễn tả tâm hồn và con người nghệ sĩ của mình qua tranh. Còn NSND Đoàn Dũng lại cho rằng trong các bức tranh của bà đều bảng lảng một màu tím. Đó là một màu buồn, màu của sự thủy chung đợi chờ. Phải rất hiểu bà, hai nghệ sĩ mới có những nhận xét tinh tế như vậy?

+ Đúng là các anh ấy rất hiểu tôi. Năm 48 tuổi, phim "Dòng sông hoa trắng" đóng máy cũng là lúc tôi ngừng nghiệp diễn. Rồi chồng tôi bị bạo bệnh qua đời. Đứa con gái duy nhất lại ở nước ngoài nên mình tôi lủi thủi trong ngôi nhà của hai vợ chồng. Giai đoạn đó tôi cô đơn khủng khiếp nhưng cố nén nhịn. Tôi sợ mình bị trầm cảm. Ba thứ có ý nghĩa nhất với cuộc đời tôi là điện ảnh, chồng và con gái đều không còn bên mình.

Có thể nói, hội họa đã cứu vớt cuộc đời tôi sau hai cú sốc đó. Tôi vẽ để giết thời gian, để giải sầu, cứu thoát mình khỏi nỗi cô đơn. Cảm xúc dồn nén tôi chuyển tải lên nét cọ nên nhiều tranh, người ta thấy nỗi buồn phảng phất. Có con thuyền cô đơn giữa sông nước mênh mông, xa tít là núi tím thẫm về chiều. Màu tím là sự đợi chờ, mỏi mòn, nỗi buồn tê tái.

Hay bức "Đợi" vẽ người đàn bà ôm hai đứa con thơ đứng trước biển mênh mông, xa xa tím buồn man mác mà vọng phu. Bây giờ, niềm say mê hội họa ngấm vào máu, màu sắc, bố cục và cảnh vật thiên nhiên không đơn thuần để tôi giải sầu nữa mà tôi tìm thấy niềm yêu thích, tìm thấy mình trong đó. Con gái cũng khuyến khích tôi vẽ như cách tìm vui. Tôi là phụ nữ nên vẫn thích những gì nhẹ nhàng, nữ tính. Gam màu tím giờ đây tôi vẽ tuy buồn nhưng nó gợi lên sự yên bình, tĩnh tại.

Một tác phẩm của NSND Trà Giang.

- Nhiều nghệ sĩ dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn cố bám trụ lại với điện ảnh. Ít ra ở đó họ được làm nghề dù hoàn cảnh và cách làm phim bây giờ đã khác. Tại sao bà không quay lại với điện ảnh?

+ Nếu có vai diễn thích hợp, tôi sẽ nhận lời. Nhưng chờ mãi mà không thấy vai nào phù hợp. Tôi cũng từng có ý định làm đạo diễn nhưng dự án chưa bắt đầu thì lại gặp vướng mắc. Bây giờ, tôi tìm được niềm vui và hạnh phúc khi cầm cọ. Niềm hạnh phúc đó không khác bao nhiêu so với hồi tôi nhận vai diễn trong các phim "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17- ngày và đêm", "Bài ca ra trận", "Dòng sông hoa trắng"… Nếu mình có niềm vui sống tuyệt vời như vậy thì cớ gì mình không phấn đấu thường xuyên, phấn đấu hằng ngày để có được niềm vui đó. Thỉnh thoảng có những lời mời tham gia sự kiện như chấm thi hoa hậu, các liên hoan điện ảnh… tôi vẫn nhận thời tham gia. Niềm đam mê điện ảnh trong tôi luôn cháy bỏng, nên ở tuổi này, nếu có một vai diễn hay, tôi sẵn sàng cống hiến hết mình.

- Công chúng hy vọng "Mùa xuân" không phải là triển lãm cuối cùng của NSND Trà Giang?

+ Thú thật là sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút nhiều. Tay đau nên giờ không vẽ khỏe như trước. Sắp tới, tôi vẫn tiếp tục vẽ về hoa và thiên nhiên nhưng có lẽ tôi sẽ dành nhiều thời gian để tập trung vẽ chân dung. Sẽ sớm có một triển lãm tranh chân dung trong thời gian không xa. Bây giờ tôi chỉ mong có sức khỏe và nhận được sự khích lệ của mọi người mà tiếp tục sáng tác, góp chút công sức để thấy mình sống có ích.

Phan Thi Uyên (thực hiện)-Xuân 2016
.
.
.