Lửa gốm Lái Thiêu

Thứ Tư, 24/07/2019, 08:45
Bến chợ gốm trên sông Lái Thiêu vẫn nhộn nhịp như mọi ngày. Những con tàu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ghé vào lấy hàng từ nửa đêm. Nào chum vại, lu bình, lợn gà, đôn chậu, đĩa bát ngổn ngang. Thợ khuân hàng hối hả làm việc. Tàu thuyền bập bềnh trên sóng nước bình minh. Thỉnh thoảng lại có tiếng còi tàu rúc lên như muốn gửi lời chào những con phố xinh xắn hai bên bờ sông mơ mộng hiền hòa.


Cái chết của người thợ gốm tài hoa

Về đến vùng gốm Lái Thiêu, ai cũng biết tới câu chuyện về cái chết của người lái buôn trên sông. Đó là một thương hồ đến đây buôn đất nặn chum vại bát đĩa bán cho mọi người. Ông ta đã dựng lán xây lò nung gốm trên sông. Hàng ngày tàu thuyền ra vào như mắc cửi. Họ buôn đủ thứ, nào hoa quả, lợn gà, củi gỗ để chở đi lục tỉnh bán hàng.

Lán của người thợ gốm luôn chào đón mọi người qua lại nghỉ ngơi và đợi hàng về. Dần dần phố chợ đông đúc. Lò gốm của ông vui như hội. Kẻ vào người ra tấp nập. Họ muốn ông vẽ lên cái đĩa, cái bát, cái bình những bông hoa, con gà, con lợn cho thêm sinh động. Thế là ông lái gốm bắt đầu một cuộc đổi mới theo ý khách hàng.

Lò sản xuất gốm Lái Thiêu.

Ông vẽ suốt ngày đêm. Những bông hoa hiện lên như nỗi lòng ông rạng rỡ múa ca. Ngọn lửa lò liên tục reo vui như khát vọng của lòng người. Ông vừa uống rượu, vừa thảo bút vẽ. Những con chim trên bình như muốn hót. Chùm nho hiện lên mọng chín màu vàng rượm. Bất ngờ vò rượu đổ lênh láng bắt lửa. Ngôi nhà cháy bùng theo chiều gió. Nhưng ông lái gốm không hề biết, mà cứ chăm chú vẽ và luôn mỉm cười.

Khi ngôi nhà cháy rụi sập xuống cũng là lúc ông đã thành pho tượng đen trũi bên lò nung. Chiếc bình gốm chuyển thành màu huyết dụ. Người dân thương xót ông và gọi tên bến thuyền là Lái Thiêu (ông thương lái bị thiêu). Những con phố quây quần bên sông cũng được mang tên Lái Thiêu từ đó. Dòng gốm Lái Thiêu hình thành mang phong cách riêng đúng như ước vọng của người thương lái kia.

Chuyện dị ảo này xảy ra cách đây khoảng 200 năm. Nó minh chứng cho lịch sử phát triển của ba dòng gốm người Hoa đến làm ăn trên đất Lái Thiêu (từ những năm đầu 1846). Vùng Lái Thiêu thuận lợi vì có nguồn đất sét và cao lanh khá dồi dào. Ở vị trí cao bên sông Sài Gòn, trấn Lái Thiêu có đường thủy kết hợp với đường bộ hết sức thuận lợi cho công việc làm ăn.

Ngày đó, những lò gốm mọc lên như nấm. Tàu chở than và củi đến bán rồi lại chở gốm đi khắp lục tỉnh giao hàng. Cánh buôn từ Bình Phước, Tây Nguyên cũng chở hàng về bán. Từ xưa khi đã nói đến hàng gốm của các tỉnh miền Nam đều phải nhắc đến cái tên Lái Thiêu.

Nét đặc trưng của hàng gốm Lái Thiêu là những họa tiết đậm chất dân gian từ men phủ đến hình dáng. Những nét họa tiết về hoa cỏ và lũy tre làng quê cùng cánh hoa bèo được thể hiện trên những mặt hàng gốm gia dụng. Đặc biệt, hình ảnh con gà được coi là biểu tượng cho dòng gốm Lái Thiêu.

Mỗi nghệ nhân tạo nên thương hiệu gà của riêng mình. Một họa sĩ của xí nghiệp gốm Trung Thành có thể vẽ những con gà một nét với nhiều dáng điệu khác nhau. Gà trống cất tiếng gọi mặt trời. Gà mẹ với đàn con ríu rít quanh vườn. Hay chú gà tre ngộ nghĩnh đang kiếm ăn.

Kèm theo là những câu ca dao được viết theo: "Con gà tốt mã vì lông. Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men"; "Gà gáy kêu tiếng rảnh rang. Mặt trời thức dậy cả làng vui reo". Cùng với đó, những họa tiết hoa bướm, bến thuyền, dòng sông luôn được những người thợ vẽ rất cách điệu. Các mặt hàng gốm Lái Thiêu thường gắn bó với tình yêu quê hương của các nghệ nhân miền Nam mỗi khi đốt lò.

Làng Heo

Lái Thiêu sau này thành thị trấn. Chợ gốm ngày một nhộn nhịp hối hả. Gốm của trấn Lái Thiêu còn nổi tiếng khắp nước với làng heo đất. Không cứ vào dịp Tết, mà quanh năm làng đều nặn những chú heo cười cung cấp cho khắp miền Nam. Những con giống được sản xuất hằng năm ở trấn Lái Thiêu dường như chỉ dồn vào heo đất.

Mỗi lò gốm có thể cung cấp hàng chục ngàn con heo đưa các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Không chỉ dừng lại trò chơi tiết kiệm vào những ngày xuân, mà giờ đây làng gốm heo đã có những họa sĩ thiết kế hình khối và họa tiết bắt mắt. Đó là sự kết hợp giữa hội họa và điêu khắc.

Nét đẹp gốm Lái Thiêu.

Mỗi mẫu heo gốm là một tác phẩm nghệ thuật đậm chất dân gian. Ở đây, hình tượng con heo trong tranh Đông Hồ đã được vận dụng sáng tạo. Từ màu sắc đến vết xoáy trên thân heo cũng được phóng tác mang yếu tố hoạt kê.

Khi chúng tôi đến lò gốm heo của nghệ nhân Lê Thị Thu Sương ở đường 93 thị trấn, mới hay ở đây có một kho chứa hàng vạn sản phẩm heo đất. Tất cả đang chờ vào nung. Hơn chục người thợ đang tập trung vẽ những vết xoáy trên bụng heo. Những đôi mắt của heo đất cũng thể hiện được sự vui vẻ, sinh động.

Nghệ nhân Thu Sương cho biết, những người thợ gốm ở đây có biệt tài thể hiện những nét hóm hỉnh trên khẩu hình của heo đất. Đó là những nụ cười hể hả của sự no ấm phồn thịnh. Dân trong làng đều thuộc câu ca dao "Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon". Vậy nên những con heo đất ở đây đều phổng phao với cái xoáy bụng tròn xoe.

Nghệ nhân Thu Sương còn nói, heo gốm Lái Thiêu không chỉ cung cấp hàng ngày cho khắp Lục tỉnh, mà còn là món quà có ý nghĩa đối với Việt kiều ở Lào, Campuchia và Thái Lan. Mỗi năm, riêng xưởng nhà bà cho ra lò hàng chục ngàn chú heo đất xuất ra thị trường nước ngoài. Ở nông thôn ngày nay, việc chăn nuôi heo vẫn còn là phương kế sinh nhai bền vững.

Hình tượng con heo đất luôn gắn bó với đời sống ở mọi miền quê. Nó gợi nhớ đến sự hài hước về công việc chăn nuôi của người nông dân: "Ba bà đi bán lợn con. Bán đi chẳng được lon ton chạy về. Ba bà đi bán lợn sề. Bán đi chẳng được chạy về lon ton". Người làm gốm luôn nhắc nhở nhau phải làm chú heo đất thật khỏe mạnh, mập mạp và vui tươi mới đem lại niềm vui cho mọi người.

Khi được hỏi về chuyện, bằng cách nào cùng một mẻ nung, hàng ngàn chú heo đất đều lành lặn như ý nghệ nhân Thu Sương bật cười rồi đọc mấy câu thơ về công việc của thợ nung ở đây: "Heo cười thành khóc như chơi. Năm canh thao thức mồ hôi ròng ròng. Rỡ lò vẫn phải đợi mong. Miệng heo hoa nở trong lòng mới yên". Bà kể, nung hàng ngàn con heo đất khá vất vả. Nếu điều khiển nhiệt lò không đều, trong thời gian 12 tiếng, đàn heo sẽ bị "thui" cháy cả lò.

Tuy mỗi lứa heo đất xuất đi lãi không được bao nhiêu, nhưng tình yêu nghề của bà con làng xóm không hề suy giảm. Họ không tìm nghề khác, mà chỉ mong giữ lấy việc cho con cháu làm ăn. Những nghệ nhân muốn phát triển đàn heo gốm mỗi ngày một đẹp hơn. Họ muốn đem những nụ cười và niềm vui đến với cho mọi người. Nhất là những dịp xuân về. Càng cần nhiều nụ cười hơn. Đó là những đàn heo xuân với niềm vui rộn ràng đi khắp mọi miền quê. 

Những câu ca trên dòng sông gốm

Dòng sông Lái Thiêu là kênh lưu vực của sông Sài Gòn chảy dọc tỉnh Bình Dương. Xưa bến gốm ở gần chợ Lái Thiêu cũ, nay tàu bè lớn vào chở nhiều hàng nên phải dịch ra gần ngã ba sông. Mỗi khi con nước triều lên, sông Lái Thiêu mới đủ chỗ cho những con tàu lớn.

Dòng sông nơi đây được ghi dấu trong ca dao: "Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về". Nghề gốm hàng trăm năm tại trấn Lái Thiêu cũng được ghi lại qua hình ảnh dân gian: "Chiều chiều mượn ngựa ông Đô. Mượn ba chú lính đưa cô tôi về. Đưa về chợ Thủ bán hủ, bán ve. Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu".

Đến nay, nhiều nghệ nhân gốm Lái Thiêu vẫn còn nhớ đến những lời dặn dò của ông cha qua những câu ca: "Lửa bùng, điệu múa tay mềm. Đất quê men bóng tạc nên câu hò…". Những câu đối vẫn còn ghi nơi thờ tự rằng: "Đất là cha sinh ra hình hài. Lửa là mẹ sinh ra thần thái". Nếu người thợ nào có tâm và chăm chút sản phẩm của mình, bao giờ ngọn lửa cũng tạo nên nét đẹp bất ngờ mà không ai có thể tưởng tượng nổi.

Ngôn ngữ dân gian của gốm Lái Thiêu luôn gắn bó với hình ảnh quê kiểng được ghi lại trên sản phẩm với triết lý sâu sắc rằng: "Giàu lợn nái. Lãi gà con". Thiên hạ còn gọi gốm Lái Thiêu bằng cụm từ "Gốm gà gốm lợn" là vì thế.

Cảnh Linh
.
.
.