Lạm bàn về nhạc trẻ…

Thứ Năm, 09/07/2020, 09:46
Có thể nói, ca sĩ - nhạc sĩ Sơn Tùng là một hiện tượng trong lĩnh vực nhạc trẻ hiện nay bởi sức hút với giới hâm mộ trẻ. Bằng sự biểu diễn trẻ trung, hiện đại với giọng hát trời cho, sự tiếp thị khôn khéo với những ngôn từ phù hợp với giới trẻ, chàng trai quê lúa Thái Bình đã chiếm cảm tình của hàng chục triệu fan trẻ.


Trong buổi họp ra mắt Sky Tour Movie của Sơn Tùng, khán giả trẻ vô cùng náo nức “nhìn bộ mặt xấu xí… để mong người xem xong bộ phim này luôn luôn yêu thương và ủng hộ tấm thân nhỏ bé” như phát biểu lời Sơn Tùng mượn lại khá nhiều ngôn từ của đàn anh Ngọc Sơn trong buổi họp báo đó. Không phải bỗng nhiên chỉ sau 24 giờ số doanh thu dành cho Sky Tour Movie của Sơn Tùng đã thu về 2,9 tỉ đồng.

Trong một lần xem clip Sơn Tùng trình bày một ca khúc của anh, hình như “Lạc trôi” thì phải, tôi ngạc nhiên thấy ca sĩ trang điểm, phục trang như một đạo sĩ trong chưởng Kim Dung, bối cảnh như trong phim cổ trang Trung Quốc. Còn giọng hát của Sơn Tùng tuy vang, khỏe nhưng do cố tạo cho phù hợp với bài ca và cảnh trí nên tôi gắng nghe mãi mà không rõ ca từ nói gì…

Sự chuộng ngoại trong các MV của Sơn Tùng không chỉ dừng ở “Lạc trôi” mà ở khá nhiều MV khác. Đa phần chỉ thấy sự minh họa bằng các danh thắng thế giới, khi thì công viên Joshua Tree, khi thì Roiver-Nêvada… Trang phục lúc thì giống nhóm nhạc BigBang của Hàn, khi thì giống nhóm plower của Nhật… Không chỉ dừng ở cảnh minh họa, cách ăn mặc mà không ít nhạc phẩm của Sơn Tùng bị xì xào vì sự giống nhạc nền, ý tưởng, đoạn nhạc, bản phối của các nhạc phẩm ăn khách nước ngoài. Cộng thêm lối biểu diễn, nhả chữ không rõ lời, đọc ráp… cố bắt chước các ca sĩ thế giới đã làm cho nhạc sĩ quê Thái Bình đậm sự lai căng.

Âm nhạc luôn gắn bó với đời sống con người và có những tác động mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ. Trong các thời kì chiến tranh, xây dựng đất nước, âm nhạc với đặc trưng nghệ thuật của mình đã trở thành một trong vũ khí sắc bén, công cụ hữu hiệu để tạo ra sức mạnh cho nhân dân ta nói chung và thế hệ trẻ nói riêng vươn lên, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn.

Các ca khúc “Bài ca Trường Sơn”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Bóng cây kơ nia”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”... là những minh chứng thuyết phục. Còn giai đoạn hiện nay, âm nhạc trong sự diễn biến phức tạp của nó có tác động như thế nào đối với giới trẻ? Trả lời câu hỏi trước hết chúng ta cần thấy rõ sự khác biệt về thực tế đời sống, xã hội hôm nay so trước đây.

Sau hơn ba mươi năm thực hiện chính sách đổi mới, nước ta đã có nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế giữ vai trò độc lập và bình đẳng với nhau. Song song sự ra đời của nền kinh tế thị trường, là một cơ chế xã hội cởi mở cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật cả trong lĩnh vực giải trí trong đó có âm nhạc.

Tính chất của một thế giới phẳng ít nhiều đã xuất hiện ở nước ta. Vì vậy ta không lấy làm lạ khi thấy ở một buôn làng heo hút trên một vùng cao Tây Nguyên, các ông bố bà mẹ vì quá mê phim tình cảm hay phim cổ trang của Hàn Quốc mà đặt tên con mình với toàn những họ Pác, Kim hay Ly....

Trong lĩnh vực âm nhạc, tính chất hòa đồng của thế giới thông qua các tiến bộ kĩ thuật đã biến các dòng âm nhạc xa lạ, các ca sĩ ở cách hàng vạn, hàng triệu cây số trở thành thân quen và là thần tượng với các fan trẻ tuổi nồng nhiệt ở nước ta. Hàng trăm, hàng chục nghìn cô, cậu học sinh phổ thông trung học để trong cặp sách và trong trái tim mình hình ảnh chàng ca sĩ Lee Min Ho, Hyun Joong, thành viên các ban nhạc Big Bang, hay Super Junior.

Còn trong nước, việc sáng tác, phổ biến, quảng bá tác phẩm âm nhạc cực kì thông thoáng và có phần nào dễ dãi, miễn là anh có tiền, có đôi chút chuyên môn về âm nhạc và không vi phạm pháp luật. Cơ chế thị trường hiện nay đã tạo nên môi trường làm nảy sinh phong phú nhất cho các loại âm nhạc, được cũng như chưa được. Đối với tuổi trẻ vốn năng động, nhanh nhạy với cái mới, thích chạy theo bề nổi đời sống xã hội thì thực trạng này càng được phụ họa để nảy nở và phát sinh.

Khi nói về tình hình âm nhạc, nhạc sĩ Văn Dung, tác giả hàng loạt ca khúc nổi tiếng, trong đó có “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” nói một câu tôi rất tâm đắc: “Âm nhạc hiện nay nặng về quần áo, nhẩy nhót mà xem nhẹ khúc thức, giai điệu và giọng ca”.

Tôi còn nhớ cách đây trên dưới hai thập niên, khi phong trào nhạc trẻ bắt đầu xuất hiện. Đám thanh niên tỏ ra thích thú ca khúc “Yêu nhau ghét nhau” của Vi Nhật Tảo. Song, với những người có tri thức, có lương tri thì không chịu nổi ca từ của ca khúc được gọi là “Ca khúc tình yêu” khi nghe từ miệng ca sĩ cất lên “Yêu nhau con mắt liếc qua. Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”.

Khi nghe tôi phàn nàn sự nhố nhăng trong ca từ của ca khúc này thì có cháu thanh niên phản bác rằng “Thời nào, tuổi nào có ca khúc của tuổi đó. Vì thế bác nghe ca khúc đó không hợp”.

Gần đây, phong trào nhạc trẻ có chiều hướng gia tăng không chỉ ở lượng fan trẻ tuổi mà còn ở lượng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tuổi. Bên cạnh các nhạc sĩ trẻ tuổi nghề chưa nhiều đã có các tác phẩm làm lay động tâm hồn người nghe ở nhiều lứa tuổi như Nguyễn Vĩnh Tiến với ca khúc “Bà tôi”, Giáng Son với “Giấc mơ trưa”, Hoàng Tuấn với “Con ơi hãy ngủ”.... thật đáng buồn các nhạc sĩ nghiêm túc, tài năng ấy lại chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ.

Buồn hơn nữa là họ cũng không có lượng fan đông đảo để tạo nên một hiện tượng âm nhạc lành mạnh đáng ra phải có. Trong khi dòng nhạc trẻ thời gian qua lại có quá nhiều các nhạc sĩ trẻ ít tài nhưng nổi lềnh bềnh với những tác phẩm “ăn xổi, thiếu chiều sâu về thẩm mỹ”. Nhiều nhạc sĩ có tài nhưng chệch hướng và hiểu không đúng chức năng của âm nhạc là nâng con người bay lên bằng đôi cánh âm nhạc chứ không phải đẩy con người xuống bùn nên đã tung ra thứ âm nhạc nhố nhăng, phản cảm, chạy theo thị hiếu tầm thường.

Hình ảnh ca sỹ Sơn Tùng trong MV “Lạc trôi”.

Với những tác giả nhạc trẻ lợi dụng sự ồn ào, a dua của đám fan trẻ hầu như chỉ đẻ ra các “tác phẩm dễ dãi khi sinh ra mà cũng nhanh chóng bị khai tử”. Sự nghèo nàn cả về giai điệu và ca từ, sự thiếu thẩm mỹ chủ đạo trong sáng tác nghệ thuật cũng như sự buông thả trong nhân sinh quan, và cả sự hụt hẫng tài năng đã là những nguyên nhân khiến hàng loạt cái gọi là tác phẩm trong dòng nhạc trẻ chết yểu.

Tôi tình cờ nghe qua giọng gào của đám trẻ là học sinh phổ thông trung học ca khúc “Làn da nâu” của Nhật Đăng: “Em có ước ao/ Em có khát khao/ Làn da nâu. Làn da nâu”. Hay lời bài hát mà ngay đầu đề đã lộ ra sự tù túng, nghèo nàn về ngôn từ. Đó là ca khúc “Người đàn ông không cần đàn bà” với những ca từ sống sượng. “Tôi là người đàn ông không cần đàn bà. Tôi là người đàn ông cũng vì đàn bà mà giờ ném chua cay”. Đó là chưa kể ca từ của một vài bài ca đang trở thành hiện tượng của fan trẻ thì lại lộ ra sự lai căng, tập tọng nói tiếng nước ngoài.

Trong cả hai bài nhạc được giới trẻ quan tâm khá ồn ào của chàng nhạc sĩ trẻ quê tỉnh lúa đều có câu rất buồn cười “eh, eh, eh. Em đang nôn nao. Can you fell me” (Cơn mưa ngang qua) và “lady killah...a canyou fell me....eh..eh..eh”.. Khủng khiếp hơn là ca từ của ca khúc “oh may chuối” của nhóm Yanbi. Không ít ca từ của một nhạc phẩm lại có cách nói lăng nhăng kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”, cổ xúy cho sự khêu gợi bậy bạ “em thích chuối tây, chuối ta/ Anh mang chuối cho em nha/ Đêm nay ta quẩy trong bar/ Đến với em đêm nay/Em không muốn về nhà...”.

Trở lại với hiện tượng Sơn Tùng, tôi nghĩ rằng sự ảnh hưởng dòng nhạc Hàn, nhạc Nhật cũng như các dòng nhạc khác trên thế giới là sự bình thường trong sự hòa nhập, nhưng riêng với Sơn Tùng, tôi rất mong ở người nhạc sĩ - ca sĩ trẻ này - người đã từng có những tác phẩm đạt kỉ lục 1 tỉ lượt người nghe trong 3 tháng (ca khúc “Âm thầm bên em”), người từng có những ca khúc gây chấn động con tim người nghe mọi lứa tuổi như “Thái Bình mồ hôi rơi”, hay “Tiến lên Việt Nam ơi” khi viết cho giới trẻ ngày càng bớt đi yếu tố ngoại lai, thay vào đó là sự nổi trội tố chất của riêng người Việt.

Chèm, trung tuần tháng 6/2020

Nguyễn Hiếu
.
.
.