Kỳ thú phong tục giáng sinh trên khắp thế giới

Thứ Ba, 20/12/2016, 07:02
Theo lịch Công giáo, trước lễ Giáng sinh là 4 tuần Mùa Vọng, và sau lễ Giáng sinh là Mùa Giáng sinh (12 ngày mùa Giáng sinh). Dần dần, lễ Giáng Sinh trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và đã chính thức được xem như một ngày lễ quốc tế với cây thông Noel, ông già Noel với những món quà dành cho mọi người...


Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ được tổ chức để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu ra đời. Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 hàng năm nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm bắt đầu của một ngày mới là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là "lễ chính ngày", thường là thời gian quây quần ăn mừng bên gia đình, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng" thì thường dành cho những bữa tiệc, những cuộc đi chơi giữa bạn bè,...

Theo lịch Công giáo, trước lễ Giáng sinh là 4 tuần Mùa Vọng, và sau lễ Giáng sinh là Mùa Giáng sinh (12 ngày mùa Giáng sinh). Dần dần, lễ Giáng Sinh trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và đã chính thức được xem như một ngày lễ quốc tế với cây thông Noel, ông già Noel với những món quà dành cho mọi người.

Tặng quà kèm hóa đơn

Thế nhưng, với mỗi một đất nước khác nhau thì những tập tục trong ngày lễ Giáng sinh cũng được biến tấu sao cho phù hợp với nét văn hóa của từng nước. Ở Mỹ, Giáng Sinh là ngày lễ lớn nhất và được chờ đợi nhất trong năm. Tương tự như Tết Nguyên đán ở Việt Nam, lễ Giáng sinh mang theo ý nghĩa sum họp, là cơ hội để cho các thành viên trong đại gia đình bày tỏ sự yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Người dân Mỹ thường chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này từ khá sớm. Sau lễ Thankgiving hay còn gọi là lễ Tạ ơn vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11, người dân bắt đầu trang trí nhà cửa, mua sắm quà cáp. Những chương trình giải trí và các bữa tiệc với chủ đề Noel sẽ được tổ chức ở mọi nơi. Những trung tâm thương mại lớn sẽ dựng lên những cây thông Noel khổng lồ cũng như đưa ra các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng.

Điều đặc biệt trong văn hóa tặng quà của người Mỹ, khác hẳn với Việt Nam, đó là họ thường tặng quà kèm theo hóa đơn. Mục đích của việc này là để sau ngày lễ, người được tặng quà có thể đi trả lại đồ để nhận tiền hoặc đổi món đồ khác phù hợp hơn nếu như món quà đó khiến họ không vừa ý. Một điều nữa là người dân Mỹ thường sẽ quay quần bên gia đình hoặc người thân, bạn bè vào đêm 24 và cùng nhau mở quà dưới cây thông Noel khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm.

Nụ hôn dưới cây tầm gửi

Tại nước Anh, ngoài những truyền thống khá giống với nước Mỹ như trang trí cây thông Noel hay gửi thiệp Giáng sinh đến bạn bè và người quen, lễ Giáng sinh ở đây cũng có những điểm khác biệt. Thay vì đặt quà ở dưới gốc cây thông như người Mỹ thì người Anh có truyền thống treo những chiếc tất lớn được trang trí đẹp đẽ lên mặt lò sưởi để ông già Noel có thể để lại những món quà bên trong chúng vào đêm Giáng Sinh.

Với truyền thống chơi những bài nhạc Giáng sinh truyền thống như "Ave Maria," "Alleluia" và "Lullay Lullow" suốt mùa lễ, người Anh còn tổ chức những tốp ca (thường là trẻ em) đi múa hát từ nhà này đến nhà khác. Để đáp lại những ca sĩ nhí này, người ta thường sẽ cho tiền hoặc tặng quà cho chúng. Số tiền thu được thường được giữ bởi bọn trẻ, nhưng luôn được người lớn dùng làm từ thiện.

Cũng giống như Hoa Kỳ, lễ Giáng Sinh ở Anh mang ý nghĩa sum họp, vui vầy. Các gia đình thường chuẩn bị một bữa ăn tối truyền thống khá thịnh soạn với gà tây hoặc ngỗng quay, bánh pudding Giáng sinh (một loại bánh nhồi với nho khô và nho không hạt), bánh thịt băm và rượu vang đỏ vào ngày 24. Họ sẽ mời các anh chị em, cháu chắt, họ hàng trong gia đình để tụ tập vào tối hôm đó, cùng nhau thưởng thức bữa ăn và có một khoảng thời gian tuyệt đẹp.

Một nét đẹp truyền thống đặc biệt của lễ Giáng Sinh nước Anh đó là nụ hôn dưới cây tầm gửi. Người dân Anh thường treo một chùm tầm gửi, hay còn gọi là mistletoe, trước cửa nhà hoặc bên cạnh cây thông Noel với ý nghĩa: nếu một cặp đôi đang yêu trao nhau một nụ hôn dưới cây tầm gửi, tình yêu của họ sẽ hạnh phúc mãi mãi.

Bữa tối linh thiêng

Cũng như tất cả các quốc gia theo Chính thống giáo, người Nga tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày mùng 7 tháng 1 hàng năm theo lịch Julius (Công lịch). Ông già Noel ở Nga được gọi là Ông già Tuyết và bên cạnh đó còn có Công chúa Tuyết luôn mặc váy màu trắng. Ở Nga, đêm Giáng sinh là ngày lễ lớn thứ hai trong năm và mang nặng tính chất gia đình chứ không "xã hội hóa" như Noel của Cơ đốc giáo.

Bữa tối gia đình truyền thống ở Hungary ngày nay.

Vào đêm này người ta làm bàn tiệc để thiết đãi nhau với nhiều món ăn khác nhau, toàn bộ gia đình quây quần bên mâm cỗ, có nhà còn dọn thêm cả vị trí dành cho các thành viên trong gia đình đã qua đời như kiểu mâm cỗ của ta. Bữa ăn tối này gọi là "Bữa tối linh thiêng" được làm rất to, gồm 12 món. Bữa tiệc được bắt đầu khi có một ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời. Bàn ăn được trải bằng tấm khăn bàn màu trắng biểu trưng cho tấm vải che phủ Chúa hài đồng.

Ở thôn quê, người ta còn đặt rơm xung quanh bàn ăn để tượng trưng cho máng cỏ và nhất thiết phải có một cây nến to soi sáng cho cả bàn ăn tượng trưng cho ánh sáng của Chúa. Cây thông trang trí rực rỡ còn lại sau khi đón năm mới có gắn những gói quà là vật không thể thiếu trong đêm Giáng sinh.

Trang trí cây thông với mạng nhện

Ngoài những nước châu Âu với lễ Giáng sinh truyền thống, các nước khác trên thế giới cũng có cách tổ chức Giáng sinh rất khác biệt. Ở Venezuela, các gia đình và thậm chí là các cặp đôi sẽ dành tất cả các buổi sáng sớm trong một tuần trước ngày lễ Giáng sinh để tham gia vào lễ Misa de Aguinado hay còn gọi là lễ cầu nguyện buổi sáng.

Nhưng thay vì đi bộ hay đi xe đến nhà thờ, họ lại sử dụng giày trượt băng làm phương tiện đi lại. Thậm chí, chính phủ còn ban lệnh cấm các phương tiện giao thông khác lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn cho những người dân Venezuela. Còn lễ Giáng sinh ở Ukraina thì có hơi hướng Halloween bởi người dân nơi đây thường trang trí các cây thông với mạng nhện.

Truyền thống đặc biệt này bắt nguồn từ câu chuyện kể về một người đàn bà góa phụ nghèo không có đủ tiền để trang trí cây thông Noel trong nhà, vì vậy những chú nhện đã chăng những tấm lưới bằng tơ xinh đẹp xung quanh cây thông. Ngày nay, người dân Ukraina tin rằng một con nhện được giấu trong những lùm cây sẽ đem lại may mắn cho cả gia đình.

Đối với người dân Ireland thì ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ireland, hay còn được gọi là ngày Thánh Stephen là ngày quan trọng nhất. Giống như ở Anh, các trận đá bóng và đua ngựa được tổ chức vào ngày này. Có một truyền thống khá đặc biệt ở nước này đó là diễu hành Wren Boys, các chàng trai và các cô gái trẻ mặc đồ tự may, sẽ đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi.

Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen. Còn truyền thống Giáng sinh tại Thụy Điển là cho hạt hạnh nhân vào bên trong một trong những chiếc bánh Ris à la Malta hay còn gọi là bánh pudding gạo truyền thống. Họ tin rằng ai ăn trúng chiếc bánh có chứa hạt hạnh nhân sẽ tìm thấy ý trung nhân và kết hôn trong năm mới.

Sợi rơm may mắn

Ở Ba Lan, phong tục trước khi bắt đầu bữa tối gia đình có phần khá giống của nước Nga. Họ luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời ngày Giáng sinh. Ai nhìn thấy nó đầu tiên có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Nhiều gia đình ở Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn trên bàn. Chủ nhà sẽ bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa ra đời chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn.

Các cọng rơm cũng được sơn màu và được đặt dưới khăn trải bàn để tượng trưng cho sự ra đời của Chúa Giêsu. Các vị khách sẽ lần lượt rút các sợi rơm, mỗi người chỉ được rút một cái, màu xanh tượng trưng cho sự may mắn hoặc sự kết hôn, còn màu vàng thì tượng trưng sự cô đơn, tức là người rút phải nó sẽ trải qua một năm nữa mà chưa tìm được nửa kia của đời mình.

Còn rất nhiều các phong tục truyền thống thú vị khác như ở Cộng hòa Séc, những cô gái độc thân sẽ thử vận may của mình bằng cách ném một chiếc giày của mình qua vai. Nếu như mũi giày hướng về phía cửa chính, họ sẽ có cơ hội kết hôn vào năm mới.

Còn ở Hungary, theo truyền thống, các gia đình vẫn ăn chay cho đến hết ngày 24 tháng 12 và bữa tối chay ngày hôm đó của cả gia đình được chuẩn bị chu đáo với các món táo, hạnh nhân, mật ong và tỏi, các loại ngũ cốc, kèm xúp đậu nấu với bơ, sau này khi tục lệ ăn chay được nới lỏng, họ có thể thêm món súp cá hoặc bắp cải nhồi thịt. Cũng theo phong tục, bà chủ nhà không được rời bàn tiệc trong suốt buổi ăn và mọi người sẽ ăn đứng như ở tiệc buffet vậy.

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.
.