Đã làm là phải làm đến cùng
Kể từ khi ra đời tới nay, kênh truyền hình ANTV ngày càng chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả, trong đó đặc biệt phải kể đến nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đã khẳng định được thương hiệu, bản sắc riêng của mình. Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tuyết - Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao, Truyền hình ANTV - người có nhiều tâm huyết và đóng góp không chỉ với một số chương trình truyền hình, mà còn trong lĩnh vực âm nhạc của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
- Thưa nhạc sĩ Đức Tuyết, các chương trình văn hóa - thể thao của kênh truyền hình ANTV ra đời trong bối cảnh các kênh giải trí trên truyền hình "trăm hoa đua nở". Vậy những người thực hiện chương trình đã làm thế nào để khẳng định bản sắc của mình trong đời sống văn hóa văn nghệ phong phú, đa dạng ấy?
+ Bản thân tôi là người hoạt động lâu năm và ở nhiều khía cạnh của nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc nên sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhìn thấy sự giống nhau giữa các chương trình văn hóa, giải trí trên truyền hình. Khi được Trung tướng Hữu Ước, Tổng biên tập kênh ANTV giao nhiệm vụ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và một câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở là làm thế nào cũng vấn đề ấy nhưngí góc nhìn của ANTV phải khác các kênh truyền hình giải trí khác. Tổng biên tập Hữu Ước là người rất sắc sảo trong lĩnh vực này. Các yêu cầu của ông trong công việc thường cao và chính xác. Vì thế, tôi tự nhủ nếu làm không đúng ý ông tức là tôi đã "thua", còn nếu đúng ý, tức là tôi sẽ "thắng". Bản thân tôi cũng là người tự tin. Đã làm phải làm đến cùng.
Chúng tôi luôn chủ trương, mỗi chương trình trong lĩnh vực văn hóa phải mang một màu sắc, cá tính khác nhau. Ví dụ khi chúng tôi bắt tay vào làm chương trình "Giọng ca vàng qua các thế hệ", Tổng biên tập đặc biệt chú trọng tới phần phóng sự của chương trình. Ông luôn nhắc chúng tôi phải khai thác triệt để các góc riêng, những tâm sự sâu kín của nghệ sĩ, vì đây sẽ là bí quyết thành công của chương trình. Khi chúng tôi làm chương trình về NSND Thanh Hoa, hai lần cử phóng viên đi phỏng vấn thì hai lần về xem tư liệu đều không dùng được. Đến lần thứ 3, tôi quyết định cử thêm một phóng viên có kinh nghiệm nữa. Và kết quả là chúng tôi đã có trong tay những tâm sự lần đầu tiên NSND Thanh Hoa tiết lộ về tình yêu với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa... Tôi vẫn nhớ khi ngồi duyệt chương trình, tới đoạn này, Tổng biên tập Hữu Ước đã thốt lên "Hay quá!".
- Vâng, "Giọng ca vàng qua các thế hệ" quả thật là chương trình chiếm được cảm tình lớn của khán giả, góp phần xây dựng nên thương hiệu ANTV. Là một trong những người có đóng góp đầu tiên trong việc xây dựng format chương trình, anh có thể chia sẻ những kỷ niệm khó quên?
+ Ngay từ ban đầu, tiêu chí đặt ra cho chương trình này rất cao. Nhân vật của chương trình là các nghệ sĩ tên tuổi, đã có nhiều chương trình truyền thông làm về họ rồi. Chính vì vậy, chương trình làm sao phải đạt được giá trị nghệ thuật đồng thời hợp với tâm nguyện của người nghệ sĩ ấy. Tôi vẫn nhớ có lần giao ban, Tổng biên tập nói: "Các anh làm thế nào thì làm, đừng có làm hỏng chương trình của tôi". Để nghĩ ra fomat chương trình này, tôi phải mất 2 tháng lao tâm khổ tứ . Điều rất mừng là sau khi ra đời, chương trình nhận được sự yêu mến của khán giả và sự hài lòng của các nghệ sĩ tham gia. Chương trình không chỉ khái quát được quá trình cống hiến, những thành tích của các nghệ sĩ, mà còn chia sẻ với khán giả những góc khuất, những ký ức buồn vui trong quá trình làm nghệ thuật của họ, đưa đến cho khán giả một chân dung nghệ sĩ khá đầy đủ. Bên cạnh đó, giá trị nghệ thuật của chương trình cũng được ê kíp coi trọng.
Nếu để ý bạn sẽ thấy chương trình có sự kết hợp giữa truyền hình và điện ảnh khá tinh tế. Các nghệ sĩ thành công ở nhiều ca khúc khác nhau nhưng phải chọn những tác phẩm làm nên tên tuổi họ. Cái này thì có lúc chúng tôi phải chiều nghệ sĩ nhưng có lúc phải thuyết phục nghệ sĩ theo ý mình.
Ngay sau khi chương trình về NSND Thu Hiền phát sóng, chị nói với tôi: "ANTV đã làm một chương trình khiến tôi rất toại nguyện". Tôi hỏi: "Tại sao chị dùng từ toại nguyện?" thì chị bảo, không chỉ khán giả, mà các đồng nghiệp gọi điện cho chị khen rất nhiều. Để được đồng nghiệp khen là không hề đơn giản! Hoặc, khi chúng tôi làm chương trình về NSƯT Quang Lý. Trước khi phát sóng, tôi có báo tin cho anh Quang Lý nhưng vì bận diễn nên anh không xem được. Sáng hôm sau, Quang Lý gọi điện cho tôi từ sớm nói: "Cảm ơn ê kíp đã làm cho tôi một chương trình rất hay. Tôi lên truyền hình nhiều nhưng ít ai gọi điện. Nhưng từ hôm qua đến nay, không biết có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến chúc mừng". Sau này, có khán giả liên lạc với tôi ngỏ ý xin đĩa chương trình này làm kỷ niệm. Dù không có tiền lệ nhưng vì khán giả tha thiết quá nên tôi đã in đĩa tặng.
- Việc xây dựng chân dung một nghệ sĩ để thu hút khán giả là điều không hề đơn giản, càng khó hơn khi nghệ sĩ ấy không còn nữa, đúng vậy không ạ?
+ Chắc chắn rồi bạn ạ. Một trong những kỷ niệm là khi chúng tôi vào làm chương trình về NSND Quốc Hương. Giọng hát tuyệt vời của ông thì nhiều khán giả đã biết tới nhưng tư liệu còn lại về ông thì ít vô cùng. Tôi đã phải xuống tận Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nhưng tư liệu còn lại chỉ có hình ảnh NSND Quốc Hương đứng hát tặng các chiến sĩ bên mâm pháo. Tôi đã tìm gặp những người có thời gian sống gần ông và hiểu ông nhất như nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một người vợ ông là NSƯT Lịch Du… Vào miền Nam, chúng tôi được đích thân người vợ sau của ông đưa ra viếng mộ. Đó là những chi tiết khiến chương trình xúc động dù tư liệu trực tiếp không nhiều.
Sau chương trình về NSND Quốc Hương, chúng tôi đã làm tiếp chương trình về NSND Lê Dung. Hiện tại, tôi đang ấp ủ và tìm tư liệu làm chương trình về NSND Trần Khánh, người nghệ sĩ theo tôi có giọng nam cao kịch tính rất hiếm ở Việt Nam.
- Lâu nay, có ý kiến cho rằng, các sáng tác âm nhạc về đề tài CAND còn ít, chưa theo kịp với những chiến công mà lực lượng này đã làm được. Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc của lực lượng Công an nhân dân, anh nghĩ sao về quan điểm này?
+ Tôi cho rằng quan điểm này chưa thật sự chính xác. Có thể nói, âm nhạc trong lực lượng CAND đã có một bề dày truyền thống đáng tự hào. Nhiều tác phẩm về người chiến sĩ công an đã có sức lan tỏa sâu rộng trong và ngoài lực lượng CAND, như: "Người Công an thân yêu" (Văn Cao), "Từ một ngã tư đường phố" (Phạm Tuyên), "Hành khúc Công an nhân dân" (Trọng Bằng), “Chúng tôi là chiến sĩ CAND Việt Nam” (Trần Gia Cường), "Giữ trọn lời thề" (nhạc: Trương Hùng; lời: Phan Gia Liên), "Chúng con canh giấc ngủ của Người" (Đăng Nước)… Bên cạnh đó còn một số ca khúc như của các nhạc sĩ: Lê Việt Hòa, Minh Sơnå... Nhưng theo tôi, một phần còn vì các đoàn nghệ thuật chưa chịu tìm tòi xây dựng những tác phẩm mới, cứ quen sử dụng những tác phẩm đã có sẵn nên tạo cảm giác ấy. Chính vì vậy, khi thực hiện các chương trình truyền hình, tôi rất ý thức trong việc phổ biến các ca khúc mới. Trong một chương trình luôn có sự đan xen giữa tác phẩm cũä và sáng tác mới. Gần đây, tôi phát hiện ra có ca khúc "Cung đàn bình yên" của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh viết về các chiến sĩ an ninh rất hay.
- Anh được khán giả biết đến ở nhiều lĩnh vực từ biểu diễn, giảng dạy đến sáng tác âm nhạc, và giờ đây là truyền hình. Vậy đâu là bí quyết để anh có thể làm tốt được nhiều việc đến vậy?
+ Tôi cho rằng, tất cả là nhờ đam mê và con đường đến với âm nhạc của tôi khá dài. Yêu thích âm nhạc từ nhỏ nhưng khi tốt nghiệp cấp 3, tôi vào học Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát Bảo vệ (bây giờ là Trường Đặc nhiệm). Tôi về công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động hơn một năm sau đó vê ì Đoàn Nghệ thuật CAND. Trong 12 năm theo học âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội thì sau 8 năm học thanh nhạc, tôi quyết định học sáng tác với suy nghĩ giọng hát chỉ có thời, còn sáng tác sẽ giúp mình ở lại với âm nhạc lâu hơn. Có một kỷ niệm là khi tốt nghiệp thì các học viên chuyên ngành sáng tác thường tốt nghiệp muộn hơn so với quy định 1 năm vì tác phẩm chưa hoàn thành hoặc chưa đủ kinh phí để thực hiện tác phẩm. Riêng tôi, tôi quyết tâm tốt nghiệp ngay trong năm đó. Để thực hiện, suốt 6 tháng liên tục tôi thức từ 10 giờ đêm đến 3 - 4 giờ sáng ngồi viết tác phẩm. Đến mức từ người không phải dùng kính, sau 6 tháng đó tôi phải đeo kính. Bù lại, tôi là người tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn cùng khóa. Sau này, vừa hoạt động biểu diễn, sáng tác, tôi có 17 năm là giảng viên kiêm chức tại Nhạc viện Hà Nội…
- Có lẽ với bất kỳ người dân Việt Nam nào, chưa bao giờ cảm xúc về biển đảo lại thiêng liêng như lúc này. Được biết, anh vừa có chuyến đi Trường Sa cùng các đồng nghiệp của mình, hẳn anh cũng không nằm ngoài trường cảm xúc ấy?
+ Tôi vừa có một chuyến đi Trường Sa thực hiện cầu truyền hình "Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa" với chủ đề "Ký ức hào hùng - Chủ quyền thiêng liêng" và làm một loạt phóng sự khác. Trong chuyến đi hơn 10 ngày này tôi đã được đặt chân lên 11 đảo. Cảm xúc thì rất nhiều nhưng tựu chung lại đó là cảm giác biển trời vô cùng rộng lớn và con người thì thật bé nhỏ. Nhưng cũng trong khung cảnh đối lập ấy, càng cảm nhận rõ khát vọng lớn lao của con người. Ấn tượng nhất với tôi là những người lính đảo. Họ luôn giữ một thái độ lạc quan, một niềm tin mãnh liệt bởi đằng sau họ là Tổ quốc. Tôi đang ấp ủ sáng tác mới về đề tài này.
- Xin chân thành cảm ơn anh!