"Chị Trúc" trong thơ Nguyễn Bính là ai?

Thứ Ba, 02/12/2008, 15:15
Nhà thơ Nguyễn Bính chỉ có hai anh trai, về sau có bốn em (hai trai, hai gái) cùng cha khác mẹ, không có người chị nào. Vậy "chị Trúc" là ai?

Có nhiều bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Bính ngày trước, thường ghi dưới đầu đề mấy chữ: "Gửi chị Trúc". Như các bài: "Lỡ bước sang ngang" (1939), "Một chiều say" (1941), "Xây hồ bán nguyệt" (1941), Xây lại cuộc đời" (1941), "Xuân tha hương" (1942), "Xuân vẫn tha hương" (1943), "Khăn hồng", "Chị đã ghen"...

Ta hãy đọc, chẳng hạn: Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Ôi! chị một em, em một chị/ Giời làm xa cách mấy con sông... (Xuân tha hương). Hay: Em vốn đường dài thân ngựa lẻ/ Chị thì sông cái chiếc đò nan/ Quê người đứng ngắm mây lưu lạc/ Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng (Xuân lại tha hương). Hoặc: Viết cho chị lá thư này/ Giữa đến hăm bốn rạng ngày hăm nhăm/ Ở nhà tằm chị cứ chăm/ Dâu chị cứ hái để nhằm lứa sau (Xây hồ bán nguyệt)...

Thật ra, Nguyễn Bính chỉ có hai anh trai, về sau có bốn em (hai trai, hai gái) cùng cha khác mẹ, không có người chị nào. Vậy "chị Trúc" là ai?

Nhà văn Vũ Bằng đã có lần đặt vấn đề: "Không cứ tôi, nhiều người đọc thơ Nguyễn Bính cũng băn khoăn muốn biết: "Chị Trúc" là ai. Đó là một người bạn gái mà Bính gọi là chị? Hay là chị thực của Bính, mà nếu như thế thì là chị ruột hay chị họ? Hay là một người nào đó lớn tuổi hơn Bính mà Bính nhận là chị?" (Văn học - Sài Gòn - số 100, 1/1/1970).

Muốn trả lời những câu hỏi này, cần biết về Trúc Đường, anh cả của Nguyễn Bính. Trúc Đường bước vào nghề làm báo trước Nguyễn Bính nhiều, và là nhà soạn kịch, nổi tiếng với đề tài lịch sử như các vở: "Quang Trung, Nguyễn Huệ", "Thái hậu Dương Vân Nga". Tuổi thơ của Nguyễn Bính và Trúc Đường cùng trải qua sự dạy dỗ của người bác ruột cũng là thầy học Bùi Trình Khiêm (thân sinh nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn).

Khoảng năm 1932 - 1933, Trúc Đường thi đỗ thành chung ở Hà Nội, sau đó đi dạy học tại trường tư Hà Văn (Hà Đông). Trúc Đường chăm sóc Nguyễn Bính từ nhỏ, dạy Nguyễn Bính tiếng Pháp, lo liệu cho Nguyễn Bính đủ thứ, cưu mang em những khi khó khăn, hoạn nạn. Có thể nói, nhà thơ đã gắn bó mật thiết với anh mình, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Theo Hoài Việt trong quyển "Nguyễn Bính, thi sĩ của yêu thương" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1990) thì trong một lần đánh cờ với Nguyễn Bính, ông có hỏi chuyện chị Trúc, được nhà thơ trả lời là: Hồi Trúc Đường dạy học ở trường Hà Văn, Nguyễn Bính ở với anh trai và cùng học ở đây. Có một cô gái quen Trúc Đường, quý Nguyễn Bính như em... Nhà thơ nói thêm: Nhưng chị Trúc ấy chỉ là một "nhân vật văn học".

Nhà văn Vũ Bằng, người đã đặt vấn đề trong một bài báo đã nói trên, sau đó kể lại: "Chính Trúc Đường - một người anh của Bính - trên con đường tản cư về Khu Tư với tôi, xác nhận rằng chính "chị Trúc" mà Bính nói đó là vợ anh - tức là chị Trúc Đường - nhưng vì danh giá không thể yêu nhau như thế nên Bính tủi hờn sầu khổ mà tạo nên những bài thơ "Lỡ bước sang ngang".

Có lúc tôi đã hỏi Trúc Đường: Thế Bính có biết rằng anh biết rõ là Bính yêu chị ấy không? Trúc Đường trả lời tôi: Biết chứ! Chính nó nói thực với tôi là khác. Nhưng tôi mặc kệ, bởi vì cái tính nó si mê như vậy, ngăn cấm nó có khi nó đi tự tử.

Mà tôi mặc kệ cũng không phải không có cớ, vì tôi biết chắc rằng Bính cũng chỉ tiến đến cái mức mê vớ vẩn thế thôi" (Văn, Sài Gòn, số 189, 1969). Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn - vừa là người anh họ, vừa là bạn thân của Nguyễn Bính và Trúc Đường - thì nói rõ hơn trong quyển "Nguyễn Bính và tôi" (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 1999).

Có thể tóm tắt như sau: Chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính là một người con gái họ Lê, có tên N.Th, quê Hà Đông, "người xinh đẹp, nhỏ nhắn, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa, có đôi mắt trong như nước thu..., tháo vát, quán xuyến, ăn nói có duyên, được nhiều người quý mến", đã có một con, chồng là chủ một hiệu ảnh.

Từ một buổi nghe Trúc Đường đọc kịch, Th. bắt đầu yêu anh, và Nguyễn Bính thì được cô quý mến, chiều chuộng nhất là sau khi bài thơ "Lỡ bước sang ngang" đăng ba kỳ liền trên Tiểu thuyết thứ năm. Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn còn cho biết về chuyện "chị Trúc", từ sau năm 1954, còn có những chi tiết khác. Nhưng không thấy ông nói gì thêm, có lẽ vì những lý do tế nhị nào đó chăng?

Như vậy, mỗi người đọc chúng ta sẽ có thể tự lý giải chuyện chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính theo cách nghĩ của mình, sau khi nghe những lời kể có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau

Hồng Diệu
.
.
.