Nỗ lực bình quyền trong ngành giáo dục được ghi nhận

Thứ Ba, 24/12/2019, 16:36
Theo thông lệ hàng năm, Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với trụ sở chính đặt tại thị trấn Cologny (bang Geneva, Thụy Sĩ), lại cho công bố bản báo cáo thường niên về tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu.

Cụ thể, bản báo cáo đã tổng kết quá trình giám sát về sự bất bình đẳng giữa nam và nữ tại nơi làm việc ở 153 quốc gia trên thế giới trong 4 lĩnh vực chính gồm giáo dục, y tế, công ăn việc làm và quyền lợi chính trị.

Qua đó cho thấy giáo dục là lĩnh vực có kết quả khả quan nhất, với khoảng cách giữa nam và nữ đã giảm đáng kể khiến phụ nữ có thể được hưởng tới 96% các quyền lợi như đàn ông. Sự bất bình đẳng trong giáo dục hoàn toàn có thể biến mất sau 12 năm, vào năm 2031. Riêng với lĩnh vực công việc hàng ngày, so với năm 2018 vừa qua đã tăng thêm 202 năm; nghĩa là chí ít sau 257 năm nữa, vào năm 2276 sự bất bình đẳng giới giữa nam và nữ trong lĩnh vực này mới có hy vọng được xóa bỏ hoàn toàn.

Đồng thời bản báo cáo cũng cho biết, rằng có khoảng 55% phụ nữ trong độ tuổi lao động trên thế giới đi làm, trong khi ở nam giới tỷ lệ này là 78%.

Khoảng cách bất bình đẳng giới thu hẹp trong các quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng lại gia tăng ở các nước đang phát triển. Top 10 quốc gia có các chỉ số bình đẳng giới cao nhất lần lượt là Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nicaragua, New Zealand, Ireland, Tây Ban Nha, Rwanda và Đức.

X.Hiếu (theo AFP)
.
.
.