Xao xác mùa thi
Hè về, ve ngân nức nở, phượng vĩ đơm bông và mùa thi kề cận. Nhìn những gương mặt lặng thầm, ánh mắt lo âu của các cô cậu học trò lòng bỗng dâng bao yêu thương, hoài cảm. Nhớ những kì thi dằng dặc và xao xác một thời.
Là kì thi đầu tiên trong đời học sinh - thi học sinh giỏi. Cô giáo nắc nỏm và tràn trề hy vọng một cái giải thật cao vì thấy tố chất và cảm xúc văn chương ở cô học trò nhỏ. Thế mà rồi trắng tay. Buổi học cuối năm, cô gọi mấy đứa có giải ra chụp ảnh kỉ niệm. Ngồi trong lớp ngó qua cửa sổ, lòng buồn vô hạn. Nỗi buồn tủi và chênh vênh còn day trở mãi trong lòng của một con bé lớp 4. Không hiểu là vì đã làm cô thất vọng hay cảm giác hẫng hụt, cô đơn vì bị …bỏ rơi. Có mầm tin yêu bé xinh vừa nứt, háo hức đợi nắng nồng, mưa ấm bỗng bắt gặp gió Bắc quất rát rạt; vội co lại, se sắt, bất an.
Rồi kì thi chọn đội tuyển Quốc gia năm lớp 9. Kì thi có tính chất cạnh tranh và khá đặc biệt với các trường chuyên trong tỉnh. Đích thân thầy hiệu trưởng đèo đi. Còn nhớ mãi đó là một buổi sáng mờ sương, se se lạnh. Trên đường, gặp một vụ tai nạn; thầy chệnh choạng tay lái. Miệng vẫn luôn động viên trò, “không sao, không sao đâu, lát vào thi cứ bình tĩnh để làm bài”. Bình thường, thầy rất nghiêm khắc; các thầy cô trong trường luôn e dè, răm rắp. Sao lúc đó thấy thầy hiền đến thế! Kết quả, lọt vào đội tuyển với kết quả cao và bài làm ấn tượng. Vẫn nhớ buổi thi đó làm trên cả sức mình và quyết tâm cao độ.
Là kì thi tốt nghiệp cấp 2 rồi cấp 3. Có những môn thi làm như muốn nuốt chửng thời gian - tận dụng tới từng giây, từng phút; có những môn thi chỉ mất chút thời gian ban đầu rồi chẳng biết làm gì ngoài việc gặm bút, vẽ hươu vẽ vượn và… làm thơ. Ôi cái sự học lệch, cái sự dồn nén cho các kì thi học sinh giỏi, để lại hệ quả chông chênh: vô cùng tự tin môn này nhưng lại sợ hãi các môn khác; trông chờ một số nhân vật như “bậc cứu tinh”. Những kì thi làm cho những kẻ cùng vần, cùng tên có duyên chung phòng, kề cận. Để rồi bên cạnh những lo âu, phấp phỏng của học hành thi cử lại là những duyên thầm, những nhắn nhủ trong veo. Có cánh phượng khô ép vào trang vở lẫn những đoạn văn, công thức toán, cấu trúc tiếng Anh dày đặc cùng những xôn xao bén rễ ngọt ngào.
Là kì thi vào Đại học năm 18 tuổi. Chị nhà cô đang là sinh viên năm 2 xung phong đưa đi. Hai chị em với 2 con xe đạp lóc cóc hướng ra Thủ đô. Qua cầu Long Biên lộng gió, ngẩn ngơ trước một cây cầu cổ kính mà bề thế. Toàn là sắt thép mà sao nên thơ mềm mại? Phía dưới, thấp thoáng những vạt xanh trập trùng, lay động. Vào nội thành trời chợt đổ mưa, được đưa vào nơi chị học - Khoa Hóa của Đại học Tổng hợp. Một tòa nhà vàng rực như màu nắng với kiến trúc của Pháp; một giảng đường mênh mông với những dãy bàn ghế cao dần như sân vận động; bên ngoài những tàng cây mướt mắt đang trôi theo cơn mưa đầu mùa. Bỗng hiểu vì sao mà cứ yêu Hà Nội, thiết tha với Hà Nội - dù mới chỉ gặp gỡ đôi lần. Những ngày thi, ở trong kí túc Đại học Sư phạm Hà Nội 1, sáng sáng được xuống bể dưới sân xách nước, trưa về được xếp hàng lấy cơm… được “chứng nghiệm” bao điều từng được nghe, được kể, được đọc từ những trang Báo Hoa học trò, Sinh viên “tri âm tri kỉ”.
Sau này là những kì thi học phần dồn dập cao độ. Những kì thi như vắt kiệt tâm sức của những kẻ “nước đến chân mới nhảy”. Ôi những kì thi - có khi đi cả vào trong những giấc mơ.
Hiểu và thương thật nhiều những ngày tháng rộn ràng mà náo động. Muốn nắm bàn tay; dịu dàng thủ thỉ để truyền hơi ấm và sẻ chia - cho học trò, con cái. “Nơi gặp gỡ của những gì nối tiếp, để nhận ra giữa màu xanh trùng điệp, một mảnh hồn mình, xanh rất xanh”.