Vẻ đẹp của cuộc sống

Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:37

Thú thật, khi nghe tin nhà giáo Nguyễn Minh Thúy, nhân vật trong bức tranh nổi tiếng "Em Thúy" của họa sĩ Trần Văn Cẩn vừa qua đời, tôi thật sự tiếc nuối. Giờ đây, cả họa sĩ và nguyên mẫu đã thành người thiên cổ nhưng những giá trị nghệ thuật mà họ để lại sẽ mãi được các thế hệ người Việt trân trọng. Nghệ thuật có một sức sống bất diệt, vượt qua những giới hạn của cuộc sống.

Với suy nghĩ đó, giờ đây mỗi khi ngắm lại họa phẩm nổi tiếng này, tôi nhận ra "Em Thúy" sẽ sống mãi với cái tuổi lên 8, với “áo lụa Hà Đông màu phớt hồng” trong tình yêu nghệ thuật của bao người. Chỉ có cái đẹp đích thực mới luôn tươi trẻ, một "Em Thúy" chẳng bị giới hạn bởi mẫu hình, bởi trend này, làn sóng kia mà tự mình tạo ra một đỉnh cao. Bức họa của danh họa Trần Văn Cẩn không chỉ có giá trị về mặt mỹ thuật, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013 mà cùng bao tác phẩm đỉnh cao tạo ra niềm hạnh phúc cho cuộc sống.

hạt muối bình dị được người nông dân làm ra chính là một vẻ đẹp-ảnh internet.jpg -1
Hạt muối bình dị được người nông dân làm ra chính là một vẻ đẹp.

Theo người viết, “sức sống” bức tranh "Em Thúy" (được vẽ năm 1943) qua thời gian nằm ở sự chân thực mộc mạc, như quan điểm nghệ thuật “vẽ như chính mắt ta nhìn thấy” của tác giả. “Cái đẹp chính là cuộc sống” (Séc-nư-ép-sky) và bản thân cái đẹp có sức sống riêng, như một sinh thể có sinh mệnh của mình trong lòng người. Nhưng, liệu qua thời gian, với sự biến động của khoa học, kỹ thuật, công nghệ những điều này có bị ảnh hưởng và đi kèm với nó là thái độ văn hóa của mỗi người cũng hết sức đa dạng.

Những ngày đầu tháng 7, một thông tin khiến nhiều người trên thế giới không khỏi bất ngờ đó là sự đăng quang của Kenza Layli (đến từ đất nước Morocco) vừa được trao vương miện Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới. Điều đáng nói, influencer AI (người ảnh hưởng ảo) này được tạo 100% bằng AI, sự xuất hiện của cô cho đến giờ vẫn là điều lạ lẫm với chúng ta. Đặc biệt, người viết cảm thấy thú vị với một chi tiết quan trọng, một yêu cầu, một thử thách đã khiến không ít thí sinh bằng xương bằng thịt phải lúng túng, đó câu hỏi dành cho thí sinh: “Nếu có thể biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn thì bạn sẽ làm gì?”.

việc người mẫu kenza layli đăng quang tại cuộc thi miss ai khiến cho chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của vẻ đẹp trong cuộc sống-ảnh internet.jpg -2
Việc người mẫu Kenza Layli đăng quang tại cuộc thi Miss AI khiến chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của vẻ đẹp trong cuộc sống.

Rõ ràng, chúng ta tạo ra AI và cũng đang kì vọng vào AI cả ở sự đột phá về mặt công nghệ và cả ở sự nhân văn về mặt tâm hồn. Ngẫm ra, dù là bức họa “Người đàn bà xa lạ” trong tranh của Ivan Nikolaevich Kramskoi (Nga) hay bức tượng “Venus de Milo” của Hy Lạp thì qua thời gian đã chứng minh nghệ thuật được tạo từ sự sống bình dị chứ không hề xa rời cuộc sống. Vẻ đẹp không chỉ là hình thức đẹp mà còn ở sự trân trọng những gì nhỏ bé nhưng có sức ảnh hưởng, đặt trong tiến trình lịch sử.

Cách đây ít hôm, các nhà khoa học đã khám phá ra trảng muối 10 hecta nằm trên triền đá ở làng Gò Cỏ, thuộc xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là phát hiện quan trọng, minh chứng cho kỹ thuật làm muối cách đây 2.000 năm của người Sa Huỳnh. Điều này khiến người viết bất chợt nghĩ đến một câu chuyện văn hóa: Cho đến ngày hôm nay, sau hàng ngàn năm, hạt muối do nhưng diêm dân của chúng ta làm ra vẫn có giá thành khá thấp so với các nước trên thế giới cho dù trong đời sống, trong văn hóa, hạt muối lại có một vị thế đáng quan trọng. Từ hạt muối cầu bình an may mắn (đầu năm mua muối), đến ước nguyện hạnh phúc (Thương nhau chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau - Ca dao); chưa kể, đây là thứ gia vị trong ẩm thực Việt. Và, cuối năm 2024 sẽ có một Festival nghề Muối Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu... Hạt muối mặn đã đóng góp rất lớn, đã làm giàu cho văn hóa Việt, hạt muối đẹp lắm thay.

Từ câu chuyện của hạt muối, chúng ta cần định vị lại vị thế cái đẹp đích thực trong đời sống. Những giá trị văn hóa không đến từ sự hào nhoáng, trống rỗng mà luôn đằm sâu. Ralph Waldo Emerson (1803-1882) từng nói: “Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật”. Dĩ nhiên, hai chữ “nghệ thuật” ở đây không chỉ là art, là sáng tạo tác phẩm nghệ thuật mà còn là khát vọng hướng tới cuộc sống tốt đẹp, là sự toàn tâm, toàn ý tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn cho các thế hệ mai sau. Có thể, đó chỉ là một việc làm nhỏ bé nhưng giá trị nhân văn, cho thấy sự lựa chọn, sự thay đổi từ tư duy.

anh phạm đình quý và ước mơ xây 1000 trường học-ảnh internet.jpg -0
Anh Phạm Đình Quý và ước mơ xây 1.000 trường học.

Mùa hè này, người dân thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội có thể tự hào vì cái ao làng lâu nay tù đọng, ô nhiễm của mình đã trở thành bể bơi xanh trong. Số tiền 1,3 tỉ đồng mà người dân đóng góp không hề nhỏ nhưng điều lớn lao hơn là cách nghĩ, sự đoàn kết chung tay xây dựng công trình vì cộng đồng, tạo ra sự văn minh cho nông thôn. Đương nhiên là chính bà con sẽ cảm thấy hạnh phúc nhất. Anh Nguyễn Trọng Tỉnh chia sẻ: “Đây là mô hình rất hay, tôi thấy an tâm khi đưa các con đến đây. Chính những ao bơi như thế này sẽ giúp hạn chế việc các con nhỏ đuối nước" (theo: Ngọc Hà, Báo Tuổi trẻ Thủ đô).

Nhưng, đằng sau câu chuyện này không chỉ dừng lại ở những gì anh Tỉnh nói mà phải là một khát vọng sống tốt đẹp cho hiện tại và các thế hệ tương lai đã được hiện thực hóa. Ao làng tắm mát một thời sẽ không thể thau rửa, làm trong lại nếu chúng ta khoanh tay chờ đợi bởi những thói quen suy nghĩ mặc kệ. Người dân Hưng Giáo đã không sống mãi với những câu cửa miệng “giá mà”, “ước gì” mà họ đã hành động. Họ dùng số tiền tích góp được để tạo ra một thứ tài sản vô giá ấy là chất lượng sống. Từ bể nước trong, từ bài học bơi cho con trẻ đến bài học ứng xử, gắn kết cộng đồng. Nét đẹp ấy lan tỏa, gợi ý cho các làng quê khác đang hằng ngày đối mặt với ô nhiễm, thiếu thốn không gian sinh hoạt cộng đồng.

Cách đây chừng một năm, nữ sinh lớp 12 tên là Lê Thị Lương (18 tuổi, trú huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đã kêu gọi quyên góp 5.000 USD xây trường cho trẻ em Lai Châu. Dù còn rất trẻ, chưa có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội nhưng em đã thể hiện một bản lĩnh vững vàng trong suy nghĩ: “Nếu đã đi, chỉ có tiến thẳng chứ không lùi hay rẽ ngang. Nếu đã lựa chọn, từ việc học đến những hoạt động xã hội phải cân bằng” (theo: Đình Huy, Báo Thanh niên).

Nếu tìm hiểu kĩ hơn, ngoài người dân thôn Hưng Giáo, ngoài em Lê Thị Lương hay 500 gia đình đã tham gia cuộc thi chạy tiếp sức với thông điệp “happy FIRST” (được tổ chức vào ngày cuối tuần tại phố đi bộ Bờ Hồ, Hà Nội năm 2019, anh Phạm Đình Quý, quê ở xã Bình Minh (Khoái Châu) với hành trình “cắm bản xây trường” ước mơ xây 1.000 trường học cho trẻ em... còn biết bao tấm gương đáng quý khác. Nhưng, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Những khát vọng nỗ lực đó sẽ đi đến đâu hay chỉ là “một cánh én nhỏ”? Người viết cho rằng, đó là vẻ đẹp của sự thức tỉnh. Thực ra, điều mà họ đã và đang làm được đó là sự thay đổi nhận thức ngay cả ở bản thân mỗi người: Không thể thờ ơ trước sự xuống cấp, sự nguy hiểm, sự tha hóa... Khi tất cả đều nỗ lực, đều chung tay sẽ tạo ra những giá trị sống, giá trị văn hóa. Có thể không bao giờ chúng ta biết hết tên những người có tấm lòng cao cả nhưng việc làm của họ luôn là một giá trị đẹp.

Vẻ đẹp cuộc sống giản đơn, bình dị nhưng sẽ sống mãi với thời gian nếu như chúng ta có hướng đi đúng đắn.

Mai Phương
.
.
.