Thử "bắt bệnh" chữa lành...

Thứ Sáu, 12/07/2024, 07:55

Dạo này, cũng vì bận rộn công việc và nhàm chán với trend "chữa lành" nên tôi chẳng bận tâm đến những biểu hiện của xu thế này trên mạng xã hội. Dù vậy, người viết vẫn cảm nhận được những tổn thương ấy một phần xuất phát từ nhu cầu bản thân nhưng một phần còn đến từ chính sức "lây lan" của nó. Thử "bắt bệnh" chữa lành, thoạt nghe vô lý mà có lý.

chia sẻ trực tuyến tác động rất lớn đến những người trẻ-ảnh internet.jpg -0
Chia sẻ trực tuyến tác động rất lớn đến những người trẻ.

Vậy, chúng ta phải "bắt bệnh" chữa lành từ đâu? Đó cũng là việc trả lời cho câu hỏi: Vì sao người trẻ có những tổn thương? Phải chăng, chính họ đang gặp những rắc rối riêng hay tự đưa mình vào những tình thế khó. Sẽ là đáng tiếc nếu chúng ta không đọc bài viết có tên "Lằn ranh mỏng manh giữa nghệ thuật và dung tục" của nhà báo Ma Khánh Yến trên Báo điện tử Dân Việt, trong đó có đoạn viết: "Lý do là bởi công nghệ thông tin quá phát triển, trong khi cơ chế kiểm soát còn rất sơ sài, việc quy định độ tuổi trên YouTube hay bất kỳ mạng xã hội nào khác cũng chỉ mang tính tượng trưng, dễ dàng bị phá bỏ bởi vài thao tác. Nguy cơ người trẻ tò mò, bắt chước thần tượng hoặc phổ cập hơn là có cái nhìn lệch lạc về tình yêu - tình dục đang hiện hữu, đòi hỏi những động thái từ các cơ quan quản lý".

Xét ở góc độ nào đó, theo người viết, "cái nhìn lệch lạc" mà tác giả nhắc đến chính là nguyên nhân người trẻ tự đưa mình vào thế khó, tự đánh mất quyền được vô tư, trong trẻo, được phát triển một cách bình thường của mình. Không ít người trẻ ăn ở, làm việc và cả... yêu theo trend, để rồi khi sụp đổ thì đơn độc chứ chẳng còn cộng đồng nào an ủi. Nếu theo dõi các luồng dư luận, bạn sẽ thấy sự cảnh báo chệch hướng ở giới trẻ đã có từ khá lâu. Từ sự cảnh báo chệch hướng về văn hóa đọc đến bạo lực, "show hàng", ứng xử, suy nghĩ, lệch chuẩn "thần tượng"...

Nhưng, sự chệch hướng, lệch chuẩn đó của người trẻ vẫn có thể được khắc phục. Jonathan Swift (1667-1745) từng nói: "Nửa sau cuộc đời con người minh tuệ được dùng để xóa bỏ những điều ngu xuẩn, những định kiến và quan điểm sai lầm mà họ đã phạm phải trước đó". Liệu, sự "xóa bỏ" mà nhà văn trào phúng người Ai-Len nhắc đến có phải là trend "chữa lành" ngày hôm nay hay chính việc ỉ lại vào chữa lành như một phép màu lại là nguyên nhân người trẻ né tránh đối diện với thực tại sai lầm của mình, né tránh điều chỉnh, thay đổi để tiến bộ và suy giảm sức chịu đựng.

sự lệch chuẩn khiến người trẻ rơi vào trạng thái dễ tổn thương hơn-ảnh internet.jpg -1
Sự lệch chuẩn khiến người trẻ rơi vào trạng thái dễ tổn thương hơn.

Người viết cho rằng, trước hết "chữa lành" có ít nhiều tương đồng với xu thế "sống chậm", "sống xanh". Chẳng thế mà một anh thanh niên có tên Lin (Trung Quốc) đã kiếm được 2 triệu nhân dân tệ (7 tỉ VNĐ) mỗi tháng nhờ bán những buồng chuối xanh (với bao bì in: "Thoát khỏi nỗi lo lắng" và "Ngăn chặn muộn phiền") để khách hàng cắm vào bình nước trên bàn làm việc nhằm "chữa lành". Đặc biệt, người đàn ông 32 tuổi này bật mí một điều: "Người tiêu dùng trẻ ngày nay coi trọng sự thú vị và tính thẩm mỹ".

Phát hiện của Lin không hề sai bởi, có lẽ, với người trẻ "sự thú vị" là điều được quan tâm nhất. Họ "chill hóa" từ không gian sống đến quan niệm sống. Bởi thế, chỉ cần lướt mạng xã hội, bạn sẽ bắt gặp những cuộc tranh cãi thú vị như: Tuổi trẻ "bung xõa hết mình" hay tiết kiệm cho tương lai?; Tranh cãi bạn gái có nên "chia tiền 50/50" khi đi du lịch với người yêu; Tranh cãi trào lưu "thả mình" theo trend?; thậm chí, chỉ tranh cãi vì... nút like. Tất cả đều tập trung vào một vấn đề mấu chốt: cảm xúc của người trẻ trong tình yêu, công việc hay giao tiếp xã hội. Cuộc sống càng áp lực, họ càng cảm thấy thiếu đi sự thú vị đó, khi không còn sự thú vị cũng là lúc họ cảm thấy tổn thương.

Nhưng, suy cho cùng, xã hội phát triển, tiến bộ đến đâu thì cũng chỉ cung cấp cho chúng ta những cơ hội sống tốt đẹp chứ không thể đưa ra những quyết định, những lựa chọn thay cho chúng ta. Nếu một người không tự giải quyết những khúc mắc riêng tư của mình mà cầu viện từ cộng đồng theo kiểu anh chàng đẽo cày giữa đường thì mọi chuyện sẽ thêm rắc rối. Lo âu sẽ càng tăng thêm, tổn thương sẽ càng nặng nề và vùi lấp sự tự cường của bản thân mỗi con người.

Tác giả Kim Quyên có một nhận xét khá sắc sảo:

"Nền văn hóa "chia sẻ trực tuyến" rộng rãi đang làm trầm trọng thêm nỗi lo âu, kéo dài chuỗi phản ứng của lo lắng khi các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo, Instagram, Loket và nhiều dịch vụ trực tuyến khác trở thành kênh quan trọng cho việc thể hiện bản thân và thỏa mãn tâm lý. Phương tiện truyền thông đóng vai trò là người trung gian trong việc phổ biến sự lo âu khi sử dụng đa dạng hóa phương pháp định hình và tăng cường thông qua hình ảnh và tiếp thị trải nghiệm, từ đó tạo ra những "hố đen" của lo âu, kéo người dùng từ cái hố này đến cái hố khác. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng về những tác động tiêu cực của văn hóa "chia sẻ mạng" và sự can thiệp của phương tiện truyền thông nhằm hạn chế những nỗi lo âu không cần thiết, góp phần xây dựng một cộng đồng lành mạnh hơn trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển" (theo: Báo Lao động Thủ đô).

Công bằng mà nói, dù là người thông minh, sắc sảo, đầy bản lĩnh thì vẫn không tránh khỏi những lúc khủng hoảng, những cú sốc tâm lý, bởi mỗi chúng ta đều có một ngưỡng chịu đựng. Tuy nhiên, bản thân chúng ta có thể tự chữa lành bằng sự đóng kín tâm hồn chăng hay phải thật sự mở lòng, đem đến những điều tích cực cho người khác và nhận lại niềm vui?

Vẫn biết, như nhà văn Nam Cao đã nói: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?", nhưng thay vì gặm nhấm nỗi buồn, vá víu những vết rách ấy, sao chúng ta không vươn lên, hướng đến ánh sáng của những hy vọng. Người trẻ đã bao giờ nghĩ đến một dòng chảy âm thầm, bền bỉ dẫu không ồn ào như các trend nhưng luôn là cứu cánh, là sức mạnh tiềm tàng đem lại những niềm vui có tên: Vượt lên số phận, giúp người cùng cảnh ngộ.

trend chữa lành liệu có giúp người trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn-ảnh internet.jpg -2
Trend “chữa lành” liệu có giúp người trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn?

Thử hỏi, một người vĩnh viễn mất đi đôi mắt của mình thì sẽ chữa lành như thế nào? Vậy mà, anh Cao Nghĩa (Quảng Trị) đã vượt lên số phận để được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Quảng Trị 4 nhiệm kỳ liên tục và phụ trách cơ sở sản xuất Nhân Ái, tạo công ăn, việc làm cho 25 lao động là người mù và người tàn tật (theo: Lê Thị Thu Thanh, Báo Quân đội nhân dân). Cũng ở địa phương này, một người bị teo hai chân từ năm lên 2 tuổi như anh Trần Xuân Diệu đã vươn lên xây dựng cơ sở kinh doanh: "quản lý gần 20 thợ mộc, đóng, xẻ gỗ; 10 thợ khuyết tật có tay nghề chạm khắc gỗ; nuôi dạy miễn phí 7 em khuyết tật tại cơ sở của mình" (theo: Phan Như Hoa, Báo Nhân dân). Những người rơi vào hoàn cảnh không may mắn đã đem lại sự may mắn cho người khác, họ đâu chỉ chữa lành cho bản thân mà đã đem lại phương thuốc nhiệm mầu xoa dịu những tổn thương khác.

Người trẻ chữa lành có thể sẽ lắng xuống để nhường chỗ cho một trend khác mới hơn, lạ hơn, gây sự chú ý, tò mò hơn. Tuy nhiên, người viết cho rằng chừng nào mỗi bạn trẻ tìm ra cách sống phù hợp, tìm thấy động lực làm việc, họ sẽ thấy cuộc đời tươi đẹp hơn, nhân ra những điều chân ái xung quanh mình cũng như sẽ không nỡ làm tổn thương đến người khác.

Ai cũng có quyền nắm giữ một quan niệm, đưa ra sự lựa chọn và có cơ hội có được những điều hạnh phúc như thế.

Kiến Văn
.
.
.