Tháng Tám - mùa thu lịch sử

Thứ Sáu, 09/08/2024, 09:39

Ai từng may mắn đến Hà Nội gặp dịp mùa thu, hẳn sẽ hiểu vì sao người Hà Nội dù sinh sống ở đâu cũng thao thức nhớ về những mùa hương nồng hoa sữa, những con đường nhuốm màu phong sương của lá bàng đỏ quyện hương cốm xanh tỏa ra từ bếp hồng - một thứ cảm thức đằm sâu trong tâm khảm, bất chợt sẽ bùng lên trong thi ca nhạc họa.

Nghe đâu đó trong gió thu về là giai điệu sâu lắng và ca từ ngọt ngào của ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội". Sẽ rất tuyệt vời khi được nhâm nhi một ly chè chén trong phố cổ của Hà Nội, nghe giai điệu ngọt ngào của ca khúc này vang lên qua chính tiếng hát của những danh ca là người con của Hà Nội như Thái Thanh, Hồng Nhung...

tháng 8 khởi đầu mùa thu lịch sử.jpg -0
Mùa thu Hà Nội.

Cảm ơn thi sĩ Tô Như Châu của xứ Quảng và nhạc sĩ tài hoa Trần Quang Lộc của miền Đông Nam bộ đã cho chúng ta ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội", thuộc top những ca khúc hay nhất về Hà Nội, chính xác hơn là về mùa thu Hà Nội. Cả hai ông đều chật vật với chuyện cơm áo, bệnh tật và đều đã mất, để ước mơ được ra thăm Hà Nội mãi dang dở.

"Nghe đâu đây lá úa và mi xanh/ Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát" - tháng Tám mùa thu lại về với bao cảm xúc.

Trên không gian mạng, giới văn nhân nghệ sĩ lan tỏa tin mừng có ngôi nhà mới sau 2 năm tu sửa và xây dựng tại địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đấy là trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - ngôi nhà chung của giới văn nghệ sĩ cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành hôm 1/8, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã thay mặt văn nghệ sĩ cả nước bày tỏ vui mừng, phấn khởi và xúc động khi đón nhận món quà vô cùng quý giá mà Đảng, Nhà nước và chính quyền, nhân dân Thủ đô trao tặng giới văn nghệ sĩ.

Chính nơi đây, Bác Hồ và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ. Đây cũng là nơi cựu Vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy), theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra hợp tác, làm việc với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội đã bàn giao ngôi nhà cho các tổ chức văn nghệ sĩ để làm nơi làm việc và sáng tác.

Quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của văn nghệ sĩ là việc luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong chiến lược xây dựng nền văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Sự quan tâm ấy luôn nhắc nhở văn nghệ sĩ phải nỗ lực hơn nữa trong sáng tạo, cống hiến để xứng đáng là những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" như mong ước của Bác Hồ.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng lưu ý đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước rằng chúng ta đang "thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người".

Bao giờ thì công chúng có được những tác phẩm tầm vóc như vậy? Điều này chỉ trông chờ vào tài năng, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, nhất là khi đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tạo mọi điều kiện thuận lợi, trao gửi niềm tin.

Khởi đầu cho tháng Tám mùa thu 2024 này, nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi khi được nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - một trong những vị Tướng lĩnh trưởng thành từ lực lượng CAND khẳng định sẽ "tận tâm, tận lực, tận hiến vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc". "Ngọn lửa" của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa - điều mà nhân dân luôn kỳ vọng ở các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vị "tư lệnh mới" của cuộc chiến này - tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: "Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng", "Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được “giặc nội xâm” này".

Tháng Tám mùa thu gợi nhớ về những sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt, cách đây 79 năm, vào ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa đất nước thoát khỏi ách áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

79 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, con thuyền Cách mạng Việt Nam đã đưa dân tộc vượt qua bao chông gai để đạt được những thành tựu vĩ đại. Từ đói nghèo, đất nước ta đã vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu. Đất nước thanh bình nhưng vẫn còn rất nhiều chông gai phải vượt qua, mà "giặc nội xâm" - như nhìn nhận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cũng là một mục tiêu mà chúng ta phải chiến thắng.

"Giặc nội xâm" có ở đâu? Ở chính ngay trong bản thân chúng ta, trong sự trì trệ, nhu nhược, hèn yếu, tha hóa... và cả những thói hư tật xấu luôn tiềm ẩn trong mỗi người. Cho nên, sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng nghỉ ở mỗi người chính là góp phần vào sự lớn mạnh của dân tộc.

Mùa thu ý vị với lá vàng bay luôn là chất xúc tác mạnh mẽ cho thi nhân. Những chiếc lá vàng bay dưới gió trời thu luôn cho chúng ta cảm thức hướng về những chồi nụ, về tương lai đang ươm mầm cho những mùa hoa thơm trái ngọt.

Mẹ thiên nhiên vĩ đại xiết bao!

Lương Duy Cường
.
.
.