Phải sống tốt hơn

Thứ Bảy, 21/09/2024, 22:09

Vừa qua, cơn bão lớn mang tên Yagi và những trận mưa lớn sau đó đã gây ra lũ lụt, sạt lở, lũ quét kinh hoàng. Thiên tai đã lấy đi của chúng ta quá nhiều nước mắt nhưng cũng chứng minh một mệnh đề: tinh thần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta là một giá trị trường tồn.

Gần năm mươi năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân được sống trong môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và giao lưu quốc tế; đời sống tinh thần, vật chất đã ở một tầm cao mới.

qua gian khó chúng ta càng nhận ra phải sống tốt hơn-ảnh báo cand.jpg -1
Qua gian khó, chúng ta càng nhận ra phải sống tốt hơn.

Ngày nay, người Việt đã và đang đi làm việc ở hơn 40 quốc gia trên thế giới chứ không còn chỉ bó hẹp trong lũy tre làng. Nhiều người trong chúng ta đang sống ở chung cư, ăn cơm văn phòng, sử dụng giao dịch điện tử, đi xe hơi và sẵn sàng đặt tour du lịch nước ngoài cho gia đình trong kì nghỉ lễ. Nhưng, đâu vì thế mà họ mất đi khả năng phản ứng linh hoạt và sự cảm thông, sẻ chia, đùm bọc. Dù hiện đại và đổi thay thế nào thì tình làng nghĩa xóm qua giậu mùng tơi, giậu cúc tần, điệu hò, câu hát khi tát nước, khi cấy gặt, khi chèo thuyền... thao thiết một tình yêu giống nòi. Đó là sức mạnh bền bỉ, là bàn tay nắm chặt nhau trong lũ, là khuôn mặt sạm đen khói bụi trong hỏa hoạn, là cái ôm ghì trong nước mắt ngày đoàn tụ.

Cũng như đại dịch COVID-19, cơn bão Yagi đã tàn phá nặng nề, gây nên hậu quả hiếm thấy. Có những làng đã bị lũ xóa sạch dấu vết, có những cây cầu đã gãy, có đoạn đê đã vỡ và bao nhiêu nóc nhà ngập, chìm trong nước. Chỉ trong một vài ngày, thiên tai đã đặt chúng ta vào một cuộc chiến thực sự. Cuộc chiến ấy nói lên một điều, đâu là sức mạnh?

Nếu như hằng ngày, sau một cuộc gọi, vài tin nhắn qua cửa sổ chat cùng vài chục ngàn phí, bạn đã nhận được sự phục vụ tận tình của shipper thì giờ đây chiếc bánh, gói mì, chai nước... lại là một chiến công của chúng ta. Người đang bị cô lập luôn vững lòng, người ứng cứu dũng cảm, linh hoạt. Có thể không nói ra nhưng ai cũng hiểu được đó là lúc đồng tiền trong tài khoản của mình chỉ có thể nằm im. Lúc ấy chỉ có trách nhiệm và nghĩa tình. Chỉ có anh Công an, chú bộ đội, người tình nguyện ứng cứu mới tìm thấy mình và giải cứu khỏi nguy hiểm đó. Sức mạnh đó không khoe mẽ phô trương, không "phông bạt", "làm màu", mà chỉ khi sinh tử chúng ta mới biết quanh ta có biết bao người hùng thầm lặng.

cán bộ chiến sĩ công an hà tĩnh giúp nhà trường sớm trở lại hoạt động-ảnh báo cand.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp nhà trường sớm trở lại hoạt động.

Nhà tâm lý học người Đức Erich Seligmann Fromm (1900-1980) từng nói:  "Cuộc đời chỉ có một ý nghĩa: đó chính là sống". Sau bão lũ, chúng ta ngẫm ra: Phải sống tốt hơn với nhau để xứng đáng với những phút nguy nan đã trải qua. Trong một chữ "tốt" bao hàm nhiều ý nghĩa. 

Tốt, là sự tỉnh táo trước các thông tin, trước chiêu trò của những người sẵn sàng lợi dụng hoạn nạn để thực hiện ý đồ của mình. Những ngày qua, Cơ quan công an đã điều tra, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp tung tin giả như: "Liên Chung tân yên vỡ đê rồi khổ quá cơ"; "Vỡ đê Lục Nam. Cầu mong mn bình an!"; "Cơn bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung trong 48 giờ tới"... Không hiểu lương tâm của những con người đó ở đâu, họ dửng dưng trước sự lo lắng của nhân dân như thế nào.

Trong bài "Mưa nước mắt": 'câu view', nhà nghiên cứu Lang Minh phân tích: "Khó mà phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thiếu thận trọng (đặc biệt là có liên quan các yếu tố thị giác) có thể dẫn đến điều hướng sai, tạo ra điểm nhiễu có hại cho hoạt động chung. Trong đợt lũ lụt vừa qua, tin giả cũng ngập tràn, từ phao tin cắt điện cho đến chuyện vỡ đê, gây ra không ít hoang mang cho những cộng đồng liên quan. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả, thậm chí gián tiếp trở thành tội đồ, nếu bạn không chỉ nhẹ dạ tin, mà còn nhiệt thành chia sẻ đến nhiều người khác". (theo: vnexpress.net). Cùng lũ bùn, rác rưởi, tin giả là thứ mà thiên tai để lại buộc chúng ta phải dọn dẹp. Đổ xô đi siêu thị mua đồ tích trữ, hoang mang chia sẻ không chỉ hại mình mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Sống tốt hơn có nghĩa là bạn phải có tư duy phân tích thay vì nhắm mắt sống theo tin đồn. Thay vì chia sẻ, bạn hãy là người lan tỏa những gì mình làm, mình biết có ích cho xã hội.

Sống tốt hơn cũng là sự thông minh, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm như cách mà anh Ma Seo Chứ (33 tuổi), trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã thực hiện. 115 người dân thuộc 17 hộ di dời kịp thời sau khi người trưởng bản này phát hiện vết nứt rộng 20 cm, dài khoảng 30 m. Anh Chứ và nhóm của mình còn nghĩ đến việc tổ chức cho bà con ăn ở tạm thời. Việc làm nhỏ của người cán bộ cơ sở nhưng ý nghĩa lại rất to lớn: "Khi đoàn người đang di chuyển, tôi có bảo một nhóm đi trước khảo sát tình hình và chọn địa điểm dựng lán. Sau khi đến nơi, mỗi người một công việc giúp nhau chặt tre, luồng về dựng lán, làm giường rồi căng bạt. Khoảng 14h30, khu lán đã hoàn thành" (theo: Anh Tâm, Báo Vietnamnet).

Ngày 12/9/2024, trong chuyến thị sát thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo: "Tìm một vài địa điểm rồi các cơ quan khoa học, chuyên môn đánh giá mức độ an toàn để sớm khôi phục lại bản làng, chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành. Thiếu gì, cần gì thì báo cáo Chính phủ" (theo: Hoàng Phương - Ngọc Thành - Thanh Hằng-vnexpress.net).

tin giả trên mạng xã hội là một thứ rác rưởi cần được xử lí triệt để-ảnh báo cand.jpg -2
Tin giả trên mạng xã hội là một thứ rác cần được xử lí triệt để.

Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta có thêm được một bài học kinh nghiệm mới: cần có cả sự ủng hộ, hỗ trợ cho mục tiêu lâu dài thay vì chỉ tập trung vào cái trước mắt. Bà con không chỉ cần cái trước mắt như mì tôm mà sau đó là hạ tầng (nhà cửa, trường học, đường sá, trạm y tế...) và việc làm để gây dựng cơ nghiệp. Khi đó, những tấm lòng hảo tâm, những nghĩa cử cao đẹp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong việc khắc phục hậu quả và tái thiết. 

Với những hiểm họa khó lường của thiên tai, ai cũng có thể lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Vậy nên, trong cuộc sống thường ngày rất cần sự thành thật, lương thiện như một thứ "vật liệu tốt", "mối nối" tốt để tạo ra sự bền chắc cho xã hội.

Thêm một lần nữa, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn có một giá trị văn hóa bền chặt, đậm sâu đó là vẻ đẹp toát lên từ thái độ sống: Sống tốt hơn để có một xã hội có gắn kết, có trách nhiệm, hạn chế tối đa những nguy cơ và phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của từng cá nhân. Sự biến đổi của khí hậu mang quy mô toàn cầu chứ không chỉ với một quốc gia nào. Bởi thế, lường trước những nguy cơ, không để rơi vào thế bị động cũng là trách nhiệm của mỗi con người. Bạn hãy tự cứu mình, tự có những kịch bản ứng phó tại chỗ trước khi nhận được sự hỗ trợ.

Trận bão, lụt này cũng giúp không ít người hiểu ra sự sâu sắc trong các bài học truyền thống qua câu ca dao: "Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng". Bạn hãy nghĩ xem, từ GS.TS Lê Ngọc Thạch đến số tiền 200.000 đồng của anh Nguyễn Văn Tiến (Quảng Trị) - một người khuyết tật bán vé số; bà Trần Thị Cảnh (81 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) ôm theo thùng mì tôm đến ủng hộ... và bao tấm lòng nhân ái khác, họ đâu có cần khuếch trương và làm truyền thông, quảng cáo. Hằng ngày chúng ta vẫn lướt qua họ trên đường đời nhưng có đâu ngờ họ có một tấm lòng đẹp như thế. Phải sống tốt hơn, hơn nữa và chúng ta cùng tin vào điều đó...

Kiến Văn
.
.
.