Hồi chuông cảnh báo với các di tích

Thứ Bảy, 16/11/2024, 09:44

Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất một số giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chùa Xuân Lũng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Vụ cháy chùa Xuân Lũng đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi chùa có niên đại 800 năm tuổi và ban thờ đá hoa sen được công nhận là Bảo vật quốc gia bị hư hại. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các di tích trên địa bàn cả nước.

Chùa Xuân Lũng cháy rụi

Vụ cháy chùa Xuân Lũng (còn có tên khác là chùa Phổ Quang) xảy ra lúc 10h ngày 23/10/2024. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lâm Thao, một ngày sau khi vụ cháy xảy ra, mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại nhiều về tài sản, gồm: Toàn bộ phần gỗ, mái ngói âm, hệ thống điện bị cháy hỏng, các pho tượng bằng đất và bằng gỗ trong ngôi Tam Bảo bị nhiệt tác động hư hại. Ước tính sơ bộ, tổng giá trị vật chất bị thiệt hại khoảng 25 tỉ đồng.

2.jpg -1
Ban thờ Phật bằng đá tạo tác hình hoa sen tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ) được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021 trước vụ cháy.
1.jpg -0
Ban thờ Phật bằng đá tạo tác hình hoa sen tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ) được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021 sau vụ cháy.

Ngày 24/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử đoàn công tác gồm các thành viên của Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Thao, UBND xã Xuân Lũng tiến hành kiểm tra hiện trường vụ cháy di tích quốc gia chùa Xuân Lũng.

Theo đánh giá của đoàn công tác trong Công văn số 44839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ, những thiệt hại về vật chất từ vụ cháy là hết sức nặng nề, trong đó có những hạng mục bị hư hỏng toàn bộ, không thể phục hồi được như: Về kiến trúc: công trình Tam bảo có mặt bằng hình chữ "Công", tường hồi bít đốc xây gạch thất, mái ngói mũi hài. Phần hoành, rui, cửa gỗ bị cháy toàn bộ. Tường mặt ngoài có vết nứt, bề mặt không thấy hư hại, nhưng mặt trong đã bị hư hỏng, đặc biệt là phần ống muống, hậu cung. Toàn bộ cột bị đã cháy bề mặt; hoành, rui, các cấu kiện vì mái, hệ thống cửa bị cháy toàn bộ; chân tảng bị bong vỡ, hư hỏng hết. Kết cấu công trình rất yếu, không còn khả năng chịu lực.

Về hệ thống hiện vật, gồm có: Bảo vật quốc gia ban thờ Phật bằng đá, hệ thống tượng bằng đất, hệ thống tượng gỗ, trong đó toàn bộ bề mặt bàn thờ bị ám khói đen; đài sen bị gãy vỡ hai góc bên trái (cả cánh sen trên và dưới), bên phải có một vết nứt lớn; phần thân và đế ban thờ một số chỗ bị sứt vỡ, tách lớp; một số vị trí còn bị biến đổi về mặt hóa học. Ngoài ra, hệ thống tượng đất hầu hết tượng bị hư hỏng nặng với các dấu hiệu như: đã mất hoàn toàn lớp sơn thếp, bị rơi gãy các bộ phận, một số tượng đổ ngả vào tường, một số tượng bề mặt bị mềm; hệ thống tượng gỗ đã cháy hoàn toàn (than hóa).

Với thực trạng di tích như nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ giao cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện một số biện pháp cấp bách và lâu dài để bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật sau vụ cháy. Trong đó, đặc biệt là Bảo vật quốc gia ban thờ Phật bằng đá phải: "Thực hiện ngay các biện pháp kiểm kê các mảnh đá của ban thờ bị rơi, rụng; đánh số, mã hóa và có giải pháp bảo quản an toàn tất cả các mảnh vỡ này; dọn dẹp toàn bộ các mảnh ngói, gạch vụn rơi phía trên ban thờ; gia công khung cứng để bao che toàn bộ ban thờ (lưu ý có khoảng trống để không khí lưu thông, tránh hiện tượng om nhiệt, ẩm trong khung)...".

Có lẽ, đây là vụ cháy một di tích quốc gia gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề nhất từ trước đến nay, gây chấn động và nhiều tiếc nuối trong dư luận quần chúng nhân dân. Chùa Xuân Lũng (chùa Phổ Quang) được khởi dựng từ thế kỷ thứ XIV, đã trải qua nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, mặt bằng hình chữ "Công"; gác chuông (cách Tam bảo 29m); nhà tổ. Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như 2 tấm văn bia cổ, ban thờ Phật bằng đá tạo tác hình hoa sen ghi nhận niên đại năm 1387, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021.

Những thiệt hại không thể đong đếm

Có thể nói, tuy không phải là vụ cháy di tích quốc gia đầu tiên, nhưng vụ cháy rụi chùa Xuân Lũng thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các di tích trên địa bàn cả nước về nguy cơ cháy nổ và những thiệt hại nặng nề không thể đong đếm được mà một vụ cháy có thể xảy ra. Bởi lẽ, chùa chiền hay các di tích là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, bởi vì kết cấu thường được xây dựng bằng gỗ, với tượng Phật, nơi thờ tự có nhiều vải, giấy, lại thường xuyên đốt hương, vàng mã, chứa đựng nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô.

Trước đó, tối 10/1/2020, ngọn lửa bùng lên tại gian Tam bảo chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Sau 2 giờ tích cực chữa cháy, Công an huyện Gia Lâm, UBND xã Đa Tốn cùng nhân dân địa phương đã triển khai các phương tiện chữa cháy và khống chế, dập tắt ngọn lửa. Tuy nhiên, hậu quả của vụ cháy đã làm phần mái của tòa Thượng điện bị sập, các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong tòa Tam bảo bị than hóa hoàn toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và giá trị văn hóa tâm linh.

Chùa Cự Đà cũng là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1996. Công trình hiện do UBND huyện Gia Lâm quản lý trực tiếp theo phân cấp của thành phố. Di tích được UBND TP Hà Nội đầu tư, tu bổ năm 2008-2009 và là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài chùa Cự Đà, riêng trên địa bàn TP Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại các di tích như: vụ cháy chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), đền Tam Quan Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên)... Một trong những địa phương có nhiều di tích như tỉnh Thừa Thiên -  Huế cũng từng xảy ra những vụ cháy gây xôn xao dư luận như: cháy chùa Thuyền Lâm (TP Huế), cháy di tích Quốc Tử Giám (nằm trong khuôn viên trụ sở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và là nơi trưng bày nhiều hiện vật quý).

3.jpg -2
Sau khi ngọn lửa được khống chế, 1/4 mái nhà của di tích Quốc Tử Giám đã bị sập.

Trong đó, vụ cháy di tích Quốc Tử Giám xảy ra vào chiều 17/8/2022 đã được lực lượng chức năng nhanh chóng khống chế, nhưng vẫn làm sập 1/4 mái nhà của dãy trưng bày. Với sự hỗ trợ của nhân viên bảo tàng nên 167/180 hiện vật trong danh mục được trưng bày đã được đưa ra khỏi đám cháy đảm bảo an toàn, còn lại 17 hiện vật chưa di chuyển kịp thì sau khi đám cháy được khống chế, đã xác định các hiện vật không bị ảnh hưởng.

Công trình Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn là di tích trường đại học duy nhất thời Nguyễn còn tồn tại ở Việt Nam và là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị cao. Bởi vì, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993.

Đến nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể những năm qua cả nước xảy ra bao nhiêu vụ cháy ở các di tích, cơ sở thờ cúng, nhưng có thể thấy rằng, một khi hỏa hoạn xảy ra ở những nơi này đều để lại những thiệt hại nặng nề, ngoài vật chất còn là yếu tố tinh thần, văn hóa, lịch sử. Vụ cháy những di tích quốc gia quan trọng như cháy chùa Xuân Lũng, chùa Cự Đà, di tích Quốc Tử Giám (TP Huế)... chính là lời cảnh báo tới chính quyền, cơ quan chức năng tại các địa phương, cần quan tâm hơn nữa để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ hỏa hoạn xảy ra tại di tích.

Công tác phòng cháy, chữa cháy tại những khu di tích, đền chùa, nơi diễn ra các hoạt động thờ tự, tâm linh, lễ hội... không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, của người trông nom, quản lý trực tiếp, mà đó còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi đến vãn cảnh, hành lễ phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ. Bởi vì, một khi đã bị chá, là những giá trị ngàn năm ấy có thể vĩnh viễn mất đi, không thể khôi phục được, không có tiền của nào mua lại được nữa...

Nguyệt Hà
.
.
.