Định danh của chủ thể văn hóa

Thứ Sáu, 03/01/2025, 08:10

Một thông tin có thể không mới nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ: Từ ngày 25/12/2024, dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng đang hoạt động. Cụ thể: "Tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin (theo: Đức Thiện-Báo Tuổi trẻ)

Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 76,5 triệu người sử dụng Zalo, 72 triệu người sử dụng Facebook, 63 triệu người sử dụng YouTube và 67 triệu người dùng TikTok. Thống kê ấy cho chúng ta một cảm nhận: phần lớn người Việt là cư dân mạng, ở những mức độ khác nhau chúng ta có một danh xưng, một diện mạo trên các diễn đàn (forum) và việc trò chuyện (chat), chia sẻ thực sự nghiêm túc chứ không còn là trò vui đùa của những người thích khám phá công nghệ.

định danh tài khoản mạng xã hội là điều rất hợp lý-ảnh internet.jpg -2
Định danh tài khoản mạng xã hội là điều rất hợp lý.

Khác với tài khoản ngân hàng, hàng triệu tài khoản mạng xã hội nói lên sự tương tác trực tiếp như thế. Mọi cá nhân có thể đến thăm "nhà" nhau, chúng ta tìm thấy bạn bè, tìm được bạn đời hay thù ghét nhau... thông qua vài thao tác đơn giản. Nhưng, có lẽ, sau gần 2 thập kỉ xuất hiện và trở nên phổ biến ở Việt Nam, bạn đã bao giờ đặt câu hỏi: nickname có phải là chính danh, là chủ thể văn hóa hay chỉ là một "phép màu" phân thân của ai đó để giải tỏa sự bức xúc, sự tò mò?

Định danh không chỉ có tác dụng về mặt pháp lý mà còn là sự định tính về danh dự, uy tín của từng cá nhân và sâu xa hơn: Một sự ý thức về chủ thể văn hóa. Như từng hạt phù sa bồi lắng tạo ra gò bãi rồi làng mạc, thành phố mọc lên; trải qua hàng ngàn năm, những hành động, câu từ đẹp của từng cá thể trong xã hội đã góp phần bồi đắp nền văn hóa của dân tộc. Mạng xã hội đã và đang can dự vào quá trình đó và sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn.

Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết về những người dân Việt Nam trong lịch sử dân tộc: "Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước" (Trường ca "Mặt đường khát vọng"). Bao người dân đã sống và tạo ra dòng mạch văn hóa bất tận như thế. Có điều "không ai nhớ mặt đặt tên" không phải sự ẩn giấu, bị che khuất mà là sự cống hiến thầm lặng. Họ có một danh xưng vĩ đại là Nhân dân. Điều đó khác hẳn một đám đông vô danh "ném đá hội đồng", "lên đồng tập thể", "kết tội mạng"... Nói như thế có nghĩa rằng: mỗi chúng ta đều có một quyền lợi, một sứ mệnh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sứ mệnh cũng là một sự thử thách lòng tự trọng, danh dự của từng cá thể.

Như nhà toán học John Herschel (1792-1871) đã nói: "Tự trọng là nền tảng của mọi đức tính". Định danh chính là sự khẳng định bạn đã sẵn sàng lập ngôn, sẵn sàng đưa ra chính kiến của mình và chịu trách nhiệm trước các hành động thay vì rao giảng đạo đức, xúc phạm danh dự người khác và chối bỏ trách nhiệm theo kiểu nặc danh.

Mới đây, báo chí đưa thông tin chị Nguyễn Thị Niệm (20 tuổi, trú thôn 4, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã nhận được 222,4 triệu đồng từ tài khoản bởi một người lạ. Chị Niệm đã chủ động trình báo Công an để xác minh và được hướng dẫn làm các thủ tục hoàn trả lại số tiền trên cho chủ nhân là anh Chau Chươl (29 tuổi, trú thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Chúng ta cũng biết đến anh Trần Phương Lộc (Công ty CP Môi trường đô thị Huế) từng nhiều lần trả lại tiền mặt và cả nhẫn kim cương trong quá trình thu gom rác của người dân. Những người như chị Niệm, anh Lộc trở nên nổi tiếng không vì những chiêu trò độc lạ được livestream. Họ không mang đồ hiệu hay phát ngôn ấn tượng mà chỉ đơn giản: Họ tôn trọng chính bản thân, họ tự bồi đắp cho danh dự, nhân cách của mình bằng sự trung thực... Điều này đúng như Dan Pearce từng nói: "Những người yêu bản thân mình sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác. Chúng ta càng hận bản thân thì càng muốn người khác đau khổ".

người sử dụng mạng xã hội cần ý thức được trách nhiệm khi tham dự vào cộng đồng chung-ảnh internet.jpg -0
Người sử dụng mạng xã hội cần ý thức được trách nhiệm khi tham dự vào cộng đồng chung.

Nhưng, ngoài những điều nêu trên, từ sự định danh, chính danh còn mở ra một trang mới cho những cư dân mạng đã mong chờ từ khá lâu: chúng ta không còn sợ bị người khác hoài nghi. Và, ngược lại, khi mặt trời đã lên, ánh đèn đã bật sáng, sẽ là cơ hội để mọi sự quang minh chính đại, mọi mục tiêu chân chính, tốt đẹp đạt được hiệu quả.

Nhiều người sẽ cho rằng sự siết chặt quản lý chỉ đơn giản là nước đi kịp thời trước mối lo về tác quyền khi xuất hiện trí tuệ nhân tạo, đặt ra nguy cơ về những tranh chấp pháp lý chưa từng có. Liệu có phải chúng ta đang sống trong một thế giới rắc rối do chính chúng ta tạo ra? Trí tuệ nhân tạo sẽ là con dao hai lưỡi?

Người viết cho rằng những điều tưởng chỉ là sự rắc rối trong xã hội cũng chính là cơ hội, là cánh cửa mở ra để chúng ta giải quyết những bất cập. Hay, nói cách khác, bạn muốn tiến xa, bạn hãy đặt mình vào những thách thức và chiến thắng. Một xã hội hiện đại chứa đựng những phong cách sống đa dạng từ Adorkable (độc đáo, kỳ quặc nhưng đáng yêu); DINKs" (Dual income, no kids), tạm dịch là: "Hai thu nhập, không con cái" cho đến các phong cách: Lagom (biết đủ là hạnh phúc), Jugaad (tìm kiếm giải pháp khéo léo); Wabi sabi (vẻ đẹp từ sự không hoàn hảo)...

phong cách sống đa dạng tạo ra sự định hình của chủ thể văn hóa-ảnh internet.jpg -1
Phong cách sống đa dạng tạo ra sự định hình của chủ thể văn hóa.

Bởi thế, khi mỗi cá nhân xuất hiện trên mạng xã hội sẽ mang theo một phong cách sống, ảnh hưởng đến một kho dữ liệu chung của thời đại công nghệ trên forum: Trí tuệ cộng đồng, sự lương thiện, sự cao cả, lòng vị tha... Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, phong cách đó càng được biểu hiện rõ ràng. Tự bản thân mỗi người có thêm một định danh văn hóa bên cạnh định danh trên phương diện pháp lý. Nếu bạn sử dụng mạng xã hội, bạn có quyền đăng tải thông tin và tương tác với người khác. Tuy nhiên, từ quyền lợi đến thực lực bạn có nội dung gì thật sự hữu ích cho cộng đồng lại là một dấu hỏi. Có lẽ, sau khi định danh, thói quen chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, thói quen ứng xử thiếu văn hóa buộc phải từ bỏ, trang cá nhân của nhiều người sẽ chỉ còn là một sự trống rỗng?

Cách đây vài năm, người viết từng đọc bài viết có tựa đề: "Vì sao chúng ta thích bấm nút 'share' tin giả?" trên trang Zing. Khi trao đổi với Zing, tiến sĩ Jonathon McPhetres thuộc Đại học Durham (Anh) lý giải: "Các mạng xã hội còn 'trao quyền' lan truyền tin tức vào tay người bình thường, những người mà không phải lúc nào cũng được trang bị đủ kỹ năng để đánh giá đúng/sai".

Hai chữ "trao quyền" mà Jonathon nhắc tới chính là cơ hội để bạn khẳng định sự nhận thức về xã hội, cơ hội để tự khẳng định thay cho những tranh cãi vô nghĩa của bản thân.

Sau tất cả những câu chuyện kể trên, việc định danh của từng chủ thể là điều quan trọng nhất, đầy thách thức nhưng cũng khá thú vị. Nhưng, đơn giản thôi, nếu bạn đã sống tích cực và chân thành, bạn hãy mang điều đó tới hệ sinh thái số và trở thành cư dân tiến bộ. Mọi hình ảnh, lời lẽ đẹp của bạn sẽ đóng góp vào  khối "tài sản" chung có tên là văn hóa. Khi đó, bạn sẽ có thêm một định danh bền vững, thực sự xác tín bản thân với nền tảng mới, một nền tảng văn hóa hiện đại và tiến bộ dựa trên sự phát triển của công nghệ...

Kiến Văn
.
.
.