Kia
Mobifone

Đánh cắp chất xám công cộng

Thứ Năm, 23/12/2021, 14:32

Cách nay vài hôm, thạc sỹ hành chính công N.Đ.T trên trang cá nhân đã than trời về việc một bài viết của anh đăng tải trên một diễn đàn đã bị “ăn cắp” để biến thành một bài viết trên trang “Kiến thức kinh tế” dưới một cái tên tác giả lạ hoắc là Nguyễn Phi Vân. Anh N.Đ.T đã đưa các đường dẫn làm bằng cho việc bài viết của mình đã bị đạo trắng trợn. Tuy nhiên, chỉ như đá ném ao bèo, không có một quản trị viên nào của trang kể trên hồi đáp.

Sự việc chưa lắng lại thì những bằng hữu và cả học trò của anh N.Đ.T lại phát hiện thêm các bài viết khác của anh, đã từng đăng báo Tiền phong vài năm trước, cũng bị đánh cắp. Kẻ cắp lại là chủ sở hữu một kênh youtube. Họ xây dựng nội dung hình ảnh và sử dụng toàn bộ các bài viết cùng chủ đề của N.Đ.T để sử dụng làm lời bình.

Lập tức nhiều bạn bè cùng sinh hoạt chung một nhóm chia sẻ kiến thức với anh cũng thử lùng tìm trên các nền tảng mạng xã hội, phát hiện không chỉ mình sản phẩm của N.Đ.T mà còn của rất nhiều người khác đều đang bị rất nhiều chủ sở hữu các kênh youtube, các fanpage… đánh cắp. Điều trớ trêu là tác giả ban đầu khi đăng tải nội dung đều có lượt đọc, chia sẻ ở mức trung bình khá. Trong khi đó, các tài khoản đánh cắp những nội dung này lại có lượt xem, đọc, chia sẻ lên tới con số chục ngàn, thậm chí có nội dung lên tới triệu lượt xem. Và tất cả các tài khoản ăn cắp nội dung kể trên đều chung một đặc điểm: Họ bật chế độ kiếm tiền từ quảng cáo.

Câu chuyện chỉ là một ví dụ điển hình của vấn nạn đánh cắp chất xám công cộng hiện nay. Tạm gọi là chất xám công cộng là bởi các nội dung này đều được tác giả chia sẻ rộng rãi không giới hạn cho cộng đồng tham khảo. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của nội dung, sự đắt giá của các thông tin, kiến thức mà họ cung cấp đã trở thành món mồi béo bở cho những kẻ muốn kiếm tiền bằng kinh doanh nội dung kỹ thuật số nhưng không có năng lực tạo nội dung gốc. Và tình trạng đánh cắp trải rộng ở mọi lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục, thể thao, âm nhạc cho tới cả các lĩnh vực chuyên ngành.

Đối phó, những tác giả nội dung gốc chỉ có cách duy nhất là báo cáo lên nền tảng (như youtube hay facebook) mà thôi. Việc báo cáo này đòi hỏi các dẫn chứng xác minh và kết quả thu lại chỉ tối đa là nội dung bị gỡ bỏ, kênh nội dung vi phạm bị đánh “gậy bản quyền”. Còn kẻ vi phạm thì vẫn nhởn nhơ và hoàn toàn có thể tạo lập một kênh mới, tiếp tục hoành hành nghề đạo tặc chất xám. Không hề có một đền bù bằng vật chất nào cho tác giả gốc bất chấp việc trước khi kênh bị nền tảng như youtube hay facebook xử lý, kẻ cắp đã trục lợi hàng chục ngàn USD.

Mới đây, ở châu Âu có một vụ kiện hi hữu khi một bà goá ở Đức bán chiếc đĩa CD trong bộ sưu tập của người chồng quá cố trên ebay với giá 11 euro. Đó là CD một album của nghệ sỹ Eric Clapton. Lập tức, Eric Clapton khởi kiện vì nội dung CD này là sao chép lậu. Toà án Dussendoff đã phạt bà goá phụ kia phải bồi thường cho Eric Clapton 4 ngàn euro. Ví dụ này cho thấy, đã đến lúc pháp luật phải vào cuộc chứ không thể để cuộc chiến chống nạn trộm cắp chất xám công cộng chỉ đơn thuần là sự đối đầu giữa tác giả và nhóm đạo tặc online. Đơn giản, youtube, facebook hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào đều không phải toà án và họ chỉ căn cứ xử lý theo quy ước sử dụng của họ chứ không theo khung pháp luật nào.

Và hơn tất cả, chỉ cần cơ quan thuế vào cuộc với các chủ kênh thông tin đang kiếm hàng chục tỷ từ youtube mỗi năm là đã có đủ manh mối để kiểm tra kênh ấy có vi phạm luật sở hữu trí tuệ hay không. Đó là việc cần làm ngay, đặc biệt ở thời đại mà báo chí gặp nhiều khó khăn, nhuận bút cho nhà báo chưa được dồi dào nhưng lợi nhuận mà những kẻ ăn cắp chính những nội dung từ báo chí này thu được thì lại cao gấp ngàn lần.

Văn Ðoàn

.
.