Kia
Mobifone

Xử lý kịp thời những "sản phẩm lỗi"

Thứ Năm, 23/11/2017, 08:35
Trong quá trình đấu tranh phê và tự phê của ta hiện nay có một hiện tượng như thế này: Ấy là nếu đấu tranh hăng quá, rất dễ bị quy là "mất đoàn kết nội bộ", phe cánh, thậm chí là giành ghế, là lật đổ. Nhưng nếu để "đoàn kết nội bộ" thì lại thành người thủ tiêu đấu tranh, thành đồng lõa, thành có tư tưởng hữu khuynh.


Đằng nào cũng nguy, cũng khó xử, nên cuối cùng chọn cách im lặng, giữ tròn vai, giữ tiết tháo, giữ trong sạch cho mình.

Nhưng té ra không phải thế.

Mấy quyết định kỷ luật gần đây đối với các vị lãnh đạo diện Trung ương, Bộ Chính trị quản lý đều có những người liên đới, có những người thoạt đầu có vẻ như bị oan, nhưng lại là không oan, bởi cương vị anh ở đấy, như thế, anh phải xử lý như thế, không xử lý, im lặng, đồng nghĩa với đồng lõa, đồng nghĩa với đồng… chịu trách nhiệm.

Đa phần các vị bị kỷ luật vừa rồi đều là những người có vai trò quyết định, đứng đầu ở địa phương, bộ ngành. Họ có quyền rất to, trùm lên cấp dưới và lấn át cấp ủy đồng cấp, thậm chí là cấp ủy lãnh đạo trực tiếp. Độc quyền, không nghe tham mưu, bất chấp cấp trên, chỉ làm theo ý mình, có tư tưởng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, nói thẳng là tham lam, là chỉ nhăm nhăm thu vén cho mình và gia đình mình… khiến họ sa ngã.

Cần phải thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh với những sai phạm tại các cơ quan, đơn vị. Tranh minh họa: Internet.

Con người, để vượt qua cái tư tưởng tham lam, coi của công là của mình, cái gì không phải của mình sẽ phải là của mình, bất chấp pháp luật, vượt lên dư luận, đè lên phản ứng xã hội… là cần phải có quá trình tu dưỡng, được dạy dỗ từ bé ở gia đình, rồi nhà trường, rồi môi trường xã hội. Đa phần mọi người vượt qua được, trở thành những công dân bình thường. Nhưng không phải không có những "sản phẩm lỗi", sản phẩm lỗi này, nếu là công dân bình thường họ cũng đã làm mệt cho xã hội rồi, vì thế mà phải có các cơ quan bảo vệ pháp luật để quy mọi hành vi của con người vào khuôn phép, theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu những "sản phẩm lỗi" ấy leo được vào các vị trí lãnh đạo thì hậu quả họ gây ra là hết sức to lớn. Nó liên quan đến cả những tỉnh, cả những ngành mà người ấy đứng đầu, như ông Vũ Huy Hoàng, ông Phạm Thế Dũng, ông Võ Kim Cự, ông Nguyễn Phong Quang, ông Phạm Sĩ Quý… vân vân.

Nhưng cái chính là, cần phải có những thiết chế, những vòng kim cô đủ mạnh để con người, dẫu có tham, dẫu ở vị trí nào, dẫu độc tài đến mấy cũng không thể tự tung tự tác, không thể muốn gì được nấy.

Vòng kim cô của chúng ta có vẻ như vẫn có những đoạn, những khúc, những mắt xích bị lơi lỏng, bị bẻ khóa, bị vượt qua mà không kịp xử lý, khắc phục.

Những cuộc họp phê bình chẳng hạn, kiểm điểm cuối năm chẳng hạn. Phần lớn là phê bình nhau mà chừa lãnh đạo ra. Nếu có những cuộc mà lãnh đạo bị lôi vào để phê bình thì rất dễ thành những cuộc "đấu tố", sẽ thành "mất đoàn kết nội bộ". Sẽ rất mệt mỏi, và khi cấp trên ra tay thì sẽ… cả hai bị kỷ luật.

Và phần lớn các vị bị cấp trên kỷ luật, khi lục lại thành tích trước đấy của họ, thấy đều đỏ lòe, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đều được khen thưởng, thậm chí có cả người được phong anh hùng.

Mà chúng ta thì có nhiều cơ quan để đánh giá một cán bộ, để chuẩn bị cho một cán bộ nhận chức nào đấy, thường gọi là làm nhân sự.

Thế thì rõ ràng, công tác nhân sự, chuẩn bị nhân sự của chúng ta đang có vấn đề.

Thế nên nhiều cán bộ, khi ngồi vào ghế nào đấy, là tận dụng hết chức năng của… ghế. Nhỏ tận dụng nhỏ, lớn tận dụng lớn.

Nhỏ là từ gói thuốc, cân chè, thùng bia, tệp giấy in, chuyến xe công… đến lớn là trăm tỉ, ngàn tỉ, là cả nhà làm quan, là… buôn chổi đót làm biệt phủ.

Cái ảnh hưởng lớn nhất của nó, là làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Điều này gây ra hệ lụy rất lớn khi nó tạo ra những phản ứng ngược đối với các chủ trương chính sách, đều bị người dân nghi ngờ về tính trong sáng vị nhân dân vị quốc gia của nó.

Ảnh hưởng tiếp theo là kinh tế, tất nhiên. Không chỉ trăm tỉ ngàn tỉ mà hàng nhiều ngàn tỉ, cả ăn hối lộ, tham nhũng, đến lãng phí thất thoát, trong khi học sinh không có trường học, dân bị thiên tai, mất mùa, đói kém… Và điều này còn tạo nên những khủng hoảng tiếp theo về tính nhân văn, tạo khoảng cách giàu nghèo rất lớn trong xã hội, khiến sự chênh lệch xã hội trở thành một nỗi ám ảnh, tạo ra một bức tranh xấu, đối nghịch với mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân ta.

Rồi còn nhiều hệ lụy tiếp theo, đều rất nặng nề, rất lớn.

Rõ ràng, cần một cơ chế thật cụ thể để phá cái thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều cán bộ nhà nước đang phải chịu đựng. Làm sao để cán bộ đúng nghĩa là công bộc của dân như Bác Hồ dạy. Đặt người tài đúng chỗ là nhiệm vụ rất nặng nề và hết sức quan trọng của tổ chức. Và đúng chỗ rồi, phải có cơ chế để họ phát huy hết khả năng, hạn chế những kẽ hở để phần tối con người có thể tranh thủ trỗi dậy…

Khó nhưng không phải là bất khả.

Văn Công Hùng

.
.