Tín ngưỡng – Lằn ranh mong manh

Thứ Năm, 01/03/2018, 08:35
Thực tế, dịp Tết nhất, dù là theo tôn giáo nào đi nữa, hoặc không có tín ngưỡng, mỗi người Việt đều muốn "mời ông bà" về ăn Tết. Điều đó vượt quá cả giới hạn của niềm tin và nó đã nằm ở lãnh địa của bản sắc văn hoá, một bản sắc đề cao sự đầm ấm của gia đình, sự hội tụ những người ruột thịt dưới một mái nhà chung vui đón xuân. Chính cái nền tảng bản sắc ấy nó giữ cho xã hội được gắn kết một cách lành mạnh...


Sau Tết dĩ nhiên là dịp của lễ hội, của những phong trào được phát động, và tất nhiên, cũng là thời điểm của những tranh cãi bùng nổ trên các diễn đàn từ chính thống đến phi chính thống xoay quanh cái đúng-sai của những hành vi diễn ra ở các lễ hội, phong trào ấy. Và dịp đầu năm Mậu Tuất này cũng không nằm ngoài vòng xoáy thường niên kia, khi bắt đầu có những tranh luận mà điển hình là mở màn từ câu chuyện "hoá vàng".

Phải thừa nhận, lời kêu gọi Phật tử không đốt vàng mã khi viếng chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một quan điểm đúng đắn. Cái đúng đắn xuất phát từ chính nội tại của tôn giáo ấy. Cũng như Công giáo, truyền thống Phật giáo không hề có hành vi đốt vàng mã, đúng như lời của Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu là "không có kinh sách Phật giáo nào nói về chuyện đốt vàng mã cả".

Thậm chí, nhiều người trong chúng ta cũng đều đủ hiểu biết để nhận định rằng, thực tế, chuyện đốt vàng mã là ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa chứ không phải là một bản sắc (mới mẻ và có thể được dung hoà) của Phật giáo.

Nhưng nhiều người dẫu biết, dẫu bàn luận đấy, nhưng sẽ vẫn mua vàng mã khi viếng chùa, bởi đó đến nay đã là một thói quen. Vậy thì ở vào thời điểm này, từ bỏ một thói quen xấu là điều nên làm, nhất là khi chúng ta đang trong tiết Xuân, tiết con người cũng cần đổi mới mình, làm mới mình.

Đốt vàng mã đang gây lãng phí rất lớn.

Trong khi đó, xét về lẽ, việc đốt vàng mã đúng nghĩa là một hành vi hoang phí, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng nguy cơ hỏa hoạn. Nhưng nhiều người dẫu biết cái lẽ ấy mà họ vẫn không chịu chống lại cái hủ tục kia một cách tự thân. Họ sợ. Họ sợ một cách mơ hồ rằng nếu không đốt cho ông bà một vài bộ quần áo, ít tiền vàng mã, ở bên kia thế giới, ông bà sẽ khổ sở, vất vả, nghèo đói.

Cơ sở của nỗi sợ nằm ở cơ chế niềm tin cá nhân.

Mỗi cá nhân đều có những niềm tin riêng, nhưng khi một loại niềm tin riêng mang tính hủ lậu được cộng hưởng để thành niềm tin chung, nó dễ phát tán thành một hủ tục tạp nham. Và cái việc lên chùa đốt vàng mã chính là cái tạp nham hủ tục dạng ấy. Nó mâu thuẫn với chính giáo lý Phật giáo, nếu không nói là mâu thuẫn trầm trọng. Và chính Phật giáo cách đây gần 1 thế kỷ cũng đã từng phát động một cuộc "chống lại vàng mã" tương tự.

Thực tế, dịp Tết nhất, dù là theo tôn giáo nào đi nữa, hoặc không có tín ngưỡng, mỗi người Việt đều muốn "mời ông bà" về ăn Tết. Điều đó vượt quá cả giới hạn của niềm tin và nó đã nằm ở lãnh địa của bản sắc văn hoá, một bản sắc đề cao sự đầm ấm của gia đình, sự hội tụ những người ruột thịt dưới một mái nhà chung vui đón xuân. Chính cái nền tảng bản sắc ấy nó giữ cho xã hội được gắn kết một cách lành mạnh.

Và tất nhiên, trong tâm tưởng khát khao được ăn Tết đoàn viên, ai cũng hiểu sẽ có lúc rồi hết Tết, rồi lại chia tay, tạm thời thôi. Thế nên mới có cái lệ hoá vàng mùng 3. Nếu cái lệ ấy được giữ ở một mức độ vừa phải, mang tính tượng trưng và hình tượng là chủ yếu, chắc chắn nó không gây lãng phí, ô nhiễm hay nguy cơ hỏa hoạn như chúng ta nhắc tới ở trên. Nhưng nếu nó được biến tướng thành một thứ phô trương lòng sùng bái mơ hồ theo kiểu đốt cả ôtô, nhà lầu, két tiền… chất như của núi thì nó lại là một hủ tục đáng sợ.

Thế mới hiểu, cái lằn ranh giữa hủ lậu và văn minh nó mong manh nhường nào.

Cũng có một vài biện luận kiến giải cho các hoạt động tín ngưỡng đầu năm (như chém lợn, cướp phết) theo kiểu đó là một truyền thống của một cộng đồng hẹp (như một làng chẳng hạn) thì không nên bị phán xét bởi những con mắt ngoại lai vốn dĩ khó có khả năng dung nạp điều khác biệt.

Biện luận ấy nghe có lý, nhưng lại không hợp thời. Cộng đồng hẹp sẽ chỉ là hẹp và đặc sắc nếu ở thời kỳ trước, thời mà công nghệ chưa kết nối con người ở mọi hang cùng ngõ hẻm. Còn ở thời đại này, khi soi chiếu đã rộng và đa chiều hơn, cộng đồng hẹp nào đi nữa cũng phải chấp nhận nguyên tắc chung của cả một cộng đồng rộng lớn mà tự thân nó, vô tình hoặc hữu ý, đang giới thiệu mình với cộng đồng rộng lớn ấy.

Và một trong những việc để chấp nhận nguyên tắc chính là phải tự điều chỉnh mình, để mình không đứng chấp chới trên lằn ranh giữa mông muội với văn minh.

Tương tự, là chuyện Tết trồng cây, đúng theo lời dạy của Bác Hồ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất đúng về chuyện trồng cây mang đầy tính hình thức của khá nhiều cá nhân từ xưa tới nay. Ông muốn mọi người hướng tới ý nghĩa, tới thực tiễn, tới cái thành tâm hơn là việc 'biểu diễn'. Câu chuyện ấy cũng cho chúng ta hiểu hơn, cái lằn ranh giữa bệnh hình thức với làm việc một cách thực chất cũng mong manh nhường nào.

Điều đáng nghĩ chính là chúng ta vô cùng may mắn, bởi chúng ta là loài người, với trí tuệ đủ để xoá bỏ cái mong manh của lằn ranh kia, làm đậm nét nó hơn nữa, để có khả năng phân biệt và  từ đó đứng hẳn về phía của văn minh, của thực chất, của những ý nghĩa đúng đắn. Mà cái việc xoá bỏ sự mong manh của lằn ranh ấy thật ra lại không đòi hỏi quá nhiều lý trí.

Hà Quang Minh
.
.
.