Quy kết “đạo văn”đâu dễ thế?

Thứ Sáu, 15/03/2019, 07:50
Năm 2018 là một năm yên ả và nhàn nhạt của văn đàn khi hai giải thưởng hằng năm đầy uy tín của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam đều không tìm được tác phẩm sáng tác văn, thơ xứng tầm để trao giải.


Bước sang năm 2019, văn đàn bắt đầu dậy sóng. Chỉ tiếc rằng “những con sóng” ấy lại ngoài văn chương, nó chẳng những không thúc đẩy con thuyền văn chương của nước nhà phát triển mà phần nào còn tạo tác động ngược lại.

Mở đầu là tranh cãi về việc dịch câu thơ “Sông núi trên vai” ra tiếng Anh. Đúng sai đã có nhiều ý kiến phân tích, người viết bài này không lạm bàn thêm, chỉ thấy rằng từ việc dịch một câu thơ đã có nhiều vấn đề đến như thế thì cái việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật của nước nhà ra thế giới chắc sẽ là một việc làm lắm nỗi nhiêu khê.

Dịch như thế nào để không làm mất đi cái hay, cái đẹp và giữ được nguyên những giá trị nghệ thuật của tác phẩm? Dịch như thế nào để không bị đánh giá bi quan “dịch là diệt”?

Đây là những vấn đề lớn chắc phải có một cuộc hội thảo tầm cỡ mà ở đó tập hợp được những dịch giả có uy tín, những nhà ngôn ngữ học đầy tài năng và tâm huyết. Nếu không làm được điều đó thì văn học nghệ thuật của chúng ta còn mãi là chuyện “áo gấm đi đêm”, chỉ loanh quanh trong nước mà thôi.

Mới đây nhất văn đàn lại tiếp tục dậy sóng vì một nghi án “đạo văn” của các nhà thơ ít nhiều có tên tuổi trên văn đàn. Theo như một bài viết in trên Báo Tiền phong của tác giả Hạnh Đỗ thì “bị hại” trong vụ này là nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Bài viết có đoạn: “…nhà thơ cho rằng, những hình ảnh như “hoa linh thảo”, “phồn sinh”, “sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo” v.v... trích từ hai bài thơ nổi tiếng và ưng ý nhất của ông là “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” (…) đã bị nhà thơ Phạm Phương Thảo lấy lại nguyên văn trong bài “Linh thảo gọi mùa” đăng trên Báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018”.

Đáp lại ý kiến này của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, nhà thơ Phạm Phương Thảo viết: “Linh Thảo là bút danh của em từ bao lâu nay, email cũng là Linhthao đấy, Linh là tên con gái em. Còn “Linh Thảo gọi mùa” là em viết về cảm xúc trước các loài hoa dại ven sông. Em thích hoa dại và hay viết về các dòng sông từ lâu nay rồi (…). Còn phồn sinh và phồn thực là những từ em thích và dùng trong nhiều tản văn từ lâu nay”.

Chưa dừng lại ở đó, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn “tố” nhà thơ Đinh Sỹ Minh đạo chữ “phồn sinh” của ông và còn bắn tin là sẽ kiện ông (tức Nguyễn Linh Khiếu) tội “đạo chữ”. Về nội dung này, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã có thư ngỏ gửi nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nói rằng ông chưa hề đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và chữ “phồn sinh” là do nhà thơ Vương Tâm “cho” và chính nhà thơ Vương Tâm cũng đã công nhận là lấy hai chữ “phồn sinh” trong một câu thơ của chính nhà thơ Đinh Sỹ Minh để đặt hộ tên cho tập thơ của Đinh Sỹ Minh. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, người có bài thơ “Phồn sinh” với những câu: “Vũ trụ/ đói đôi bàn tay/ Thân gầy/ người đói một ngày phồn sinh”, cũng khẳng định hai chữ “phồn sinh” ông đã sử dụng rất lâu và rất nhiều lần trong những sáng tác của mình. Oái oăm thay, ông cũng chưa hề đọc bài thơ nào của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

Người viết bài này cũng rất bất bình và không thể chấp nhận được với nạn đạo văn và đã viết một số bài về vấn nạn này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng lần này thì hình như mọi quy kết cho hành động “đạo văn, đạo chữ” của “bị hại” Nguyễn Linh Khiếu hơi vội vã chăng?! Nếu chỉ lấy những câu thơ này để vội “kết án” thì e rằng chưa thể thuyết phục: "Những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo" (thơ Nguyễn Linh Khiếu) và "Đi dưới triền sông Hồng/ Những dải phù sa non ửng đỏ/ Sột soạt, thẹn thùng từng vạt ngô thay áo/ Ngực gió còn tiếc nhớ sữa non?" (thơ Phương Thảo Phạm).

Nói vội vã vì công bằng mà nói, những sáng tạo chữ trong câu thơ trên của Nguyễn Linh Khiếu là khá đặc sắc, đáng ghi nhận. Những sáng tạo chữ đó mang dấu ấn cá nhân khá rõ nét và khi đọc nó đã khơi gợi được những cảm xúc bên ngoài con chữ của cả câu thơ. Phạm Phương Thảo khi sáng tạo do vô tình hay hữu ý đã “bước những dấu chân trùng lên dấu chân của người đi trước” nhưng xin khẳng định rằng, tỷ lệ những “dấu chân bước trùng” là rất nhỏ và không đáng nhận "búa rìu dư luận".

Với những “tang chứng”, “vật chứng” như đã nêu, chưa đủ để cấu thành tội “ăn cắp”, có chăng nó như kiểu “đường sắt cắt đường bộ” mà thôi. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng đó trong sáng tạo nghệ thuật là một điều đáng tiếc.

Quy kết Phạm Phương Thảo đạo thơ của Nguyễn Linh Khiếu chưa đủ, tác giả Hạnh Đỗ còn gượng ép gán tiếp "tội" cho Phạm Phương Thảo đạo thơ của Nguyễn Thanh Tâm khi đưa ra ảnh chụp hai bài thơ “Hát cho một người” (của Phạm Phương Thảo) và“Tiền kiếp” (của Nguyễn Thanh Tâm) và chú thích: “Tác phẩm “Hát cho một người” và “Tiền kiếp” được cho là giống nhau đến 70%”, với những lập luận thật vô lý và nực cười: “…Bên này có suối bên kia có suối, bên này có sông bên kia có sông, bên này có vòng ôm bên kia có vòng ôm, bên này có nụ hôn, bên kia có nụ hôn…”.

Nếu cứ theo độ quy chiếu ấy để quy kết tội ăn cắp thì trong ba nhà thơ nổi tiếng sau không biết ai “đạo” thơ ai: “Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu/ Cái thùng thư mới một lần sơn lại/ Bác gác cổng già năm trước giờ đâu?” (thơ Nguyễn Đức Mậu); “Tháng năm xanh ai đốt/ tàn tro bay trắng đầu/ Về quê thăm bạn cũ/ Mây bồng bềnh mắt nhau” (thơ Nguyễn Ngọc Oánh) và “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” (thơ Đoàn Văn Cừ). Cả ba nhà thơ đều thể hiện thời gian và tuổi tác, đều có thi ảnh là “tóc bạc trên đầu” và đặc biệt là “cái hơi thơ” cũng gần gần giống nhau. Và với cái đà phán bừa như thế thì tin chắc rằng 99% các nhà văn, nhà thơ trở thành “kẻ cắp”(!?) vì họ đều sử dụng 24 chữ cái để sáng tác nên không thể không có sự trùng lắp nhau.

Trở lại với hai chữ “phồn sinh” mà nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khẳng định là của mình vì “Đây (phồn sinh) cũng là một từ không có trong từ điển (…). Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”.

Sự cẩn thận với chữ nghĩa đối với người nghệ sỹ là rất đáng trân quý. Nhưng đặc trưng của nghệ thuật là sự sáng tạo, trong đó sáng tạo ra ngôn ngữ mới là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm văn học. Rất nhiều thế hệ độc giả thuộc và thích bài thơ “Lá diêu bông” của Nhà thơ Hoàng Cầm và biết rằng “lá diêu bông” là cái lá không có thật, chỉ là cái lá do chính Hoàng Cầm nghĩ ra.

Người viết bài này trong một truyện ngắn của mình cũng đã tự đặt tên cho một loài hoa, đó là “Hoa Lam Hà”. Nhưng hình như chưa khi nào thấy Hoàng Cầm “cẩn thận” đi hỏi rằng “lá diêu bông” đã có trong từ điển chưa và khẳng định “lá diêu bông” là của riêng mình. Với người viết bài này lại càng không dám “to tiếng” nhận độc quyền “Hoa Lam Hà” là của riêng mình vì tự biết, dù mình chưa thấy trong từ điển, bạn bè mình cũng chưa đọc được ở đâu có loài “hoa lam hà”, nhưng biết đâu đó, trong dân gian, ở một vùng quê xa xôi hay ở một đất nước nào đó trên thế giới, trong một cuốn sách, cuốn truyện nào đó đã có một loài hoa mang tên lam hà được nhắc tới?!

Xưa nay cái lạ chưa chắc đã là cái mới, nhưng cái mới thì sẽ có yếu tố lạ vì cái lạ đơn giản chỉ là do mình mới tiếp xúc lần đầu mà thôi, chứ thực chất cái ấy nó đã xuất hiện ở một nơi nào đó cách nay đã hàng thế kỷ. Ví như một cái bình cổ có hình thù lạ chẳng hạn. Lạ là vì ta giờ mới thấy chứ nó đâu phải là cái mới. Còn cái mới thì rõ ràng là sẽ có yếu tố lạ, vì nó mới vừa được sinh ra, trước nó chưa hề có cái tương tự nó bao giờ nên yếu tố lạ là đương nhiên.

Dựa vào từ điển là một việc làm thường xuyên của những người làm công tác nghiên cứu, nhưng hình như đối với người nghệ sỹ thì họ ít làm điều đó, bởi suy cho cùng, từ điển luôn luôn và mãi là thứ đi sau ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ có sự phát triển theo thời gian, có sinh ra và có mất đi, nhưng từ điển là “đóng khuôn” những ngôn ngữ đã được sử dụng trong đời sống cộng đồng. Cũng như thuốc chữa bệnh thì luôn đi sau con bệnh vậy. Bởi đơn giản một điều, chỉ khi có bệnh mới xuất hiện thì các nhà khoa học mới nghiên cứu và tìm ra thuốc đặc trị căn bệnh đó. Chính vì thế, hai chữ “phồn sinh” mặc dù được nhiều người khẳng định là chưa thấy, chưa đọc và trong từ điển chưa có, nhưng có ai dám khẳng định rằng là mình đã đọc hết các sách vở từ đông tây kim cổ? Làm sao ai có thể dám chắc “lá diêu bông”, “hoa lam hà”, “phồn sinh”… chưa từng xuất hiện ở một nơi nào đó trong thế giới rộng lớn bao la này?!

 Mới hay rằng, muốn “độc quyền” về ngôn ngữ thì tự mình phải tạo được một “thương hiệu” lớn, khi ấy không cần đi đăng ký hay hỏi ai thì mọi người hâm mộ cũng biết rằng “Lá diêu bông” là của nhà thơ Hoàng Cầm; “Chém treo ngành” là của nhà văn Nguyễn Tuân; “Bát cháo hành Thị Nở” là của nhà văn Nam Cao…  

Ăn cắp là một hành vi đáng lên án, đặc biệt lại là những người có chữ nghĩa đi ăn cắp chữ nghĩa lại càng đáng lên án hơn, nhưng đừng vì sốt sắng bảo vệ mình và còn những ý muốn khác ngoài văn chương mà vội quy kết cho một ai đó cái tội đang rất mù mờ về “hành vi” thể hiện.

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.