Kia
Mobifone

Tản mạn hoa tết

Thứ Sáu, 12/02/2021, 12:29
Đã trở thành cái lệ ngàn xưa - tết đến, nhà nào cũng vậy, từ trọc phú, trung lưu, tới dân nghèo cũng đều sắm một bình hoa, một cành hoa tết.

Sau này, thị hiếu được “nâng cấp” - không chỉ là bình, cành mà là cây - những cây đào, cây quất, cây mai... và những chậu phong lan đủ loại, mà mỗi cây, mỗi chậu có giá bạc triệu, nhiều chục triệu đồng. Những thứ mà thuở nhỏ ở quê, tôi chưa từng biết tới.

Lớn lên, vào lính pháo binh, ba mùa tết ngợp trong sắc ban, sắc đào vùng cao nguyên Châu Mộc. Rồi mười năm biền biệt nơi chiến trường xa với gần chục cái tết ngợp trong sắc vàng hoa mai - loài hoa đặc trưng mùa xuân phương Nam.

Kết thúc chiến tranh, tôi bỗng trở thành công dân nơi phố thị, sớm “lây” thú chơi tao nhã chốn kinh thành - những ngày trước tết, bận bịu mấy cũng phải sắp xếp thời gian để có vài cuộc du ngoạn các chợ hoa tết Hà Nội. Giữa bạt ngàn sắc hoa, cũng chỉ cố "tăm" cho được một cành đào ưng ý. Có năm phải guồng chiếc xe đạp cà tàng lên tận Nhật Tân mới chọn được một cành đào “tứ quý” - (có hoa, lá, quả và nụ non vừa nhú) còn rẻ hơn ở chợ hoa Hàng Lược tới mấy đồng.

Nâng niu cành đào về khu cư xá, lòng lâng lâng, một tứ thơ chợt hiện “Đã thấy mùa xuân xích lại gần/ Trong từng ánh mắt nụ cười xinh/ Quất vàng khoe sắc trong vườn thắm/ Đào về trước ngõ cánh rung rinh”. Đêm, ngắm hoa, thêm một khổ thơ nữa để hoàn chỉnh bài thơ.

Sau tết, tôi gửi in trên tờ Văn nghệ Công an và đến cuối năm đó, bỗng bắt gặp một nhạc phẩm của nhạc sĩ Hà My, trùng tên bài thơ của mình, cũng in trên tờ Văn nghệ Công an. Đọc lướt nhanh mới vỡ lẽ đúng là bài “Nét xuân” của mình. Tìm anh bạn thân - nhạc sĩ Huy Hùng (Phó trưởng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam), hỏi: “Này! Anh có biết cô nhạc sĩ Hà My ở đâu không?”. “Để làm gì vậy?”. “Để có lời cảm ơn, vì cô ấy vừa phổ bài thơ của mình”. Huy Hùng nhìn tôi tủm tỉm cười đáp - “chả có cô nào cả mà chỉ có cậu Hà My tức nhạc sĩ Lê Gia Hiếu, đương kim Chánh văn phòng của Đoàn tôi đấy”. Cả hai chúng tôi cùng cười ngất.

Mấy năm sau, vào một đêm giao thừa, mở vô tuyến (VTV1) đón xem chúc tết đầu năm của Chủ tịch nước và tiếp theo là xem chương trình văn nghệ tân niên, tôi ngỡ ngàng, đó là chương trình “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an thực hiện (Thời đó chưa có ANTV) với trọn vẹn 3 nhạc phẩm do 3 nhạc sĩ phổ thơ của Khổng Minh Dụ.

Nhạc phẩm làm nền cho chương trình là “Nét xuân” do nghệ sĩ Hồng Liên trình bày; bài thứ hai là “Về Cà Mau quê em” do nhạc sĩ Lê Xuân Thọ, phổ bài thơ tôi viết tại Hòn Đá Bạc, tháng 9 năm 1998, nơi kết thúc kế hoạch phản gián “CM12” và thứ ba là nhạc phẩm “Có một thời như thế” do nhạc sĩ Trần Gia Cường phổ bài thơ cùng tên của tôi.

Cả 2 bài sau do ca sĩ Nguyễn Hoài trình bày. Tôi lặng người đi trong giọng hát Nguyễn Hoài: “Mà giờ đây giữa dòng đời tất bật/ Đồng đội xưa ai còn ai mất/ Giữa đường đông người vẫn thấy mình lẻ loi...”.

Tôi thả hồn về với chiến trường xưa, cho tới khi có bàn tay vỗ mạnh vào vai mình, tôi bỗng thét lên: “Xuống hầm... Xuống hầm ngay... Pháo Đồng Dù... Pháo Bàu Chà Rầy đó!...”. Vợ ôm chầm lấy tôi, thảng thốt: “Trời ơi! Anh... Anh làm sao vậy?”. Tôi vùng đứng dậy, trấn tĩnh mình: “Hổng... Hổng có sao! Không sao mà!...”.

Đó là những phút giây tôi sống lại với quá khứ, thả hồn về nơi chiến trường xưa tại mật khu Bời Lời với một cái tết “bạch định” - không thực phẩm, không một nhành hoa tết. Số là trước tết năm đó, địch bao vây phong tỏa mật khu bằng bom tấn, pháo bầy từ Đồng Dù câu tới, từ Bến Cát, Bàu Chà Rầy bắn sang, rừng đã tan hoang lại càng thêm xơ xác. Các cửa ngõ vào căn cứ từ Gia Tân, Suối Sâu, Trảng Sa, Trảng Cỏ… (thuộc Trảng Bàng Tây Ninh) tới Ba Cụm, Trung Hòa, An Phú Đông... (thuộc Củ Chi) đều bị địch cắm quân từ nhiều ngày trước tết.

Các mũi trinh sát đột ra cửa ngõ mấy lần đều “đi không về rồi” mặc dầu thực phẩm phục vụ tết đã nhờ bà con mua cả rồi. Gạo dự trữ thì còn nhưng thực phẩm cạn kiệt bởi cái lý sự chủ quan “Tết đến nơi rồi, thanh lý hầm dự trữ đi mà chứa hàng mới”, thế là cấp dưỡng phóng tay, mấy chục hộp thịt chiến lợi phẩm trong trận chống càn và mấy ký cá khô tung ra hết.

Tới ngày 29 tết là sạch sành sanh. Chiều 30, kéo nhau ra bờ suối Cầu Cám nấu cơm. Cũng may, còn sót lại 2 tay lưới bén, thả ngầm dưới suối, kéo lên được chừng nửa ký cá con, thả vào nồi canh chua lá bứa, thế là thành “tiệc tất niên” cho mười mấy cán bộ chiến sĩ. Đời chinh chiến là vậy.

Bù lại là “món ăn tinh thần” lại quá “phong lưu”. Vẫn có đêm văn nghệ đón giao thừa tổ chức dưới “hầm hội trường” còn có cả tiết mục “hái hoa dân chủ” nữa chứ. Đã nói tới hái hoa, chí ít cũng phải có cành hoa rồi gài xen vào những mẩu giấy gấp kín có ghi nội dung bí mật trong đó. Ai “hái” được nội dung nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Tỷ như: Hát một câu vọng cổ, kể một câu chuyện vui, ngâm mấy câu thơ, giả tiếng gà gáy, giả tiếng heo kêu...

Lại nói trước đó, buổi sáng 29 tết, Đoàn Thanh niên họp bàn chương trình văn nghệ. Cái khó nhất là làm sao có được một cành hoa! Sống giữa trọng điểm hủy diệt của địch, tìm một bông hoa đã khó, nói chi tới cả cành. Cái khó ló cái khôn, một sáng kiến tuyệt vời được đưa ra - “không có hoa thật thì làm hoa giả. Mà phải 2 cành kia. Một cành mai, một cành đào. Lấy giấy pơ-luya tạo thành cánh hoa. Mượn bộ phận kỹ thuật 2 cây bút màu vàng và màu đỏ là xong”.

Lính ta ối người tài hoa, làm giả mà như thật. Những năm sau này, căn cứ bám trụ của đơn vị không thể tồn tại ở mật khu mà phải chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long, cái sáng kiến làm hoa đào giả được đem về địa bàn mới, nơi bạt ngàn sắc vàng hoa mai mỗi độ tết đến, xuân về.

Ảnh: Đ.Nguyễn.

Bao nhiêu cái tết sau chiến tranh, dạo qua các chợ hoa tết Hà Nội, dẫu đã cầm cành đào ưng ý trong tay, vậy mà tôi vẫn dạo, vẫn dõi tìm để rồi chuốc lấy nỗi bâng khuâng nhung nhớ về một mùa hoa ngày ấy xứ phương Nam.

Thế đấy! Hoa tết đối với tôi đã hằn sâu bao kỷ niệm, những kỷ niệm một thời xa ngái nơi chiến trường xưa.

Hà Nội, Tết Tân Sửu

Khổng Minh Dụ

.
.