Kia
Mobifone

Tạm biệt Canh Tý - một đối sánh mở về chuột!

Thứ Sáu, 22/01/2021, 11:21
Đêm Giao thừa Canh Tý (2020) nhiều nơi mưa như trút báo hiệu một năm nhiều sự kiện, có dịch COVID-19, thiên tai nặng nề, và nhiều con chuột tham nhũng “vào lò”...


Cư dân vùng văn minh nông nghiệp ghét cay ghét đắng loài chuột vì chúng không chỉ gặm nhấm đục khoét mà còn phá hoại mùa màng. Lại còn nguy hiểm truyền bệnh dịch. Nên trong nền văn hoá nào cũng có nhiều câu chuyện cổ, ca dao, tục ngữ nói về con vật đáng ghét này. 

Ở Việt Nam và Trung Hoa có những câu chuyện về những con chuột già đời thành tinh biến thành người. Cặp vợ chồng nhà nọ mới cưới nhau, chồng phải lên kinh trọ học. Một tinh chuột hoá thành người chồng đêm đêm đến ân ái người vợ với lý do nhớ vợ nên chuyển về trọ gần nhà… Loài chuột gian manh, ma mãnh nên tinh chuột càng ghê gớm. 

Một truyện Trung Hoa kể có lần Bao Công xử án phải nhờ mượn con mèo “ngọc diện kim miêu” (mèo vàng mặt ngọc) của Phật tổ mới bắt được tinh chuột hiện nguyên hình… Những câu chuyện truyền kỳ vừa đọc vừa sợ lại vừa thích, hồi hộp… như truyền đến cho người đọc cái ý thức vừa ghét vừa cảnh giác với các loài yêu ma hắc ám!!!

Nữ thần Chuột Karni Mata.

Thói thường càng ghét thì càng sợ. Vì sợ nên người ta lại tôn loài chuột lên hàng bậc thánh. Một số bộ tộc miền Bắc Thái Lan, phía Nam Indonesia có truyền thuyết loài chuột trúc có công báo hiệu cho hai anh em (một nam, một nữ) về đại hồng thủy sắp diễn ra. Thoát nạn nhờ chui vào chiếc thuyền mộc, sau đó họ lấy nhau rồi tái sinh ra loài người. 

Truyền thuyết Trung Hoa lý giải vị trí đầu tiên của chuột trong 12 con giáp là do lệnh của Ngọc hoàng: Con vật nào đến cổng thiên đình trước sẽ được chọn trước. Trâu chăm chỉ thức dậy đi từ đêm. Chuột lém lỉnh nghĩ kế ngồi lên lưng trâu. Gần đến nơi, chuột nhảy về phía trước nên được chọn. Trong văn hoá Trung Hoa, chuột vừa là kẻ phá hoại vừa có khả năng dự báo thiên tai nên người ta thờ chuột. Nhiều nơi còn dựng cả miếu riêng. Trong ngôn ngữ, cùng với loài hổ, chuột được kính trọng đến mức gắn chữ “lão” phía trước: “lão thử” (ông chuột), “lão hổ” (ông hổ)...

Chuột trong văn hóa phương Tây cũng mang những ý nghĩa xấu: kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo bệnh tật. Trong sử thi “Iliad” Homer kể trên đảo Tenedos có một con chuột bạch thiêng sống dưới bàn thờ thần Apollo (thần nghề y, thần ánh sáng, cũng là thần gieo mầm bệnh dịch). Từ đó trong điêu khắc tượng thần Apollo thường được đặt trên thân một con chuột.

Tại thành phố Deshnoke miền Tây Bắc Ấn Độ có ngôi đền Hindu nổi tiếng thờ Nữ thần Chuột Karni Mata. Ngôi đền sáng loáng với các phiến đá cẩm thạch tinh xảo được thiết kế nối từ cổng đến tận bên trong đền. Dĩ nhiên là có chuột nhưng nhiều đến mức người ta ước tính có khoảng 20.000 con. Rất nhiều người không quản xa xôi đến đây làm lễ cúng bái chuột, cũng không ít người đến để thoả mãn sự tò mò.

Truyền thuyết kể do con của một người trong dòng họ của Karni bị chết. Bà thương lượng với Thần Chết Yama để người chết được đầu thai trở lại. Đổi lại tất cả mọi người trong dòng họ Karni khi chết sẽ bị tái sinh làm chuột, chuột chết mới được tái sinh làm người. 

Giáo lý Hindu cho rằng, cái chết chỉ là sự kết thúc của một chương để mở ra chương mới trong quá trình tìm sự hoà hợp vĩnh viễn của linh hồn với vũ trụ. Đó là vòng luân hồi samsara. Con chuột là “một chương” trong quá trình đó. Thế là chuột trong đền được nuôi dưỡng như người. 

Ai đến cũng phải bỏ hết giày dép bên ngoài đền thờ. Ai cũng muốn lũ chuột chạy qua bàn chân để được may mắn. Ai làm chết một con chuột sẽ phải bỏ tiền ra mua một con chuột bằng vàng hoặc bạc trong đền để chuộc lỗi... Thậm chí có người mê tín đến mức “nếm” thức ăn thừa của chuột để lấy… may. Ai cũng khao khát được nhìn thấy một con chuột bạch! Vì đó mới là hiện thân đích thực của Karni Mata.

Tom và Jerry.

Ở Việt Nam ta trong văn học dân gian hình tượng chuột xuất hiện rất nhiều. Truyện “Trinh thử” là một ngụ ngôn bằng văn vần đặc sắc về chủ đề đề cao đạo lý nhân nghĩa thuỷ chung và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy cạm bẫy. Một đêm chuột bạch đi kiếm mồi về nuôi con chẳng may gặp nạn liền chạy vào một hang nọ, ngẫu nhiên đấy là “nhà” của vợ chồng chuột đực. Lúc này chuột cái đi vắng, chuột Đực bèn đem lời quyến rũ, mồi chài, ve vãn, đe doạ. Chuột bạch cố gắng mềm mỏng, kiên quyết giữ mình… 

Câu chuyện là “lời” của hai nhân vật với những “lớp” ngôn từ đối lập sinh động: ướm hỏi - phản ứng; thăm dò - khẳng định; mồi chài, lôi kéo - phủ định, vạch trần; tấn công - ngăn chặn rất hấp dẫn. Nhân vật chuột đực được đẩy lên thành biểu tượng cho tính cách lả lơi “nguy hiểm”. Do vậy “lời” chuột đực được trau chuốt, bay bướm, văn hoa, đúng là lời của kẻ “tán gái”. 

Khi ỡm ờ: “Hay là nhắn cá gửi chim/ Đêm xuân đón gió đi tìm mùi hương”. Khi thể hiện ta đây một “trang hảo hán” để “thể hiện” trước “phái đẹp”: “Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì”. Thể hiện tầm “quân tử”, bậc “trượng phu” coi thường, coi khinh những kẻ hèn kém, vớ vẩn, (cũng là một cách nịnh bợ chuột bạch): “Kình nghê vui thú kình nghê/ Tép tôm thì lại vui bề tép tôm”… 

Chuột cái đột ngột trở về. Thế là cái ghen “thường tình” nổi lên. Lời chuột cái ngoa ngoắt, chanh chua, đay nghiến, đanh đá nhưng cũng rất bóng bẩy, hoa lá: “Ai ngờ mật sứa gan hầm/ Rắn toan gà luộc rượu tăm thoả lòng/ Già chẳng bỏ, trẻ chẳng tha/ Khác nào như ếch thấy hoa thì vồ”…

Cũng là chuột nhưng người đọc cảm tình với “chuột bạch” ẩn dụ cho người con gái nết na, trinh tiết. Còn tất nhiên, ghét chuột đực, vì đó là… chuột!

Trong thơ bác học thì con chuột còn đáng ghét, đáng căm thù hơn nhiều. Bài “Tăng thử” (Ghét chuột) rất tiêu biểu cho phong cách tiếng cười Nguyễn Bỉnh Khiêm trí tuệ, sâu cay là sự kết hợp hai cảm hứng tương phản chủ đạo: căm ghét và thương cảm: “Chuột lớn sao bất nhân/ Gặm khoét thật thâm độc/ Đồng ruộng trơ rơm khô/ Kho đụn kiệt gạo thóc/ Nông phụ cùng nông phu/ Nghèo khốn miệng gào khóc/... Mệnh dân vốn rất trọng/ Tàn hại chi thảm khốc?”. Người đọc hiểu ngay thấp thoáng đằng sau “lũ chuột” là “lũ người” bất nhân, tức bọn quan lại chuyên hà hiếp, bóc lột, đục khoét dân lành.

Nhà thơ có nhiều bài viết về tình cảnh đáng thương của người nông dân là Nguyễn Khuyến. Có hai chủ đề là lụt lội và nạn chuột phá hoại trong thơ ông thực ra cũng nằm trong đề tài chính về cảnh quê vất vả, nghèo khó. Lụt là đồng nghĩa với chuyện mất mùa. Chuột cũng làm mất mùa. Nên khi nói Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam với những gì thi vị đặc trưng còn phải nói tới Nguyễn Khuyến còn là nhà thơ của nhà quê vất vả, nghèo khó. 

Bài “Điền gia tự thuật” (Nhà nông tự thuật) là cảnh nông phu lao lực, lao tâm khốn khó mà thành quả thu được chẳng là bao: “Còn lo nỗi trời mưa dầm/ Còn lo nước sông lên sớm/ Lúa trổ đòng sợ gặp trái gió/ Khi đâm bông sợ nắng khô/ May được bốn mùa điều hòa/ Nào hay lúa mới tốt/ Lại bị nạn chuột cắn”. Dễ thấy bài thơ cùng một âm hưởng lo lắng bồn chồn của bài ca dao “Người ta đi cấy lấy công”. Ở đây, còn hơn thế, lúa tốt rồi, lại bị nạn chuột cắn. Quả là bao tai họa phải chịu đựng, chua xót, đắng cay!

Thơ Nguyễn Khuyến hay xuất hiện hình tượng con chuột ẩn dụ cho những thế lực cướp phá, bóc lột, ăn bám: “Chuột lớn có thù gì mà lại cắn lúa ta” (Miễn nông phu). Ông có bài “Chuột đói” (Cơ thử) rất sâu sắc, nói cảnh chuột đói để gián tiếp nói cảnh người đói: “Chúng mày không phải kẻ bất nhân/ Nhà ta thực không có gì dành dụm/ Không phải chỉ chúng mày (cắn rứt) như thế/ Vợ con ta cũng thường cắn rứt luôn”. 

Bài thơ tiêu biểu cho lối thơ gợi (chứ không tả) của thơ trung đại hàm súc, giàu ẩn ý. Vì mất mùa, ngoài đồng không còn khoai ngô lúa mà chuột phải vào làng kiếm ăn. Trong nhà cũng chẳng có gì để ăn nên lũ chuột “cắn rứt” lẫn nhau. Tả chuột đói để nói cảnh người đói. Chuột đói một thì người đói gấp nhiều lần! Tiếng cười xót xa cho thân phận nghèo khổ của người nghèo! 

Khi giặc Pháp xâm lược Nam kỳ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có bài “Thảo thử hịch” (Hịch đánh chuột) đầy tính ám chỉ. Hình tượng trung tâm cần “đánh” là chuột nhưng ai cũng hiểu đó là giặc Pháp: “Nay có loài chuột/ Lông mọc xồm xoàm/ Tục kêu xù, lắt/ Tính hay ăn vặt/ Lòng chẳng kiêng dè…”.

Năm mới Tân Sửu sắp đến. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Không chỉ là công cụ, là tài sản, con trâu còn là bạn tinh thần của văn minh nông nghiệp. Năm nay, những ai cần cù, chịu khó, bền bỉ cùng lối sống chân thành, mộc mạc, khi cần thì cũng bản lĩnh, quyết liệt..., tức “tương cảm” với Tân Sửu, chắc chắn sẽ thành công! 

Nguyễn Thanh Tú

.