VN Pharma đã nhập thuốc giả như thế nào?

Thứ Hai, 16/05/2022, 11:16

TAND TP Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)”.

Tại phiên xét xử, từ lời khai của các bị cáo, đường đi của thuốc giả vào Việt Nam tiêu thụ được các bị cáo “vẽ” ra ngay từ khi bắt đầu. Đó là sự móc ngoặc có hệ thống để các khâu từ cấp phép, nhập khẩu, tiêu thụ, thuốc giả được diễn ra. Kẻ môi giới thì vì hoa hồng, người làm công thì làm theo chỉ đạo của sếp, còn “ông chủ” của Vn Pharma thì có những tính toán mưu lợi trong phi vụ. Họ thực hiện hành vi bởi họ đặt lợi nhuận trên lương tri, bất chấp hậu quả.

thuoc.jpg -0
Thuốc giả bị lực lượng chức năng kiểm đếm, tịch thu

Lời biện minh xảo trá của kẻ môi giới

Tại phiên xét xử, đại diện VKS cáo buộc, khoảng cuối tháng 10-2012, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) cùng Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Trí Nhật, Phó Tổng giám đốc, kiêm Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma đến gặp Raymundo Y.Mararac (Raymundo) về việc mua thuốc Helix Canada.

Ngay ngày hôm sau, Võ Mạnh Cường cùng Raymundo đến trụ sở Công ty VN Pharma gặp Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Trí Nhật và Phan Cẩm Loan - Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma để họp bàn về việc mua bán thuốc của Helix Canada, đây là thuốc mà thị trường Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng.

Các bị cáo thống nhất, trong thời gian chờ cấp visa, phía Helix Canada sẽ sản xuất các thuốc có cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống với các thuốc do Health 2000 Canada đã bán cho VN Pharma trước đó. Sau thỏa thuận trên, Nguyễn Minh Hùng trực tiếp liên hệ với Võ Mạnh Cường đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất, có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống như các thuốc Health 2000 Canada đã được Cục Quản lý Dược cấp visa.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, Võ Mạnh Cường khai là cháu họ hàng xa của Nguyễn Lê Xuân Khang (hiện bỏ trốn), được Khang đưa con dấu giả của Công ty dược Health 2000 Canada để giúp Khang quan hệ, giao dịch với khách hàng trong nước. Bị cáo Cường không thừa nhận trực tiếp tham gia cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu thuốc giả. Cường cho rằng bị cáo chỉ là người chứng kiến các bị cáo khác thực hiện hành vi buôn bán thuốc giả, mà không tham gia.

1.jpg -0
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng

Cường cho rằng, sau thỏa thuận mua bán thuốc trên, Hùng trực tiếp liên hệ với Cường đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống với Health 2000 Canada. Do Helix chưa được cấp giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam nên không thể nhập khẩu thuốc vào Việt Nam. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ lấy nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp phép trước đó.

Tuy nhiên, khi bị hỏi về việc Cường trực tiếp sửa chữa hồ sơ, chuyển tên thuốc từ Helix Canada sang Health 2000 Canada thì Cường thừa nhận bị cáo đã tham gia vào việc làm giả các hợp đồng, chứng từ này và trực tiếp tham gia buôn bán thuốc giả.

Những hợp đồng “khống” được vẽ bởi cấp dưới …

Cũng theo cáo buộc của VKS, để nhập khẩu 4 loại thuốc này vào Việt Nam, Hùng chỉ đạo cấp dưới và nhân viên của Cường làm giả 15 hợp đồng mua bán và 26 phụ lục hợp đồng kèm theo giữa VN Pharma với Công ty Austin Pharma Specialities Co. Hong Kong. Từ đó nhập khẩu trót lọt các loại thuốc này vào Việt Nam, với tổng số lượng là 838.100 hộp, trị giá 2.574.525 USD, quy đổi 54 tỉ đồng.

Trong đó, Phan Cẩm Loan trực tiếp soạn thảo 3 Hợp đồng và 14 Phụ lục kèm theo để nhập khẩu tổng cộng 263.600 hộp thuốc và chỉ đạo Nguyễn Thị Quyết soạn thảo 12 Hợp đồng và 12 Phụ lục kèm theo để nhập khẩu tổng cộng 684.500 hộp thuốc.

1b.jpg -0
Bị cáo Võ Mạnh Cường

Quá trình soạn thảo hợp đồng, Phan Cẩm Loan liên hệ với Lê Thị Vũ Phương - Kế toán trưởng Công ty VN Pharma lấy số tài khoản của bên thụ hưởng để Loan và Quyết đưa vào hợp đồng và phụ lục hợp đồng, trong đó có tài khoản của 6 Công ty dịch vụ chuyển tiền thuê ở nước ngoài. Thực tế, giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Hong Kong không có việc mua bán các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada.

Sau khi soạn thảo xong các hợp đồng, phụ lục hợp đồng giả, Phan Cẩm Loan và Nguyễn Thị Quyết đã in các hợp đồng, phụ lục hợp đồng này trên các tờ giấy A4 trắng đã có sẵn hình dấu có nội dung “Austin Pharma Specialties Co.” của Công ty Austin Hong Kong và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung do Phạm Anh Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn cung cấp.

Trước bục khai báo, Phan Cẩm Loan khóc khi được hỏi về cuộc họp giữa Raymundo, Võ Mạnh Cường và lãnh đạo VN Pharma... Bị cáo Loan cho rằng, cuộc gặp trên diễn ra tại trụ sở VN Pharma, bị cáo trực tiếp xuống sảnh đón Raymundo và Cường lên gặp lãnh đạo VN Pharma. Bị cáo không biết nội dung cuộc họp. Nhưng sau đó ông Võ Mạnh Cường gửi email nói đã bàn chuyện mua bán thuốc xong với sếp Hùng, nên từ đó bị cáo chỉ biết cấp trên chỉ đạo gì làm đó.

Bị cáo Nguyễn Thị Quyết, một cựu nhân viên của VN Pharma, khai sau khi soạn thảo xong các hợp đồng khống, Quyết in ra giấy A4 trắng có sẵn hình dấu và chữ ký của Tổng giám đốc Austin Hong Kong. Các giấy này do Phạm Anh Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn cung cấp.

Nguyễn Thị Quyết khai nhận: Lúc hết giấy in sẵn thì hỏi có dùng được dấu scan không, cấp trên bảo là được, làm thế nào cũng được miễn là có dấu. Bị cáo này cho rằng, nghĩ con dấu nào cũng giống nhau nên tiếp tục thực hiện việc in hợp đồng lên dấu khống suốt 1 năm, cho đến khi nghỉ việc. Xác nhận lời khai này, bị cáo Phan Cẩm Loan cũng khai: Bị cáo Kiệt cầm dấu nhưng không phải lúc nào cũng có mặt ở cơ quan nên anh Kiệt in sẵn một loạt để cần thì dùng.

Trước lời tố của hai cựu thuộc cấp, bị cáo Kiệt phủ nhận, nói không có dấu, cũng không in dấu khống. Bị cáo này cũng là người nhờ luật sư kêu "oan" ngay từ phần thủ tục phiên tòa. Trong khi, theo cáo buộc của VKS, Phạm Anh Kiệt phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến 4 hợp đồng, phụ lục hợp đồng mua bán, tiêu thụ thuốc với tổng giá trị là 15,6 tỉ đồng.

Theo nội dung Cáo trạng, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý Dược và Hải quan, trong các năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang, Nguyễn Minh Hùng lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký. Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý Dược thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân, đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.

Sau khi các thuốc trên được cấp số đăng ký, Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C và một số đối tượng khác thực hiện các thủ đoạn để buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước.

Âm mưu và chủ đích của Tổng giám đốc Vn Pharma

Cũng theo cáo buộc, để hợp thức việc thanh toán tiền mua thuốc, Nguyễn Minh Hùng đã trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo Ngô Anh Quốc, Phó Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, Nguyễn Trí Nhật và Lê Thị Vũ Phương, Kế toán trưởng Công ty VN Phama ký 53 lệnh chuyển tiền để thanh toán, thanh toán số tiền 2,3 triệu USD, quy đổi 48,4 tỉ đồng.

Trong đó, toàn bộ số tiền 1,7 triệu USD chuyển vào tài khoản của 6 Công ty nước ngoài, sau khi trừ chi phí dịch vụ chuyển tiền, theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng, Lê Thị Vũ Phương đã nhận lại bằng tiền mặt tại Việt Nam thông qua các dịch vụ chuyển tiền thuê; để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, sử dụng cho các hoạt động như: Thanh toán tiền mua thuốc cho Võ Mạnh Cường; chi phí cho hoạt động kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị bán thuốc …

Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma) khai bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là sai, cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì mới nhận ra sai trái của mình.

Bất ngờ tại diễn biến phiên xét xử, khi những lời khai quanh co của các bị cáo khác đã bị Nguyễn Minh Hùng phủ quyết. Trả lời xét hỏi, sau khi bị cách li, bị cáo Hùng nhiều lần thừa nhận đã thực hiện các hành vi buôn bán thuốc giả. Nguyễn Minh Hùng, thừa nhận mình là "chủ mưu" lập các hợp đồng khống, nâng khống giá thuốc và chuyển tiền lòng vòng cho các công ty "sân sau" nhằm tạo các khoản thanh toán giả với công ty Austin Hong Kong.

Bị cáo Hùng khai nhận động cơ nâng khống giá thuốc: Do một số hoạt động của VN Pharma không có chứng từ (như chi phí giao dịch, chi phí quảng cáo, bán hàng…) nên nâng giá thuốc để "bù” vào; bên cạnh đó, nếu giá thuốc cao, giá trị hợp đồng cao sẽ giúp Công ty VN Pharma vay được số tiền lớn hơn của ngân hàng(?)

Phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo, các bị cáo dù có khai báo quanh co hay ăn năn hối cải, thì không thay đổi được hiện thực, hàng trăm nghìn hộp thuốc chữa bệnh giả được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với hậu quả khôn lường mà bệnh nhân và thân nhân của họ phải gánh chịu. Những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng là những thiệt hại không thể khắc phục dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Trương Quốc Cường, với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực, đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.

Sau đó, mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả để điều trị cho người bệnh.

VKSND TP Hà Nội xét xử Trương Quốc Cường cùng 13 bị cáo với nhiều nhóm tội danh. Khang hiện bỏ trốn. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý khi bắt được. Đối với Raymundo Y.Mararac, tài liệu điều tra cho thấy năm 2009-2012, người này 13 lần nhập cảnh Việt Nam. Cơ quan điều tra đã thực hiện tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả trả lời nên chưa đủ căn cứ xử lý.

Kim Sa
.
.
.