Đường đi của những lô “hàng nóng”

Thứ Bảy, 28/12/2024, 12:57

Thời gian qua, Công an ở một số tỉnh, thành đã liên tục triệt phá các đường dây, băng nhóm mua bán súng, đạn và trao đổi linh kiện súng, thu giữ hàng ngàn khẩu súng, hàng chục ngàn viên đạn cùng nhiều bộ phận linh kiện. Cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ, cảng biển, súng đạn cũng được quản lý rất nghiêm, vậy thì các đối tượng tội phạm vận chuyển súng đạn bằng cách nào vào nội địa để đưa lên rao bán ở các hội, nhóm kín trên mạng xã hội? 

Móc nối với tội phạm ở nước ngoài tuồn súng vào nội địa

Một cán bộ biên phòng từng có nhiều năm làm công tác phòng, chống vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên tuyến biên giới Tây Nam tiếp giáp với Campuchia  cho biết. Qua thực tế đấu tranh triệt phá một số băng nhóm vận chuyển trái phép vũ khí và vật liệu nổ qua biên giới cho thấy các đối tượng thường cho tháo rời bộ phận của súng rồi thuê người mang đến các khu vực rừng rậm ngoài đường biên chôn giấu, sau đó tiếp tục thuê người lợi dụng thời điểm tranh tối, tranh sáng ra đào lên mang vào nội địa cất giấu. Sau đó sẽ giấu trong lõi của các xe chở hàng hóa, đặc biệt là phế liệu đưa về giao cho các nhóm đối tượng đặt mua ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa.

Ngoài ra, các đối tượng cũng chỉ vận chuyển từng phần cho từng chuyến khác nhau chứ không dồn tất cả các loại linh kiện lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh vào một xe, một chuyến nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, kể từ khi Trung Quốc lập hàng rào dọc tuyến biên giới phía Bắc thì súng, đạn có nguồn gốc từ nước này được các đối tượng tội phạm chuyển sang Lào, Campuchia, sau đó tuồn vào nước ta qua đường mòn, lối mở...

Đường đi của những lô “hàng nóng” -0
Tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Tấn Bình.

Đầu năm 2024, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép súng, đạn và dự kiến sẽ đưa xuyên qua Campuchia đến cất giấu ở khu vực biên giới tiến giáp miền Tây Nam bộ của nước ta. Để ngăn chặn từ xa, cơ quan chức năng đã thông báo cho biên phòng và cảnh sát nước bạn ở địa phương tiếp giáp có quan hệ hữu hảo từ lâu tổ chức theo dõi và triệt phá được băng nhóm này trước khi chúng tìm cách tuồn qua biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Thủ đoạn của băng nhóm này là tháo rời từng bộ phận của súng rồi chuyển làm nhiều lần, mỗi lần chỉ dăm ba bộ linh kiện để đối tượng đặt mua ở trong nước tự lắp ráp thành súng hoàn chỉnh.  

Trong số những vụ tuồn súng từ nước ngoài vào nội địa tiêu thụ bị Cơ quan công an triệt phá trong thời gian qua có thể kể đến vụ mua bán súng bị các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Trảng Bàng triệt phá vào ngày 26/11/2024. Do nắm trước được tình hình, Cơ quan công an đã bắt quả tang Bùi Công Hiếu và Nguyễn Văn Gia Huy đang chuẩn bị giao dịch mua bán 1 khẩu súng ổ xoay, 6 viên đạn, 10 hộp pháo hoa có trọng lượng 15,2 kg tại khu vực khu phố Lộc Thành, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Mở rộng vụ án, Cơ quan công an còn phát hiện và bắt thêm 2 đối tượng liên quan gồm Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Văn Minh, thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến hoạt động mua bán súng, đạn. Lần theo dấu vết mà Tiến và Minh thường liên hệ qua lại trên không gian mạng, Cơ quan điều tra phát hiện có một số đầu mối liên lạc ở TP Hồ Chí Minh và một số khác ở Campuchia nên đã phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh mở rộng điều tra.

Đường đi của những lô “hàng nóng” -0
Nhiều loại súng tại nhà Nguyễn Tấn Bình bị Thu giữ.

Một vụ án khác mà số lượng súng, đạn thu giữ có thể nói là nhiều nhất từ trước đến nay, phương thức, thủ đoạn cũng hết sức tinh vi. Qua công tác kiểm soát nắm tình hình trên không gian mạng, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện có hiện tượng hội, nhóm kín giao dịch mua bán súng, đạn. Mặc dù khi vào cuộc điều tra thì thấy các thành viên tham gia đều sử dụng nick ảo khiến việc xác định danh tính, nơi cư trú của các đối tượng gặp nhiều khó khăn, nhưng đến đầu tháng 11/2023 đã xác định được nhân thân của 43 đối tượng.  Trong số này có nhóm cầm đầu gồm Vũ Anh Tú (SN 1993), Vũ Tiến Phát (SN 1997) cùng trú tỉnh Ninh Bình; Mai Văn Đông (SN 1992, trú tỉnh Tây Ninh); Lê Cương (SN 1998, trú tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Thanh Tiên (SN 1993, trú tỉnh Hậu Giang) và Trần Quốc Cường (SN 2001, tại TP Hồ Chí Minh). Các đối tượng đều có tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, cướp giật, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo, cố ý gây thương tích..., ngoài ra còn xác định được các đối tượng đã móc nối với những đối tượng chuyên hoạt động mua bán vũ khí ở nước ngoài như Campuchia, Lào, Trung Quốc và mạng lưới chân rết trải rộng khắp 15 tỉnh, thành trên cả nước.

Sau khi triển khai 15 tổ công tác phối hợp với công an 15 tỉnh, thành trên cả nước tiến hành bắt giữ khẩn cấp và khám xét nơi ở của 43 đối tượng này, Cơ quan công an thu giữ 532 khẩu súng các loại, gần 37.000 viên đạn, 2 quả lựu đạn cùng nhiều tang vật khác.

Tại 2 vụ án này, lời khai của các đối tượng cầm đầu về nguồn gốc súng, đạn đều giống nhau, đó là nhận thấy có nhiều người tìm mua súng để sử dụng vào các hoạt động phạm pháp, ngoài ra một số băng nhóm thanh niên muốn thị uy với các băng nhóm khác nên các đối tượng đã tìm cách móc nối với những tay trùm chuyên mua bán súng, đạn ở Trung Quốc, Lào, Campuchia để đặt mua súng.

Có được nguồn cung, các đối tượng sử dụng nick ảo lập ra các nhóm kín trên mạng xã hội rồi móc nối, lôi kéo nhiều người khác tại các tỉnh, thành trên cả nước làm “chân rết”. Các đối tượng sử dụng tài khoản ảo trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, các hội nhóm kín và công khai trên mạng xã hội để quảng cáo, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ kèm theo số điện thoại không chính chủ để người mua có nhu cầu liên hệ. Khi có khách đặt mua thì yêu cầu chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng được thuê từ người khác rồi tháo rời, chia nhỏ linh kiện, gửi chuyển phát nhanh theo nhiều hình thức đến người mua để tránh bị Cơ quan công an phát hiện. Mặc dù đã nhận tội nhưng khi được yêu cầu khai danh tính thật của các đối tượng cầm đầu ở bên kia biên giới và phương thức vận chuyển thì tất cả đều im lặng.

Đường đi của những lô “hàng nóng” -0
Các đối tượng cầm đầu đường dây mua bán súng, đạn núp dưới vỏ bọc “Phế liệu chiến tranh“.

Lập hội, nhóm kín thu mua linh kiện để lắp ráp, chế tạo súng

Một trinh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ móc nối với các đối tượng ở nước ngoài, các đối tượng mua bán súng, đạn còn lập ra các hội, nhóm kín trên mạng xã hội, tạo chân rết ở nhiều tỉnh, thành, nhất là các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ để thu mua linh kiện súng từ những cửa hàng phế liệu mang về chế tác lại rồi lắp ráp thành những khẩu súng hoàn chỉnh trước khi đưa lên mạng xã hội rao bán. 

Cụ thể, qua công tác triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát trên không gian mạng, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hội, nhóm kín thường xuyên trao đổi mua bán súng, đạn và các loại linh kiện cũ của súng được thu mua từ nhiều cửa hàng phế liệu. Ngay sau đó, Cơ quan công an đã lần ra được hội, nhóm này có chân rết hoạt động ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước dưới vỏ bọc “Phế liệu chiến tranh” và “Phế liệu chiến tranh BW”.  Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, ngày 15/12/2024, Cơ quan công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tấn Bình, sinh năm 1983, ngụ phường 6, quận 6. Cùng thời điểm này, 10 tổ công tác khác cũng đồng loạt xác minh, truy bắt các đối tượng có liên quan tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, bắt giữ thêm 70 đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán vũ khí, ma túy, tiền giả, tài khoản ngân hàng, sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản..., thu giữ 4 quả lựu đạn, gần 100 khẩu súng, 9.000 viên đạn các loại, hàng ngàn linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và nhiều tang vật khác có liên quan.

Cũng liên quan đến hội, nhóm kín chuyên thu mua linh kiện chế tạo súng để mua bán trên mạng xã hội, vào tháng 8/2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện Tri Tôn phát hiện Lê Chí Hào (sinh năm 2005, ngụ huyện Tri Tôn) có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng nên đã tiến hành khám xét khẩn cấp và thu giữ 1 khẩu súng tại nhà đối tượng. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã lập nhiều tổ công tác thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp chỗ ở của 30 đối tượng trong đường dây mua bán súng, đạn này tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, thu giữ 20 khẩu súng và 132 viên đạn các loại.

Đường đi của những lô “hàng nóng” -0
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tang vật thu được của băng nhóm chuyên tuồn súng, đạn từ Trung Quốc, Lào, Campuchia về bán.

Tại Cơ quan công an, lúc đầu Hào và Bình cho rằng do thiếu hiểu biết và chỉ hám lợi nên đã lên mạng tìm mua súng trôi nổi mang bán lại kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của cơ quan điều tra, cả hai đã phải khai nhận mình nằm trong đường dây chế tạo, mua bán vũ khí quân dụng, liên quan đến nhiều địa phương. Nhận thấy ngày càng nhiều đối tượng tội phạm tìm mua súng để sử dụng vào các hoạt động phạm tội, còn các băng nhóm thanh thiếu niên hư mua súng để ra oai với các băng nhóm khác nên đã lên mạng học cách chế tạo súng.

Có được ngón nghề, Hào đăng kí tham gia hội, nhóm kín, còn Bình dùng nick ảo lập 2 hội nhóm kín là “Phế liệu chiến tranh” và “Phế liệu chiến tranh BW” để thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi linh kiện súng với giá chỉ vài trăm nghìn cho đến trên dưới 1 triệu đồng mang về chế tác thành các khẩu súng hoàn chỉnh rồi rao bán với giá hàng chục triệu đồng. Riêng Hào thì tháo nòng súng, mua ống inox đặc, mang đến tiệm cơ khí trên địa bàn thuê gia công theo yêu cầu rồi đem về nhà tự chế tạo, lắp đặt, sửa chữa nòng súng, ổ quay thành khẩu súng hoàn chỉnh rồi mang bán lại cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông qua mạng xã hội. Mỗi khẩu súng cùng 6 viên đạn dao động từ 4-8 triệu đồng, giao hàng tận nơi qua hình thức chuyển phát nhanh. Đặc biệt, các đối tượng mua súng chỉ biết tên giả, biệt danh hoặc nickname Facebook mà không rõ tên thật và địa chỉ cụ thể của nhau. 

Nguyễn Gia
.
.
.