Nhà văn Ngô Thảo: Sống một tấm lòng tri ân

Thứ Năm, 01/12/2022, 14:48

Ngô Thảo là một trong những nhà văn đã sống một đời sống giàu nhiệt huyết, từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cả trong đời thực, lẫn sự nghiệp văn chương. Trở về sau chiến tranh, sống sót sau bom đạn, Ngô Thảo vô cùng may mắn khi ông được ở gần, hay nói đúng hơn là làm việc trong một môi trường toàn những văn tài lừng danh, những cây đa cây đề, những bậc lão thành, những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật.

Trong môi trường đó, Ngô Thảo là một người lính cần mẫn, chịu khó ham học hỏi, phấn đấu vươn lên. Dù chỉ chuyên viết phê bình - nghiên cứu văn học, nhưng có bạn bè rộng rãi khắp nước như hôm nay, ông luôn cảm thấy mình đã sống với cuộc đời bằng tất cả tấm lòng tri ân của một người lính may mắn. Với tinh thần sống đó, Ngô Thảo đã làm được nhiều công việc có ý nghĩa đối với đời, với văn chương, với bạn hữu, đồng chí đồng đội.

316626680_1278813799355685_6030884270059389819_n.jpg -0
Nhà văn Ngô Thảo (giữa) tại sự kiện “Những trang viết tri ân”.

Bước sang tuổi 82, nhà văn Ngô Thảo bất ngờ tổ chức một hoạt động văn chương khá bề thế. Đó là cuộc hội ngộ với bạn hữu cùng thời và khác thời tại Tòa soạn Văn nghệ Quân đội - ngôi nhà văn chương nức tiếng một thời ở số 4 Lý Nam Đế để giới thiệu với bạn đọc "Những trang sách tri ân Văn nghệ Quân đội" gồm 4 tác phẩm được in trong 3 năm lại đây: "Nghiêng trong bóng chiều" - NXB Quân đội nhân dân, 2020; "Bốn nhà văn số 4" - NXB Hội Nhà văn, năm 2020; Lặng lẽ những đời văn - NXB Hội Nhà văn, 2021; Và tác phẩm mới nhất vừa ra mắt bạn đọc những ngày cuối cùng của mùa Thu 2022: "Văn hóa trong phát triển - Văn hóa của phát triển" - NXB Sân khấu, 2022.

Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện thú vị với lão nhà văn Ngô Thảo nhân sự kiện đặc biệt này.

- Thưa nhà văn Ngô Thảo, trong giấy mời đến với sự kiện văn học ông ghi là "Những trang sách tri ân Văn nghệ Quân độ", ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của cuộc giới thiệu sách lần này? Rõ ràng sau 20 năm sống chiến đấu và công tác trong quân đội, ông đã từ giã ngôi nhà số 4 từ năm 1986 (nghĩa là gần 40 năm trước) để làm việc ở các môi trường khác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?.

+ Cảm ơn nhà báo đã quan tâm tới chuyện hơi bất thường này. Khi đã qua tuổi 80, tôi thấy rõ, tôi có hơn 20 năm đi học, 20 năm mặc áo lính, 20 năm làm việc ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, và về hưu cũng đã gần 20 năm, thì quãng đời mặc áo lính, trong đó có 10 năm kháng chiến chống Mỹ, đã tạo nên tính cách và định hướng công việc cả cuộc đời tôi.

Tôi biết ơn 5 năm ở đơn vị chiến đấu, từ binh nhì đến cán bộ cấp Đại đội bậc phó (Quân hàm Quân Giải phóng) đã cho tôi sự từng trải để thành một người lính dày dạn, vững vàng, coi việc "quên mình" là lẽ sống thường hằng. 15 năm tiếp theo được điều về Văn nghệ Quân đội khi tôi chưa biết một ai ở đó. Chính thời gian này, sống giữa môi trường các nhà văn quân đội trưởng thành đang bộc lộ tài năng qua nhiều tác phẩm viết kịp thời về chiến tranh và lực lượng vũ trang, tạo cho tôi niềm cảm phục và hào hứng trong việc viết giới thiệu phê bình, không chỉ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Ký ức 20 năm ở trong quân đội trở thành kho tư liệu cho tôi khai thác. Bây giờ khi cả một thế hệ những con người tài năng đã làm nên cánh rừng nguyên sinh của văn học chiến tranh - điều chưa từng có trong lịch sử văn học nước nhà - đều đã thành người thiên cổ. Với tất cả niềm kính trọng, cảm phục, và biết ơn, tôi muốn họ không bị quên lãng, nên tìm mọi dịp có thể để nhắc đến cuộc đời và tác phẩm của họ…

- Ở tuổi ngoài 80, ông viết, xuất bản, ra mắt bạn đọc 4 cuốn sách chỉ trong vòng vài năm, cho thấy một sức làm việc đáng nể phục? Nhiều người nói tuổi 80 chỉ nên tưới cây và tập dưỡng sinh… Thế nhưng Ngô Thảo thì ngược lại, …. Có lúc nào ông nghĩ đến việc ở tuổi này những gì mình viết ra khó được bạn đọc đón nhận?  

+ Một câu hỏi quá thú vị. Đúng là bạn đọc mỗi thời luôn cần những tác phẩm mới, liên quan đến chính cuộc sống của họ. Nhưng những tác phẩm hay của quá khứ luôn hiện diện như những con tàu xuyên không, mang ánh sáng và hơi ấm tới cho con người hiện tại. Bản thân cuộc sống, cách sống của những người tài năng trong quá khứ cũng là một tác phẩm có ý nghĩa như thế. Tôi hy vọng mình không làm một việc vô ích.

- 4 tác phẩm in trong 3 năm, một sự kết hợp cụm tác phẩm có chủ ý hay đơn giản chỉ là dịp trình làng những đứa con tinh thần của mình? Ông có thể giới thiệu thật ngắn gọn về 4 tác phẩm lần này của ông và thông điệp cốt lõi của mỗi tác phẩm để độc giả Văn nghệ công an hình dung.

+ 4 cuốn sách gần 2.000 trang, thật khó tóm tắt. Nhưng nội dung vẫn chỉ có 3 phần: 1/ Các tác giả và tác phẩm viết về chiến tranh, trong đó phần lớn là các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội. 2/ Các ý kiến về văn học, nghệ thuật và văn hóa qua các thời kỳ. 3/ Một số bài nhận xét về các tác phẩm của tôi đã in.

316755583_1096061471054693_939926146239266955_n.jpg -0
Nhà văn Ngô Thảo và nhà văn Kim Lân.

- Tôi có đọc qua tác phẩm mới nhất của ông: "Văn hóa trong phát triển - Văn hóa của phát triển" ông vừa xuất bản tháng 11/2022. Cuốn sách là tập hợp những bài báo, tiểu luận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa đã in rải rác ở các báo, tạp chí chuyên ngành trong một khoảng thời gian dài chủ yếu là thời ông làm ở Tạp chí Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Sân khấu 51 Trần Hưng Đạo. Điều đó chứng tỏ ông đã có một ý thức đau đáu nghiên cứu về văn hóa trong suốt chiều dài cuộc sống mà ông đã đi qua, hay chỉ đơn giản là tập hợp lại các tư liệu cũ mới vào một cuốn sách để làm kỷ niệm?Nếu thế thì ông tổ chức ra mắt cuốn này ở 51 Trần Hưng Đạo mới hợp lẽ chứ?

+ Nhà báo có biết, 51 Trần Hưng Đạo đang được đập phá phần sau để xây trụ sở mới cho Liên hiệp và các Hội Văn học Nghệ thuật, chắc phải dăm năm nữa mới hoàn thành? Do nhiều năm làm báo, làm xuất bản, và làm thường trực Ban thư ký Hội, nên tôi có nhiều dịp viết về các vấn đề của sân khấu, mặt lộ thiên của văn hóa một nước. Cho nên không thể không đề cập nó trong không gian văn hóa nói chung. Những bài viết đó tôi đã in trong mấy cuốn sách trước. Mấy năm gần đây, trước và sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, tôi có viết gần mươi bài về văn hóa văn nghệ in trên Tạp chí Lý luận phê bình của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nên đều là những vấn đề có tính thời sự. Tổ chức ở đâu chỉ là địa điểm còn lại thì với tôi đó là hoạt động văn nghệ có ý nghĩa trong cuộc đời làm công tác nghiên cứu phê bình. Và được tổ chức tại một địa chỉ đỏ của ngôi nhà văn nghệ đương nhiên tôi hài lòng hơn.

- Những bài viết về văn hóa, có bài in trên tạp chí từ năm 1986. Ông có cho rằng giờ in ra đến bạn đọc thêm lần nữa liệu nó có bị lạc thời không? Hay vấn đề văn hóa thì không bao giờ cũ, những vấn đề văn hóa đặt ra cách đây hơn 40 năm vẫn có thể có chỗ đứng trong tiến trình phát triển văn hóa hôm nay? Điều đó có tác dụng tích cực hay ngược lại? 

+ Tới đây, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật sẽ có một cuộc Hội thảo, nhìn lại 15 năm thực hiện NQ23/ BCT về văn học nghệ thuật. Trong lịch sử hiện đại nước ta, cái quãng đời lưu lạc của bà cụ tên Kiều này có rất nhiều chuyển động. Đảng ta ra đời 15 năm đã lãnh đạo nhân làm Cách mạng Tháng Tám. 30 năm tiếp theo (1945-1975), cả nước đánh thắng hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Nhưng trong văn hóa, hình như từng câu, từng chữ trong Nghị quyết quan trọng đó vẫn nguyên giá trị với tình hình hiện nay.

- Nếu có một người trẻ đến gặp và hỏi ông một câu như này: "Ông ơi, muốn nghiên cứu văn hóa thì cháu phải bắt đầu từ đâu?  Làm thế nào để cuốn sách của cháu được độc giả đón nhận? Cháu có thể dành cả cuộc đời mình để viết sách như ông, liệu cháu có thành công không khi cháu sinh ra ở thời bình hôm nay" thì ông sẽ trả lời như thế nào?

+ Xin không trả lời câu này được không? Đối với người nghiên cứu, thì tự học là việc phải làm suốt đời. Nếu coi đây là một nghề để kiếm sống, thì chắc chắn không thể. Nhuận bút 4 cuốn sách của tôi không đủ mua sách để tặng bạn bè, mà chắc gì đã có ai đọc như nhà báo Như Bình.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Ngô Thảo.

Như Bình
.
.
.