Nhà thơ "Vịn câu thơ mà đứng dậy"

Thứ Năm, 25/05/2023, 11:31

Đọc tin trên báo thấy nói Hà Nội đang có ý định "Cho thuê xe đạp" để người dân đi lại bớt ô nhiễm do khói bụi xe máy, xe ô tô thải ra. Chợt nhớ cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước có hai người nổi tiếng mà tôi quen biết là BS Nguyễn Khắc Viện và nhà thơ Phùng Quán đi đâu cũng không rời chiếc xe đạp cà tàng.

Cũng phải, thời ấy nhiều người đi xe đạp. Cuối năm 1975, từ một sĩ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, khi nước nhà thống nhất tôi chuyển về làm phóng viên Báo Tiền phong chờ ba năm vẫn chưa đến lượt phân phối mua xe đạp, tôi phải mượn tiền của bạn bè mua một chiếc xe đạp cũ của một cán bộ Trung ương Đoàn khi anh chuyển vào Nam.

Thế nhưng, vào những năm 1990, khi nhiều người phóng xe máy vèo vèo rồi mà nhà thơ Phùng Quán vẫn lọc cọc chiếc xe đạp cũ đến chỗ tôi. Có lần ông gửi tôi một bài ông viết về nhà thơ Tố Hữu, người mà nhà thơ Phùng Quán gọi là cậu ruột hẳn hoi! Bài báo đăng trên tờ Tiền phong chủ nhật gây tiếng vang, được rất nhiều người đón đọc.

Chỉ mấy hôm sau khi báo phát hành chúng tôi nhận được một lá đơn kiện tác giả và tờ báo. Người gửi đơn kiện chúng tôi là vợ một lãnh đạo cao cấp. Chả là trong bài viết của nhà thơ Phùng Quán có câu: "Bây giờ người ta chỉ nhớ đến Tố Hữu là một nhà thơ chứ mấy ai nhớ đến Tố Hữu Phó Thủ tướng!". Người gửi đơn kiện cho rằng viết như vậy là hạ thấp vai trò Phó Thủ tướng, hạ thấp Phó Thủ tướng thường trực Tố Hữu!

Nhà thơ Phùng Quán (1932 - 1995), Giải thưởng nhà nước 2007. Năm 1945 tham gia vệ quốc quân... Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Vượt Côn Đảo"; "Tuổi thơ dữ dội"...

Nhà thơ Phùng Quán đến gặp tôi ở tòa soạn Báo Tiền phong, ông có vẻ lo lắng, ông lo cho chúng tôi. Tôi bảo ông: Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam; Thơ Tố Hữu thường xuyên ngâm trên đài, đăng trên báo, trong sách giáo khoa, rất nhiều người thuộc lòng thơ ông, người ta nhớ nhiều đến nhà thơ Tố Hữu là phải, là đúng; Chứ không có ý gì là hạ thấp vai trò Phó Thủ tướng cả! Anh yên tâm chúng tôi sẽ hóa giải được!

Lần sau gặp nhà thơ Phùng Quán, thấy ông vui, tôi bảo: Anh quả là một người con hiếu thảo, anh luôn làm theo lời mẹ dặn, và tôi đọc mấy câu thơ trong bài thơ "Lời mẹ dặn" nổi tiếng của ông :

...Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc cứ khóc
Yêu ai thì bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu..
." (Lời mẹ dặn)

Ông cười, không nói gì!

Quả thực, ông là người yêu, ghét rõ ràng, luôn sống hết mình, trung thực hết mình trong đời và trong thơ. Tôi được biết một dạo người ta đưa ông lên khu vực nông trường Quân Chu (Thái Nguyên) lao động công ích, giao cho ông sau một vụ 6 tháng phải nộp cho cơ quan nơi ông sinh hoạt 3 tạ sắn hoặc mía, hay khoai tùy việc canh tác trên đó. Khí hậu vùng Quân Chu vốn được coi là nơi lam sơn chướng khí, chốn Pháp xưa từng có trại tù...

Phùng Quán sống ở đấy một mình. Ban ngày cuốc đất trồng ngô, khoai, sắn, mía, thêm vài luống ớt, cà và đậu. Đêm đêm thứ bảy, chủ nhật ông hay tìm vào các bản làng quanh đó chơi. Dân làng ở đó rất quý ông. Họ không biết "Nhân văn giai phẩm" là gì. Chỉ biết đấy là một ông lão làm thơ, đọc thơ tên là Phùng Quán. Ông là người hiểu biết nhiều, hay chữ, hay được mời ăn cưới. Tiệc cưới nào dân làng cũng nghe ông đọc đi đọc lại bài thơ "Lời mẹ dặn".

Có lần tôi định hỏi nhà thơ Phùng Quán có phải bài thơ "Hoa cứt lợn"  ông viết lúc còn lao động ở Quân Chu không? Vì ở đó có rất nhiều hoa cứt lợn. Nhưng, rồi không hiểu sao tôi lại thôi! Những năm học Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa văn chúng tôi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên) và tôi đã đến vùng Quân Chu, thấy hoa cứt lợn mọc bạt ngàn khắp nơi khoe màu rực rỡ. Tôi lại nhớ bài thơ "Hoa cứt lợn" của Phùng Quán:

Tôi ước thơ tôi được như hoa cứt lợn
Nở hoang vu vẫn bảy sắc cầu vồng
Đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ
Chẳng hệ lụy gì miếng đỉnh chung.

Có lẽ đó cũng là thời gian bài thơ "Đói" của ông ra đời:

Trong trăm ngàn nỗi đói
Ta nếm trải cả rồi
Ta chỉ kinh khiếp nhất
Là nỗi đói tình người.

Có một thời đất nước ta nghèo đói, do hệ lụy sau chiến tranh, do tư tưởng quan liêu, bao cấp... Nhiều người đều biết ngôi nhà của ông cạnh Hồ Tây cùng người vợ yêu chồng hết mình là chị Bội Trâm. Nhà thơ Phùng Quán đã viết về ngôi nhà của vợ chồng ông: ".. Trong nhà vách trống toang/ Gió ra vào thỏa thích..." (Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe).

"...Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh/ Muốn mời vào nhà không chiếu chăn/ Tỉnh giấc trăng đi còn để lại/ Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân" ( Mời rượu bác Ba Vì).

Nhưng, nhà thơ Phùng Quán luôn vượt lên số phận, hoàn cảnh bằng chính những câu thơ của mình: "Có những phút ngả lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Ông gắn bó với nhân dân, với đất nước, với thi ca: "Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khôn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt..." (Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe).

Một trong những bài thơ của Phùng Quán tôi thích, đã thuộc lòng, đó cũng là bài thơ được rất nhiều người một thời ngâm ngợi, bài "Hôn":

Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.

Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán luôn sống hết mình, yêu hết mình, trung thực hết mình:

" ...Tất cả là thơ ca
Tôi rút từ xương tủy..
." (Thơ cái chổi chống tham ô lãng phí).

Tôi đã gặp và quen biết nhiều nhà thơ sống chết vì thơ như nhà thơ Phùng Quán, người luôn biết cách "Vịn câu thơ mà đứng dậy".

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 4/2023

Dương Kỳ Anh
.
.
.