Hiểu thêm học giả Phan Khôi qua "Di cảo"
Vài năm trước tôi đã có bài viết về bài thơ mở đầu phong trào thơ mới, không phải tiên sinh Tản Đà như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ mà chính là Phan Khôi với bài thơ “Tình già” bản in đầu tiên trên tờ “Phụ nữ tân văn” số 122 ra ngày 10-3-1932. Và, cái mới thời nào cũng vậy thường dị ứng với cái cũ! Thời đó tác giả bài thơ đã bị không ít người phản bác, đả kích mà tiêu biểu là bài “Nhàn ngâm” của Tùng Thành cũng đăng trên tờ “Phụ nữ tân văn”: “Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối/ Noi gương Hồ Thích làm thơ mới/ Câu dài câu ngắn chẳng ra sao/ Vần đụp, vần đơn nghe thật thối”.
Tôi nhắc lại điều này để nói rằng Phan Khôi tuy tự nhận mình chỉ là người viết báo, nhưng thực ra ông là một nhà thơ, một dịch giả hiểu nhiều, biết rộng. Những bài viết, bản dịch về ông trong “Phan Khôi di cảo” đã nói lên chân thực con người ông, một người yêu nước, một trí thức chân chính, một học giả thẳng thắn, mang cốt cách của con người xứ Quảng.
“Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu” là tác phẩn viết về lịch sử của Quách Mạt Nhược người được coi là “Nhà bác học” của Trung Quốc hiện đại. Qua bản dịch của cụ Phan Khôi tôi thực sự hiểu rằng, khá nhiều điều của xã hội Trung Quốc thời đó tương đồng với xã hội Việt Nam thời phong kiến. Và xã hội Trung Quốc mấy ngàn năm cũng có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam qua các triều đại trong lịch sử. Chính từ bản dịch này tôi hiểu được phần nào ý tưởng của dịch giả Phan Khôi trong sự mong muốn “Thức tỉnh” người dân trên quê hương mình.
Chính cụ Phan Khôi đã từng thổ lộ: “Tôi bắt đầu viết báo ở Hà Nội năm 1918, rồi viết ở Sài Gòn, ở Huế cho đến năm 1941. Trong sự viết báo, tôi nhằm mục đích là đem lại khoa học và dân chủ cho dân tộc ta, cho nên, bước thứ nhất, tôi từng đả kích Khổng giáo chuyên chế và Tống nho duy tâm” (Kiểm thảo sơ bộ).
Như vậy, ta thấy rõ tư tưởng yêu nước, tiến bộ của Phan Khôi trong việc mong muốn thay đổi chế độ Phong kiến thực dân. Tôi thiển nghĩ, người trí thức chân chính có nhiệm vụ tối thượng là đem những hiểu biết, những kiến thức của mình để “thức tỉnh” dân chúng, hướng người dân đến tư tưởng tiến bộ, để đất nước thoát khỏi những ràng buộc của tư tưởng thực dân, phong kiến vì một nước Việt Nam mới.
Trong bài viết “Kiểm thảo lại cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa” học giả Phan Khôi đã bằng những luận cứ cụ thể, khá thuyết phục để chứng mình luận thuyết mà chủ tờ báo tiếng Pháp L Annam thời đó cho rằng: “... Cái chủ nghĩa dân chủ ấy không xa lạ gì với chúng ta đâu, nó không hẳn từ phương Tây truyền sang mới có mà hai ngàn năm trước ở phương Đông đã có rồi...”. Quan điểm cho rằng Mạnh Tử là người có tư tưởng DÂN CHỦ, như vậy từ hai ngàn năm trước Trung Quốc đã có tư tưởng dân chủ qua câu nói của Mạnh Tử “Dân vi quý, xã tắc thứ chỉ, quân vi kinh”. Học giả Phan Khôi cho rằng:... “Dân chủ dù là dân chủ tư sản chăng nữa, cũng phải gồm có cái nguyên tắc “của dân, bởi dân, do dân” thì mới gọi là dân chủ được. Trong câu của Mạnh Tử không thể gồm đủ cái nguyên tắc ấy, làm đầy đủ cái lượng của nó, chỉ có thể gọi là thuyết “Dân quý” hay “Quý dân” mà thôi. Cái cơ bản nhất của dân chủ cụ Phan Khôi đã nói rất đúng đó là LUẬT PHÁP, hay nói đúng hơn là THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT, mà cái đó chưa hề có ở xã hội phong kiến.
Không chỉ viết báo, trước đó, học giả Phan Khôi đã có những hoạt động yêu nước trong phong trào Duy Tân “... Ban đầu tôi vận động công khai ở Quảng Nam theo phái Phan Châu Trinh. Năm 1908, nhân vụ “xin xâu” tôi bị tù ba năm. Năm 1911 được tha về, tôi tham gia vận động bí mật… Năm 1913-1914 tôi thấy làm như thế này cũng chẳng biết bao giờ thành công, mà tư tánh của mình cũng không thích hợp lắm, bấy giờ tôi xin phép và từ giã anh em về nhà mở trường dạy học, vừa dạy học vừa học thêm, dự định tương lai viết sách, làm báo, phục vụ tổ quốc về mặt văn hóa”. (Đời chính trị).
Trong các bài viết về những nhà yêu nước thời bấy giờ, học giả Phan Khôi có những nhận định khá chuẩn xác: “Từ năm 1906, phong trào chính trị ở ta có hai phái: “Một là Phan Bội Châu lo vận động cách mạng ở nước ngoài, một là Phan Châu Trinh lo mở đường dân trí ở trong. Hai người ấy chỉ có một mục đích, nhưng họ phân công với nhau, thành ra thấy như đi khác nhau...” (Đời chính trị)
Trong bài “Duy Tân khởi nghĩa” học giả Phan Khôi bằng thực chứng của chính bản thân mình đã chỉ trích chính quyền thực dân Pháp thời bấy giờ: “Về vụ này, trước hết phải cải chính một điều mà do thực dân Pháp đã cố ý làm sai sự thật. Người chủ động vụ Duy Tân khởi nghĩa là Thái Phiên, không phải Trần Cao Vân. Nhân vì Thái Phiên là người theo dõi vận động cách mạng hai mươi năm, từng ở vị trí lãnh tụ, còn Trần Cao Vân có vẻ như đạo sỹ hay thầy phù thủy, cho nên sau khi vỡ việc, bọn Pháp, trên báo chí lợi dụng cái nhược điểm ấy của Trần Cao Vân mà dìm Thái Phiên xuống để làm cho cuộc khởi nghĩa vô giá trị...”.
Không phải chỉ trong các bài báo mà bản dịch, mà trong các bài thơ, ca, hò vè nhằm thức tỉnh dân chúng, cụ Phan Khôi cũng đã nói lên cái khổ nhục của người dân trong chế độ phong kiến thuộc địa thời bấy giờ:
“Dân trong tỉnh Quảng Nam mình
Không kham sưu thuế ức tình phải kêu
Kể ra cực khổ trăm chiều
Quan coi dân dưới như rều rác trôi...”
(Dân Quảng Nam xin sưu)
Trong bài “Vè cúp tóc” cụ Phan Khôi đã quyết “Cắt”, quyết “Cúp” hết bọn Tây xâm lược:
“... Ở với ông Tây
Hãy còn ăn mặn
Hãy còn nói láo
Phen này ta cúp
Phen này ta cạo...”.
Cả những vị quan nô lệ thời bấy giờ, cụ Phan Khôi cũng không tha:
“...Oai quyền trong xó oai chi đó
Đè nén trên đầu có biết không?”
(Vịnh ông Táo)
Đọc “Tự thuật tiểu sử sơ lược” trong “Di cảo” càng hiểu hơn tư tưởng yêu nước, sự hiểu biết sâu rộng của học giả Phan Khôi được nuôi dưỡng từ truyền thống gia đinh: “... Cha là Phan Trân, đậu Phó bảng, làm Tri phủ, từ chức ở nhà từ năm ba mươi chín tuổi. Mẹ là Hoàng Thị Lệ con gái ông Hoàng Diệu, chết sớm (Hoàng Diệu, Tổng đốc Thành Hà Nội đã dũng cảm chiến đấu với quân Pháp xâm lược, trong giờ phút lâm nguy, quyết không đầu hàng, cụ đã tuẫn tiết trên thành để lại gương sáng cho đời sau)... Thái độ chính trị của những người thân thuộc trước kia: “Cha là người ái quốc, ghét Tây...”.
Dù là viết về vấn đề gì, học giả Phan Khôi cũng đi đến tận cùng, bằng kiến thức hiểu nhiều, biết rộng, luôn hướng tới cái mới, cái hay, cái đúng. Tôi rất thích điều này. Trong bài “Những con số không nhất định trong từ ngữ” cụ Phan Khôi đã so sánh, lý giải, làm sáng tỏ về một vấn đề mà ít ai hiểu hết, ít ai nghĩ tới về con số 3 và con số 9 trong dãy số học mười con số: “... Tóm lại, số ba và số chín trong các từ ngữ vừa kể trên đều là số nhiều không xác định, khác nhau chỉ ở chỗ: một là số nhiều nhỏ, một là số nhiều lớn trong các số cơ bản”.
Sâu xa mà dí dỏm, hài hước mà thâm trầm, tôi thiển nghĩ chỉ có những người thông minh thực sự mới có được. Học giả Phan Khôi trong “Di cảo” đã thể hiện nhất quán điều này trong các bài viết. Có hai câu mà nhiều người biết nhưng không biết tác giả là ai, nay đọc “Phan Khôi di cảo” tôi mới hay cụ Phan Khôi đã viết trêu đùa bạn văn tại đại hội văn nghệ năm 1957:
“Xuân Diệu, Xuân Sanh, Xuân tóc đỏ
Tú Nam, Tú Mỡ, tú lơ khơ”
(Vài câu thơ nghịch ngợm)
Bây giờ những lúc tôi tự cân bằng mình thường đọc mấy câu thơ rất hiện đại mà gần đây mới biết là của cụ Phan Khôi:
“Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao”.
Đọc “Di cảo” tôi càng hiểu vì sao chính nhà thơ, nhà báo, học giả Phan Khôi chứ không phải ai khác đã là người mở đầu cho PHONG TRÀO THƠ MỚI qua bài thơ “Tình già”.