Kia
Mobifone
Kỉ niệm 77 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2023)

Chuyên đề Văn nghệ Công an: Địa chỉ văn chương tin cậy của người đọc, người viết

Thứ Sáu, 03/11/2023, 08:29

Ngày 1/11/2023 là ngày kỷ niệm 77 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên. Trong hành trình phát triển của Báo CAND, sự ra đời và những đóng góp của ấn phẩm Văn nghệ Công an vào thành tựu chung của đơn vị mang một màu sắc đặc biệt.

Gần 30 năm qua, ấn phẩm Văn nghệ Công an tự hào trở thành một tờ báo chuyên biệt về văn hóa - nghệ thuật uy tín hàng đầu của Việt Nam, trở thành một kênh thông tin quan trọng về lĩnh vực này, đồng thời là địa chỉ văn chương tin cậy của người đọc, người viết trong cả nước.

396458408_177575485419416_1108694880842276983_n.jpg -2
Nhóm họa sĩ nổi tiếng thường xuyên cộng tác với Chuyên đề Văn nghệ Công an.

Trước khi được phát hành chính thức vào tháng 1/1996, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an do nhà văn Hữu Ước lúc đó là cán bộ Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng đề xuất xây dựng và làm chủ biên đã ra được 6 số thể nghiệm. Với nỗ lực, quyết tâm lớn trong việc xây dựng nên một tạp chí trở thành “diễn đàn văn hóa - văn nghệ của lực lượng CAND”, nhà văn Hữu Ước “tự lực cánh sinh” huy động được một hội đồng biên tập do ông “mượn tạm” ở bên ngoài để tổ chức xây dựng nội dung cho tờ báo như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Nguyễn Như Phong, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà báo Xuân Ba…

Ngay từ những số báo thể nghiệm đầu tiên, nhà văn Hữu Ước với tiêu chí bám sát đời sống văn hóa văn nghệ trong nước và quốc tế cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự đã huy động được nhiều nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia vào diễn đàn này như Thúy Toàn, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trương Nam Hương, Đặng Vương Hưng, Phan Quế, Hà Văn Thể, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Hồng Lam, Từ Kế Tường, Lại Văn Long… Chính vì thế, uy tín của tờ tạp chí còn sơ khai non trẻ nhanh chóng được văn giới chú ý.

Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ban đầu ra 1 tháng/kỳ, sau đổi thành Chuyên đề Văn nghệ Công an (từ tháng 12/2003) thuộc Báo CAND, dần tăng kỳ thành 1 tuần một số như hiện nay (từ tháng 10/2015), đã trở thành một địa chỉ văn chương uy tín, quy tụ những cây bút đầy nội lực sáng tạo, đang ở độ chín về nghề với mong muốn tận hiến cho văn chương - báo chí.

Ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, với mong muốn thu hút đông đảo bạn đọc, bạn viết đến với tờ báo, lãnh đạo Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an lúc đó đã sớm tư vấn cho lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn và ký mang tên “Cây bút vàng” và các trại sáng tác văn học đồng hành với cuộc thi này.

Thành công của cuộc thi “Cây bút vàng” không chỉ thể hiện ở chỗ có hàng ngàn tác phẩm của hơn 400 tác giả gửi dự thi, trong đó có gần 300 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài lực lượng được chọn in trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, mà còn bởi các nhà văn đoạt giải thưởng cuộc thi đều là những tên tuổi lớn như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng…

Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, sau là Chuyên đề Văn nghệ Công an đã đồng hành với các cuộc thi “Cây bút vàng”, các cuộc thi “Viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, hình thành nên dòng văn học mang màu sắc Công an ngày một rõ nét hơn, có vị trí, có uy tín, đóng góp trong dòng chảy văn học chung của đất nước.

Có thể nói, để Chuyên đề Văn nghệ Công an có được vị thế như ngày hôm nay cũng như được sự yêu mến của người đọc, người viết có phần đóng góp đáng kể của các Thư ký tòa soạn qua các thời kỳ. Họ đều là những nhà văn có tên tuổi, nhiệt huyết với văn chương, luôn trân trọng, nâng niu những sáng tác, những đóng góp của các cây bút với văn chương - báo chí trong lực lượng Công an như Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Trương Nam Hương, Phan Quế, Đặng Vương Hưng, Phạm Khải, Nguyễn Xuân Hải, Như Bình, Nguyễn Thế Hùng.

Đến nay đã có hàng vạn nhà văn, cộng tác viên trong và ngoài lực lượng Công an thuộc nhiều lứa tuổi từ khắp mọi miền đất nước gửi tác phẩm về cộng tác với ấn phẩm. Nhiều cây bút trẻ qua việc cộng tác với Chuyên đề Văn nghệ Công an không chỉ lan tỏa được tác phẩm của mình đến bạn đọc mà còn nhận được sự động viên, hỗ trợ từ các biên tập viên để trưởng thành như Lữ Thị Mai, Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Bùi Tuấn Minh...

Ngoài ra, từ những thành tựu, nỗ lực và đóng góp của mình, Văn nghệ Công an còn có được tình cảm sâu đậm, sự ghi nhận của người đọc, người viết trên cả nước. Đó là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với tờ báo là “diễn đàn văn hóa - văn nghệ của lực lượng CAND” trong suốt gần 30 năm qua.

Nhà thơ Vương Tâm: Tờ báo giúp tôi có nhiều “trái ngọt”

2.jpg -0

Tôi có may mắn là sớm cộng tác với Văn nghệ Công an, ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, khi đó ấn phẩm còn là Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an phát hành hàng tháng. Nhà văn Phan Quế là biên tập viên mà tôi cộng tác bài viết đầu tiên trên tạp chí. Sau này khi ấn phẩm ra tuần báo với thương hiệu Văn nghệ Công an, tôi thường xuyên cộng tác với nhà thơ Phạm Khải. Đây cũng là giai đoạn mà tôi cộng tác tích cực với những câu chuyện và vấn đề thời sự văn hóa văn nghệ hàng tuần.

Nhà thơ Phạm Khải là người có trách nhiệm cao với công việc và anh rất kỹ tính trong sự xác thực thông tin. Anh đòi hỏi người viết phải sáng rõ về ý tưởng và chuẩn xác về ngôn ngữ diễn đạt. Những bài viết của tôi đã được nhà thơ Phạm Khải biên tập khá chi tiết, kể cả chữa những chữ không rõ ý trong câu. Không ít lần tôi chứng kiến những dấu hỏi và chữ màu đỏ của anh dày đặc trên bản thảo của tôi. Đọc lại tôi mới thấy sự đòi hỏi chuẩn mực và khoa học trong từng bài viết đã qua anh biên tập. Đó là cách tôn trọng bạn đọc, đem lại hiệu quả truyền thông sâu sắc mà tôi đã học được ở anh. Bản sắc riêng của Chuyên đề Văn nghệ Công an in đậm dấu ấn văn chương và phong cách khoa học của nhà thơ Phạm Khải.

Cũng trên nền tảng mang bản sắc của Chuyên đề Văn nghệ Công an như vậy, tôi tiếp tục cộng tác với nhà văn Như Bình cho tới nay. Sau này tôi viết thêm cả những chân dung văn nghệ sĩ và tập trung viết cho chuyện mục “Đất và người”. Khoảng hơn chục năm qua, những bài ký sự của tôi trên Chuyên đề Văn nghệ Công an thường được NXB Văn học chọn in thành sách (15 cuốn). Đó là thành quả mà tôi đã cộng tác với các ấn phẩm chuyên đề của Báo CAND qua những ấn phẩm như An ninh thế giới giữa tháng, cuối tháng, An ninh thế giới tuần, Cảnh sát toàn cầu và đặc biệt là Chuyên đề Văn nghệ công an trong suốt hơn 20 năm qua.

Trung tá Bùi Tuấn Minh - Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I (Bộ Công an): Nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương…

3.jpg -1

Nhắc đến Chuyên đề Văn nghệ Công an là nói đến ấn phẩm văn nghệ được phát đến cơ quan tôi ngày thứ sáu hàng tuần. Tôi đã biết đến ấn phẩm này từ khi vào ngành, tờ báo như một món ăn tinh thần cho những người làm công tác giảng dạy như chúng tôi. Hình ảnh những người giáo viên chăm chú, say sưa với ấn phẩm Văn nghệ của ngành đã để lại trong tôi những suy nghĩ tốt đẹp. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó và điều thiết thực nhất chính là viết bài gửi đi, tuy nhiên, do công việc giảng dạy bận bịu đã khiến tôi lơ đãng mục tiêu ấy.

Và phải đến hơn 10 năm sau tôi mới được hưởng niềm vui khi tác phẩm đầu tiên của mình được đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an (số 573, tháng 10/2021). Cho đến giờ, sau gần 3 năm dù đã có khá nhiều tác phẩm đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi khó tả lần đầu tiên có bài đăng.

Tôi cho rằng, việc cố gắng cho ra đời những tác phẩm văn chương hay cũng là sự đóng góp thiết thực của không chỉ cá nhân tôi mà đối với bất kỳ người cán bộ, chiến sĩ Công an nào bén duyên với văn chương.

Trong hành trình đến với văn chương của mình, tôi rất cảm kích khi luôn nhận được sự giúp đỡ tận tâm, động viên, khích lệ của các biên tập viên Chuyên đề Văn nghệ Công an là anh Nguyễn Thế Hùng và chị Như Bình. Đó là lý do tôi nghĩ rằng Chuyên đề Văn nghệ Công an còn là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho những cây viết trẻ.

Nguyệt Hà

.
.