Kia
Mobifone

Tình yêu thuốc Nam và văn chương của Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

Thứ Bảy, 06/04/2019, 09:05
Cuối tuần vừa qua, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS - TSKH Đỗ Tất Lợi (28-3-1919 - 28-3-2019) đã được tổ chức trang trọng cùng lúc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều kỷ niệm về ông đã được các thế hệ học trò và gia đình kể lại rất xúc động. Đối với tôi, ông không chỉ là thầy thuốc lớn mà còn là một con người rất yêu chữ nghĩa, văn chương...


Tình yêu thuốc Nam của "vua" dược liệu

Sinh thời, Đỗ Tất Lợi được tôn vinh là "vua" dược liệu học nước ta mà bộ sách đồ sộ "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của ông có thể sánh ngang với bất kỳ công trình nào khác về dược liệu nhiệt đới trên thế giới. Nhờ công trình này, Đỗ Tất Lợi trở thành người Việt Nam đầu tiên được Hội đồng Chứng chỉ tối cao Liên Xô phong thẳng học vị Tiến sĩ khoa học năm 1968 mà không cần bảo vệ luận án, rồi được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học kỹ thuật đợt đầu vào năm 1996.

Đỗ Tất Lợi sinh tại làng Phù Xá thuộc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên, nay gần sân bay Nội Bài thuộc ngoại thành Hà Nội. Tháng 10-1944, Đỗ Tất Lợi tốt nghiệp Trường Y dược khoa Đông Dương. Đến tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông trở thành một trong những người ít ỏi cuối cùng cầm tấm bằng dược sĩ thời Pháp. Lúc bấy giờ đào tạo dược sĩ rất ngặt nghèo.

GS-TSKH Đỗ Tất Lợi (1919-2008) với bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.

Năm 1944, trường chỉ có sáu dược sĩ tốt nghiệp cho cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Cùng khoá với ông có dược sĩ Huỳnh Quang Đại về sau làm Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Hà Nội, dược sĩ Phạm Thị Yên trở về tham gia kháng chiến ở quê hương miền Nam và hy sinh trong chống Mỹ…

Với một tình yêu mãnh liệt, niềm tự hào lớn lao đối với y học cổ truyền dân tộc, Đỗ Tất Lợi đặc biệt kính trọng hai vị tổ sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Vì vậy, lúc tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, ông đã lấy bí danh Tuệ Lãn, như một đức tin và sự nhắc nhở mình sống cống hiến xứng đáng với tinh thần khoa học nhân văn của hai vị danh y thuốc Nam.

Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất năm 1975, GS-TSKH Đỗ Tất Lợi một mình vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục giảng dạy, sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá các cây thuốc, vị thuốc Việt Nam và mở phòng mạch lấy tên Tuệ Lãn. Đây không chỉ là nơi khám, chữa bệnh mà còn là địa chỉ văn hoá cho những người quan tâm đến y học cổ truyền, trong đó có những anh chị em trong làng báo, làng văn thường xuyên lui tới.

Mặc dù được gần gũi trò chuyện với GS-TSKH Đỗ Tất Lợi rất nhiều lần, nhưng tôi nhớ mãi hình ảnh lần đầu được gặp ông. Đó là một sáng mưa xuân 1995, trời lành lạnh, một cụ già mặc áo ấm, dáng vẻ "tiên phong đạo cốt" nở nụ cười an nhiên ung dung ra mở cửa đón khách.

Căn nhà giản dị đầy hương vị thuốc Nam ở gần ga Sài Gòn. Mọi sinh hoạt tự ông lo liệu. Gia đình vẫn ở ngoài Hà Nội. Giữa thành phố náo nhiệt mà trông ông như người ẩn cư với đời sống nhẹ nhàng, thanh đạm. Dù tuổi đã cao nhưng tình yêu say mê thuốc Nam vẫn còn cháy bỏng trong lòng ông như thời trai trẻ.

Nhìn lại hành trình đầy cam go của mình, GS Đỗ Tất Lợi cảm thấy vui và tự hào: "Trong kháng chiến chống Pháp và nhất là sau 1954, từ quân đội tôi được chuyển về Trường Đại học Y dược Hà Nội, dựa vào phương châm kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học khoa học hiện đại, bản thân tôi đã tham gia đào tạo những dược sĩ biết sử dụng, bào chế cả thuốc Tây lẫn thuốc Đông y (thuốc Nam, thuốc Bắc), đào tạo cả những bác sĩ biết sử dụng kê đơn thuốc y học cổ truyền (vì tôi là người dược sĩ đầu tiên được mời tham gia xây dựng và giảng dạy, viết và in giáo trình giảng dạy trong bộ môn Đông y của Trường Đại học Y dược Hà Nội từ những năm 1965 - 1966)".

Nhưng rồi ông cũng bùi ngùi trước thực tại: "Tiếc rằng, chúng ta đã sử dụng và đối xử với những bác sĩ, dược sĩ được đào tạo cả về Tây y lẫn Đông y đó chưa tốt, cho nên, chắc anh chưa quên, một thời gian những sinh viên y ở Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, khi được phân công theo chuyên khoa Đông y thì coi như bị lãnh án tử hình. Đáng buồn hơn, có một số dược sĩ từng làm luận văn tốt nghiệp với tôi về dược liệu khá tốt, lại van xin tôi đừng cho mọi người biết mình là dược sĩ làm tốt dược liệu, vì hoạt động về dược liệu vất vả, khó sống lắm".

Gia tộc "nhà Mai Lĩnh" và niềm say mê văn chương

Ngoài thuốc Nam, GS-TSKH Đỗ Tất Lợi rất yêu chữ nghĩa, thích thú văn chương. Đây là lẽ đương nhiên đối với một người sinh trưởng trong gia tộc "nhà Mai Lĩnh" mà bản thân ông rất lấy làm tự hào. Cùng với Hàn Thuyên, Đời Nay, Tân Dân… Mai Lĩnh là một trong những nhà xuất bản tiêu biểu trước năm 1945 quy tụ và ấn hành tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Đào Trinh Nhất, Phạm Cao Củng, Phan Khoang…

Nhà xuất bản Mai Lĩnh với hệ thống kinh doanh in ấn, phát hành sách báo rộng rãi do ông nội của Đỗ Tất Lợi là nhà nho yêu nước Đỗ Văn Phong chỉ đạo cho gia đình thành lập ở quê nhà Phúc Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn…

Ông Đỗ Văn Phong vốn hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp bắt đày biệt xứ tận đảo Guyane thuộc Nam Mỹ. Ông vượt ngục trốn sang Canada, tìm đường về Trung Quốc, rồi đi tàu thuỷ lần về Sài Gòn và ẩn mình ở miền Tây Nam Bộ tiếp tục hoạt động cứu nước. Từ ý tưởng và chỉ đạo của ông, gia tộc họ Đỗ đã thành lập Nhà xuất bản Mai Lĩnh, ấn hành tờ "Tiểu thuyết thứ ba", "Hải Phòng tuần báo", ưu tiên in ấn các tác phẩm chống đối chế độ thực dân phong kiến.

Nhà Mai Lĩnh có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn hoá, khơi dậy tinh thần yêu nước trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ghi nhận đóng góp ấy, một cuộc toạ đàm về Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã diễn ra vào tháng 4-2018 tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội.

Từ nhỏ, Đỗ Tất Lợi đã phải sống xa bố mẹ, xuống "nhà Mai Lĩnh" Hải Phòng ở với bà nội và mấy chú để ăn học. Nhà có cửa hàng sách báo. Mỗi sáng sớm, việc đưa báo đến tay người đọc là rất cần thiết, vì họ muốn đọc báo trước giờ đi làm.

Báo từ Hà Nội gửi về Hải Phòng thường khoảng nửa đêm, có khi ba bốn giờ sáng. Các thành viên gia đình Mai Lĩnh xúm nhau chia báo. Tờ mờ sáng, trước khi đi học, cậu bé họ Đỗ giúp các chú đưa báo đến nhà người đặt mua. Bán báo, Đỗ Tất Lợi cũng mê đọc báo. Vì lẽ đó, thói quen đọc báo về sau trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với ông trong cả cuộc đời.

GS-TSKH Đỗ Tất Lợi và học trò ruột - lương y Nguyễn Đức Nghĩa.


Thích đọc báo, mê văn chương, lúc nhỏ Đỗ Tất Lợi đã ham đọc tiểu thuyết thần tiên, lịch sử, kiếm hiệp như "Tiếng sấm đêm đông" viết về Ngô Quyền, "Cờ lau khởi nghĩa" viết về Đinh Bộ Lĩnh... Tuy nhiên, do người lớn cấm con nít đọc truyện nên ông phải nhờ bạn bè thuê giùm truyện của nhà mình để trộm đọc.

Ông bảo rằng: "Ngẫm lại bản thân mình, tôi thấy nhiều người không muốn cho con em đọc sách thần tiên, lịch sử như "Phong thần", "Tây du", "Phong kiếm xuân thu"… là không nên. Tình yêu khoa học của tôi chính được nảy nở từ lúc được đọc những tiểu thuyết như thế, hay xem những buổi xiếc ảo thuật. Sau này tôi nhanh chóng yêu thích những môn khoa học tự nhiên như lý, hoá, chính vì tôi thấy những môn học này giúp con người gần như thần tiên, mà các cuốn truyện tôi đọc hồi bé đã gợi trí tưởng tượng".

GS Đỗ Lất Lợi còn tâm sự rằng lớn lên mình rất mê truyện hiện đại Việt Nam, nhất là tác phẩm của ba nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng sáng tác trước năm 1945. Và ông còn bảo: "Ở miền Nam, chưa đọc Hồ Biểu Chánh thì chưa biết được nhiều về Nam Bộ"! Nhờ đọc truyện, ông bổ khuyết được nhiều kiến thức quan trọng về Đông y, đặc biệt qua các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác giả của "Tắt đèn" có người em ruột là ông lang mở cửa hàng thuốc ở Hà Nội, nên cụ biết rất rõ mặt trái của các thầy lang và đã phản ánh sâu sắc trong tác phẩm của mình.

Tôi nghĩ nếu không được thừa hưởng không khí văn hoá nhà Mai Lĩnh và yêu chữ nghĩa, văn chương thì GS Đỗ Tất Lợi dù có tư liệu phong phú đến đâu cũng khó thể hiện thành công bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" một cách khoa học mà dễ đọc, phổ biến thông dụng đến mọi người đọc, nghiên cứu ở trong nước lẫn thế giới!

Hùng Phan

.