Thúy Lan - Giọng hát không thể quên

Chủ Nhật, 27/10/2019, 16:27
Một tật không ít nghệ sỹ có chút tài năng, bắt đầu được nhiều người biết đến dễ mắc phải là thói kênh kiệu, hợm hĩnh. Nói theo cách nói hiện nay là bệnh “chảnh”, “ngôi sao”. Thúy Lan không như vậy mà vui vẻ, giản dị, hòa đồng và rất khiêm nhường, biết mình biết người. 


Trong làng thanh nhạc, nói đến Thúy Lan - NSƯT, ca sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) - không ai không biết. Chị sở hữu một giọng hát quý hiếm: Âm sắc sáng, trong, âm vực rộng, ngọt ngào, có chiều sâu, mềm mại, nuột nà, đủ độ dày cần thiết để chuyển tải những ca khúc có yếu tố kịch tính hoặc giàu tâm trạng. Chị có cách xử lý tác phẩm rất thông minh mỗi khi thể hiện với cảm xúc phong phú và lối hát có lửa. Chị nằm trong số ít những ca sỹ tạo được sự “độc  quyền” trong nghề nghiệp - nghĩa là làm nên được “cái bóng” mà người khác, đặc biệt là lớp ca sỹ sau chị khó vượt được.

Là ca sỹ của Đài  TNVN, công việc ăn lương của chị là thu thanh ca khúc. Vậy nên trong suốt mấy chục năm làm việc, chị từng thu thanh hàng trăm bài. Tất nhiên số bài “thường thường bậc trung” hoặc dưới trung bình (về tác phẩm) vẫn nhiều hơn, chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng ít nhất chị đã hát hai bài đóng đinh trong tâm khảm thính giả mà ca sỹ khác hát không vượt qua được chị. Đó là “Chiều biên giới” của nhạc sỹ Trần Chung và “Đất nước tình yêu” của cô giáo có tên Lệ Giang. Nói đến ca sỹ Thúy Lan, trước hết người ta nghĩ ngay đến hai ca khúc này.

Tôi nhớ một lần cách nay đã khá lâu, cố nhạc sỹ Trần Chung khoe với tôi bài hát “Chiều biên giới” mới sáng tác. Ông cũng nói thêm là lấy làm rất tiếc khi một ca sỹ đã thu thanh bài này đúng lúc ông đi công tác, không có mặt ở Hà Nội. Khi về, ông nghe thấy bài hát cứ trôi tuột đi. Ở Đoàn Ca nhạc Đài TNVN khi ấy (tiền thân của Nhà hát Đài TNVN hôm nay), các nữ ca sỹ như Kim Oanh, Thu Phương, Tuyết Thanh, Thanh Hoa đang rất nổi.

Chưa kể nhiều ca sỹ biên chế ở các đơn vị nghệ thuật khác cũng rất đình đám như Thu Hiền, Lê Dung, Bích Việt, Thanh Hòa… Nhưng Trần Chung vẫn nhắm vào Thúy Lan để muốn chị thu lại mặc dù lúc này chị chưa nổi bằng những tên tuổi trên. Ông nói với tôi: “Mình sẽ nhờ Thúy Lan thu lại bài này. Hy vọng cô ấy sẽ không để phí một ca khúc mình rất tâm huyết, mất nhiều thời gian hoàn thành”.

Cố NSƯT Thúy Lan trong một lần biểu diễn cùng dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Quả là sau đó Thúy Lan đã hát rất thành công bài này. Chị kể rằng đã thu đi thu lại tới dăm bảy lần mới ưng ý, đến mức thuộc lòng bài hát (phần nhiều ca sỹ chuyên nghiệp chỉ thu cùng lắm đến lần thứ 3 là được).

Bài hát này, như đã nói, trước đó cả năm, thi thoảng vẫn được phát trên làn sóng. Nhưng không ai để ý bởi đã bay vèo vào không gian, không đọng lại được ấn tượng gì trong lòng người nghe. Vậy mà đúng như tác giả tiên liệu, ngay sau khi phát băng do Thúy Lan thu một vài lần, đã có nhiều thư của thính giả gửi về Đài yêu cầu được nghe lại.

Và một thời gian không lâu sau đó, bài hát trở nên nổi tiếng. Và cái tên Thúy Lan cũng được tô đậm, quen thuộc thêm từ đấy. Sở dĩ nói vậy vì trước đó, chị đã hát bài “Đất nước tình yêu” rất hiệu quả trên sóng phát thanh, được thính giả bắt đầu để ý (Khi em nói yêu anh, vườn cây đầy hoa trái. Khi anh nắm tay em, mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà….). Đây là một trong những bài hát đặc sắc, có giá trị về đề tài đất nước, đồng thời là một bài tình ca hay.

Lúc chưa qua đời, nhớ lại những kỷ niệm về cuộc đời ca hát của mình, có lần Thúy Lan kể với tôi về việc thâm nhập những ca khúc mà chị sẽ thu thanh cũng như biểu diễn trên sân khấu. Riêng với bài “Chiều biên giới” của Trần Chung, chị dành rất nhiều thời gian nghe tác giả hát đi hát lại nhiều lần để thấm cái hồn của tác phẩm, rồi nghe ông nói chuyện về tình hình biên giới (khi đó đang còn rất căng thẳng ở biên giới phía Bắc). Nhưng Thúy Lan đề nghị với nhạc sỹ:

- Anh cho phép em thể hiện bài này theo hướng sâu lắng, mềm mại bởi bài hát tuy nói về biên giới nhưng lại đề cập đến đời sống tâm hồn của người chiến sỹ nơi biên cương mà họ lại còn rất trẻ, luôn lạc quan, yêu đời và lãng mạn.

Nhạc sĩ Trần Chung rất tâm đắc với ý nghĩ đó của Thúy Lan, nói:

- Suy nghĩ của em rất trùng khớp với anh. Như vậy là rất chuẩn. Em cứ việc thả sức sáng tạo trên tinh thần ấy.

Buổi thu thanh, Trần Chung đã không có mặt bởi ông rất tin vào người ca sỹ thông minh, nắm bắt được đúng ý đồ sáng tác của mình. Và “Chiều biên giới” sau khi Thúy Lan thu xong, tác giả đã hoàn toàn mỹ mãn. Quả là không thể có sự thể hiện nào hoàn mỹ hơn.

Rồi bài hát nhanh chóng lan truyền trong các hội diễn ca nhạc ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên nghiệp bởi giai điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng, ca từ dung dị như chính tình yêu đích thực của tuổi trẻ trên miền biên cương: “Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào xanh hơn như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta…”. T

rữ tình, lãng mạn mà không ủy mị, vẫn rắn rỏi, trong sáng, khỏe khoắn. Ranh giới của những tính chất, màu sắc ấy trong ca khúc “Chiều biên giới” chính là điều tác giả cần người ca sỹ phải hát cho ra. Và Thúy Lan đã hoàn tất xuất sắc.

Một tật không ít nghệ sỹ có chút tài năng, bắt đầu được nhiều người biết đến dễ mắc phải là thói kênh kiệu, hợm hĩnh. Nói theo cách nói hiện nay là bệnh “chảnh”, “ngôi sao”. Thúy Lan không như vậy mà vui vẻ, giản dị, hòa đồng và rất khiêm nhường, biết mình biết người. Tôi có nhiều ca khúc được chị thể hiện trên làn sóng Đài TNVN nên mối quan hệ với chị khá cởi mở, thân thiết. Càng lâu, tôi càng thấy ở chị có những phẩm chất thật đáng quý, không dễ ca sỹ nào cũng có được. Khi chị bắt đầu nổi, tôi nhờ chị thu thanh cho bài hát “Nước về xanh lại đồng ta” viết về ngành thủy lợi Lạng Sơn.

Sau khi nghe tôi hát qua, chị vui vẻ nhận lời. Mấy hôm sau, chị đề nghị mời thêm ca sỹ Tiến Thành cùng song ca với chị vì chị cho rằng bài hát nên thể hiện bằng hình thức song ca nam nữ sẽ hiệu quả hơn là hát đơn ca.

Tôi đồng ý và hai nghệ sỹ đã thu rất thành công. Khi nghe trên đài, đồng chí Giám đốc Ty Thủy lợi Lạng Sơn rất thích, đã cho xe về Hà Nội đón tôi cùng Thúy Lan và Tiến Thành lên chơi. Nhưng hai ca sỹ bận công việc, không thể nhận lời. Chỉ một mình tôi đi. Ngày ấy, các nơi hậu đãi nghệ sỹ thường chỉ là quà bằng hiện vật chứ không có phong bì như bây giờ.

Hôm đó đã sát Tết Nguyên đán. Họ tặng chúng tôi mỗi người mấy cân gạo nếp, giò và thịt bò, thịt lợn để ăn Tết. Xe chở về tận nhà. Tôi phải chở bằng xe đạp đem phần của hai ca sỹ đến nhà họ ở khu tập thể Đài tại phố Đại La (ngày ấy chưa phổ biến xe máy, cũng ít thấy taxi). Thúy Lan nhất định không nhận, có ý nhường tôi. Tôi phải nói mãi rằng như vậy thì ăn nói sao với Lạng Sơn vì họ nhờ tôi chuyển chứ đâu phải quà của tôi.

Nói mãi chị mới nhận. Và như vậy thì Tiến Thành cũng mới làm theo. Nhắc lại kỷ niệm này, tôi lại bồi hồi nhớ đến hai ca sỹ tài năng, có giọng hát không thể thay thế đều đã qua đời. Tôi cũng nhớ lại câu chuyện đau lòng xảy ra vào đêm  24-11-1984 khi Tiến Thành cùng nghệ sỹ hát chèo nổi tiếng Như Hoa bị tử vong bởi một tai nạn giao thông sau khi tốp diễn viên của Đài vừa hoàn thành một chuyến biểu diễn. Lần ấy, Thúy Lan bị thương nặng nhưng may mắn qua khỏi. Chị bị chấn thương nhưng đáng mừng là không mấy ảnh hưởng đến giọng hát để sau đó vẫn tiếp tục sự nhiệp và gặt hái được thêm nhiều thành công.

Không như một vài nghệ sỹ có thói không hay là đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp, nhất là những người tài giỏi hơn mình, Thúy Lan tôn trọng người khác và rất biết mình, biết người. Chị được mọi người quý trọng bởi tính cách này.

Năm 1989, sau khi chị đã hát thành công cho tôi nhiều ca khúc, tôi lại nhờ chị thu cho bài “Chiều nắng” mới sáng tác. Sau khi nghiên cứu kỹ, chừng một tuần sau, chị đề nghị tôi nên mời Thanh Hoa thu, sẽ rất hiệu quả vì chị cho rằng giọng Thanh Hoa nghiêng về dân gian trong khi giọng chị lại rõ chất thính phòng hơn mà bài của tôi lại đậm đặc phong vị dân ca.

Tôi rất thích giọng Thanhh Hoa nhưng lúc này chị đang rất nổi, được khắp nơi mời diễn nên sợ chị không có thời gian thu. Nhưng Thúy Lan nói: “Chị Hoa rất đắt “sô” nhưng công việc của đài thì chị ấy nghiêm túc. Anh cứ nói biên tập mời Thanh Hoa là chị ấy sẽ hát, coi như nhận nhiệm vụ”. Tôi nghe theo lời Thúy Lan, đã mời Thanh Hoa. Sau đó, bài hát có số phận tốt, trở nên quen biết, được nhiều nữ ca sỹ tìm đến. Sau này, có lần Thúy Lan nói với tôi: “Đấy, anh phải cảm ơn em đã xui anh mời Thanh Hoa nên bài hát đã nổi lên, chứ nếu em thu thì chưa chắc đã như vậy”. Tôi vô cùng cảm kích ý nghĩ thật khiêm tốn và chân thành của chị.

Thúy Lan sinh năm 1955, quê ở làng Nhân Chính (Hà Nội). Chị qua đời ngày 27-12-2015 khi giọng hát vẫn còn sung mãn. Sự ra đi sớm của chị để lại cho bè bạn và công chúng nỗi luyến tiếc lớn bởi bầu trời thanh nhạc Việt Nam đã khuyết đi một ngôi sao sáng, không dễ tìm.

Nguyễn Đình San
.
.
.