Nhớ về ông, nhà điêu khắc tài hoa
Nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục (1883 - 1945) là ông ngoại tôi. Mẹ tôi là con gái thứ của cụ. Cụ có hai bà. Bà ngoại của tôi là bà cả. Bà ngoại sinh ra bác tôi, mẹ tôi và cậu tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Bà hai sinh ra ba dì và một cậu nữa. Trong đó, hai dì tôi là hai người con gái cực đẹp.
Dòng ngoại của tôi quê ở Quế Ổ, cách thị xã Bắc Ninh vài cây số. Làng này là một làng nghề, có từ rất lâu đời. Ông ngoại tôi, nghề gốc gác là thiết kế đồ gỗ. Người trong họ truyền lại rằng ông tôi giỏi nghề khi chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi. Nói đến đồ gỗ bao gồm hàng trăm thứ, từ bàn ghế giường tủ, rồi sập gụ tủ chè, tủ đứng chứa quần áo và các đồ dùng của một gia đình, đến tất cả các loại tủ; rồi ghế cũng đủ các loại, cho đến chiếc ghế mà trong hoàng cung gọi là ngai. Chỉ riêng ghế với bàn cũng có tới hàng trăm thứ để đáp ứng cho đủ các loại phòng ốc. Kèm theo với ghế và bàn là hàng nghìn họa tiết…
Cụm tượng con trâu, nông dân vác cày được dựng ở vườn hoa Chí Linh (Hà Nội) trước đây do nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục thực hiện. |
Theo lời kể lại, truyền lại thì ông ngoại tôi là một người vô cùng sáng dạ, thông minh. Ông cũng lại là người rất khéo tay, tới mức có những họa tiết cổ từ nhiều đời truyền lại, ông tôi đều tạc được, biên, kê được ra và dựng nên. Một cặp ghế tựa có lưng tựa thẳng và vững chãi, với hai tay ghế để làm hai chỗ đỡ tì hai cánh tay có chi tiết các họa tiết phỏng theo chim muông, trông như chim sa cá lặn, mây bay v.v... đều do ông ngoại của tôi cùng với các cụ khác trong làng Quế Ổ vẽ ra dựng nên; sau đó đưa vào khâu chế tác sơn son thếp vàng. Nếu các bộ bàn ghế đó vào các nhà đại thần, chúng sẽ được phủ một lớp sơn mài với các họa tiết rất khéo léo như chim sa, cá lặn, núi non sơn thủy hữu tình...
Ông ngoại tôi dựng nên hàng trăm, hàng ngàn các họa tiết, nội dung của các họa tiết này là những cảnh trí, chim muông, các con thú yêu... Từ nghề này, khi đã hoàn toàn làm chủ được các kỹ năng khó nhất, ông ngoại tôi nghiền ngẫm sang nghề khác như tạc tượng. Ông tạc cả phù điêu để đáp ứng đòi hỏi cho các thợ dựng đình, đền, chùa của khắp các làng quê của Bắc Ninh và các tỉnh xung quanh, theo nhu cầu tế tự của cõi tâm linh người Việt ta thời bấy giờ. Chúng ta đều biết, qua tám triều vua Lý, tỉnh Bắc Ninh có thể ví như hậu cung của các Hoàng đế nhà Lý dằng dặc nối ngôi nhau trị vì non sông. Đó là một thời vô cùng huy hoàng, một thời thái bình thịnh trị với văn nghiệp hiển hách, với võ công oai hùng. Tỉnh Bắc Ninh thời ấy khác xa bây giờ. Diện tích thực nhỏ hơn nhiều, số làng xã ít hơn nhiều, đâu như khoảng bảy tám chục làng xã thôi. Nhưng số làng nghề toàn tòng có tới sáu bảy chục làng…
Thời bấy giờ các làng nghề ở Bắc Ninh đều có một tiêu chuẩn là làm ra những sản phẩm để tiến Vua. Vì Vua và Hoàng tộc là người ngay trong tỉnh này. Đáp ứng được nhu cầu cao cấp tột bậc đó, cũng là một tiêu chí mang tính động viên tưởng thưởng. Nhất là các sản phẩm đồ gỗ mà thợ nghề ở làng của ông ngoại tôi và các làng khác chế tác, thì nhà vua và Hoàng tộc trực tiếp sử dụng, do vậy các sản phẩm đó có thể nói đã vào phẩm cấp liệt hạng.
Cho đến năm người Pháp bắt đầu xây Nhà hát Lớn thành phố, ông ngoại tôi được Hội đồng xây dựng Nhà hát của Pháp triệu tập để thiết kế các hoa văn nội thất của Nhà hát như hoa văn trên vòm trần, hoa văn trên đường viền sân khấu, hoa văn chạy dọc chạy ngang ở những chỗ cửa ra vào, cửa ngách, hành lang v.v... Nhà hát Lớn thành phố là Nhà hát được sao lại một cách cẩn thận và chi tiết từ một nhà hát ở Thủ đô Paris (cái năm Cộng hòa Pháp giúp Hà Nội sửa chữa lớn Nhà hát cách đây ít lâu, họ đã đem theo sang Việt Nam toàn bộ các bản thiết kế các họa tiết và hoa văn được vẽ bằng ngòi bút của ông ngoại tôi. Tôi đã được thấy tận mắt: Mỗi khúc hoa văn nếu kết đoạn, đều có chữ ký của ông ngoại tôi).
Sau này, người Pháp gọi ông ngoại tôi về Hà Nội dạy thiết kế đồ gỗ ở Trường Bách Nghệ. Học sinh theo học bấy giờ có ông Ngô Gia Khảm và ông Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt). Người Pháp còn đưa ông ngoại tôi vào làm giám thị ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ở đây mới mở khoa đồ họa, là môn mà ông ngoại tôi rất giỏi.
Cái năm tôi lên 5, lên 6 tuổi, tôi hay được ở với ông ngoại tôi (nhà ở Phố Huế). Tôi nhớ chỗ làm việc của ông tôi là một phòng rộng để đầy tượng. Sau này tôi được mẹ tôi kể lại: Một hôm người Pháp đến bảo với ông ngoại tôi là tham gia dựng một cụm tượng tại vườn hoa Chí Linh mà thời đó gọi là vườn hoa Canh Nông. Trong cụm tượng đó, trên đỉnh một bệ cao là cụm lính Pháp đứng chĩa súng về phía Cột Cờ trong Hoàng thành, còn dưới chân cái bệ đá là cụm tượng có người nông dân vác cầy trên vai và đi sau một con trâu. Ông ngoại tôi đã dứt khoát từ chối việc nặn cụm lính Pháp (có hai tên) ở trên đỉnh bệ cao, với lý do là ông tôi không có chuyên môn về nặn tượng lính Tây. Còn phần dưới cụm con trâu, nông dân vác cầy thì ông ngoại tôi nhận làm, vì lý do tại sân nhà cụ ở quê, cụ đã có sẵn cụm tượng đó. Cụ tạc cụm tượng này là do cụ thích và yêu những gì có ở quê hương. Khi người Pháp đến đặt ông ngoại tôi về chuyện tượng đài ra về rồi, thì mẹ tôi hỏi ông ngoại tôi: "Vì sao thầy không nhận tạc hai anh lính Pháp đó?". Ông tôi cười nói: "Để ngày nào hai cái anh ấy cũng chĩa súng về phía Cột Cờ của Hoàng thành à? Đó là mối nhục, con nghe chưa". Trong ba cô con gái của ông ngoại tôi, ông yêu quý mẹ tôi nhất. Ông hay bảo mẹ tôi ngồi làm mẫu cho ông nặn các bức tượng mà ông dự định làm.
Thế rồi, một ngày, có một người Ấn Độ đến gặp ông ngoại tôi và đặt một bức tượng chân dung ông ấy. Mẹ tôi kể, cứ ba tháng nghỉ hè, ông ngoại tôi tạc được 2 bức tượng. Mỗi bức ông ngoại tôi bán được 500 đồng Đông Dương. Số tiền ấy đủ cho ông tôi mua được hai tòa nhà mặt phố. Các con của ông ngoại tôi mỗi người đều được ông cho một tòa nhà.
Ông ngoại tôi bằng lòng nặn tượng cho người Ấn Độ đó. Trong lúc ngồi để ông ngoại tôi nặn tạc, người nọ trông thấy các bản vẽ thiết kế đồ gỗ treo quanh phòng. Ông ấy lên tiếng hỏi. Khi ông ngoại tôi nói lai lịch các bản vẽ thì người Ấn Độ ấy cho biết ông ta là một chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông ta vui mừng bảo ông ngoại tôi là ông ta muốn nhập các sản phẩm này, và muốn đặt ở Hà Nội một xưởng chế tạo các sản phẩm đồ gỗ xuất sang Ấn Độ. Ông ngoại tôi nhận lời và cũng nhận luôn ở ông ấy kỹ thuật chế tạo Cà ri và cho bà ngoại tôi đứng tên mở chi nhánh chế tạo bột Cà ri tại Hà Nội, rồi sản xuất bán ra cả nước, làm gia vị rất thơm ngon cho các bếp của các gia đình.
Ông ngoại tôi mất năm 1945. Năm 1947, cả nhà chúng tôi tản cư lên Việt Bắc. Trên nhà của ông ngoại tôi cơ man là những bức tượng đẹp. Chúng đã bị thiêu hủy toàn bộ trong công cuộc tiêu thổ kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta