Nhà văn hóa bách niên Hữu Ngọc: Trong văn hóa không có biên giới

Thứ Năm, 11/10/2018, 08:20
Nhà văn hóa Hữu Ngọc là một trong số không nhiều  tác giả viết sách về văn hóa có lượng bạn đọc đông đảo. Những cống hiến của ông cũng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài.


Đầu tháng 10, ở tuổi 100, ông được Hà Nội vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô. Trao đổi với chúng tôi dịp này, ông đã chia sẻ khá nhiều câu chuyện bất ngờ quanh các công trình văn hóa mà ông thực hiện trong suốt 2/3 thế kỷ qua.

-  Nhiều người gọi ông là "nhà xuất nhập khẩu văn hóa". Lớn lên giữa thời Pháp thuộc, sau đó là chiến tranh. Vì sao ông lại chọn công việc này?

+  Đấy là bạn bè họ nói đùa tôi thôi. Tôi từng tốt nghiệp tú tài trường Bưởi, đi dạy tư ở các trường trung học ở miền Trung. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi gặp bạn cũ là nhà thơ Huy Cận. Theo lời khuyên của Huy Cận, tôi ra Hà Nội. Sau đó tôi về Nam Định, vì ở đó có trường Trung học Nam Định, cần giáo viên tiếng Anh. Lúc này quân Pháp vẫn ở trung tâm Nam Định, bị ta vây xung quanh.

Tôi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa kháng chiến Nam Định. Một hôm Tỉnh ủy họp, yêu cầu có tờ báo tiếng Pháp để phục vụ tuyên truyền.  Tôi được giao làm Tổng biên tập. Từ sự ngẫu nhiên của năm hai mươi mấy tuổi ấy mà tôi thành "nhà xuất nhập khẩu văn hóa".

Hình ảnh nhà văn hóa Hữu Ngọc do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trao tặng được treo trang trọng trong phòng làm việc của ông.

- Nhưng văn hóa nước ngoài thì mênh mông và văn hóa Việt Nam cũng là phạm trù rất rộng. Ông lựa chọn như thế nào khi giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài?

+ Tôi chọn giới thiệu văn hóa với ý thức như thế này: Trong 80 năm mình bị Pháp đô hộ, đối với nước ngoài, về cái hay cái đẹp trong văn hóa của họ, mình không biết gì cả, trừ văn hóa Pháp và văn hóa Pháp cũng chỉ phổ biến ở một số thành phố thôi.

Thậm chí, có nhiều người thiển cận, hẹp hòi cứ cho cái gì Việt Nam cũng là nhất. Mình cố gắng giới thiệu những cái tinh túy của văn hóa nước ngoài vào để đối sánh. Trong thời buổi mới, nếu người Việt Nam cứ như nằm ở trong rọ cua, không biết gì về nước ngoài thì khó phát triển được.

Ngược lại, thời ấy, nhiều người nước ngoài cũng không biết Việt Nam là như thế nào, còn cho văn hóa Việt Nam là văn hóa Tàu, văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề đầu tiên tôi phải làm rõ là người Việt Nam có một nền văn hóa riêng. Nền văn hóa này chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Pháp và nhiều quốc gia khác, nhưng cơ bản là nền văn hóa của người Việt.

Tôi lấy hình ảnh văn hóa Việt Nam là cây đa 3.000 năm. Văn hóa Việt là cái gốc cây, là văn hóa đặc biệt sinh ra ở Đông Nam Á, là văn hóa lúa nước. Các cành cây là hình ảnh của văn hóa nước ngoài. Cái gốc của văn hóa Việt được xây dựng từ 1.000 năm trước Công nguyên rồi chịu ảnh hưởng của văn hóa nhiều nước.

Đầu tiên là Trung Quốc, từ 2.000 năm trước. Ảnh hưởng của phương Tây đầu tiên là Pháp, trong 80 năm. Từ năm 1945 đến 1975 là thời kỳ quốc tế hóa, chịu ảnh hưởng của các nước giúp ta đánh Pháp, đánh Mỹ. Từ thời kỳ đổi mới đến nay là thời kỳ toàn cầu hóa, chúng ta chịu ảnh hưởng khắp thế giới. Tôi dựa vào cái sườn ấy để nói với người nước ngoài về văn hóa Việt.

- Ông vừa chia sẻ là trước đây người nước ngoài không biết nhiều về văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam ít biết về văn hóa nước ngoài. Có khi nào ông cảm thấy mình đơn độc không?

+  Tôi chả thấy gì cả, biết đến đâu thì tôi nói đến đấy. Tôi có cái may mắn là sống ở thời phong kiến, Pháp thuộc, trong cả chiến tranh và hậu chiến tranh nên không chỉ có kiến thức sách vở mà còn có cả thực tế nữa. Làm Tổng biên tập 3 tờ báo đối ngoại bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tôi có nhiều dịp để tìm hiểu về văn hóa các nước. Nhờ các hoạt động đối ngoại, tôi có nhiều bạn bè ở nước ngoài. Họ giúp mình và hoàn cảnh cũng giúp mình.

- Ông sử dụng cách diễn đạt khá lạ với sách nghiên cứu là "Lãng du trong văn hóa". Vì sao ông chọn cách diễn đạt này?

+ Là tôi không muốn mình chỉ viết nghiên cứu văn hóa một cách hàn lâm, khô khan. Bây giờ mà làm bộ sử hay bộ gì đấy thì người ta phát chán. Lãng du tức là thấy cái gì hay thì viết, là làm nghiên cứu nhưng tìm một cách trình bày nó vui vẻ. Không những Việt Nam mà với văn hóa các nước, tôi đều viết theo cái mẫu đấy cả.

- "Phác thảo chân dung văn hóa" một đất nước, một vùng đất thường khiến nhiều nhà nghiên cứu e ngại. Ông thì rất tự tin, viết "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội"chỉ trong 3 tháng…

+ Trong nhiều chục năm, trước khi viết "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội", tôi làm báo. Tất cả những gì liên quan đến văn hóa Việt Nam, tôi đều phải theo dõi. Khi làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, muốn huy động người ta viết thì mình phải nắm được vấn đề. Viết thường xuyên trong vài chục năm, tôi có hàng nghìn bài báo. Khi làm sách cũng như mình sắp xếp lại.

Với "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội", không phải đợi đến khi được đặt hàng làm sách thì tôi mới tìm tòi, mới viết. Nội dung cuốn sách là những cái tôi đã thấy, đã viết rồi. Tôi sinh ra ở Hà Nội, sống ở Hà Nội nên Hà Nội của tôi là một Hà Nội sống chứ không chỉ là một Hà Nội sách vở, một Hà Nội rất sinh động chứ không phải hàn lâm.

Một góc "gia tài" của nhà văn hóa bách niên Hữu Ngọc.

- Cùng thời với ông, có nhiều người hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng "rẽ lối" sang hẳn con đường hoạt động chính trị. Đã bao giờ ông có ý nghĩ rằng mình nên chuyển hướng, phấn đấu làm quan chức chẳng hạn?

+  Làm văn hóa trước đây cũng là làm chính trị đấy chứ! Nhưng nói chung ý thức của tôi là như thế này. Chiến tranh chỉ là tạm thời. Hòa bình để sống với nhau trong cuộc đời mới lâu dài. Mà như thế thì phải hiểu văn hóa của nhau.

Sau khi hết chiến tranh Pháp, Nhật vài năm thì tôi viết văn hóa Pháp, văn hóa Nhật. Hết chiến tranh với Mỹ tôi viết văn hóa Mỹ. Bởi tôi nghĩ, người Việt Nam, người Mỹ, người Pháp, người Nhật sinh ra không phải để đánh nhau mà để sống hòa bình. Muốn hòa bình như thế thì phải để người Việt Nam hiểu văn hóa Pháp nó có cái hay như thế nào, văn hóa Mỹ, văn hóa Nhật có cái đẹp ra làm sao. Văn hóa Trung Quốc có cái gì tốt để mà dân tộc Việt Nam mình cần tìm hiểu và ngược lại. Đấy là mục tiêu chính của tôi.

Có một chuyện khá vui là cuốn "Viet Nam: Tradition and Change" (Việt Nam: Truyền thống và đổi mới") được Trường Đại học Ohio (Mỹ) xuất bản và phát hành trên thế giới. Sách tập hợp 100 bài viết của tôi về văn hóa Việt Nam. Sau chiến tranh, rất ít sách của Việt Cộng được xuất bản tại Mỹ. Hội Y - sỹ Việt Nam tại Mỹ biết về cuốn sách của tôi.

Theo tôi biết, mỗi năm, họ đều họp nhau bàn về văn hóa Việt Nam. Đọc cuốn sách của tôi, họ rất quý. Họ mời tôi viết 1 bài văn hóa Việt Nam. Tôi rất bận nên chỉ viết lá thư gửi sang, nêu về văn hóa Việt Nam. Thư sang muộn, không ngờ họ vẫn in thêm, trân trọng in bằng chữ đỏ, còn ghi cả sách của mình, ảnh của mình chụp ở Văn Miếu.

Tôi còn được biết, trong Hội này có mấy ông bác sĩ chống Cộng rất kinh khủng nhưng đọc sách, họ vượt qua biên giới chính trị, tìm đến mình. Như thế, trong văn hóa không có biên giới, không còn tồn tại biên giới.

- Cho phép tôi hỏi một câu cuối, không liên quan đến nghiên cứu văn hóa. Trong góc phòng của ông có khá nhiều tranh. Đây có phải là đam mê khác của ông?

+ Người ta cứ nói phải có nghệ thuật mới sống vương giả. Tôi thì chả có nghệ thuật gì đâu. Tôi vui với công việc của mình. Ví dụ thế này: Mới đây tôi nhận được lá thư của một người ở Việt Nam thời Pháp, năm nay gần 70 tuổi. Mẹ bà là người Việt, bố là người Pháp, bản thân bà là người Công giáo. Năm 10 tuổi, bà được bố mẹ đưa về Pháp rồi lấy chồng người Đức.

Nhớ lại thời trẻ ở Việt Nam, mong muốn được sống lại thủa ấu thơ nên bà đi tìm một cuốn sách nói về văn hóa Việt Nam. Bà nói bà đã đi hàng vạn km để mua cuốn sách của tôi. Cuốn sách làm bà vô cùng cảm kích nên muốn trở lại Việt Nam lần nữa. Hiện tại, bà vẫn đang để dành tiền và hẹn khi sang Việt Nam sẽ tìm gặp tôi… Đọc lá thư của bà, tôi rất cảm động. Đấy là niềm vui, là phần thưởng cao quý nhất của người viết.

- Xin cảm ơn ông!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

.
.
.