Kia
Mobifone

Nhà văn Nguyễn Trung Hiếu: Chất phác thật thà bao phủ

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:00
Có nhiều năm công tác trong ngành truyền thông báo chí, nhưng Nguyễn Trung Hiếu thuần túy là nhà văn, nhà báo, nhà thơ của một phía. Ấy là phía chính thống, phía cách mạng. Trong tư duy làm việc của Nguyễn Trung Hiếu rất ít khi có sự lật qua lật lại vấn đề này nọ. Ông anh coi việc làm thơ viết văn cũng giống một nhiệm vụ, mọi nhiệm vụ, mọi công tác cách mạng khác...


Khi tôi được 1 tuổi thì anh Nguyễn Trung Hiếu đã đi bộ đội ở Quảng Ngãi. Khi tôi lên 10 tuổi thì anh đã là thành viên của các nhà văn trẻ Việt Nam dự Đại hội Nhà văn trẻ đầu tiên ở Hà Nội năm 1959, cùng lớp với các nhà văn, nhà thơ: Nguyên Ngọc, Thu Bồn và chú em của các ông anh - nhà thơ Trúc Thông.

Khi tôi lớn lên được 19 -  20 tuổi, đi bộ đội rồi trở thành anh chiến sĩ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Và ông anh Nguyễn Trung Hiếu thì thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ Giải phóng Khu V. Bây giờ tôi đã 68 cái xuân xanh, còn ông anh Nguyễn Trung Hiếu thì đã bước một chân sang thế giới sang trọng của các cụ U90 rồi. Ôi ôi ôi, cái tuổi! Cái tuổi nó dám đuổi xuân đi à? Không!

Không đơn giản thế. Con người ta leo được lên cái bậc thang thứ 90 của cuộc đời là một sự nỗ lực đáng trân trọng. Trân trọng hơn là, cả cuộc đời hành quân từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam của ông phải vượt qua ba bốn cuộc chiến lớn vào loại nhất, tàn khốc vào hạng nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ông thuộc diện dai sức bền chí và giỏi giang thông minh, may mắn lắm lắm mới ung dung tỉa tót câu chữ cho một hợp tuyển thơ văn của mình vào cái đoạn  sau của cuộc đời. Đó là hạnh phúc.

Sáng nay ông anh gọi điện thoại cho tôi, giọng vẫn vang vang và lời vẫn chỉnh, âm vẫn tròn. Câu đầu tiên  bao giờ ông anh cũng hỏi thăm sức khỏe Trúc Thông. Rồi mới đến dặn dò việc tiến hành các bước theo quy trình giúp ông anh cái việc "chỉ đạo" các o trong nớ đánh máy, các biên tập viên ngoài ni biên tập và hoàn thiện bản thảo "Hợp tuyển thơ văn" của ông anh.

Nể ông anh thật. Tôi gọi ông là "anh" từ lần đầu gặp đến bây giờ. Có đôi lần tôi muốn chuyển đổi sang cơ chế "chú cháu" nhưng cả hai đều cảm thấy không thuận. Thế là vẫn đâu hoàn đấy. Ông anh bảo tôi, bọn mình đều là lính đều là nhà văn nhà nghệ sĩ cả, anh anh em em nghe cho nó gần gũi, thân tình hơn. Phải nói là "đã" hơn.

Cái duyên cái số cái tử vi của tôi thế nào mà sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, mười bảy mười tám đôi mươi đã phải đi bộ đội và vô Nam để thành ra người con của miền Trung - Tây Nguyên, của Khu V gian lao và anh dũng. Tôi may mắn quen thân với các anh lớp văn nghệ sĩ trước như bác Hoàng Châu Ký, bác Phan Huỳnh Điểu rồi đến các anh Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thu Bồn, Thanh Thảo, Thanh Quế, Nguyễn Trung Hiếu.

Ông anh là lính tập kết ra Bắc, được mấy năm hòa bình và sau đó gặp thời miền Nam dưới ách đen tối nhất của chế độ Mỹ Diệm, ông anh ngoài 20 tuổi, là chàng trai cứng cỏi, lớp "anh bộ đội Cụ Hồ", xung phong trở về Nam chiến đấu và theo đuổi văn thơ báo chí cách mạng miệt mài cho đến tận bây giờ. Đọc hợp tuyển của ông anh, ta thấy rất rõ các chặng đường đời của Nguyễn Trung Hiếu.

Khi văn, khi thơ, lúc báo, khi chỉ là anh cán bộ chạy của cách mạng đi công tác vùng ven, vùng địch và vùng Giải phóng. Suốt dọc theo đường đời của ông anh, tôi bắt gặp hình tượng nổi bật lên trên hết là các bà mẹ. Mẹ trong vùng địch dùng cây đèn đầu làm ám hiệu cho các con Giải phóng. Mẹ vùng Giải phóng lo bữa cơm, củ mì cho các con trên đường công tác. Mẹ vui khi các con được việc, hoàn thành nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng, mẹ nhớ các con, nhớ tên từng "thằng", nhớ tánh tình, hình dong mỗi đứa. Mẹ mong các con tranh thủ về thăm chơi với bà con, nhưng các con bận nhiều chuyện quá, việc thăm nom cứ thưa dần, thưa dần….

Mẹ đau cái đau không thể nói nên lời khi mẹ bắt gặp cái tin thằng Huy là cán bộ hư, tham ô biển lận của công.

            Một hôm tình cờ
            Có tin thằng Huy giám đốc
            Ăn cắp 5 tỷ đồng bị bắt
            Mẹ đờ người
            Vứt củ khoai đang ăn  

            "Trời đất"!
            Mắt mẹ nhòa
            Trời mưa trắng đục
            Và suốt cả chiều mưa

            Bên mấy củ khoai sùng
            Mẹ thẫn thờ tựa cửa
            Nhìn ra…

Nói Nguyễn Trung hiếu là người thật thà chất phác thì quá dễ. Dễ vì từ bé chí lớn ông anh sống trong môi trường của sự chất phác thật thà bao phủ. Bản tính nhu mì hiếu thuận chầm chậm, từ từ, không có máu nóng đấu tranh hơn thua, không có tính hiếu thắng của ông anh đã thành ra tính cách, thành ra số phận. Nhưng bản tính ông anh lại sẵn có dư lượng nhường nhịn chịu thương chịu khó.

Nhà văn Nguyễn Trung Hiếu và vợ.

Có nhiều năm công tác trong ngành truyền thông báo chí, nhưng Nguyễn Trung Hiếu thuần túy là nhà văn, nhà báo, nhà thơ của một phía. Ấy là phía chính thống, phía cách mạng. Trong tư duy làm việc của Nguyễn Trung Hiếu rất ít khi có sự lật qua lật lại vấn đề này nọ. Ông anh coi việc làm thơ viết văn cũng giống một nhiệm vụ, mọi nhiệm vụ, mọi công tác cách mạng khác.

Đã mặc định như thế và cứ như thế mà lo mà làm, không phức tạp và càng không sợ sai… Phải đúng. Đúng như nghị quyết!

Ở miền Trung Tây Nguyên, hay nói gọn hơn là ở Khu V, cho đến bây giờ, có một đội ngũ khá đông đảo các nhà văn, nhà thơ là cán bộ cách mạng. Trước hết là cán bộ. Sau đó mới là nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Họ coi việc viết văn viết thơ cũng đồng thời là làm nhiệm vụ của cơ quan, của cách mạng.

Sự đồng nhất của sáng tạo văn học nghệ thuật với công tác cách mạng, thực ra lâu nay ít hay đúng hơn, chưa có ai nghiên cứu, ít có ai "đặt vấn đề", thành vấn đề. Thử chính các nhà văn nhà thơ cũng không thấy có ai lấy đó làm điều. Họ yên lòng với cái cách định danh hẳn nhiên thế rồi, chả việc gì phải mất công coi lại.

Ông anh nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà cách mạng Nguyễn Trung Hiếu là một điển hình của giới văn nghệ sĩ khu V chúng tôi là như thế. Xin nhiệt liệt chúc mừng cuốn hợp tuyển của ông anh trên dưới ngàn trang chuẩn bị ra đời. Đó là một niềm vui niềm vinh dự tự hào của riêng anh và của cả thế hệ mình.

Trung Trung Đỉnh

.
.