Người gieo con chữ trên đôi chân tật nguyền

Thứ Tư, 09/12/2015, 08:00
Là học sinh giỏi nhiều năm liên tục, Bùi Văn Bình, sinh năm 1979 ở thôn Yên, xã Kim Truy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) bỗng nhiên bị sốt co giật, phải nằm liệt giường. Bình vừa may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" thì chân tay anh bị tê liệt, không cử động được. Ước mơ vào giảng đường đại học tan biến, Bình nuốt giọt nước mắt đắng cay vào lòng.

Chán nản, suy sụp, đã có lúc Bình nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân. Nhưng rồi, vốn là thanh niên nghị lực, Bình quyết đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, lặng lẽ gieo con chữ trên chính đôi chân tật nguyền, "thắp lửa" để ước mơ các em nhỏ bay xa.

Sau hành trình dài từ thành phố Hòa Bình đến huyện Kim Bôi, chúng tôi tiếp tục di chuyển về thôn Yên, xã Kim Truy để nghe người dân kể về một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Câu chuyện bắt nguồn từ việc một chàng thanh niên tên là Bùi Văn Bình, mặc dù bị bại liệt, chân tay không thể cử động song vẫn dạy dỗ các em nhỏ học tập. Mảnh đất nghèo với những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhiều em nhỏ không có điều kiện đến trường. Sự xuất hiện của "thầy Bình" thổi một luồng gió tươi mới vào cuộc sống người dân, giúp các gia đình nhận ra giá trị của việc học con chữ. Không chỉ dạy các em học chữ, Bình còn dạy các em làm người, gieo vào tâm hồn các em ước mơ về tương lai tươi sáng. Bình như "ông Bụt" nhân từ, phúc hậu trong câu chuyện cổ tích các em thường đọc. "Ông Bụt" ấy hiện ra thật đúng lúc để biến ước mơ của các em nhỏ thành hiện thực.

Trong căn nhà nhỏ, rộng chừng hai mươi mét vuông không có bất kỳ vật dụng nào đáng giá, chỉ có những chiếc cặp sách, tập vở viết được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Thầy Bình với dáng người thấp đậm, mắt nhô cao, chân tay co quắp, ngồi trên chiếc phản nhỏ, sần sùi, cũ kỹ, tập trung theo dõi, hướng dẫn các em nhỏ làm bài tập. Không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng giấy bút, tiếng thở nhẹ. Bình đưa mắt dõi theo mọi cử chỉ của các em. Mắt anh dừng lại trước một em nhỏ đang lúng túng vì chưa tìm được lời giải. Bình tỷ mỷ hướng dẫn, giảng giải để em hiểu bài.

Đã hơn 10 năm nay, căn nhà nhỏ của Bình luôn sáng đèn đón các em nhỏ đến học. Không phụ công thầy Bình, đã có nhiều em học sinh học hành tiến bộ, đỗ đạt vào các trường Đại học, Cao đẳng có tiếng trong cả nước, trở thành người có ích cho xã hội. Người dân thôn Yên quý mến thầy Bình không chỉ bởi thầy có những đóng góp trong công tác giáo dục địa phương mà còn bởi, thầy là tấm gương vượt khó vươn lên. Cuộc sống có lúc tưởng chừng chấm dứt với người thanh niên nghị lực này.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Yên, xã Kim Truy, từ lúc nhỏ, Bình cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình Bình gặp nhiều khó khăn, cách trở. Khi Bình 6 tuổi thì bố qua đời, mẹ đi bước nữa với người đàn ông khác, bỏ lại 2 anh em Bình bơ vơ không nơi nương tựa. Thiếu hơi ấm của cha, lòng bao dung của mẹ, song 2 anh em Bình còn có bà con, xóm làng tốt bụng, che chở. Người dân trong thôn cảm thông hoàn cảnh khó khăn của 2 anh em đã hỗ trợ từ gạo, rau, củ và dòng nước sông Bôi để sống qua ngày. Tuổi thơ đầy vất vả, cơ cực tưởng chừng được bù đắp bởi sự chăm ngoan, học giỏi của Bình. Ấy vậy mà tai họa vẫn chưa buông tha.

Năm học lớp 4, một trận ốm nặng đã biến đôi chân bình thường của Bình trở nên mất phản xạ, tay co quắp không thể vận động và làm việc một cách dễ dàng như trước. Lúc đó, trường học xa, gia đình khó khăn, nhiều người khuyên nghỉ học nhưng anh nhất quyết không chịu. Những ngày đầu, Bình phải "bò" đến lớp. Đầu gối sưng vù, rớm máu, bàn tay bỏng rát.

Cảm phục trước tinh thần hiếu học của Bình, các thầy, cô giáo trường trung học cơ sở Kim Truy đã động viên,  chia sẻ và tạo mọi điều kiện để anh tới lớp. Hàng ngày, các bạn ở lớp thay phiên nhau cõng, dìu anh Bình đến trường. Khó khăn vất vả, những ngày mưa rét, nắng nóng, Bình vẫn cố gắng đến trường. Bị khuyết tật nhưng bù lại anh Bình có trí thông minh và đức tính cần cù. Trong suốt những năm học sau đó, anh đều là học sinh khá, giỏi của trường.

Đến năm học lớp 12, khi vừa bước qua tuổi 18, Bình bị một trận ốm ác liệt tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng khi nằm trên giường bệnh, anh chỉ lo sẽ phải bỏ dở năm học lớp 12, bỏ dở ước mơ có được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau một thời gian dài chạy chữa, anh qua khỏi nhưng trận ốm đã thực sự cướp đi đôi chân của anh, anh bị liệt hẳn, không thể đi lại, bàn tay co quắp, anh không thể làm được ngay cả đến những việc giản đơn nhất. Bình phải bỏ dở việc học hành trong nước mắt. Cuộc sống tưởng chừng chấm dứt với Bình.

Từ thanh niên khỏe mạnh, Bình trở thành kẻ vô dụng. Anh chán nản, suy sụp. Gia đình, bè bạn động viên, chia sẻ giúp Bình vơi đi nỗi buồn, tìm lại niềm vui cuộc sống. Những ngày sau đó, tư tưởng ổn định, Bình quyết tâm đứng dậy để khẳng định rằng, dù tàn tật vẫn phải sống có ích cho xã hội.

Thầy giáo tật nguyền Bùi Văn Bình đang dạy chữ cho các em học sinh nghèo ở xã Kim Truy, Hòa Bình.

Bình tâm sự: "Chính vào lúc bế tắc nhất của cuộc đời, tôi đã nhận được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô giáo và những người thân quanh mình. Tôi hiểu rằng, cuộc sống với một người khuyết tật ở chân vẫn chưa phải là đã hết, tôi vẫn còn cái đầu để suy nghĩ, còn đôi mắt sáng thì tôi vẫn còn có thể cống hiến được cho xã hội. Bình nhận thấy, nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều em nhỏ không thể đến trường để theo đuổi ước mơ học chữ. Trong đầu anh nảy lên ý tưởng mở lớp học dạy cho các trẻ em nghèo. Ban đầu, nhiều người lo ngại, cho rằng, Bình còn không tự làm việc bản thân thì làm sao dạy dỗ các em nên họ không yên tâm giao con cho Bình.

Mới đầu có 3 em là con của những người bạn thân, vì cảm phục trí thông minh và sự nỗ lực của anh đã đưa con em đến học. Chỉ thời gian ngắn, dưới sự hướng dẫn của thầy Bình, các em học hành tiến bộ. Sau đó, lớp học của anh đã thu hút hơn hai chục em chủ yếu là các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo việc học tập, anh chia lớp thành ba ca, từ sáng đến tối. Bình cho biết: "Có những em học sinh lớp 1, nhiều bài các em không hiểu, đến đây mình giảng lại và giúp các em luyện chữ, luyện toán. Với các em lớp lớn có thể giảng giải lại những bài toán, bài văn khó mà các em chưa hiểu. Kiến thức mỗi ngày một khác nên mình cũng phải chịu khó học hỏi, đọc thêm tài liệu để làm sao cách học phù hợp với các em".

Quá trình dạy học, Bình không thu tiền học phí. Nhiều gia đình tự nguyện hàng tháng đóng góp 50.000đ để làm kinh phí cho Bình dạy học. Bình dùng số tiền đó mua sách vở, bút mực và những món quà nhỏ để thưởng cho các em học tốt.

Ngoài việc dạy kèm, anh Bình cũng trông các em tại nhà mình để tránh những trò chơi nguy hiểm. Không chỉ dạy kiến thức, Bình còn truyền dạy cho các em đạo lý làm người thông qua những câu chuyện, trang báo hàng ngày anh đọc cho các em nghe. Đó là những câu chuyện về sự hiếu học, nỗ lực vượt khó của con người. Với anh, những em nhỏ ở đây như đang học thay anh, thực hiện ước mơ của chính anh vậy. Có lẽ vì vậy, giờ đây, ngôi nhà nhỏ của anh như đã là một địa điểm quen thuộc của những em nhỏ thôn Yên.

Niềm vui đến với Bình khi mới đây, anh được chọn là gương điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Kim Bôi. Tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình tổ chức, mọi người thực sự xúc động, cảm phục khi nghe lại toàn bộ câu chuyện về Bình, về gương sáng trong "học tập làm theo lời Bác". Tấm gương học tập, nghị lực vượt khó vươn lên của Bình được nhân rộng và trở thành động lực để mọi người noi theo. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao.

An Chi
.
.
.