Kia
Mobifone

..."Nghe tiếng trống chèo, bế bụng đi xem"

Thứ Hai, 16/11/2020, 13:31
Bây giờ, ông Lê Công Túy đang phải gánh vác sứ mệnh quan trọng của một “ông trùm” gánh chèo làng vào hạng nhất nhì vùng đất của những “chị Hai 5 tấn”. Thuở chưa xa, nói tới Thái Bình - cái nôi chèo truyền thống vùng châu thổ sông Hồng, y như rằng, thiên hạ nhắc tới gánh chèo làng Khuốc, nơi có món bánh cáy nổi tiếng, huyện Đông Hưng. Nhưng mà nay, ở “thì hiện tại” ngôi vị ấy đã thuộc về gánh chèo làng Gang của ông Túy thật rồi.


Gánh chèo Gang, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy ra đời và nhanh chóng nổi đình, nổi đám từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cũng là những năm tháng bi hùng, đầy lãng mạn ấy, người giữ phần hồn cho gánh chèo Gang bằng nhịp trống chèo trứ danh là ông Ngô Hoa. Ngày đó, trong dân gian đã truyền tụng một bài thơ lục bát thể hiện vai trò chủ chốt của các thành viên thuộc gánh chèo Gang, trong đó có hai câu: “…Sáo Chi, nhị Lục, đàn Kỳ/ Trống Hoa, phách Chỉnh, phông màn ông Thi…”.

Thuở ông Hoa đảm nhận vai trò linh hồn của gánh chèo Gang, ông Túy còn là một cậu học trò trường làng. Đó cũng chính là những năm tháng cuộc chiến tranh ái quốc của dân tộc bước vào giai đoạn gay go, kịch tính nhất. Không hề so đo, ông Túy tự nguyện xếp bút nghiên, tình nguyện nhập ngũ, dù lúc đó người anh ruột đang ở chiến trường B. Ấy là vào một ngày đẹp trời của  tháng 10 Mậu Thân - 1968.

Ông Túy trống chèo.

Qua mấy tháng tân binh khổ luyện trên thao trường, ông Túy cùng đồng đội với chân dép lốp vượt Trường Sơn vào tăng cường cho chiến trường B.3 Tây Nguyên. Hơn 3 tháng sau, ngay khi chân ướt, chân ráo tới cao nguyên Gia Lai, nơi có buôn Plei Ơi, quê hương của các thế hệ vua lửa huyền tích; và là vương quốc hoa pơ - lang  của thi ca, đồng thời cũng là xứ sở loài hoa dã quỳ đẹp man dại. Với tiềm năng hội họa bẩm sinh, ông Túy trở thành anh lính đồ bản của đơn vị C3 - D1 - E48 - F320A. 

Cuối cùng, mùa Xuân đại thắng 1975 cũng tới, tháng 11 năm ấy, ông Túy được xuất ngũ về với người mẹ già quanh năm bỏm bẻm nhai trầu mòn mỏi tựa cửa ngóng tin con từ chiến trường. Làm người lính giữa thời bình, cứ ngỡ ông Túy sẽ tiếp tục con đường học hành nhằm phát huy tiềm năng hội họa và lấy đó làm vốn liếng giắt lưng mà tự tin khởi nghiệp. Vậy nhưng, người cựu chiến binh đó lại chọn con đường lập thân, lập nghiệp bằng việc tự sắm con dao xây để hành nghề xây dựng dân dụng ngay tại quê cha đất tổ. Bắt đầu từ cái việc ngày qua ngày chuyên cần làm bạn với vôi vữa, tiềm năng hội họa trời ban của ông Túy có cơ hội thăng hoa.

Cũng kể từ cái ngày đầu tiên vác con dao xây đi làm đẹp, làm sang cho thiên hạ để có đồng tiền bát gạo nuôi thân và phụ giúp gia đình, ông Túy chính thức góp mặt vào gánh chèo làng Gang. Một lần ông Túy giãi bày, chỉ với cách đó mới thỏa cái nỗi “phải lòng chèo” từ thuở còn là chú bé trẻ trâu lũn cũn theo thân mẫu phục vụ gánh chèo làng của cụ “trùm” Luận, người em ruột của mẹ đẻ.  Ngày nối ngày, lúc thanh thiên bạch nhật, ông Túy đi kiếm cơm thiên hạ, đêm xuống lại góp mặt tại chiếu chèo của làng.

Ông Túy tự nhận, mình hát chèo không thật hay. Nhưng bù lại, với vóc vạc phong độ tuấn tú và nhất là bởi có “căn duyên” với chèo từ lúc còn nằm trọng bụng mẹ nên ông Túy “chuyên trị” các vai hoàng tử bạch mã. Hoặc hóa thân vào những nhân vật vua quan tai to mặt lớn,… trong các tích chèo cổ, hay các vở chèo lịch sử và, những vai nam chính của các vở mang đề tài hiện đại.

Không chỉ là một diễn viên, với tài năng hội họa, ông Túy kiêm nhiệm khoản thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn của gánh chèo Gang. Chỉ tại cái duyên nợ với chèo, đột nhiên một lúc nọ, ông Túy đâm ra “Chẳng thèm ăn chả, ăn nem. Nghe tiếng trống chèo, bế bụng đi xem” bởi tiếng trống chèo quyến rũ mê hoặc, chả khác nào cái người phải “bùa mê, thuốc lú” vậy. Để thỏa mãn khát vọng của mình, ông Túy liều đánh bạo mượn cái trống chèo của ông Hoa mang về nhà để học cách sử dụng.

Có trống trong tay, lúc này ông Túy mới thảng thốt vỡ lẽ ra sự thật: Yêu tiếng trống chèo là một chuyện nhưng để có thể đánh được dù chỉ một nhịp trống cho ra hồn thôi, quả thật khó. Cũng bởi tại “nghề chơi cũng lắm công phu!” mà theo ông Túy, vào cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cũng phải trầy trật lắm, người nghệ sĩ thuần phác của làng Gang mới có thể xác định rành rẽ những khái niệm phổ thông:  đâu là “tang trống”; đâu là mặt rìa của trống, v.v…

Khách tò mò hỏi, muốn đánh được trống chèo, điều cơ bản trước nhất là gì, ông Túy thủng thẳng giãi bày: “Phải biết cầm dùi trống cho đúng cách!”. Cứ như ông Túy, việc học cầm dùi trống chèo tưởng là chuyện “nhỏ như con thỏ”, song kỳ thực không hề đơn giản chút nào. Có chung một tên gọi: “trống!” đấy, nhưng, cái trống chèo nó khu biệt với loại trống của dàn nhạc nhẹ, cũng như với trống của nhiều loại hình nghệ thuật khác. 

Thế nên, khi nói đến “V” (vê) tức là chắp tang, thấy khách ngơ ngác, sau cái cười hiền, ông Túy điềm đạm giải thích: “Chắp tang có nghĩa là để giữ nhịp cho người hát. Do vậy, về nguyên tắc, cầm dùi trống chèo người ta phải để cho cổ tay thật thoải mái. Vì lẽ, nếu cầm dùi chặt quá sẽ không thể ngoắt được nó. Còn nếu cầm lỏng quá dễ khiến dùi bị tuột khỏi tay. Để có thể sử dụng hai cây dùi một cách thật sự “ma thuật”, người đánh trống chèo nhất định phải dùng cả cổ tay khi đánh trống, đồng thời thả lỏng mở rộng hết cỡ cổ tay!”.

Lúc mặn chuyện, ông Túy bảo, muốn đánh được trống chèo, nếu không thuộc được lời hát, chí ít cũng phải thuộc được tất cả các làn điệu (mà chèo có tới hơn 100 làn điệu khác nhau!) lẫn cách ra vào, cách luyện tâm và xuyên không. Nếu như không có được cái gọi là “tý lưng vốn cơ bản” ấy, đừng bao giờ mơ tới chuyện kết bạn thâm giao với với trống chèo.

Sau bao năm “say” tiếng trống chèo đến mức “vật vã như điếu đổ”, ông Túy tiết lộ điều bí thuật, một trong những quy tắc cơ bản hàng đầu với người giữ nhịp trống chèo: khi biểu diễn không bao giờ được đánh đệm vào chỗ người ta hát mà phải đệm vào chỗ người ta nghỉ hát, ấy là chỗ nhịp ngoại. Còn nếu đánh đệm cho người hát nhất định phải đánh vào những phụ âm I, A, Ê,… Bằng “phép thuật” đó sẽ tạo cơ hội cho người đánh trống có thể đế lên được. Còn khi diễn viên đang hát, tốt nhất, người đánh trống chỉ giữ nhịp bằng cái tang. Vậy nên, từ thời thượng cổ, dân gian truyền tụng câu: “phi trống bất thành chèo” là vậy, vì cái trống chính là linh hồn của cả một gánh chèo!”.

Sẽ là rất hao giấy tốn mực nếu kể một cách tường tận quá trình tiếp cận đầy gian nan, nhẫn nại của ông Túy với cái trống chèo thô mộc. Nhắc tới điều đó, ông Túy đỏ mặt mủm mỉm thừa nhận: “Cũng phải qua vài trăm lần “lên bờ xuống ruộng” mất ăn mất ngủ và thậm chí, đổ mồ hôi sôi nước mắt “phờ râu trê” mới có thể làm người sai khiến được cái trống chèo đấy anh ạ!''.

Nói đến ông Túy trống chèo, người làng Gang lại tủm tỉm với câu chuyện “thật mà như bịa”. Chuyện rằng, vào một ngày tháng 5, nắng “…chết cả cá cờ”, lúc ấy đang cùng con cháu xây nhà thuê cho thiên hạ, bỗng dưng trời nổi cơn phong ba. Ngay lập tức, ông Túy hốt hoảng mang con dao xây lao như tên bắn về nhà. Liền đó, ông Túy cuống cuồng bắc thang trèo lên mái nhà ôm chiếc trống chèo mới tinh còn thơm mùi gỗ mít và mùi da trâu ngai ngái đem bỏ vào chiếc túi vải mới thửa mà cất tủ như giữ một thứ báu vật vô giá, mặc cho cả sân thóc với khối lượng hàng tấn đang phơi chịu trận mưa như thác đổ. Tiếc đứt ruột mẻ thóc lớn ngấm nước mưa, vợ con thi nhau gạt nước mắt mếu máo trách cứ, ông Túy đỏ mặt gãi tai nhệch miệng cười trừ.

Vui chuyện, tôi hỏi ông Túy: lý do gì lại khiến người nghệ sĩ chân quê yêu tiếng trống chèo cứ như là bị “ma ám” vậy?! Sau cái cười đầy thuần phác, ông Túy thủ thỉ dốc lời gan ruột: “Ờ thì tớ nghĩ, một khi tiếng trống chèo còn thì làng Gang ta đây còn. Mà làng Gang còn thì nước Việt Nam càng thêm giàu đẹp, vậy thôi!”.

Đấy là tấm lòng người nghệ sĩ chân đất của gánh chèo Gang với tiếng trống chèo. Riêng tôi lại nghĩ, nỗi niềm trên không của chỉ của riêng ông Túy đâu, nó còn là khát vọng nhân văn cao cả của vô vàn những người nông dân thuần khiết khác, ở mọi vùng - miền trên dải đất hình chữ S. Và chính ý thức công dân cao cả đó của họ sẽ cùng tạo nên một thứ nhiệt năng vô giá góp phần giữ cho non sông đất Việt mãi trường tồn, ấy thế!

Lê Công Hội

.
.