Lê Huy Mậu: Từ muộn đến một

Thứ Ba, 17/01/2017, 08:01
Tôi thấy Lê Huy Mậu đã nhiều lần, từ xa. Có lần: Giữa tấp nập vào ra chào hỏi, ông cũng bắt tay người này người nọ, cũng nói cười gì đó, mà gương mặt như có gì bần thần, chưa hoà nhập. Ông làm tôi liên tưởng đến Võ Văn Trực, Phan Xuân Hạt nhiều năm trước, cả Trần Quốc Thực nữa.


Có lần, khi Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu ông, rồi giới thiệu một ca sĩ lên hát bài "Khúc hát sông quê" do ông Tạo phổ thơ ông, khán phòng như sôi lên đấy, rồi lặng im lại cả mà nghe mà ngẫm, thì tôi thấy ông vẫn rụt rè ẩn nhẫn, gương mặt ông như có ửng hồng lên một tí, rồi lại nhuốm vẻ tư lự, dãi dầu.

Một lần khác, ông được mời lên đọc thơ, ông nói mấy câu cảm ơn, rồi đọc, chậm rãi, như độc thoại, với giọng Nghệ, kiểu Nghệ nguyên chất. Ông cứ đọc, như không biết là xung quanh người ta chú ý nghe thế nào, như không biết có người không nghe được vì giọng đọc nhỏ, có âm sắc trầm. Đọc hết, mọi người vỗ tay, Lê Huy Mậu thong thả ngồi xuống, lại như có gì ngượng nghịu. Sao thế? Ông là người từng trải cơ mà.

Nhà thơ Lê Huy Mậu.

Thơ là của Lê Huy Mậu, người ông, hồn vía ông và cả cơ thể ông nữa, đã là của thơ, rồi còn là của những gì gì nữa đây?

Tôi thử đi tìm Lê Huy Mậu.

Trong dòng chảy âm thầm, bền bỉ mà có lúc ngỡ như bị nghẽn, nhưng thực ra là vẫn liên tục của ý thức - tư tưởng - tâm lí - tình cảm… ở ta, nhìn bề ngoài là vầy vậy, thực ra, cũng có nhiều chi nhánh, chi lưu. Tư tưởng là nước, là gió, là khí trời… không một thế lực nào, một con đập dẫu to lớn đến đâu, hay một bức tường vật chất nào mà có thể ngăn chặn được.

Nhà hoạt động chính trị hiền minh, cố nhiên, đã là một nhà tư tưởng.

Nhà sáng tạo văn chương chính danh cũng là một nhà tư tưởng.

Một cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hiến, có văn hoá hẳn hoi, thì cũng ẩn tàng và dung dưỡng những tư tưởng tình cảm cao cả, trong sáng.

Thơ Lê Huy Mậu và của nhiều tác giả khác một khi bắt được mạch đời, thì an nhiên tự tại mà ra, trong mình có ta, trong muôn muôn có một, từ muôn đến một mà viết trên tường nhà mình hay đâu đó thì cũng là chuyện bình thường. Cũng có vui vui một tí, nhưng vẫn nên coi là bình thường,

Thời thế tạo ra tất cả chúng ta, trong đó có các nhà thơ nhà văn.

Với Lê Huy Mậu, cũng có những lý do riêng, làm nên một ít bản sắc cuộc đời ông và thơ của ông.

Cảm thụ và sáng tác văn chương là năng lực vốn có ở nhiều thanh niên, nhất là những thanh niên sớm xa nhà đi chiến trường hay đi làm ăn. Cái phẩm tính tốt đẹp này ở Lê Huy Mậu qua từng chặng đường bộ đội, học hành, đi làm hải quan, làm cán bộ tuyên giáo…. thì như được nuôi dưỡng mà có buổi có ngày đã trở thành một năng lượng sục sôi muốn bùng phát thành vần. Lê Huy Mậu viết từ bao nhiêu chiêm nghiệm và trăn trở, bao nhiêu lo toan, có xác tín và cả hoài nghi. Tôi thường hình dung là Lê Huy Mậu viết từ nghiệm sinh hơn là từ lối viết chợt thấy chợt ghi. Để kiểm tra lại mình, tôi tự làm một cuộc thống kê và so sánh, thì thấy ý nghĩ của mình đúng nhiều hơn là chưa hẳn đúng.

Như ở tập "Từ muôn đến một" chẳng hạn, bài "Khúc hạ lưu" nhà thơ viết, từ một bộc bạch, từ một sự tự nhìn lại, là:

Đã bao giờ anh tự hỏi anh đâu
Tuổi trẻ mình qua bao giờ ấy nhỉ?
Ngoái lại tìm bóng đã xế chiều hôm

…..

Thôi thì dù còn lại bao nhiêu
Anh tằn tiện tiêu pha
Anh thong thả nhâm nhi từng giọt sống
Gạn lấy vui trong vô số những buồn
Gạn lấy lành trong xồ bồ ồn tạp
Gạn chút tình từ những thoáng mong manh…

Cũng ở tập này, ta gặp được rất nhiều chiêm nghiệm, khái quát, có cái đọc lên, thấy gai người. Đây là cảm nhận của nhà thơ:

Mấy lần về quê đều phải qua Dùng
Thị trấn gieo neo trung tâm đèo dốc
Quê thừa người khôn thiếu người trí thức
Đi đâu cũng gặp mẹo vặt ngô khoai

(Đồng giao rượu tỉnh)

Người xứ Nghệ quen nói thật và thích nói thật. Nói thật là trách nhiệm tự nhiên để làm cho hay cho tốt, và cũng là để có thêm một niềm vui. Lê Huy Mậu đã làm thơ từ một "thói quen cộng đồng" của muôn người như thế. Ông không ngại bị hiểu lầm khi viết "Đi đâu cũng gặp mẹo vặt ngô khoai". Những dòng thơ này của ông đã được nhiều người làm việc ở các văn phòng và bạn bè cứ gặp nhau là đọc, như tự diễu mình, như nhắc nhở ai?

Ấy là tôi muốn gợi qua cái cung cách, cái khơi nguồn cùng là cái cách thức mà thơ ông đã đến với mọi người.

Nhà thơ Lê Huy Mậu (phải) cùng nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, hai người cùng làm nên tuyệt phẩm "Khúc hát sông quê".

Cái cách trông người mà ngẫm đến ta, cái cách đi tìm mình từ trong xô bồ hỗn tạp của cuộc thế ấy ở Lê Huy Mậu là tự nhiên nhi nhiên. Bởi thế mà trước đó, "sau nửa đời phiêu dạt", ông "úp mặt vào sông quê", thì kì lạ thay, tâm sự và nỗi niềm của riêng ông phút chốc đã trở thành khúc hát sông quê, tình quê của bao nhiêu người ở nhiều lứa tuổi kiếm ăn và lập thân với đủ ngành nghề.

Nhưng chớ nên cho rằng thơ Lê Huy Mậu là có vẻ đơn tuyến và đơn giản. Hay nói cách khác thì có phần đơn giản về ngôn từ và cấu trúc, vì nó gần với lời nói thường, là không màu mè (thậm chí là làm dáng trong mức độ có thể chấp nhận được của nghệ thuật làm thơ). Lời thơ - lời nói "thường thường" ấy vừa là nhún nhường chân thật, trách cứ cũng rất thật nên thấm thía, mà cũng là cảnh báo nghiêm trang:

Những tháng năm này em có hiểu cho anh
Sao suốt ngày anh đi làm thơ vặt
Khi tặng nỗi buồn, khi trêu hoa, ghẹo nguyệt
Sao anh không làm thơ về thế thái nhân tình?
Đất nước nhiễm trùng sao thơ anh không là thuốc kháng sinh

(Lạc tuổi)

Và trên con đường "Từ muôn đến một" này, Lê Huy Mậu dần nhận ra mình, khá chính xác mà cũng có chút điệu đà thị thành:

Mình là người rỗi rảnh chân tay
Bởi vụng về thành ra người nhàn nhã
Tay không làm thì đầu phải nghĩ
Bận trong đầu mấy ai hiểu cho đâu!
Xưa cắn bút viết viết xóa xóa
Một câu thơ đổi biết mấy nhọc nhằn
Nhiều cơ hội làm giàu trôi qua trước mắt
Được mất một đời là thơ thơ văn văn…

(Hôm qua và hôm nay)

Ngẫm đời và ngẫm bạn, lại tự xét mình, Lê Huy Mậu có được những câu thẳng căng như định danh, định giá:

Nhà thơ tựa lưng về một quá khứ tuổi thơ
Ít khi (nếu như không muốn nói là không có)
Một bài thơ nào được nuôi nấng trong nhưng lụa mà thành tài năng
Nhà thơ được ủ giống trong những cơn bão táp của lịch sử
Chỉ khi nỗi đau mình và nỗi đau của dân tộc mình, thời đại mình có cùng tần số
Thì thơ mới thành thơ!

(Trịnh Sơn)

Cái quan niệm về người làm thơ và sứ mệnh của thơ ca, niềm vinh hạnh của thơ ca trong cuộc nhân sinh của dân tộc thế này cũng đã không còn thật mới, nhưng diễn tả lại bằng câu chữ và nhịp điệu như trên, quả là chỉ có Lê Huy Mậu.

Bề ngoài Lê Huy Mậu rõ là người quê củ mỉ, ông tự nhận ông làm thơ chỉ như là việc "hái lá vườn làm một bát canh thơ!". Còn bên trong, ở cái vùng chìm vùng sâu thì ta thấy ông cũng có lắm khát khao cao vọng qua mấy dòng giàu chất tự bạch:

Ôi! Những bến bờ khao khát suốt đời xanh
Mở trang sách thẹn thùng cùng sông núi
Chẳng ai bắt mà suốt đời, ngậm tủi
Uống rượu như uống thuốc giảm đau!

Ở ta ở nơi nào kia, có một thời người ta, trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ, đã phải cố giấu mình đi, gắng vứt cái riêng của mình đi, dẫu biết rằng cái tôi riêng ấy cũng là cái có thật ở mình. Nay thì đã khác.

Nhưng thời thế cho sống khác và làm khác đi, mà cũng lắm khi ta thấy nào có dễ đâu. Muốn bay không cất nổi mình mà bay, là vì thiếu vốn, thiếu năng lượng tự thân phải không?

Lê Huy Mậu và nhiều tác giả thơ văn bây giờ không thế. Đó là điều may mắn tất nhiên của một cuộc đời và hy vọng sẽ làm nên thành quả mới cho văn đàn.

Nguyên An
.
.
.