Độc giả đầu tiên là ai?
- Nhà văn Trần Thanh Cảnh: "Đề tài lịch sử luôn hấp dẫn tôi"
- Nhà văn Chu Thị Minh Huệ: nảy từ đá xám mà xanh
- Nhà văn Triệu Xuân: Chấm ngòi bút vào nỗi đau, niềm oan khổ của con người
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami coi vợ mình là người cộng sự nên bà là người đầu tiên đầu tiên đọc tác phẩm của chồng. Điều này cũng tương tự như nhà văn nổi tiếng người Mỹ Fitzgerald, bà vợ Zelda là người đầu tiên đọc tác phẩm của nhà văn. Danh sách các bà vợ là người đọc đầu tiên khá nhiều, có thể kể thêm Paul Auster, tác giả của “Khởi sinh của cô độc” và nhiều người nữa. Điều này có thể gây ngạc nhiên bởi những người sống cùng nhà, nhất là vợ chồng lại có thể là độc giả đầu tiên!
Tôi lí giải điều này ngay để mọi người khỏi hiểu lầm, bởi vợ chồng là những người rất gần gũi, hầu như họ hiểu biết được suy nghĩ và quan hệ của người bạn đời nên những nguyên mẫu hoặc hư cấu trong khi viết rất có thể gây ra những rắc rối. Mặt khác, vì có quan hệ quá gần gũi nên các đánh giá đưa ra có thể không đủ độ khách quan cần thiết.
Nhưng mặc thế, rất nhiều nhà văn vẫn chọn người bạn đời của mình là một trong những độc giả đầu tiên. Điều này có thể giải thích vì sự tin cậy và thuận tiện, đó là người có thể giữ bí mật cho kế hoạch của tác giả và đủ thân tình để nói ra mọi suy nghĩ mà không sợ bị phật lòng.
Nhà văn Haruki Murakami. Nhà văn Paul Auster. Nhà văn S. Fitzgerald |
Một đối tượng khác được nhiều người ưa thích chọn làm bạn đọc đầu tiên và đúng với số đông là những bạn nghề. Nhờ một bạn nghề đọc giúp là một điều rất hữu ích, cùng nghề nên có những hiểu biết về kĩ thuật hoặc những đề tài cùng quan tâm. Nhận xét của bạn nghề có thể mang tính chuyên môn cao, đặc biệt nếu người ấy có nhiều kinh nghiệm hoặc nổi tiếng. Những lời nhận xét khách quan, chân tình của bạn nghề sẽ là thứ bảo lãnh đáng tin cậy khi tác phẩm trên con đường hoàn thiện.
Tuy nhiên, bạn nghề đọc đầu tiên cũng có những hạn chế nhất định, có thể người ấy không đủ một độ trung thành và tin cậy tuyệt đối cho những bí mật của tác giả. Người có kinh nghiệm hoặc nổi tiếng cũng có những bất tiện vì họ thường có khuynh hướng “lái” tác phẩm theo quan điểm cá nhân, theo gu sở thích riêng. Nếu lời nhận xét mang quá nhiều màu sắc cá nhân hoặc sở thích riêng, nó có thể ảnh hưởng tác phẩm vì biết đâu tác giả nghe theo và có những điều chỉnh lớn. Lại nữa, vì có những người luôn luôn được nhờ cậy, họ bận rộn quá làm qua loa hoặc đưa ra những nhận xét không chuẩn xác hoặc không có tác dụng làm cho tác phẩm tốt lên.
Một kiểu được chọn nữa là các nhà phê bình. Chính tôi cũng ưa thích những bạn đọc đầu tiên kiểu này. Chọn những nhà phê bình thân thiết và uy tín đọc giúp bản thảo là một ý tưởng hay. Nhà phê bình có điểm riêng là họ đọc theo kiểu nhà khoa học, họ lí trí và tỉnh táo hơn các nhà văn cùng nghề và cũng là những người giỏi phân tích cấu trúc và ý tưởng. Một cái nhìn khoa học về tác phẩm ở chiều hướng khác sẽ phát hiện ra những khiếm khuyết hoặc những mặt mạnh của tác phẩm. Những nhận xét của đối tượng này đôi khi rất bổ ích hoặc đáng để tham khảo.
Một kiểu bạn đọc đầu tiên nữa là các biên tập viên. Người viết sau khi đã tạm hoàn thành tác phẩm có thể gửi thẳng cho biên tập viên để họ cho ý kiến hoặc trong quá trình viết đã có sự trao đổi giữa hai bên. Đối tượng này chính là những người chuyên nghiệp nhất bởi biên tập viên là người trực tiếp làm trên bản thảo, họ vừa có kinh nghiệm vừa có kĩ năng giúp hoàn thiện tác phẩm. Tôi đã từng nói rằng, với những biên tập viên giỏi và tâm huyết họ có thể biến tác phẩm yếu thành tác phẩm trung bình, tác phẩm trung bình thành tác phẩm khá, tác phẩm khá thành tác phẩm hay hoặc ít nhất họ có thể đưa ra những nhận xét hữu ích để người viết tự hoàn thiện tác phẩm. Đó là những người chuyên về nghề đọc, họ có thể bắt bệnh, chữa trị hoặc “tô điểm” cho tác phẩm hay hơn.
Nhưng tất nhiên, các biên tập viên cũng chưa chắc là những người hoàn hảo. Tôi mới đọc được một bài viết nói về việc chơi khăm các biên tập viên. Một người viết văn tên là David Lassman đã đánh máy 3 chương đầu những tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen như “Kiêu hãnh và định kiến” , “Thuyết phục”, kí tên tác giả khác, đổi tên sách và gửi đến 18 nhà xuất bản. Kết quả là đội ngũ biên tập viên của 17 nhà xuất bản đã không nhận ra đó là tác phẩm của Jane Austen, chỉ có một nơi duy nhất nhận ra sự thực. Vậy nên, các biên tập viên không phải khi nào họ cũng là những “quái kiệt” biết nhiều, đọc nhiều, đôi khi họ vẫn bị đánh lừa và nhầm lẫn như thường!
Vấn đề thú vị đặt ra là người đọc đầu tiên đưa ra các nhận xét thì tác giả có sửa đổi theo hướng đó không? Tôi đã tham khảo các đồng nghiệp và từ kinh nghiệm của chính mình là một biên tập viên và thấy rằng đa số các tác giả có những điều chỉnh nhất định sau khi nhận được phản hồi. Nếu tác giả đã coi người đọc đầu tiên là người đáng tin cậy và đưa ra các lời khuyên hữu ích thì anh ta sẽ nghe theo.
Điều này là bình thường vì đa số tác giả viết trong một tâm trạng rất hưng phấn nên đôi khi không nhận ra những sai lầm hoặc khiếm khuyết. Người bên ngoài có nghề, một cái đầu lạnh và khách quan hơn, họ có thể đưa ra những ý kiến mà người viết không nghĩ tới hoặc không phát hiện ra được. Điều này thường đúng với những cây bút mới vào nghề, thông thường họ mắc khá nhiều lỗi và nếu không có ai đó chỉ ra, tự mình sẽ rất khó thấy.
Nhưng tất nhiên tác giả có thể không chỉ tin cậy một người duy nhất. Bản thảo có thể được gửi liền lúc cho nhiều đối tượng người đọc: vợ chồng, bạn nghề, nhà phê bình hoặc ai đó đáng tin cậy. Hoặc có thể gửi cho cùng một trường đối tượng như bạn văn, nhà phê bình, lắng nghe những lời phản hồi của họ và chắt lọc ra những điều phù hợp nhất.
Nhưng cách làm này nếu không bản lĩnh sẽ có thể dẫn đến việc “đẽo cày giữa đường”. Tác giả sẽ nghe người này một ý, người kia một ý, điều chỉnh và cuối cùng sẽ không còn nhận ra diện mạo ban đầu của tác phẩm hoặc cá tính của nó nữa. Khả năng phù hợp nhất là người viết sẽ sửa chữa những khiếm khuyết nhỏ theo gợi ý nhưng nếu lời khuyên làm cho tác phẩm xa rời trục chính, kết cấu thì người viết sẽ không nghe theo. Tác giả cũng cần có chính kiến và quan điểm riêng của mình với những lời nhận xét góp ý.
Có một nhà văn từng khuyên những người mới viết là: Đừng có nghe bất cứ ai cả, cứ việc viết theo ý mình! Lời khuyên này theo tôi là cực đoan vì bất kì góp ý nào cũng có những lí lẽ nhất định chứ không đáng vứt đi cả. Cũng như những lời góp ý phê bình tác phẩm, mới nghe qua thì có vẻ khó chịu nhưng ngẫm kĩ thì chúng cũng có những xác đáng nhất định. Phủ nhận mọi lời khuyên, mọi lời phê bình thì khó lòng tiến bộ được mà nghe theo toàn bộ thì không còn cá tính nữa!
Nhưng nếu có những người ta có thể hoàn toàn tin tưởng và người viết, trong trường hợp còn quá non nớt thì nghe theo cũng không vô ích. Tôi đã từng bảo nhiều người viết hãy dũng cảm vứt bỏ những tác phẩm không có khả năng cứu chữa hoặc không có giá trị và họ đã nghe theo không hối tiếc. Tất nhiên cũng có người khi bị nhận xét tiêu cực, không như ý đã không tiếp thu những lời nhận xét ấy. Họ có một chân trời khác hoặc đi tìm một Chung Tử Kỳ khả dĩ của mình. Sự viết mang tính cá nhân rất cao và ai cũng có những quyền tối thượng với sáng tạo của mình.
Lại nữa, không phải tác phẩm nào cũng mang ra tham khảo cả, những tác phẩm nhỏ hoặc khá đơn giản, mỗi cá nhân có thể tự quyết định số phận của nó. Thường là những sáng tạo mất nhiều công sức như tiểu thuyết, trường ca người ta mới nhờ tới những sự thẩm định trước khi hoàn thiện nó. Và người viết cũng chỉ thường tham khảo khi mới vào nghề hoặc chưa đủ tự tin. Các tác giả trưởng thành và có kinh nghiệm, họ có đủ bản lĩnh và khả năng nhìn nhận tác phẩm của mình mà thậm chí không cần bất cứ sự tham khảo nào.
Tất nhiên, nếu có những sự tham khảo đáng tin cậy tôi cho rằng nó rất hữu ích vì trí tuệ của nhiều người tập hợp lại thường có những ưu điểm nhất định, nhất là việc sáng tạo mang cảm quan chủ quan rất cao mà đôi khi có thể sai lầm. Thậm chí, đưa cho ai đó đọc trước là một cách thăm dò những độc giả uy tín liệu tác phẩm của mình có giá trị và hấp dẫn không.
Việc nhờ đọc tham khảo tác phẩm là việc rất cá nhân không ai giống ai. Có những người luôn luôn phải có ai đó đọc giúp mới yên tâm, người khác thì có thể hoàn toàn độc lập mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào. Sự đọc và đánh giá tác phẩm cũng vô cùng đa dạng như sáng tạo nghệ thuật, ở mỗi cung bậc, mỗi người khác nhau lại có những biến thiên và phong phú bất ngờ. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng quyền tối thượng cuối cùng vẫn thuộc về tác giả.
Hãy cho tôi biết người đọc đầu tiên của bạn là ai, có thể tôi sẽ biết được bạn đang viết thể nào!