Cuộc hành quyết trước cổng Hoả Lò cách đây 93 năm

Thứ Bảy, 11/11/2006, 10:30

Trước cửa nhà tù Hỏa Lò ngày 24 tháng 9 năm 1913, trong 4 phút rưỡi, thực dân Pháp đã chặt đầu 7 người Việt Nam yêu nước.

Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Hỏa Lò ngay giữa trung tâm Hà Nội để người Việt Nam thấy nhỡn tiền sự trừng phạt khủng khiếp với những ai dám chống lại nhà nước bảo hộ. Không chỉ có tường giam, chấn song sắt, gông cùm mà chúng còn dùng bãi trống trước nhà tù Hỏa Lò làm pháp trường.

Báo Tương lai xứ Bắc Kỳ (L'avenir du Tonkin) trong bài tường thuật (1) có đoạn trích sau đây:

…Thế là đã đến giờ!

Từ tối hôm qua, trong khi tin này lan truyền trong dân chúng người Pháp và người An Nam ở Hà Nội thì những tử tù vẫn đang ngủ rất ngon giấc tại các xà lim số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trong nhà tù Hỏa Lò để rồi từ đây bước lên đoạn đầu đài. Tất cả họ đều biết trước điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng dường như không một ai trong họ bận tâm. Có thể họ cũng chẳng cần biết là trong lúc này, mới khoảng 2 giờ sáng, người ta đang lắp đặt một chiếc máy chém và rằng vào bình minh của ngày đang tới đây, tất cả họ sẽ trả giá cho việc mà mình đã gây ra.

Trong tĩnh lặng của màn đêm, đao phủ Loew cùng các đồng sự đã nhanh chóng lắp xong giàn máy chém. Công việc diễn ra lặng lẽ, ngay cả những tiếng búa đập mạnh cũng không thể vượt qua khỏi những bức tường lớn và những vòm cao của nhà tù. Chỉ mất có một giờ là việc lắp đặt hoàn tất và không một chi tiết nhỏ nào bị lãng quên. Cạnh đó còn có hai chiếc sọt lớn dùng vào việc đựng xác của người chết, những thùng nước lớn dùng vào việc tẩy rửa các vũng máu loang; xung quanh máy chém là những cái bồ rộng. Người ta còn chuẩn bị thêm một máy chém thứ hai để sẵn sàng thay thế trong trường hợp cần thiết.

Vào khoảng 4 giờ sáng thì lực lượng cảnh sát đến. Khoảng 4 giờ 30 phút có thêm hai đội lính bộ binh và một phân đội hiến binh. Một phân đội bộ binh và cảnh sát dàn thành một hàng ngang dài 25 mét dọc hai bên nhà tù, một bộ phận khác được bố trí ở vỉa hè sát với bờ tường tòa án, đối diện với cổng nhà tù, có nhiệm vụ giữ trật tự đề phòng dân chúng, nếu biết tin sẽ kéo tới.

Khi đồng hồ nhà tù gióng lên 5 tiếng, đoàn người thi hành án đi tới các xà lim. Tiếng chìa khóa kêu ken két trong ổ khóa và các bị cáo bị đánh thức.

Người ta nhìn thấy cha cố Dronet đi đầu, tiếp đó là các ông Logerot, thị trưởng thành phố, Bayler, giám thị nhà tù…

Trong thời điểm đó, viên đao phủ Loew đã mặc xong chiếc áo màu đen, đội lên đầu chiếc mũ cũng màu đen.

Ông Destenay, chánh án tối cao trong bộ quần áo đồng phục xuất hiện trên bậc tam cấp dẫn từ tòa án sang nhà tù, theo sau là các ông trưởng phòng, thư ký, bác sĩ Le Roy des Barres…

Thời khắc kinh hoàng đã điểm. Người đầu tiên bị đánh thức là Phạm Văn Tráng, tác giả vụ sát hại tuần phủ tỉnh Thái Bình. Ông Tráng mỉm cười nghe lời tuyên đọc rồi đáp "tốt". Hai kẻ tòng phạm khác là Vũ Ngọc Thụy và Phạm Đức Quý thản nhiên không nói gì.

Nguyễn Khắc Cần, tác giả vụ ném bom giết hai sỹ quan Pháp ở khách sạn Hà Nội, lúc đầu hơi lúng túng - ông ta vốn hay như vậy - nhưng ngay lập tức đã lấy lại được sự bình tĩnh. Những người khác đều tránh sang một bên để cha cố Dronet tiến đến từng người và tuyên bố: Đơn kháng án của ông đã bị bác bỏ. Giờ hành quyết đã đến. Đức cha đã khích lệ tinh thần họ, khuyên bảo họ đừng có nói gì thêm gây mất lòng người Pháp. Tất cả họ đều im lặng, nghe cho đúng phép lịch sự. Ông Bernat, thư ký nhà tù ra hiệu mở còng cho các bị cáo và dẫn từng người vào phòng toa-lét để họ đi vệ sinh.

Một bữa ăn thịnh soạn đã được chuẩn bị sẵn, gồm có: Một đĩa rau thập cẩm, một đĩa đậu vàng, một đĩa thịt lợn, một chiếc bánh ga-tô. Bữa ăn còn có cả rượu vang, rượu mạnh và thuốc lá.

5 giờ 45 phút, tất cả bị cáo được đưa trở lại phía trong nhà giam để chuẩn bị thi hành án. Thời khắc đã đến, cánh cửa nhà tù mở ra, tất cả họ bước đi trong sự can đảm và chỉ trong vòng 4 phút rưỡi, 7 tử tù bị hành quyết xong.

      Những chiến sĩ kiên trung bất khuất, những người anh hùng.

Tất cả 7 người hy sinh anh dũng trên đoạn đầu đài hôm đó đều là hội viên Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH), tổ chức do nhà ái quốc Phan Bội Châu sáng lập. Cuối năm 1912, hội cử ba nhóm thành viên trong "hiệp hội tử vì nghĩa" về nước, thi hành án tử hình toàn quyền An-be Xa-rô và hai viên quan cộng tác đắc lực với người Pháp là Hoàng Cao Khải, Nguyễn Duy Hàn.

Ngày 12/4/1913, Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ tỉnh Thái Bình bị hạ sát. Hai tuần sau, các chiến sĩ đã ném bom vào khách sạn Hà Nội làm chết hai sỹ quan Pháp và 6 người khác bị thương nặng. Tiếp đó, một mật thám đắc lực của toàn quyền Đông Dương bị sát hại, thêm một tên phản bội nữa bị thủ tiêu. Ngày 29/8/1913, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình xét xử 87 người trong 3 ngày liền. Phiên tòa đã tuyên án tử hình cả những người vắng mặt như Cường Để, Phan Bội Châu… Những người còn lại bị kết án khổ sai chung thân lưu đầy biệt xứ, tù giam từ 5 đến 10 năm… 7 người trực tiếp tham gia các vụ mưu sát, bị tuyên án tử hình ngay trước cổng nhà tù Hỏa Lò.

Trên báo Tương lai xứ Bắc kỳ số ra ngày 25/9 năm ấy in rõ ảnh chân dung 7 chiến sĩ VNQPH. Theo bài báo tường thuật thì người đầu tiên bước lên đoạn đầu đài là Phạm Văn Tráng. Ông Phạm Văn Tráng, 28 tuổi, quê tại Bát Tràng, học trường Nam Định vừa đi dạy học vừa hoạt động cách mạng. Tháng 12/1912, ông Tráng đã sang Nam Ninh (Trung Quốc) dự đại hội đại biểu VNQPH. Ông nhận nhiệm vụ giết tuần phủ Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình.

Hành động xong, Phạm Văn Tráng hô to khẩu hiệu "Cách mạng An Nam thành công muôn năm!", rồi ung dung bước lên một chiếc xe tay, chờ sẵn cách đó 400 mét.

Tại phiên tòa, khi nghe tin tuyên án mình bị tử hình, Phạm Văn Tráng tuyên bố hài lòng về việc mình làm nhằm giải thoát cho đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Ca ngợi việc làm chính nghĩa của mình, ông Tráng không quên bênh vực cho một đồng đội vì anh ta còn quá trẻ. Ông nói: Tôi còn trẻ, nhưng tôi thật sự thấy tiếc cho mức án dành cho những người khác còn trẻ hơn tôi".

Người này, Lương Văn Đức tức Bé con, 18 tuổi, là người mang bom đến cho Phạm Văn Tráng, sau đó còn đi "đưa tang" Nguyễn Duy Hàn để nghe ngóng tình hình. Tòa đã hạ mức án cho Đức từ tử hình xuống khổ sai chung thân.

Ông Tráng còn bình tĩnh pha chút giễu cợt nói với những người lính: Sau khi tôi chết hãy ném xác tôi xuống sông Hồng nuôi cá hoặc đưa vào rừng cho hổ ăn chứ đừng chôn dưới đất vì như thế tôi lại phải nhìn thấy cái mặt đáng ghét của Nguyễn Duy Hàn. --PageBreak--

Người thứ hai bước lên máy chém là Vũ Ngọc Thụy tức Hàn Linh, 30 tuổi, quê ở Thạch Can, tổng Bái Dương, tỉnh Nam Định. Chính Hàn Linh trong một buổi họp đã đề xuất việc giết tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Trước tòa đại hình, Hàn Linh có thái độ rất ngạo nghễ. Ông nói: Các ông có thể giết chết tôi nhưng tôi quyết không khai một điều gì về những người cộng tác với tôi".

Người thứ ba là Phạm Đức Quý tức Nho Quý. Một thầy lang kiêm thầy đồ dạy chữ Nho. Ông Quý đã dẫn ông Tráng đi quan sát tình hình thị xã Thái Bình, theo sát yểm trợ cho ông Tráng giết tuần phủ Nguyễn Duy Hàn.

Người thứ tư là Nguyễn Khắc Cần. Ông Cần mang hai quả bom từ biên giới Việt - Trung về cất giấu tại nhà mình ở làng Yên Viên, đã chia một quả cho bạn đem xuống Thái Bình, còn mình mang quả thứ hai ném vào Hà Nội hotel. Có một người nữa là Nguyễn Nho Tuý đã trực tiếp ném quả bom sát hại các sỹ quan Pháp tại đây. Ông Tuý là công nhân nhà máy xe lửa, đã thoát được ra nước ngoài.

Những ngày đầu bị bắt, Nguyễn Khắc Cần tự nhận mình là người thực hiện cả hai vụ đánh bom ở Thái Bình và Hà Nội, nhưng không đánh lừa được mật thám Pháp. Trước tòa án Pháp, ông khảng khái nói rằng việc làm của mình là chính nghĩa. Ông bác bỏ lời quan tòa nói mình có tội.

Người bước tiếp lên máy chém là Phạm Hoàng Luân, Phạm Hoàng Triết. Đây là hai anh em ruột trong một gia đình Nho giáo, ở thôn Lỗ Khê (2). Phạm Hoàng Luân tức Quế 36 tuổi,  kém anh Triết 2 tuổi. Ông Luân quen thân Hai Thạc là con trai thứ hai của Nguyễn Thiện Thuật, tức Tán Thuật lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên. (Tại phiên toà đại hình, người Pháp cũng xử vắng mặt Trọng Phương tức Hai Thạc án tử hình). Sau vụ ám sát tuần phủ tỉnh Thái Bình, ông Luân nhận nhiệm vụ giết Đặng Vũ Hoán, một tên mật thám đắc lực của toàn quyền Pháp. Ông Luân cùng với anh (ông Triết) trừ khử một tên phản bội là Tiên Nhi.

Thực dân Pháp đã dùng mọi cực hình tra tấn hai ông Luân, Triết. Chúng lấy kim đóng vào đầu ngón tay, ngón chân các ông, lấy mâm đồng nung đỏ, bắt hai ông ngồi lên. Chúng bắt cả mẹ già và anh của hai ông vào nhà tù, hy vọng dùng tình cảm gia đình lung lạc chí khí các nhà Nho yêu nước. Nhưng chúng đã thất bại. Người cuối cùng bước lên máy chém là Phạm Văn Tiến, tức Lý Tiến, 38 tuổi, người làng Thu Thủy, tỉnh Phúc Yên. Ông cũng là một nhà Nho. Trước tòa án, Phạm Văn Tiến đã thẳng thắn nhận mình cùng ông Luân giết mật thám Đặng Vũ Hoán. Ông Tiến nói: "Chính tôi đã giữ Hoán để ông Luân dùng con dao do người Pháp sản xuất để đâm chết Hoán".

Tờ báo tiếng Pháp cho biết thêm: Chỉ trong 4 phút rưỡi, 7 chiến sỹ yêu nước bị hành quyết trong sự yên lặng của đám đông chứng kiến. Rất nhanh chóng, người ta chuyển xác các tử tội lên hai chiếc xe đưa về Bệnh viện Bạch Mai. Việc khâm liệm được tiến hành vào khoảng 6 giờ rưỡi, dưới sự chỉ huy của viên chỉ huy Allémand rồi đưa đi chôn.

Kể từ 24/9/1913, ngày 7 chiến sỹ yêu nước hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, hàng năm, các gia đình có người ra đi vì đại nghĩa đều tổ chức cúng giỗ. Nhiều bà con trong vùng tới thành kính thắp hương trước bàn thờ, bất chấp bọn mật thám rình mò, đe dọa, gây khó khăn. Riêng với hai anh em Phạm Hoàng Luân, Phạm Hoàng Triết, các nho sĩ có câu đối viếng:

Anh em ruột thịt một hùng tâm, con Lạc cháu Hồng nêu nghĩa cả,

Khí tiết sáng ngời hai chí sỹ, non Thường dòng Lỗ ngát hồn thơm.

Hôm nay, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành Di tích lịch sử, cách mạng của Thủ đô. Những xà lim, hầm tối, xiềng xích, gông, cùm, ảnh tư liệu... nói lên truyền thống trung kiên bất khuất của các thế hệ chiến sỹ yêu nước, cách mạng. Đấy là những hiện vật trưng bày trong phòng. Gắn liền với nhà tù Hỏa Lò còn một pháp trường đáng ghi nhớ cần được tái hiện. Nên chăng, Ban quản lý Di tích dựng trước cổng nhà tù một tượng đài - tất nhiên phù hợp với vị trí con phố nhỏ - có thể là một cây cột (tượng trưng cái máy chém) hoặc tảng đá có mặt nhẵn (gợi nhớ thớt chém), trên khắc dòng chữ:

Tại nơi đây:

Ngày 24/9/1913, thực dân Pháp đã hành quyết 7 chiến sỹ yêu nước Việt Nam Quang Phục Hội.

Ngày 17/10/1931, đã xử chém Nguyễn Hoàng Tôn, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Để người đời mỗi lần đi ngang qua cổng nhà tù Hỏa Lò đều có thể cảm nhận sâu sắc tinh thần, vóc dáng lẫm liệt của những bậc anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập, tự do dân tộc

Lê Văn Ba
.
.
.