Chuyện tình nơi vườn cò miệt thứ

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:52
Ở vùng Hòn Đất - Kiên Giang, khu sinh thái Vườn cò Thanh Kiều khá nổi tiếng. Người ta không chỉ ấn tượng với một điểm dừng chân đậm chất Nam bộ, mà còn thú vị khi tiếp xúc với vợ chồng chủ nhân đang khai thác địa chỉ du lịch rộng 22 ha này. Vợ là nhà thơ Vũ Thiên Kiều, còn chồng là kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh!


Nhà thơ Vũ Thiên Kiều là gương mặt thi ca hiếm hoi trưởng thành sau năm 1975 ở Kiên Giang được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cho nên mức độ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Thiên Kiều hơn hẳn sức thu hút của Vườn cò Thanh Kiều nằm ở xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Xung quanh chẳng mấy người theo đuổi chữ nghĩa, nên một nữ cán bộ xinh đẹp của Ban Dân vận Huyện ủy như Vũ Thiên Kiều được thừa nhận trên văn đàn quốc gia, là điều đáng ngưỡng mộ.

Gần như tương phản với người vợ vừa có danh vừa có sắc, kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh mộc mạc và lặng lẽ, đúng chất nông dân miệt thứ. Sự tương phản phu thê ấy, được nhà thơ Vũ Thiên Kiều giải thích: “Tại sao em lấy ổng?” và “Bao giờ em bỏ ổng?”, đó là 2 câu hỏi mà có đến “n” lần tôi được hỏi. Ai cũng ngạc nhiên, vì vợ má phấn môi son còn chồng thì tóc đã muối tiêu mà phần muối chiếm 70% so với phần tiêu.

Có người còn mạnh bạo bày tỏ hoài nghi, chắc tôi ham giàu có mới lấy chồng già vậy, hoặc tôi bị ép gả. Thực tế, chúng tôi là thanh mai trúc mã. Hồi thanh niên, chồng tôi cũng thuộc hàng soái ca à nghen! Chúng tôi gắn bó với nhau 30 năm rồi, bỏ làm sao được!”.

Theo dòng hồi ức do nhà thơ Vũ Thiên Kiều kể chậm rãi (còn kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh ngồi cạnh làm chứng, thỉnh thoảng cười tủm tỉm…) thì họ phải lòng nhau từ hồi học trò. Vũ Thiên Kiều quê gốc ở Quỳnh Phụ - Thái Bình. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Vũ Thiên Kiều theo gia đình vào Hòn Đất lập nghiệp. Nguyễn Văn Thanh lớn hơn Vũ Thiên Kiều 3 tuổi, nhưng anh đi học muộn, nên họ ngồi chung lớp. Tự nhiên có “con bé Bắc kỳ” giành mất vị trí xuất sắc nhất lớp mà mình đã nắm giữ bao năm, Nguyễn Văn Thanh cảm thấy… khó chịu. Học trò là vậy, càng ghét nhau thì càng để ý nhau. Cho đến khi vào cấp 3 thì Nguyễn Văn Thanh tự nguyện lẽo đẽo theo nàng qua cầu khỉ mỗi khi tan trường. Thậm chí mấy lần qua ấp Tà Lóc để ngó nghiêng vào nhà nàng, khiến chàng thành… thi sĩ. Mấy câu thơ vụng dại của chàng đã khiến nàng xao xuyến: “Trời Tà Lóc gió cao lồng lộng/ Ngước nhìn ai nước mắt chứa chan/ Tôi đang chờ đón tin ai đó /Phương trời xa ai có nhớ tôi chăng?”.

Tốt nghiệp trung học, Vũ Thiên Kiều được Huyện ủy Hòn Đất tuyển dụng đi làm ngay, còn Nguyễn Văn Thanh đi bộ đội. Buổi tiễn nhau, chàng hoang mang thăm dò: “Em có chờ anh không?”. Nàng không trả lời, nhẹ nhàng dúi vào tay chàng một bàn thơ ôm ấp tâm tư: “Anh ơi kẹo kéo mềm môi/ Những lời thảm đỏ.... đã hồi hộp em/ Rằng ngoan thì giữ chặt rèm/ Rằng yêu thì phải đợi xem trăng tròn”.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1997, Nguyễn Văn Thanh vội vàng mang trầu cau đến ấp Tà Lóc để xin rước Vũ Thiên Kiều về làm dâu. Không chỉ giữ đúng ước hẹn trăm năm, Vũ Thiên Kiều còn động viên tân lang bước chân vào giảng đường đại học. Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh chia sẻ bằng sự tự hào: “Những năm mới cưới nhau, vợ tui một tay lo hết mọi thứ. Ngoài giờ hành chính ở cơ quan, vợ tui làm đủ thứ nghề mà tui cũng không tin là cổ làm được, như thiến heo, nuôi bò, lắp ráp các loại máy cơ khí đơn giản để bán cho hàng xóm… Cổ vừa nuôi con nhỏ, vừa nuôi… tui học 4 năm trên Sài Gòn!”.

Một trong những nghề phụ mà Vũ Thiên Kiều đã làm để cổ vũ chồng lấy bằng kỹ sư lâm nghiệp, là… cầm bút. Đêm đêm, khi dỗ con nhỏ yên giấc rồi, Vũ Thiên Kiều chong đèn viết đủ thể loại để gửi các báo. Giữa những bài bút ký, tản văn viết về cuộc sống người dân dọc theo kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên, là những bài thơ dành riêng cho chồng “em đem chữ gối đầu giường vỗ giấc/ mắt nhìn đêm ruồng rẫy cỏ cuối miền”, từ khoảnh khắc chồng xa nhà “Ngày thêu về phía anh không/ Chân đê giữ bụi cải ngồng làm vui” cho đến giây phút chồng trở về “Hết rồi những lúc chơi vơi/ Hết rồi những lúc rã rời cô đơn/ Anh về đầy chén cơm hơn/ Trăng non già khuyết dỗi hờn… mặc trăng”.

Một cô gái Thái Bình làm dâu trong gia đình mấy đời thông thuộc đất Kiên Giang, có phải là một thử thách không? Nhà thơ Vũ Thiên Kiều bảo, nếp ăn nếp ở không phải là điều gì đáng ái ngại, bí quyết duy nhất để êm ấm là “mình thương người ta thì người ta thương mình, mình tốt với người ta thì người ta tốt với mình”. Bằng chứng là nhà thơ Vũ Thiên Kiều từng viết một bài thơ cho… em dâu: “Em là em của chị rồi/ Như là ruột thịt cùng nôi em à/ Tiếng chì tiếng bấc người ta/ “Giặc Ngô” câu ví chỉ là thoảng không/ Em về hương khói tổ tông/ Chị đây thì cũng theo chồng khác chi/ Lẽ đời những nỗi sân si/ Chị em chia sẻ thầm thì là hơn/ Dù gian khó vẫn keo sơn/ Tình em nghĩa chị giận hờn lại thương/ Em về thay chị mọi đường/ Khéo tay lèo lái gió sương cũng dừng/ Em giờ đâu phải người dưng/ Trăm năm gia phả dát vàng tự em/ Lời em nói đá phải mềm/ Soi lòng chị cũng học thêm em nhiều”.

Bây giờ, cậu con trai duy nhất của kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh và nhà thơ Vũ Thiên Kiều đã thành chàng sinh viên đại học năm thứ 3. Bây giờ cơ ngơi của họ khiến nhiều người trầm trồ và thán phục. Vườn cò Thanh Kiều dĩ nhiên là ghép tên chồng Nguyễn Văn Thanh và tên vợ Vũ Thiên Kiều. Còn vì sao lại là vườn cò mà không phải vườn gì khác, thì hãy nghe nhà thơ Vũ Thiên Kiều giải thích: “Tuổi thơ của vợ chồng tôi từng chứng kiến những cánh cò bay rợp trời Hòn Đất mỗi chiều chạng vạng.

Nhà thơ Vũ Thiên Kiều và chồng.

Theo thời gian, không khí đô thị hóa tràn đến, người ta chặt bớt cây xanh để làm nhà cửa, nên bóng cò thưa thớt dần. Vợ chồng tôi quyết định gom đất để giữ vùng sinh thái cho cò sinh sống. Nay mua một ít, mai mua một ít, tích cóp lần lần, cuối cùng được 22 ha. Vậy là đàn cò quay lại. Và chúng tôi tạo nên khu du lịch này!”.

Vườn cò Thanh Kiều đúng nghĩa tài sản thuận vợ thuận chồng. Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh lo liệu các vấn đề về môi trường, cây cối, chim muông. Nhà thơ Vũ Thiên Kiều thì lo liệu tiếp đón khách khứa từ tham quan cho đến ẩm thực. Vườn cò Thanh Kiều càng ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ nhờ cảnh quan và dịch vụ mà còn nhờ thơ Vũ Thiên Kiều: “Người tìm may mắn trên cánh đồng xanh lúa/ Nắm đạm trong lòng tay người thả/ Cộng hưởng giọt giọt mồ hôi”.

Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh thú nhận: “Tài năng văn chương của vợ tui đã vượt sức tưởng tượng của tui. Ban đầu tui chỉ nghĩ cổ viết cho vui, ai dè lại thành tác giả có tên tuổi. Ra đường, người ta gọi tui là “chồng của nhà thơ Vũ Thiên Kiều”, cũng thấy kiêu hãnh dữ lắm!”.

Chung nhà chung cửa chung vui chung buồn đã 22 năm, nhà thơ Vũ Thiên Kiều nhắn nhủ chồng “phải tình yêu trong ngọt và nguyên chất như mật ong vườn nhà/ câu vọng cổ khàn giữa đêm tỷ tê lời ru/… thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi…/ một hắt hơi còn làm ai hoảng hốt/ lá sả sau hè vầy nước nóng xông em?”.

Còn kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh ủng hộ kế hoạch của vợ: “Tụi tui không chỉ dùng vườn cò để kinh doanh, mà còn muốn tạo thành một chốn nghỉ dưỡng cho các bạn văn của vợ. Tụi tui sẵn sàng tài trợ chỗ ăn chỗ ở cho các tác giả trên cả nước về đây, vừa thưởng ngoạn không gian sông nước vừa sáng tác văn chương!”.

Tuy Hòa
.
.
.