Vạch trần trò bịp bợm Kuman Thong
Thoạt đầu, nó được xem là một "mốt" chơi nhưng dần dà, khi sự huyền bí của nó lan truyền thì phong trào nuôi Kuman Thong bắt đầu phổ biến.
Thậm chí trên mạng xã hội đã xuất hiện "Nhóm nuôi Kuman Thong" với gần 11.000 thành viên, nhóm "Mua bán Kuman Thong" 7.500 thành viên, nhóm "Nuôi và chăm sóc Kuman Thong" hơn 6.000 thành viên, chưa kể những nhóm khác mà nếu muốn đọc được những thông tin về Kuman Thong thì phải đăng ký gia nhập…
Bài cuối Kuman Thong vào Việt nam như thế nào?
Những sự cuồng tín
Lướt qua trang web của những nhóm này, có thể thấy nội dung chủ yếu là những chuyện huyền bí xung quanh con búp bê Kuman Thong cùng cách nuôi dạy "con", cách đưa "con" đi chơi, cách tắm rửa, cách cho "con" ăn uống. Một thành viên trong "Nhóm nuôi Kuman Thong" là V.T.T khẳng định: "Việc nuôi và chăm sóc Kuman Thong đúng cách và đúng nghĩa sẽ làm cho người nuôi luôn luôn gặp những may mắn trong cuộc sống, bởi việc chăm sóc các linh hồn trẻ thơ không nơi nương tựa sẽ giúp chúng ta biết được chữ "Phúc" và "Lộc" ở kiếp này. Chúng ta không nên tin vào những "luận điệu của một số người thiếu hiểu biết" mà bi quan về việc chăm sóc các bé (?!)".
Để hiểu rõ hơn về Kuman Thong, tôi đăng ký gia nhập một nhóm. Sau khi được chấp thuận, việc đầu tiên của người quản lý nhóm có tên là Aisha khuyên tôi nên mua một "con" với giá 25 triệu đồng.
Tiếp theo, tôi được hướng dẫn các nghi thức để tiếp nhận "con": Đó là đặt tên cho "con" trước khi đưa "con" vào nhà, thắp nhang xin phép ông bà tổ tiên cho "con" được ở chung, tìm chỗ đặt "con" trong nhà nhưng không được quay về hướng tây, không đặt dưới cầu thang, không đặt ở hướng duỗi chân lúc ngủ.
Mỗi lúc muốn yêu cầu điều gì thì hãy nói với "con" rằng "con" giúp cho cha (hoặc mẹ) được cái này, cái kia rồi cha (mẹ) sẽ sắm sửa cho "con" quần áo, đồ chơi… Nghe xong tôi nghĩ mua vé số thì cơ may trúng độc đắc có lẽ còn nhiều hơn là nuôi nấng, hầu hạ một cục nhựa rồi cầu xin theo kiểu ngồi chờ sung rụng!
Con Kuman Thong của cô gái xấu số ở quận 4 nuôi (ảnh do người bạn thân của cô công bố trên mạng). |
Những hướng dẫn về việc nuôi Kuman Thong khiến tôi nhớ lại lúc tôi vào một cửa hàng bán Kuman Thong ở trung tâm thương mại Ratchadamri, Bangkok, nơi một con Kuman Thong rẻ nhất có giá 25USD, làm bằng nhựa, còn đắt nhất là 2.000USD bằng silicon cùng các đồ dùng, trang phục cho nó. Nhưng dù là nhựa hay silicon, nó đều rất tinh xảo với bộ quần áo may vừa vặn, khéo léo.
Người bán khẳng định với tôi rằng nó là Kuman Thong dòng Thep, nghĩa là nếu tôi nuôi nó, nó chỉ mang lại những điều may mắn cho tôi. Khi tôi hỏi cách "nuôi", bà chủ cửa hàng tận tình chỉ bảo: "Mang về, anh đặt Thep (bà không bao giờ dùng chữ "nó" mà luôn gọi là Thep một cách thành kính) ở chỗ cao ráo, sạch sẽ nhưng không nên có nhiều ánh sáng quá. Hàng ngày, anh nuôi Thep bằng sữa (vì nó là thai nhi). Anh cứ đặt ly sữa với cái ống hút cắm vào miệng Thep là được".
Vẫn theo lời bà chủ cửa hàng, nếu tôi đồng ý mua, bà sẽ dán vào lưng Kuman Thong một lá bùa (mỗi con Kuman Thong có một lá bùa khác nhau do các pháp sư vẽ) và kể từ khi dán, Kuman Thong sẽ trở thành sinh vật sống.
Bà dặn: "Nếu gia đình anh có trẻ con thì anh phải đối xử với Thep như với con anh, tuyệt đối không được phân biệt vì nếu không, Thep sẽ buồn, sẽ giận (?!), anh sẽ gặp chuyện xui xẻo. Khi Thep hư hỏng, anh có quyền dạy Thep, đánh Thep bằng cách vỗ nhẹ vào người Thep giống như anh dạy con anh". Tôi hỏi làm thế nào để biết nó hư hỏng thì bà chủ cửa hàng nhìn tôi với con mắt bí ẩn: "Cứ nuôi đi rồi anh sẽ thấy".
Nuôi Kuman Thong xem ra cũng gian nan lắm. Mỗi tuần một lần, tôi phải tắm cho nó với miếng vải mềm nhúng nước, nhẹ nhàng lau khắp người nó rồi thay quần áo cho nó. Và bởi "trẻ con nào mà chẳng thích mặc đẹp" nên tôi phải mua cho nó ít nhất 4 bộ quần áo cùng các đồ trang sức như dây chuyền, vòng, lắc, tất cả phải bằng vàng thật vì sớm hay muộn, nó cũng sẽ trả lại tôi vàng thật, nhiều gấp chục lần (?!). Cũng mỗi tuần một lần, tôi phải đưa nó đi chơi, càng đến chỗ đông người càng tốt để nó có dịp nhìn ngắm thế gian và cũng để người thế gian biết rằng nó đang tồn tại.
Chả thế mà tối ngày 8-3 vừa rồi, nhiều người khách ở một quán cà phê trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận, TP HCM đã "tròn cả mắt" khi thấy một nhóm thiếu nữ khoảng 20 tuổi, đặt 3 con búp bê váy áo lòe loẹt lên bàn (mà thực chất là Kuman Thong) rồi gọi cho mỗi con một ly sữa tươi. Suốt gần 2 tiếng đồng hồ sau đó, họ vừa nói chuyện với nhau, vừa nói với Kuman Thong như thể nó là những đứa bé thật sự.
Chết do Kuman Thong
Vừa qua, người dân ở một chung cư thuộc quận 4 TP Hồ Chí Minh phát hiện một thiếu nữ rơi từ trên tầng cao xuống tử vong ngay tại chỗ. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện trong phòng nạn nhân có nhiều con búp bê. Theo lời những hàng xóm lân cận thì đêm trước khi chết, nạn nhân mở nhạc rất lớn.
Một người được cho là thân thiết với nạn nhân sau đó đã công khai những tin nhắn của nạn nhân trên mạng xã hội, cho thấy nạn nhân nuôi Kuman Thong: "Con em ngoan hiền lắm, tình cảm. Em may mắn lắm mới được con chọn để nuôi". Trong một tin nhắn khác, nạn nhân kể rằng mình muốn chết, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết và không biết có ai "bỏ bùa" mình không. Thậm chí nạn nhân còn nói rằng mình "sợ cái thế giới này".
Đeo vàng cho "con" với niềm tin "con" sẽ mang vàng về cho mình! |
Trước vụ việc ấy, cộng đồng nuôi Kuman Thong dậy sóng. Nhiều ý kiến cho rằng nạn nhân đã nuôi nhầm Kuman Thong "ác" nên đã bị nó xúi giục tìm đến cái chết nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định nạn nhân hoang tưởng khi tin vào những chuyện mê tín dị đoan, đồng thời công kích những người nuôi Kuman Thong là quá cuồng tín. Cũng trên mạng xã hội, một số người nuôi Kuman Thong tỏ ý muốn trả lại cho nơi đã mua nó vì sợ đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ giống như cô gái xấu số kia.
Ngay lập tức, Aisha - người đã "dụ" tôi mua con Kuman Thong với giá 25 triệu đồng đồng thời dạy tôi cách nuôi, lên mạng phát biểu: "Nhân cái vụ bạn gái xấu số ở quận 4 kia không may mất đi khi đang nuôi mấy em Lukthep (nghĩa là Thần nhi) hay Kuman Thong mà để các bé bị đồn thổi tai tiếng thì chị Aisha xin nhận tất cả các bé có ba mẹ, thứ nhất vì áp lực gia đình mà không thể tiếp tục nuôi con, thứ hai tư tưởng lập trường không vững vàng khi nuôi con, để cho những suy nghĩ tiêu cực tác động xấu đến bản thân mình nên muốn bỏ con thì cứ gửi về cho chị Aisha nuôi hết nhé! Mà đã gửi cho chị chỉ vì những lý do lãng xẹt đó mà không bảo vệ được con mình thì sau này hối tiếc, muốn đón lại chị Aisha cũng không cho đón đâu. Bạn nào còn lăn tăn cứ Inbox FB, Zalo hoặc gọi điện. Chị nhận nuôi hết các bé Kuman Thong, Lukthep bị ba mẹ bỏ rơi trên toàn quốc".
Cũng trong "Nhóm nuôi Kuman Thong", một thành viên là Đ.T.M.H, với nhiều bài viết ca ngợi quyền lực vô biên của Kuman Thong thì khi bị một facebooker là Hoang Linh Dang phản bác sau cái chết của cô gái ở chung cư một cách cuồng tín đến mức mê muội của người nuôi Kuman Thong, sẵn sàng xem người khác là kẻ thù nếu người ấy xúc phạm đến niềm tin hoang đường của họ.
Khoa học và tôn giáo nói gì về Kuman Thong?
Cho đến nay, chưa hề có một bằng chứng nào chứng minh việc thờ cúng xác chết - đặc biệt là xác thai nhi - thông qua các ngẫu tượng bằng đất, đá, nhựa…, trong nhà sẽ mang lại sự may mắn, tiền tài, danh vọng.
Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM nói: "Thoạt đầu, những người nuôi Kuman Thong là những người gặp nghịch cảnh trong cuộc sống. Thay vì nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn thì họ chọn cách tin vào bùa chú. Nó mang lại cho họ cảm giác bình yên, hy vọng nhưng chỉ là nhất thời.
Sự tin tưởng của những người này dẫn đến hiệu ứng dây chuyền, lôi kéo nhiều người khác tin theo. Cũng có một số người nuôi vì tò mò, muốn xem nó đúng như lời truyền tụng hay không. Vài người sau khi nuôi Kuman Thong thì gặp may nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, còn người nuôi lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng nhờ Kuman Thong nên họ mới may mắn. Vì lẽ đó, phong trào nuôi Kuman Thong mới có đất sống".
Một thầy cúng chuyên vẽ bùa cho Kuman Thong để biến nó thành sinh vật sống. |
Với một số tu sĩ Phật giáo mà tôi đã tiếp xúc, tất cả đều có chung quan điểm nhìn từ triết lý Phật giáo, việc yểm linh hồn vào búp bê là do người nuôi bịa đặt ra nhằm lôi kéo người khác tin theo để trục lợi bằng cách bán quần áo, đồ trang sức, đồ chơi cho búp bê, hoặc lập hội, nhóm rồi kêu gọi các thành viên đóng góp tiền bạc để tổ chức những buổi cầu hồn "con" mình, xin cho được cái này cái nọ.
Thượng tọa Thích Thanh Huân, chùa Quán Sứ, Hà Nội nói: "Việc nuôi, thờ Kuman Thong hoàn toàn không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa Việt Nam. Đó là sự du nhập không chọn lọc, mang lại những hệ lụy cho xã hội. Mọi người nên có lý trí và trí tuệ để nhìn nhận rõ việc này, chớ bị mê hoặc bởi niềm tin không sáng suốt rồi mất tiền của và thời gian. Sự tốt lành sẽ đến với chúng ta qua hành động, lời nói và việc làm đạo đức, đúng đắn. Hãy tin vào luật nhân quả, những may rủi hay phúc họa, tốt xấu đều đặt trên nền tảng cuộc sống hiện tại của mình".
Với thầy giáo Nguyễn Long Thành, Giám đốc Trung tâm giáo dục An Sương, quận 12, TP Hồ Chí Minh thì lúc tôi đến để chuyển cho anh một món quà của thầy giáo Thamasat, anh đã đặt câu hỏi: "Nếu quả thật Kuman Thong có khả năng thần thánh như lời đồn thì tại sao người Thái không giữ riêng cho họ mà lại đem bán? Hồi sang Thái Lan du lịch, tôi đã từng bí mật bám theo một người bán Kuman Thong khi người này chèo kéo tôi mua với những lời quảng cáo có cánh. Kết quả là ông ta sống trong một khu ổ chuột ở ngoại ô Bangkok với đàn con 4 đứa nheo nhóc và bà vợ bị tật một chân. Có hàng chục con Kuman Thong mà lại bi đát như thế à?".
Với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nuôi Kuman Thong và tin vào quyền lực siêu nhiên của nó là một dạng bệnh lý tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.
Bác sĩ Lê Duy, Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP Hồ Chí Minh nói: "Khi bị hoang tưởng về quyền lực của Kuman Thong, họ luôn tìm cách truyền bá quan điểm của họ về Kuman Thong. Họ có thể thao thao bất tuyệt về nó. Nếu ai tin họ thì ngay lập tức, họ sẽ trở nên vô cùng thân thiết dù mới chỉ gặp nhau lần đầu còn với những ai phản bác, họ sẽ sẵn sàng gây sự. Điều nguy hiểm là hoang tưởng Kuman Thong về lâu dài sẽ khiến người nuôi nó tách rời cuộc sống thật, xa lánh trách nhiệm với gia đình và có thể tự hủy hoại bản thân, nhất là khi những lời cầu xin về danh vọng, tiền tài không xảy đến như mong muốn...".