Ai đã tạo ra chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chào đời như thế nào?

Thứ Năm, 11/05/2017, 10:17
Bảo Đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm chính trị của Pháp nhằm tái chiếm Đông Dương mang tên "Nam Kỳ Quốc tự trị", "Tây kỳ tự trị",... Để vỗ béo chính quyền Bảo Đại, Pháp gia tăng quân đội "quốc gia", chấp nhận giao cho người Việt trách nhiệm quân sự, dưới sự chỉ huy của tướng Pháp.

Mỹ sắp đặt ngày chào đời Việt Nam Cộng hòa

Khi Pháp cuốn cờ tại trận Điện Biên Phủ, Mỹ rất lo lắng. Mỹ không dám tham chiến tại Đông Dương. Vì vậy, tổng thống Mỹ lúc đó là Eisenhower cam kết viện trợ 800 triệu đô la trong tài khóa 1954, 1955 cho Pháp để duy trì chiến trường Việt Nam.

Ngày 16-1-1954, Eisenhower thiết lập một Ủy ban Đặc biệt nghiên cứu về Đông Nam Á, gồm Tướng Walter B. Smith, Roger Keyes, Đề đốc Arthur Radford, Allen Dulles (CIA), và C.D. Jackson. Ủy ban này có nhiệm vụ đề ra kế hoạch xâm lược Việt Nam theo một lộ trình thích ứng từng diễn biến. Ủy ban này yêu cầu Eisenhower bằng bất cứ giá nào cũng phải khống chế được một phần Việt Nam không trả lại cho người Việt Nam.

Ngày 7-5-1954, Pháp bị Quân đội Nhân Dân Việt Nam đánh bại trận Điện Biên Phủ nhưng vẫn tìm cách níu kéo quyền lực tại Việt Nam.

Bảo Đại - Ông vua bù nhìn.

Trong một cuộc mật đàm trước khi diễn ra Hội nghị Geneve (tháng 7-1954), Mỹ và Pháp đã thỏa thuận một cuộc chuyển giao quyền lực trên đất nước Việt Nam. Ở cuộc họp mật này, đại diện Mỹ nhấn mạnh Ngô Đình Diệm chính là "phương tiện duy nhất" (từ chính xác của Dulles) chở Mỹ và Pháp trên con sông nhiều lợi ích - Việt Nam. Đáp lại, Pháp yêu cầu Mỹ chấp nhận cho con cờ chính trị của mình là Bảo Đại cầm quyền. Mỹ trả lời: "Nếu giữ Bảo Đại lại, chỉ còn khả năng là làm lãnh tụ không quyền lực".

Kết thúc cuộc họp đầy kịch tính đó, Mỹ và Pháp cùng thống nhất quan điểm: Pháp rút chân khỏi Việt Nam nhường quyền cho Mỹ. Đại diện của Pháp là Bảo Đại sẽ làm Quốc trưởng, chỉ huy công an nhưng không được quyết định chính sách chủ trương nếu không có ý kiến của Diệm; Diệm là người đại diện cho Mỹ sẽ làm Thủ tướng, chỉ huy quân đội và toàn quyền quyết định mọi chính sách chủ trương của chính quyền.

Nhờ Mỹ dàn xếp hậu trường, ngày 6-6-1954, chính phủ Pháp tuyên bố cho Ngô Đình Diệm thay Bửu Lộc làm Thủ tướng của Bảo Đại. Nhưng đến ngày 12-6, Bửu Lộc mới lên tiếng từ chức để có cớ cho Ngô Đình Diệm lên thay.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, Bảo Đại lại đề nghị Chính phủ Pháp đuổi Diệm đi, nhường cái ghế Thủ tướng lại cho Bảy Viễn - Thủ lĩnh giang hồ Bình Xuyên.

Hay tin đó, vào ngày 21-9-1954, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi một công điện cho chính phủ Pháp khẳng định lập trường vỗ béo Diệm và chống việc đưa Bảy Viễn ra cầm quyền. Pháp lại đề nghị Mỹ chấp thuận cho Nguyễn Văn Tâm, người có hỗn danh "Hùm xám Cai Lậy" có chân trong thành phần chính phủ. Pháp muốn người của mình giám sát Diệm.

Khích lệ Diệm, ngày 28-09-1954, tổng thống Mỹ Eisenhower phải gửi một lá thư cho Diệm khẳng định Mỹ chỉ viện trợ trực tiếp cho Nam Việt Nam đồng thời huấn luyện đào tạo cho Diệm một đội quân.

Sự xung đột ngầm giữa Mỹ và Pháp đã dẫn tới một cuộc mật đàm vào ngày 29-9-1954 tại Sài Gòn. Kết thúc cuộc mật đàm, đại diện 2 bên lại ký một mật ước. Theo đó, Mỹ khẳng định Diệm là người của Mỹ. Pháp không được can thiệp vào quyền lực của Diệm và phải bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế cho Diệm đến cuối tháng 12-1954. Mật ước này là động thái chính thức chuyển giao quyền thực dân của Pháp cho Mỹ đối với đất nước Việt Nam. Pháp hết vai trò ở Việt Nam.

Để tăng thêm liều thuốc can đảm cho Diệm, ngày 8-11-1954 Mỹ cử tướng hồi hưu J. Lawton Collins sang Việt Nam làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Collins được giao nhiệm vụ đại diện tổng thống Mỹ cấp thời giúp đỡ trực tiếp cho Diệm. Đã có chỗ chống lưng, Ngô Đình Diệm tận dụng cơ hội ra tay với các giáo phái.

Lá thư xúc động của Ngô Đình Diệm

Thời điểm này, tuy mang tiếng là Quốc trưởng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam nhưng Bảo Đại đang ung dung hưởng thụ vật chất ở Paris.

Ngô Đình Luyện ôm một mớ đô-la của Lasdale sang Paris gặp Bảo Đại kèm lá thư tay bằng tiếng Pháp với lời lẽ tận tuỵ giả tạo:

Kính gởi Hoàng thượng Bảo Đại

Quốc trưởng Việt Nam

Kính thưa Ngài,

Tôi thật vô cùng cảm kích trước những lời tin cậy và khích lệ đầy thương mến mà Ngài đã chỉ thị cho bào đệ Ngô Đình Luyện truyền lại cho tôi.

Ngài đã biết rõ sự bất vụ lợi và lòng trung thành của dòng họ chúng tôi, trong quá khứ, đã phục vụ Tổ quốc và Hoàng triều như thế nào. Xin Ngài hãy tin tưởng rằng đến lượt tôi, tôi sẽ cố gắng tiếp tục phục vụ với tất cả sức lực và tâm hồn để xứng đáng với lòng tin cậy thân yêu mà Ngài đã dành cho.

Trong lúc có những giải thích đầy xuyên tạc của dư luận về sự mở rộng thành phần nội các đã gây cho tôi quá nhiều phiền muộn, tôi muốn nói lên đây lòng tri ân của tôi về sự tín nhiệm của Ngài vẫn dành cho tôi.

Thật ra hoài bảo thân thiết nhất của tôi là nhận được sự chấp thuận của Quốc trưởng trong các đại sự của quốc gia, về binh bị, ngoại giao, xã hội, tài chánh hay hành chánh.

Chỉ có sự chỉ đạo khôn khéo và chỗ dựa vững chắc ở quốc trưởng, tôi mới có thể thực thi được những quyền lực đầy đủ để giải quyết tất cả vấn đề có tầm vóc liên quan đến sự sống còn và tương lai của đất nước.

Những cải cách về Hiến pháp và Dân chủ phải được nhanh chóng thực thi theo đúng những lời tuyên bố của Ngài khi Ngài trở về sau chuyến lưu vong.

Nhưng quyền lực của Hoàng triều phải thật sự cứng rắn để bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, kỷ luật quân đội, tôn trọng quyền lợi và tự do của dân.

Trình Ngài, chính trong tinh thần nầy mà tôi đã nhờ bào đệ Luyện thỉnh cầu Ngài hồi loan càng sớm càng tốt, miễn là không trở ngại đến việc chữa bệnh của Ngài ở Pháp.

Tiếc thay khi được tin nầy thì những xáo trộn những âm mưu chính trị không tránh được khi đất nước bị chia cắt, đã tăng lên gấp bội, vì những tham vọng và quyền lợi riêng tư đó đã lo sợ sự hiện diện của Hoàng thượng và sự củng cố chánh quyền của Ngài.

Là người chủ xướng sự hồi loan nhanh chóng của Ngài, thế mà tôi phải đau lòng thỉnh cầu ngài dời hoãn ngày về nước để cho tôi có đủ thời gian cần thiết để san bằng những trở ngại khó khăn và đánh tan một vài thái độ mâu thuẫn.

……………

Để kết thúc, tôi xin được phép nhắc lại sự cảm tạ của tôi về sự tiếp tục tín nhiệm mà Ngài đã dành cho.

Tình trạng đất nước, bị xâu xé và tàn phá bởi cuộc chiến lâu ngày nầy đã gây quá nhiều lo âu cho tôi, vì vậy những bằng chứng về lòng tin tưởng thương yêu của Hoàng thượng sẽ là một niềm khích lệ vô giá đối với tôi.

Xin được phép nhắc Ngài rằng khi nhận chức Thủ tướng chính phủ, tôi đã có xin Ngài hứa cho là trong trường hợp chính sách của tôi, nếu xét có bằng chứng có thể phương hại cho Tổ quốc, thì Hoàng thượng sẽ không để những tình cảm tốt đẹp dành cho tôi chi phối, mà sẽ cương quyết chối từ chính sách đó để cứu quốc dân.

Xin phép Ngài cho tôi được tin vào lời hứa đó, vì tôi phải có một chính sách cứng rắn và dũng cảm để đối phó với các sự xáo trộn chính trị và các liên hệ chằng chịt quá phức tạp của những quyền lợi lớn của cá nhân hay ngoại quốc gây ra.

Tôi sẽ làm chuyện nầy với lương tâm thanh thản vì tôi biết trước, nếu trường hợp gặp thất bại, Ngài sẽ sẵn sàng điều chỉnh tay lái khi cần.

Tôi trao thư nầy cho bào đệ Luyện để đệ trình lên Ngài với lòng trung thành tôn kính và thâm sâu của tôi.

Sài gòn, ngày 10 tháng 11 năm 1954

Ký tên Ngô Đình Diệm

Tin lời Diệm, bà Nam Phương chuẩn bị khăn áo để về làm Phụ chánh. Cũng may, bà Nam Phương không về nước vì một vài người ngăn cản. Nếu không, bà sẽ bị nhục nhã do các thuộc hạ của Diệm đã chuẩn bị sẵn một màn biểu tình lăng mạ để chào đón bà tại sân bay.

Đằng sau bức màn vở kịch trưng cầu dân ý

Giúp Diệm chiếm được cái ghế thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại vào ngày 6-10-1955, Chính quyền Mỹ đã đặt được chiếc đòn bẩy vào mông Pháp. Bây giờ, chỉ cần một cú hích để hất Pháp văng khỏi Việt Nam. Cú hích đó nằm trong tay nhà tình báo chuyên gia lật đổ chính trị Edward Lansdale.

Ngô Đình Diệm mua chuộc các giáo phái ủng hộ mình.

Lansdale xúi Diệm thực thi một nhiệm vụ, đó là tổ chức một cuộc "trưng cầu dân ý". Về hình thức, đó là một cuộc bầu cử tay đôi giữa Diệm và Bảo Đại. Tuy nhiên những gì diễn ra cho thấy, đó là một cuộc đảo chính của Diệm dành cho Bảo Đại bằng thủ thuật bầu cử. Gian lận trong bầu cử, với chuyên gia Lansdale chỉ là trò chơi sơ cấp.

Để thực hiện âm mưu "soán ngôi", ngày 23-10-1955, với tư cách là "Tổng Tư lệnh quân đội cái gọi là Quốc gia", Diệm ra lệnh cho các đơn vị vũ trang xua dân đi bỏ phiếu để "lựa chọn lãnh tụ" giữa Diệm và Bảo Đại.

Mặt khác, Lansdale tài trợ tiền cho Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân thuê người đi dán áp phích, phát tờ rơi ca ngợi Diệm khắp đường phố. Nhiều tay chân của Diệm đã tổ chức cho người của họ đi bỏ phiếu nhiều lần. Có nơi, phiếu bầu phát ra đã gạch sẵn tên Bảo Đại, người dân chỉ việc bỏ vào thùng phiếu. Tại Sài Gòn, nhiều đơn vị bầu cử đã thu được số phiếu bầu cho Diệm đạt đến… 130% số cử tri.

Với cách chơi gian lận, kết quả bầu cử được công bố ngày 26-10-1955, Ngô Đình Diệm thắng cử với 5.721.735 phiếu (chiếm 98.2%).

Trước kết quả bầu cử đầy yếu tố gian lận đó, các giáo phái lên tiếng kêu gọi tẩy chay Diệm. Bất chấp dư luận, Ngô Đình Diệm tự phong làm "Tổng thống Việt Nam Cộng hòa".

Các giáo phái ngu ngơ về chính trị không biết Pháp đã dần mất quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam. Các giáo phái đã tuyên bố thành lập "Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia" tạo liên minh ủng hộ Bảo Đại (tức Pháp), chống Diệm vào ngày 2-3-1954. Họ đã tự đưa đầu cho Diệm báng.

Ngay sau khi tướng Collins sang Việt Nam, việc đầu tiên Diệm làm là cần thanh trừng các lực lượng giáo phái để trả thù. Điểm đầu tiên là Bảy Viễn.

Lúc này Bảy Viễn đang nắm giữ ngành Cảnh sát - Công an vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Sau khi loại bỏ được tướng Hinh, Diệm mới chỉ kiểm soát được ít khu phố ở Sài Gòn và các trại lính khoảng hơn 5000 quân.

Khởi sự gây hấn với Bảy Viễn, cuối năm 1954, Diệm ra lệnh rút hết giấy phép kinh doanh các sòng bạc và ổ mãi dâm của Bảy Viễn.

Tiếp tục, ngày 15-2-1955, Diệm lệnh đóng cửa sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới. Đồng thời rút hai đại đội từ Phan Thiết, tăng cường thêm 7 chiếc xe bọc thép về bảo vệ dinh Norodom. Một số đơn vị của tướng Trịnh Minh Thế cũng được điều về quanh Sài Gòn, bọc hậu Bình Xuyên.

Ngày 26-3-1955, Diệm chỉ thị phải đặt lực lượng cảnh sát của Bảy Viễn dưới quyền Nha Cảnh sát - Công an Đô thành (tức Sài Gòn), đồng thời ra lệnh giải tán lực lượng Công an Xung phong Bình Xuyên. Chỉ thị đó khiến Bảy Viễn nổi điên. Bảy Viễn lệnh cho thuộc hạ nổ súng chiếm đoạt một số đồn bót cảnh sát.  Diệm đã phải cử một đại đội dù ứng chiến.

Trưa ngày 28-4-1955, hai phe bắt đầu tấn công quyết liệt.

Bảy Viễn cho nã cối vào dinh Độc Lập. Quân Diệm phản công vào khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn đồng thời chiếm lĩnh các trụ sở của Bảy Viễn. Bảy Viễn cầm cự không lại đã cho phá cầu chữ Y rồi rút về rừng Sác.

Đang đánh Bình Xuyên đến hồi gay cấn thì Diệm nhận được điện của Bảo Đại yêu cầu phải sang Cannes trình diện vào ngày 9-5-1955.

Lansdale đánh hơi biết Bảo Đại chơi trò "điệu hổ ly sơn". Vì cùng thời điểm ấy, Bảo Đại bí mật phong cho Vỹ, đang trú tại Đà Lạt chức Tổng Tư lệnh quân đội. Đồng thời tướng Nguyễn Văn Hinh đang ở Pháp cũng được lệnh của Bảo Đại bay về Việt Nam. Nếu Diệm đi Cannes, tướng Vỹ sẽ nhảy vào chiếm ghế thủ tướng. 

Xác định, đây là động thái của một cuộc đảo chính, Lansdale yêu cầu Diệm ra tay hạ bệ Bảo Đại trước để chiếm ưu thế. Việc khẩn cấp phải làm lúc đó là theo dõi tướng Vỹ và thủ tiêu tất cả những chính khách ủng hộ Bảo Đại. Một cuộc bố ráp, thủ tiêu chính khách được Diệm bí mật ra lệnh cho thuộc hạ thi hành. Hầu hết nạn nhân chính trị đầu tiên của Ngô Đình Diệm đều mất tích bí ẩn.

 (Còn tiếp)

* Lược trích từ "Cái chết của anh em nhà Ngô" (Nhà xuất bản CAND 2009) và "Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm" (Nhà xuất bản CAND 2014).

Nông Huyền Sơn
.
.
.