Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX:

"Cõi không tưởng chết chóc"

Thứ Sáu, 20/11/2009, 09:35
Chính sau cuộc tuyển cử này và sau việc chỉ định một chính phủ mới, Xihanúc “từ chức” Quốc trưởng, còn người bạn cũ đồng thời là cố vấn của ông Pen Nút “từ chức” Thủ tướng. Khi ấy, người ta thông báo rằng Xihanúc sẽ nhận được trợ cấp hàng năm là 8.000 đôla.

Pin Yathay viết rằng thông báo này làm cho ông và những người khác tin là Xihanúc cùng gia đình sắp lên đường tới “một nước thân hữu nào đó”. Chỉ sau khi Pin Yathay chạy thoát sang Thái Lan tháng 6/1977, ông mới biết rằng ngay sau trò hề “từ chức”, Xihanúc đã bị quản thúc tại nhà và vẫn còn ở trong nước.

Trong các cuộc họp hành chính trị, Khơme Đỏ che đậy sự đe dọa của chúng một cách qua loa. “Các người phải lao động chăm chỉ để trở thành những người cách mạng tốt. Nếu các người chần chừ giữa đường, bánh xe cách mạng sẽ nghiến nát các người. Ở nước Campuchia mới, chỉ 1 triệu người cũng đủ để tiếp tục cuộc cách mạng. 1 triệu người cách mạng tốt là đủ đối với xã hội mà chúng ta đang dựng xây. Chúng ta không cần số còn lại. Chúng ta thà giết chết 10 người bạn còn hơn là để sống sót 1 kẻ thù”. Lời cảnh báo thật rõ ràng. Khơme Đỏ chẳng cần có bằng chứng gì cũng có thể bắt người bị tình nghi, cho dù người đó là bạn của chế độ mới.

Bất kỳ xã trưởng nào cũng đều có quyền ra lệnh giết bất cứ ai. Chúng sẵn sàng thanh toán những chuyện quan hệ riêng tư hoặc cướp bóc của mọi người. Chúng ngụy trang tội ác của chúng bằng những bài diễn thuyết chính trị. Chúng tôi không được tự vệ để chống lại hệ tư tưởng này. Khơme Đỏ chỉ hứa hẹn đem lại cho chúng tôi nước mắt, máu và niềm tuyệt vọng... “Các người phải chứng minh cho Ăngka biết rằng các người không ngại ngần gì mà không chịu hy sinh nào đó, các người phải lao động chăm chỉ. Nếu ngã xuống, hãy tự nâng mình đứng dậy và tiếp tục lao động.

Pin Yathay, và nhiều người trong số những người tôi có dịp nói chuyện, nói rằng đi liền với những lời dọa dẫm và hò hét sau cái gọi là cuộc tuyển cử tháng 3/1976, là việc tăng cường tình trạng khủng bố và cường độ công việc đối với những người lao động nô dịch. Lời đe dọa giảm dân số xuống còn 1 triệu người đã làm cho luận điểm chính thống rằng mục tiêu của khủng bố “chỉ là” kẻ thù giai cấp trở nên vô nghĩa.

Những cuộc nổi dậy và phản đối rải rác nổ ra khắp nông thôn. Pin Yathay kể lại một “hiện tượng khác thường” xảy ra tháng 11/1975 trong khi gia đình ông có mặt tại Vin Vông dưới chân dãy Đậu Khấu. Hàng trăm dân mới, dưới sự lãnh đạo của 5 giáo viên phổ thông, tuần hành tới trụ sở Khơme Đỏ ở địa phương để phản đối việc vận chuyển chậm trễ, hoặc không cấp phát khẩu phần lương thực.

Tại trụ sở, một trong những giáo viên bước lên và phát  biểu đôi lời, tóm tắt những nỗi thống khổ của những người biểu tình, nhưng vẫn ca ngợi đúng mức công đức của Ăngka! Cái cốt lõi của lời khiếu nại là: “Khẩu phần ăn uống thật kỳ quặc! Chẳng có thịt cũng không có rau. Công việc thì quá nặng nề - không hề có gì chăm lo sức khỏe chúng tôi cả. Không có thuốc men cũng không có phòng khám”.

Đáp lời, gã trùm Khơme Đỏ của xã mắng nhiếc người phát biểu vì đã tỏ ra “vô ơn bạc nghĩa” đối với tất cả những gì Ăngka đã làm cho mọi người:

Trong vòng một tuần, 5 giáo viên kia biến mất không để lại dấu tích gì.

Pin Yathay nhận xét rằng từ đó trở đi, lính tuần tra khắp vùng quanh xã, lần lượt bắt đi các nạn nhân, “từng người một, vào ban đêm”. Dân làng bắt đầu bắt gặp xác người trong những cánh rừng quanh đó.

“Khơme Đỏ đã đạt được mục đích của chúng. Chúng khủng bố tinh thần dân chúng trong xã bằng cách cho phép họ bắt gặp một số xác người bị chặt, cắt và đã thối rữa.

Không thể có nổi dậy nữa. Việc 5 giáo viên bị biến mất đã làm chúng tôi bị tổn thương và xúc động sâu sắc. Chúng tôi quá dễ bị đánh quị... Nổi dậy như thế nào bây giờ? Chúng tôi không có vũ khí. Vì cho dù chúng tôi có khả năng kiếm được một số vũ khí và giết được khoảng dăm chục tên Khơme Đỏ trong xã, thì sau cuộc nổi dậy chúng tôi sẽ làm gì? Phía ngoài Vin Vông đều là rừng... Thật khó mà ra lập chiến khu chỉ với vài chục khẩu súng, một chút dự trữ đạn dược và với khẩu phần lương thực cực kỳ ít ỏi, để chống lại một tổ chức độc đoán.

Đồng minh lớn nhất của Khơme Đỏ là nạn đói. Đến lúc này những người nô lệ cảm thấy nhu cầu nổi dậy, hàng ngũ của họ đã bị tiêu hao và những người còn sống sót đã bị suy yếu và tàn tạ tới mức họ không còn khả năng nổi lên chống bọn Khơme Đỏ, chẳng khác gì khả năng của những nạn nhân ở Trại Aosơvít nổi dậy chống lại bọn cảnh vệ Quốc xã được ăn uống tốt và được vũ trang đầy đủ. Theo ước tính của Pin Yathay, ngay từ hồi đầu tháng 5/1976, cứ 10 người lưu đày ở Đôn Êy, đã có 8 người chết vì đói, vì bệnh tật hoặc bị giết chết.

“Chúng tôi ngày càng nhụt chí. Khơme Đỏ vẫn cứ nhìn cảnh khốn cùng thảm thương của chúng tôi mà chẳng mảy may xúc động. Quần áo chúng tôi nát tã, chất liệu thuốc nhuộm thô sơ lại làm cho áo quần chúng tôi bươm ra.

Người chết nhiều đến mức trong số 7 trại ban đầu, nay chỉ còn 2. Khi chúng tôi tới, 5 trại đã được dựng lên. Nhưng chúng dần dần bị bỏ hoang vì chẳng còn ai ở nữa. Quá nửa dân số đã bị mất đi, những người còn sống sót kéo tới làm tăng thêm số người ở 2 trại cũ, ít nhiều được bệnh dịch và chứng ngã nước tha mạng. Hai trại này chống lại nạn đói khá nhất; vì trước hết 2 trại đó gồm những người dân “cũ”, được hưởng khẩu phần lương thực kha khá...”.

Pin Yathay bị đưa đi vài tháng cùng một đội đánh cá ở Tônglêsáp. Khi ông trở về: “Chẳng có gì thay đổi. Mọi người vẫn tiếp tục chết. Cả những dân “cũ” cũng đang chết dần. Trong số dân “cũ”, những ai còn tính nhạy cảm - và quan trọng nhất, còn ý thức - chỉ còn biết lắc đầu thể hiện sự hoài nghi, trạng thái mất tinh thần và thái độ nổi dậy. Thảm họa đã nhấn chìm tất cả chúng tôi”.

“Để ngăn ngừa bất kỳ ý định chạy trốn nào, Khơme Đỏ đã dựng lên một thứ tổ chức cực kỳ chặt chẽ theo thứ bậc. Những làng xã này, cách biệt trong một cánh rừng thù địch, bị quây kín bằng hàng rào. Giữa các khu dân cư với nhau, không thể có nổi sự tiếp xúc thực sự và liên tục... Thậm chí chúng tôi không có cả khả năng vật chất để tham khảo ý kiến của nhau, nói chuyện hay mưu tính với nhau... Chúng tôi không có điều kiện để tiến hành một cuộc nổi dậy. Quần quật tối ngày, nên nếu như có giây phút nào rỗi rãi, chúng tôi đều dành vào việc kiếm thức ăn. Những ý định nổi dậy đều bị dập tắt một cách tàn ác.

Một hôm tại Vin Vông, trong một khoảnh khắc giận dữ, một thanh niên giết chết một tên cảnh vệ Khơme Đỏ. Lập tức anh ta bị những tên cảnh vệ khác giết... Không được sự hỗ trợ về hậu cần từ bên ngoài, hoặc không có một cuộc binh biến trong hàng ngũ Khơme Đỏ, thì mọi ý đồ lật đổ chế độ độc tài của Ăngka đều vô ích”.--PageBreak--

Giáo sư Keng Vănxắc đã trình bày một trong những bản phân tích sâu sắc nhất về hệ thống Ăngka, trên cơ sở hàng trăm cuộc phỏng vấn những người còn sống sót và việc nghiên cứu những tài liệu của Khơme Đỏ có thể có được. Dưới đây là lời tóm tắt của ông về một vài trong số những phương châm và giáo lý cốt yếu của Ăngka:

Giáo dục: “Trường đại học thật sự chính là trên cánh đồng, ngoài công trường, trong nhà máy. Cái cốt yếu không phải là kiến thức, không phải bằng cấp, không phải khoa học, không phải kỹ thuật, mà là  Giác ngộ Vô sản, giác ngộ của những nông dân lao động nghèo khó chiến đấu cho tư tưởng của Đảng. Trên cơ sở có giác ngộ người ta có khả năng làm được mọi thứ, giành được mọi thứ, thành công trong mọi thứ”.

Cuộc sống: Không phải cuộc sống cá nhân, mà là cuộc sống “tập thể”, theo đơn vị.

Gia đình: Bị đảo lộn. Gia đình là một môi trường thuận lợi cho việc tái lập bè cánh và sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Vì thế, cuộc sống gia đình bị thu lại tới biểu hiện đơn giản nhất của nó. Vợ chồng phải chia lìa, chỉ được gặp nhau khi Ăngka cho phép. Cha mẹ và con cái phải tuân thủ những đòi hỏi có tính tập thể chủ nghĩa như nhau.

Lao động: Lao động cưỡng bức, “tập thể” dưới sự giám sát của binh lính vũ trang cùng với những hồi kèn tuyên truyền ầm ĩ dưới tiêu đề “tiến công thắng lợi” trên khắp các mặt trận. Đó là vấn đề lao động cưỡng bức dựa trên sức người. Do vậy, đàn ông, đàn bà bị đeo ách vào cổ để kéo cày thay trâu bò...

Hợp tác xã: Đây là một đơn vị xã hội và hành chính, một cơ cấu kinh tế và chính trị, “kho hàng” của “tập thể”; là điểm tập trung mọi quyền hành tập trung của cải và phân phối thực phẩm, do đó, là điểm kiểm soát bằng dạ dày (rất có hiệu quả).

Cư dân: Được chia thành hai loại rõ rệt: Khơme Đỏ là chủ, và nhân dân, như “tù binh chiến tranh”, phải chịu kiếp nô lệ và chết dần chết mòn. Các chủ nhân có mọi thứ quyền hành và đặc quyền đặc lợi.  Còn nhân dân không được quyền đụng chạm đến bất kỳ cái gì, thậm chí cả với hạt lúa họ trồng ra hay những sản phẩm gia súc gia cầm họ nuôi được cũng vậy.

Những người dân di tản thường kể lại một kiểu tình huống hay xảy ra như sau: “Vì thiếu đường ghê gớm, một số người kiếm được ít khúc mía, đem trồng trước túp lều của họ. Khi thân mía mọc cao được chừng 1 mét, Khơme Đỏ vũ trang đến. Chúng cẩn thận đếm lại số thân cây. Sau đó chúng treo lên một tấm biển viết “Tất cả số mía này thuộc về Ăngka, bất cứ ai đụng đến sẽ phải chết”.

Pol Pot (ngoài cùng bên trái) và đám thuộc hạ.

Cách biệt: Mọi người bị lùa vào các trại lao động cưỡng bức. Những trại này được tách ra thành từng khu gồm 10 đơn vị một; mọi người bị cấm đi lại từ khu này sang khu khác. Những người dân tị nạn từng sống trong cái thế giới trại tập trung này của Khơme Đỏ sử dụng một hình tượng rất sinh động để kêu than về cảnh không được tự do đi lại này - VOS DEI OY DOER - có nghĩa là Khơme Đỏ đi đo từng phần đất mà mỗi người được phép đi lại trong đó.

Thường xuyên lưu đày: Việc làm này nhằm triệt tận gốc mọi người về mặt môi trường xã hội - thậm chí về mặt ruộng đất - mà họ đã bắt đầu trở nên quen thân. Mục tiêu là ngăn chặn sự nảy nở của bất kỳ một bản năng nào về của cải, tài sản cũng như việc tái thiết gia đình, phe cánh hoặc tổ nhóm dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa. Sự gắn bó với “tổ ấm” của mình, với vợ chồng con cái cha mẹ của mình - lẽ nào đó chẳng phải là nguồn gốc của mọi thứ ác hại hay sao?

Họp hành: Việc làm duy nhất được phép thực hiện là những khoa học giáo dục chính trị, do Đảng tổ chức và áp đặt. Tự phê vĩnh cửu! Nhưng cái đáng sợ hơn lại là cuộc “sát hạch tiểu sử”... Mỗi năm hai lần, mọi người lại trở thành “thí sinh” và phải trình bày lịch sử đời mình để mọi người phát giác - dù cho cái giá phải trả là gì chăng nữa - và để tố cáo những “lỗi lầm” mắc phải trước kia, hiện nay và những lỗi lầm dự kiến sẽ mắc phải trong tương lai, trên cơ sở những dự tính và suy nghĩ... Nhiều người đã tự vẫn sau lời tuyên án Ban giám khảo cuộc “sát hạch tiền sử”.

Xã hội Khơme Đỏ: Xã hội không có giai cấp này sẽ được hình thành chỉ gồm toàn người Khơme Đỏ. Xã hội ấy đã và đang thực hiện chức năng của nó mà không cần đến tiền nong, không lương bổng, không chợ búa - do đó cũng không ngân sách, không có vấn đề cán cân thanh toán, thúc đẩy nền kinh tế, không lạm phát, khủng hoảng kinh tế, xã hội hay chính trị - ít nhất thì chúng cũng tuyên bố như vậy! Và không có tiền nong hoặc thương gia, không có lao động trả công thì sẽ không có cơ sở cho những tệ nạn xã hội như sùng bái lợi nhuận, chủ nghĩa cá nhân, xung đột giành giật địa vị cá nhân, ghen ghét, cạnh tranh, hủ bại, suy đồi và...

“Một mặt sẽ chỉ có lao động nô dịch - để bị giết hoặc bỏ mặc cho chết một khi họ không còn đủ sức lê bước ra đến cánh đồng. Mặt khác, lại sẽ có những tên chó giữ nhà nhăm nhăm súng vào những “nông dân lao động nghèo khổ”, bị bỏ đói tới mức cùng cực nhất.

(Còn nữa)

Lược trích "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam"
.
.
.