Kia
Mobifone

Chuyện người nông dân Mỹ làm bạn với Tổng Bí thư Nikita Khrushchev

Thứ Sáu, 22/11/2019, 08:47
Đối với người nông dân Mỹ Roswell Garst, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev là một trong những người bạn tâm giao đặc biệt. Trong cảm nhận của Garst, đó là một trong số những nhà lãnh đạo cấp rất cao lại có thể nói chuyện một cách gần gũi với người nông dân.


"Ông vua" trên cánh đồng bất tận

Những năm 1920 thật khó khăn đối với Liên Xô. Sau cuộc nội chiến tàn khốc và sự can thiệp của nước ngoài, cuộc khủng hoảng nông nghiệp và sự thất bại của cải cách kinh tế, nhà nước Liên Xô mới cần các biện pháp căn cơ và quan trọng cho sự phát triển trong tương lai. Tập thể hóa là một trong số đó.

Tập thể hóa đã dẫn đến những cải cách lớn của ngành nông nghiệp ở Liên Xô. Từ năm 1927, tập thể hóa nhằm mục đích củng cố các trang trại nông dân và lao động cá nhân trong các trang trại tập thể được gọi là "kolkhozes". 

Nhà lãnh đạo Nikita Khrouchtchev (bên trái) bắt tay người bạn Mỹ Roswell Garst trong chuyến thăm tới Mỹ ngày 23-9-1959. Ảnh: AP.

Công nhân không nhận được tiền lương, nhưng một phần của những gì trang trại tập thể sản xuất - chỉ cho nhu cầu của chính họ và của gia đình họ, không còn nữa. Các nhà lãnh đạo Liên Xô hy vọng, tập thể hóa sẽ làm tăng đáng kể nguồn cung thực phẩm của người dân thành thị. Điều này cực kỳ quan trọng vì quá trình công nghiệp hóa đã được bắt đầu trong quá trình này. Có nhiều công nhân trong các nhà máy có nghĩa là nhu cầu thực phẩm càng tăng.

Khi lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Nikita Khrushchev đặt ưu tiên vào việc sản xuất lương thực, phục vụ đời sống người dân.

Nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev quyết định trồng ngô trên khắp lãnh thổ của Liên Xô. Theo kế hoạch mà ông đưa ra, việc trồng cây lương thực này có thể là "chiếc bánh thứ hai" và giải quyết hiệu quả 2 vấn đề của nông nghiệp Liên Xô: thiếu ngũ cốc và thiếu thức ăn cho gia súc.

Là người am hiểu về nông nghiệp, ông Khrushchev nhận thấy rằng, tại Mỹ, ngô là cây lương thực chính được dùng làm thức ăn cho gia súc, nhờ đó góp phần phát triển ngành chăn nuôi. Ông Khrushchev cũng biết rõ về loại đất tchernoziom (loại đất giàu mùn) ở Ukraine và cuộc chiến chống đói nghèo ở nước cộng hòa này. Nhà lãnh đạo Liên Xô tin rằng, trồng ngô sẽ thúc đẩy cho ngành nông nghiệp của nước này phát triển.

"Cơn sốt ngô" của ông Khrushchev lan khắp cả nước. Tầm quan trọng của việc trồng loại cây lương thực này đã được thảo luận trên truyền hình, trên báo chí và cả trong phim hoạt hình. Sau đó, những vùng đất rộng lớn trồng yến mạch, lúa mạch đen và lúa mì đã được thay thế và phân bổ cho canh tác ngô.

Tuy nhiên, trong "chiến dịch ngô" của mình, nhà lãnh đạo Khrushchev đã không tính đến việc nhiều vùng của Nga nằm trong khu vực nông nghiệp có rủi ro cao và đất nghèo dinh dưỡng.

Sự trợ giúp đến từ bên kia bờ đại dương

Đối với người Mỹ - nước đi đầu trong lĩnh vực trồng ngô, đã chia sẻ kinh nghiệm rất quý báu với các chuyên gia Liên Xô. "Người Mỹ đã có nhiều thành công hơn chúng tôi trong lĩnh vực trồng ngô và đó là lý do vì sao người dân Mỹ không phải xếp hàng mua thịt", ông Khrushchev nói.

Năm 1955, một phái đoàn Liên Xô đã đến bang Iowa của Mỹ để nghiên cứu một cách tỉ mỉ công việc của các trang trại địa phương và cố gắng tìm hiểu bí mật thành công của người Mỹ. Kết thúc chuyến đi, những người nông dân ở Iowa được mời đến Liên Xô. "Tuy nhiên, những người nông dân Iowa nhận lời mời đến thăm Liên Xô một cách xã giao. Họ không bị thu hút bởi một nước Nga xa xôi, lạnh lùng và thù địch", con trai của Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, ông Sergei Khrushchev viết trong cuốn sách "Nikita Khrushchev".

Theo lý giải của ông Sergei Khrushchev, điều quan trọng là động thái này sẽ không có lợi do Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó cấm dân Mỹ có hoạt động giao thương với Liên Xô.

Tuy nhiên, một nông dân đã quyết định phá vỡ bức tường ngăn cách đó. Năm 1955, người nông dân có tên Roswell Garst đã tự mình sang Liên Xô cùng với vợ. Ngoài các hoạt động trao đổi về nông nghiệp, ông đã dành các buổi chia sẻ kinh nghiệm nhân giống ngô và buôn bán hạt giống trên khắp bang Iowa. Đối với Liên Xô, đây đúng là một phát hiện kỳ diệu thực sự.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên Xô, ông Garst đã đến tham quan Triển lãm Nông nghiệp Liên Xô, đi du lịch vòng quanh Liên Xô, thăm các nông trường tập thể. Tuy nhiên, ông Garst từ chối bình luận và không bày tỏ ý kiến của mình về hiệu quả của nền kinh tế Liên Xô khi đó.

Sau chương trình thăm quan chính thức trên, ông Garst còn được mời đến Crimea để gặp nhà lãnh đạo Khrushchev. Đó cũng là nơi nảy sinh tình bạn lâu dài giữa người nông dân Mỹ và Tổng Bí thư Liên Xô. "Cha tôi và Garst rất thân với nhau. Họ có chung niềm đam mê về nông nghiệp. Họ có thể nói về ngô, đậu nành và đậu Hà Lan trong nhiều giờ", ông Sergei Khrushchev nói.

Trong các cuộc trò chuyện, ông Garst đã không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình với nhà lãnh đạo Khrushchev. "Nông nghiệp Liên Xô chậm hơn 15 năm so với nhu cầu của dân số Liên Xô ngày càng tăng, trong khi nông nghiệp Mỹ lại đi trước 15 năm so với sự tăng trưởng dân số", ông Garst giải thích.

Roswell Garst đã rất ngạc nhiên khi biết nước Nga thiếu cập nhật những tiến bộ trong lĩnh vực nông - công nghiệp. "Tại sao các ngài biết rất ít về nông nghiệp của chúng tôi? Bạn Khrushchev thân mến! Những điều mà tôi nói với bạn đều đã đăng trong các bản tin nông nghiệp. Bạn có thể mua bản tin hoặc đăng ký nhận miễn phí mà không gặp vấn đề gì. Các cơ quan tình báo của bạn còn thu thập được bí mật nguyên tử của nước Mỹ dù chúng được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng, đáng tiếc họ lại không biết phải làm gì để có được kiến thức nông nghiệp đơn giản này".

Cuối cùng, ông Khrushchev và ông Garst đã đạt được thỏa thuận, theo đó Garst đồng ý bán hạt giống ngô lai Mỹ cho Liên Xô và giá trị được quy đổi bằng vàng. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được thực hiện do nằm trong lệnh cấm kinh tế do Mỹ áp đặt.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ việc thiết lập quan hệ giao thương giữa Mỹ và Liên Xô và chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho Liên Xô. Vì thế, Garst không thể nhận được giấy phép xuất khẩu ngô sang Liên Xô.

Tuy nhiên, người nông dân Mỹ kiên trì theo đuổi thương vụ trên. Thậm chí, ông còn sử dụng mối quan hệ của mình với Thời báo New York để gây áp lực với chính quyền Mỹ. Trong bài viết "Bức màn sắt của ai", tờ báo này đưa ra nhận định rằng, người Mỹ thích tưởng tượng rằng các "vấn đề" nằm ở Liên Xô, nhưng thực tế là chính Washington đang kìm hãm thương mại.

Đáng chú ý là, nếu Garst không được "bật đèn xanh" thì làm sao Thời báo New York có thể xuất bản bài "Bức màn sắt của ai?" trên mặt báo.

Cuối cùng, Roswell cũng có được giấy ủy quyền cho cháu gái của mình - Liz Garst. Theo cuốn sách của ông Sergei Khrushchev, "giấy phép xuất khẩu này đã đánh dấu sự mở cửa đầu tiên quan trọng sau Bức màn sắt bao quanh Liên Xô, mở đường cho việc thiết lập quan hệ thương mại giữa Liên Xô và Mỹ.

Một tình bạn không có nghi lễ

Nhà lãnh đạo Liên Xô và người nông dân Mỹ nói chuyện khá thoải mái bởi họ có những điểm giống nhau: hơi thô, trông như nông dân.

"Tôi nghĩ, hai người này có thể trao đổi những vấn đề khó khăn mà không áp đặt quan điểm cá nhân lên trên. Họ có thể thành thật với nhau mà không tức giận. Cả hai đều thích thảo luận về ý tưởng, kể chuyện và cười. Hơn nữa, họ tự do nói chuyện không chỉ về canh tác ngô, mà còn về sự hiện diện của tên lửa Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ", cô Liz Garst nói.

Ông Roswell Garst (giữa) và cháu trai John Crystal (bên phải) thăm Triển lãm thành tựu kinh tế quốc gia ở Moscow ngày 10-5-1963. Ảnh: AP.

Sau này, ông Roswell Garst đã có dịp đến thăm Liên Xô, Hungary và Bulgaria tới hơn 60 lần, ví dụ như ngày 10-5-1963, ông Roswell Garst và cháu trai John Crystal đã thăm quan Triển lãm thành tựu kinh tế quốc gia tại Moscow. Mỗi lần từ Liên Xô trở về, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) luôn tìm ông để phỏng vấn và yêu cầu nói rõ ai là người mời ông sang Liên Xô. "Chúng tôi thường bị FBI thẩm vấn khi từ Liên Xô trở về Mỹ. Chúng tôi không có gì phải nói dối. Vì vậy, hãy nhớ, đừng nói với chúng tôi bất cứ điều gì FBI không nên biết", Garst nói.

Trong hơn 60 lần đến thăm Liên Xô, Garst đã được đưa đi khắp đất nước rộng lớn. Ông không ngần ngại hét lên sau khi thấy những người nông dân ở các nông trang tập thể làm không đúng cách. 

Ngày 23-9-1959, trong chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã tới các nơi Washington, New York, California, Iowa và gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower. Ông Khrushchev cũng được người bạn Garst đưa tới tham quan trang trại của mình ở Coon Rapids, Iowa.

Trong khi mối quan hệ giữa ông Garst và ông Khrushchev ngày một tốt đẹp, thì "chiến dịch ngô" nói chung đã thất bại. Hạt giống từ Iowa với khí hậu ôn hòa không thể bén rễ ở vùng Siberia lạnh giá. Ngô cũng không thể thay thế lúa mạch đen và lúa mì truyền thống. Năm 1964, ông Khrushchev từ chức.

Tuy nhiên, Khrushchev và Garst vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm trong suốt quãng đời còn lại, thường xuyên gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày lễ. Như Liz tâm sự, Khrushchev đã viết nhiều bức thư cho ông của cô hơn là cho Tổng thống Dwight Eisenhower.

Ngoài chiến dịch ngô, trong những năm 1950, Liên Xô còn tiến hành nhiều chiến dịch khác, trong đó có chiến dịch "Vùng đất nguyên sơ".

Theo tờ Russia Beyond, ngày 16-8-1956, Chính phủ đã thông qua một nghị định về "Thủy lợi và định giá vùng đất nguyên sơ". Hơn 1,5 triệu người sau đó đã rời tới thảo nguyên Kazakhstan, vùng Volga, Siberia và Urals để trồng ngũ cốc. Gần 1,7 triệu người đã tham gia vào dự án này trong những năm 1950, trong đó có khoảng 300.000 Komsomol (Đoàn Thanh niên Lênin Cộng sản, được thành lập năm 1918). 

Năm đó, việc sản xuất chỉ đơn giản là ấn tượng: 125 triệu tấn ngũ cốc đã được thu hoạch, điều chưa từng thấy ở Liên Xô. Một nửa đã được sản xuất trên các vùng đất nguyên sơ.

Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi. Dù diện tích nông nghiệp tăng thêm 45 triệu ha và việc thu hoạch đã hạn chế tình trạng thiếu lương thực trong nước trong một thời gian, nhưng không giải quyết được vấn đề thiếu lương thực trong dài hạn. Hơn nữa, các chuyên gia nông nghiệp không thể dự đoán được năm nay có được mùa màng hay không.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thiếu trang thiết bị, máy móc, lại thêm đất khô cằn không phù hợp với sản xuất ngũ cốc, nên điều kiện sống của nông dân ngày một tồi tệ. Đến cuối những năm 1950, chiến dịch "Vùng đất nguyên sơ" đã làm thâm hụt 20% ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp.

Nhưng dù thế nào thì tình bạn giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev và người nông dân Mỹ Roswell Garst vẫn được nhiều người ngưỡng mộ.

Yên Bình

.